Điểm báo ngày 17/10/2019

(CDC Hà Nam)
Phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em: Không chủ quan, lơ là; Vụ một phụ nữ tử vong sau khi căng da mặt: Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm; Khó triển khai một số điểm mới trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia…

 

Phát triển sản phẩm quốc gia vắc-xin phòng bệnh cho người: Kỳ vọng lớn, khó khăn nhiều

Theo Văn phòng Chương trình, quá trình triển khai đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ KH và CN với Bộ Y tế; tập hợp được các nhà quản lý, nhà khoa học; huy động được cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và trình độ tiếp cận công nghệ thế giới. Tiến độ thực hiện khẩn trương, nhưng chưa đạt được kỳ vọng của xã hội về sản phẩm quốc gia vắc-xin phòng bệnh cho người.

Tìm hiểu tại các đơn vị đang triển khai các dự án, được biết khó khăn nhất hiện nay là cơ chế tài chính chưa phù hợp đặc thù của hoạt động nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin đòi hỏi chi phí lớn do thời gian nghiên cứu lâu, trung bình từ 10 đến 15 năm; nhiều rủi ro, thậm chí có thể thất bại; các vắc-xin thế hệ mới cần công nghệ tiên tiến, trang thiết bị, nguyên vật liệu mới. Trong khi đó, các định mức chi hiện nay áp dụng chung như các sản phẩm thông thường. GS, TS Nguyễn Ðăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) cho biết, quá trình triển khai sản xuất vắc-xin bại liệt bất hoạt gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu thử nghiệm lâm sàng. Kinh phí Nhà nước dành cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 là 2,3 tỷ đồng, trong khi chi phí thực tế hết 6,8 tỷ đồng, đơn vị phải tự bù đắp phần còn thiếu. Ðịnh mức thanh toán cho các tình nguyện viên, các cộng tác viên dự án quá thấp, đơn vị luôn phải thanh toán theo thực tế mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Chia sẻ vấn đề này, Phó Chánh văn phòng Chương trình Hoàng Hoa Sơn cho rằng, việc thiết kế Chương trình chưa lường hết được các đặc thù của nghiên cứu vắc-xin, nhất là khâu thử nghiệm lâm sàng khiến bố trí nguồn lực không đủ. Hầu như dự án nào cũng vướng các thủ tục đấu thầu hóa chất, mẫu kháng nguyên do áp dụng quy định của hàng hóa thông thường. Nhiều nhà sản xuất phải tự ứng tiền trước để kịp tiến độ nghiên cứu; việc bổ sung kinh phí mất nhiều thời gian. Ngoài ra, có thể, Chương trình quá kỳ vọng vào sản phẩm vắc-xin, cho nên có một số tiêu chí “đốt cháy giai đoạn”, như thời hạn ra sản phẩm trên thị trường quá ngắn; yêu cầu doanh thu của các sản phẩm lại cao…

Bên cạnh đó, một số dự án sau khi hoàn thành nghiệm vụ nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm, chuyển sang quy mô pilot và quy mô lớn thì gặp phải lực cản là chưa có cơ chế đầu tư cơ sở vật chất và chưa huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất vắc-xin. Lực cản này nếu không được tháo gỡ thì khó đạt được mục tiêu sản phẩm cho xã hội. Ðiển hình là nghiên cứu các thành phần cho vắc-xin 6 trong 1 có thành phần ho gà vô bào. Ðây là mục tiêu lớn của Chương trình, nhằm đáp ứng nhu cầu người dân và thay thế vắc-xin nhập khẩu. Ðến nay, ba thành phần nghiên cứu mới là Hib cộng hợp, ho gà vô bào, bại liệt bất hoạt (ba thành phần còn lại đã có sẵn) chủ yếu dừng ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa có kinh phí để thực hiện các giai đoạn tiếp theo. TS Ðỗ Tuấn Ðạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cho biết, thành phần vắc-xin Hib cộng hợp hiện chưa có kinh phí để đầu tư máy móc, thiết bị mới để nâng quy mô sản xuất từ phòng thí nghiệm lên quy mô sản xuất thử nghiệm. Nếu chậm ở giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến các giai đoạn phối trộn, thử nghiệm lâm sàng, thương mại hóa sản phẩm. Thành phần khó nhất là ho gà vô bào, tuy đã được Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm, nhưng đã tạm dừng do chưa có nguồn đầu tư cơ sở vật chất để nâng quy mô sản xuất, đồng thời thiếu nguồn lực nghiên cứu. Vắc-xin bại liệt bất hoạt tuy đã gần “về đích”, nhưng việc sản xuất thành phẩm cũng phải chờ dự án đầu tư cơ sở sản xuất, phòng thí nghiệm bảo đảm an toàn sinh học theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Các nhà nghiên cứu vắc-xin lo ngại, bước đi tiếp theo là thương mại hóa sản phẩm quốc gia vắc-xin khó đạt được mục tiêu, nếu không có cơ chế, giải pháp phù hợp. GS, TS Nguyễn Ðăng Hiền cho rằng, nếu các vắc-xin được nghiên cứu, phát triển thành công thì chưa biết dùng nguồn vốn nào để đầu tư dây chuyền, thiết bị, mở rộng nhà xưởng phục vụ thương mại hóa sản phẩm. Thực tế, Chương trình có bảy dự án đầu tư để tăng cường tiềm lực nghiên cứu, sản xuất các vắc-xin hiện có cho bốn đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, nhưng đến nay chưa triển khai thực hiện do không có kinh phí. Từ thành công của hai sản phẩm quốc gia là vắc-xin phối hợp sởi – rubella (MR), vắc-xin cúm mùa (IVACFLU-S) cho thấy, thương mại hóa được là nhờ sự hỗ trợ về cơ sở vật chất từ dự án hợp tác quốc tế. Do đó, Chương trình cần có định hướng cho giai đoạn tiếp theo, nhất là có các dự án đầu tư và kinh phí bảo đảm thực hiện. Theo TS Ðỗ Tuấn Ðạt, để đạt mục tiêu sản phẩm quốc gia, Nhà nước cần đặt “đề bài” về các sản phẩm đầu ra ở từng giai đoạn, trên cơ sở các lợi thế sẵn có để quyết định đầu tư thương mại hóa một số sản phẩm, không thể thương mại hóa tất cả sản phẩm cùng một lúc. Nguồn lực đầu tư có thể từ Nhà nước, tư nhân, hoặc nguồn hỗ trợ, tài trợ của nước ngoài. Từ đó có cơ chế phù hợp, chẳng hạn, nếu là tư nhân thì cho phép cổ phần hóa để huy động nguồn lực của tư nhân cho sản xuất vắc-xin. Các nhà sản xuất trong nước cũng cần thay đổi tư duy, không thể trông chờ ngân sách nhà nước. Việc phát triển, sản xuất vắc-xin cần có doanh nghiệp và các chính sách phải coi doanh nghiệp là trung tâm, đồng thời doanh nghiệp phải cam kết với Chương trình về trách nhiệm đến cùng để ra được sản phẩm.

Trao đổi về kế hoạch sắp tới, ông Hoàng Hoa Sơn cho biết, Chương trình sẽ tổng kết, xin ý kiến các bên liên quan về cách tiếp cận cho giai đoạn tiếp theo. Cần truyền thông đến các bên liên quan về đặc thù của nghiên cứu vắc-xin để thống nhất cách nhìn, điều chỉnh thời gian nghiên cứu nhằm bố trí nguồn lực tốt hơn; xác định các nội dung ưu tiên, các sản phẩm có lợi thế để hỗ trợ nghiên cứu, thương mại hóa, tránh dàn trải như hiện nay. Vừa qua, Chương trình đã phê duyệt bổ sung một số dự án theo hướng kéo dài thời hạn nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu từ đầu đối với một số vắc-xin. Bên cạnh đó, các nhà chuyên môn phải hoạch định được sản phẩm cho mình trong từng giai đoạn, xây dựng lộ trình sát thực tế để đồng hành cùng Chương trình. TS Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng KH và CN các ngành kinh tế – kỹ thuật (Bộ KH và CN) cho rằng, giai đoạn vừa qua, những nội dung đề xuất của các đơn vị nghiên cứu, sản xuất đều được đưa vào Chương trình để đầu tư nghiên cứu, với kinh phí hơn 100 tỷ đồng, nhưng quá trình nghiên cứu vẫn có nhiều khó khăn. Các đơn vị nghiên cứu, bộ chuyên ngành cần đề xuất cụ thể về cơ chế đặc thù và cần tìm nhà đầu tư lớn để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm.

Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin được Nhà nước quan tâm thể hiện qua các chương trình KH và CN cấp quốc gia, nhờ vậy đã làm chủ công nghệ sản xuất hầu hết các vắc-xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Việt Nam có đội ngũ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin nhiều kinh nghiệm để có thể tạo ra các sản phẩm vắc-xin có sức cạnh tranh trong nước và xuất khẩu. Bởi vậy, những khó khăn của Chương trình cần được điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm, tránh lãng phí chất xám, mất cơ hội thu hút nguồn nhân lực trẻ cho nghiên cứu và phát triển vắc-xin.  (Nhân dân, trang 8).

 

Vụ một phụ nữ tử vong sau khi căng da mặt: Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm

Sáng 16-10, Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa đã ký văn bản yêu cầu Sở Y tế TPHCM khẩn trương kiểm tra xác minh làm rõ thông tin một phụ nữ tử vong sau khi thực hiện thẩm mỹ căng da mặt tại Bệnh viện (BV) Thẩm mỹ Kangnam (84A, Bà Huyện Thanh Quan, phường 9, quận 3, TPHCM).

Nội dung công văn yêu cầu Sở Y tế TPHCM xử lý vi phạm đối với người hành nghề và Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam (nếu có) theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, văn bản của Cục cũng yêu cầu Sở Y tế TPHCM tăng cường thanh kiểm tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khám chữa bệnh theo đúng quy định của Luật khám chữa bệnh và báo cáo về Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trước ngày 25-10.

Theo báo cáo  nhanh của Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam gửi Sở Y tế, ngày 11-10, đơn vị này tiếp nhận bà C.T.L (59 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) đến thăm khám với tình trạng da mặt lão hóa, không tự tin trong giao tiếp và mong muốn được thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ căng da mặt. Bệnh nhân khai đã từng bơm silicon vào 2 má và không mắc bệnh gì khác.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm, vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 11-10, bệnh nhân được gây mê và thực hiện phẫu thuật căng da mặt. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tiến triển bình thường, đến 19 giờ cùng ngày bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Tuy nhiên đến 21 giờ cùng ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó thở, tím tái. Nghi sốc phản vệ, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu tại chỗ nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện, suy hô hấp, phải thở máy.

Đến 21 giờ 30 phút cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến BV Nhân dân 115 trong tình trạng suy hô hấp chưa rõ nguyên nhân, theo dõi sốc phản vệ. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến BV Chợ Rẫy. Đến tối ngày 14-10, bệnh nhân tử vong.

Ngay sau khi tiếp nhận vụ việc, Sở Y tế đã phối hợp với Phòng Y tế quận 3 tiến hành kiểm tra và tìm hiểu thông tin tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam; đồng thời niêm phong toàn bộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Y tế cũng đã đi đến các bệnh viện có liên quan như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm hiểu và thông tin.

Sở Y tế sẽ sớm thành lập Hội đồng chuyên môn để có thông báo kết luận về vụ việc này. (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Khó triển khai một số điểm mới trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia

Thông tin tại Hội nghị triển khai Luật Phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 16-10, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, một số điểm mới khác trong Luật như: Cấm người lao động sử dụng rượu bia trong giờ làm việc cũng như giờ nghỉ trưa; Chủ kinh doanh vận tải cần có biện pháp để ngăn ngừa, ngăn chặn người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông. Trong tương lai có thể yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải có thiết bị thổi nồng độ cồn trước khi lái xe xuất bến…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, có một số điểm mới trong Luật khó triển khai. Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, làm sao để người dân tin uống rượu bia hại sức khỏe trong khi nhiều người vẫn cho rằng uống rượu bia được xem là văn hóa. Ai sẽ là người đi kiểm tra giám sát những hành vi bị cấm trong luật? Triển khai luật như thế nào là cái khó nhất.

Theo bà Tiến, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia; đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Vì vậy để đạo luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật hết sức quan trọng. (Công an Nhân dân, trang 2).

 

Rùng mình tay ngang làm đẹp – Kỳ 2: Mánh khóe moi tiền khách

Bà N. (quản lý cơ sở thẩm mỹ trên đường Nguyễn Thanh Tuyền, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) tiết lộ nhiều “bí kíp” lôi kéo, buộc khách và mẫu phải “quay lại tìm chị nhiều lần nữa”.

“Nếu nó (khách) tiêm filler tốt thì được hai năm, còn ham rẻ chọn tiêm filler thường chỉ được mấy tháng thôi, khi thấy không còn đẹp nữa đương nhiên phải quay lại kiếm chị dặm lại hoặc tiêm tan à. Nghĩa là không chỉ tiêm cho khách một lần thôi đâu, nó sẽ quay lại nhiều lần nữa, càng nhiều lần mình càng có nhiều tiền, tiêu hoài luôn” – bà N. đắc ý.

Nhìn mặt khách pha thuốc

Đề phòng trường hợp khách quay lại thắc mắc chỗ tiêm sao lại không đẹp như ban đầu, bà N. căn dặn học viên tuyệt đối không được cam kết với khách, mà phải tư vấn hướng họ đến việc kiêng cữ dầu mỡ (đối với thuốc tan mỡ), kiêng rượu bia (đối với filler).

“Khách tìm đến cứ nhận làm và khuyên không được uống rượu bia vì filler không chịu rượu bia. Nói thật, không có ai không uống rượu bia, cứ 6 tháng sau là họ phải quay lại dặm à”, bà N. nói. Điều bà N. nói là có cơ sở. Bởi trong số khách tìm đến làm đẹp tại đây có nhiều khách từng được bà phẫu thuật cách đây không lâu, thậm chí cùng chung một dịch vụ.

Ngay trong buổi dạy lý thuyết gần 1 tiếng đồng hồ cho tôi, bà N. tiết lộ tất cả các loại thuốc sử dụng tiêm cho khách hiện không có bán trên thị trường. Các loại thuốc này được lấy từ Hà Nội, có nguồn gốc từ Hàn Quốc, giá chỉ từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn. Thế nhưng khi tiêm bà N. thường “hét” giá hàng triệu đồng/khách.

Bà này chỉ dạy, với 1cc (tức 1ml) dung dịch filler có giá 400.000 đồng, khi tiêm phải lấy của khách từ 2 đến 5 triệu đồng, một chai botox có giá 800.000 đồng khi tiêm lấy của khách từ 2 đến 3 triệu đồng, một chai tan mỡ chỉ có 900.000 đồng khi tiêm lấy của khách từ 2 đến 3 triệu đồng.

Còn những vật dụng khác như: ống kim tiêm, cồn, dịch truyền tĩnh mạch, gạc y tế… bà này mua tại các tiệm thuốc tây với giá chỉ vài chục ngàn đồng/sản phẩm. “Quan trọng là kỹ thuật tiêm, chứ thuốc không quan trọng đâu” – bà này nói.

Theo bà N., hiện dịch vụ thẩm mỹ làm đẹp đang là nghề “hot”, rất dễ “hái ra tiền”. Việc đầu tư vào tiêm filler, botox chỉ có lợi nhuận, không bao giờ sợ thua lỗ. Đặc biệt đối với các dịch vụ có dùng botox và thuốc tan mỡ cằm, tan mỡ bụng, hạ gò má… có rất nhiều chiêu thức đánh lừa móc túi khách hàng.

“Hai loại này là dạng bột, trước khi tiêm cho khách phải pha trộn với nước dịch truyền tĩnh mạch để trở thành dung dịch. Em có thể mix (pha trộn) nước dịch truyền tĩnh mạch vào đầy chai hoặc nửa chai thuốc tan, botox đều được. Những khách đưa tiền ít thì mix nhiều dịch truyền, ngược lại nhiều tiền thì mix dịch truyền ít thôi, cỡ nửa chai là được, phải nhìn mặt, xem giá người ta trả rồi mix” – bà N. khuyên dạy.

Với cách làm ăn này, mỗi tháng doanh thu của bà N. khoảng 60 – 80 triệu đồng. “Ngày gần tết, vài đứa ở nước ngoài về qua làm đẹp là tiền không, ham lắm”, bà N. nói và cho biết chỉ sau khóa đào tạo cấp tốc dưới bàn tay của bà, nhiều học viên tay ngang “tung cánh” – mở spa khắp nơi và đều thành đạt.

Với chiêu trò tương tự, L. (chủ cơ sở làm đẹp tại một chung cư ở quận 6) thường xuyên đăng tuyển mẫu (người thử nghiệm) tiêm botox, filler. Đầu tháng 6-2019 L. chèo kéo được bà T., ở quận Phú Nhuận đến tiêm cằm cho thon gọn. Từ trước tới nay cằm bà T. vốn được mọi người khen to tròn nhưng L. chê “thiếu cằm” và dụ tiêm độn cằm với giá 350.000 đồng.

“Dù không muốn tiêm nhưng lỡ đến rồi tôi đánh liều. Người tiêm là học viên, thọc kim móc ngược móc xuôi trong cằm rồi dùng hai tay bóp mạnh làm tôi đau điếng. Kết quả sau nhiều lần điều chỉnh cằm tôi bị vênh, méo xệch một bên, mấy ngày sau còn bầm tím” – bà T. bức xúc nói.

Đối đáp lại, L. không nhận lỗi về mình mà bình thản dụ tiếp: “Đợi hết sưng lên em tiêm tan cho đều lại”. Khi khách không đồng ý, L. nhắn lại: “Có ai ép chị tiêm đâu” và chặn cuộc trò chuyện.

“Không chết là được”

Tương tự bà N., T. (quản lý cơ sở làm đẹp trên đường Tôn Thất Thuyết, quận 4) tiết lộ thực chất thuốc sử dụng cho các mẫu chỉ là loại thuốc rẻ tiền, kém chất lượng. Việc mua và phân phối các loại thuốc rẻ tiền phục vụ việc làm đẹp này, theo T., dân trong nghề hình thành cả đường dây, cần là có.

Tiêm cho khách mỗi ngày nhưng T. thú nhận không hề biết về nguồn gốc, chất lượng và tác dụng thực của các loại thuốc đang dùng. “Thuốc được người bạn nhập khẩu từ Hàn Quốc bán chui rất nhiều loại, chủ yếu đăng trên các trang mạng xã hội để kiếm khách” – T. nói.

Theo T., với mẫu tiêm filler cho mũi hoặc cằm chỉ được tiêm loại thuốc có giá khoảng 200.000 đồng/tuýp. “Ở một số nơi tiêm miễn phí bọn nó còn tiêm silicon cho mẫu, với cái giá miễn phí đó lấy đâu ra thuốc tốt. Các loại thuốc này tiêm rất dễ tan, thậm chí chỉ cầm được trong vòng vài tuần và gây ra tình trạng biến dạng cho các bộ phận được tiêm”, T. nói. Tôi tỏ ra bối rối, T. trấn an: “Mày chỉ mua về và tiêm thôi, phần còn lại không quan tâm, miễn sao không chết người là được”.

Để thuốc có tác dụng nhanh phát huy được hiệu quả, như các loại thuốc tan mỡ, T. sẽ trộn chúng với nhau (mix thuốc). Đặc biệt, muốn trắng nhanh T. có chiêu tăng hàm lượng chất tẩy trắng khi truyền. Tôi hỏi thật T. có dám dùng các sản phẩm này không? “Mặt tao là mặt tiền, không phải con lợn để chúng nó chọc và đưa cái gì vào cơ thể cũng được”, T. nói.

Để được nhiều khách đến làm đẹp và làm sao để khách phải sử dụng thêm dịch vụ là một “nghệ thuật” – T. yêu cầu tôi cần phải học hỏi. Nếu làm tốt có thể kiếm lời 5 – 6 triệu đồng/lần tiêm là chuyện hết sức thường tình.

Tại cơ sở của mình, mỗi khi có khách tới, T. liên tục gạ khách lên “phòng kín” để tiêm tan, truyền trắng. Khi khách lọt vào “lò” làm đẹp của mình, T. thỏa sức giở các chiêu chặt chém. Tại đây, một tuýp thuốc tiêm filler tốt có giá 300.000 đồng, khi tiêm cho khách T. có thể “hét” giá từ 1 – 1,2 triệu đồng. “Cái gì cũng vậy, mày làm cũng phải lấy gấp đôi lên”, T. truyền đạt kinh nghiệm.

Ngày 30-9, sau khi tiêm 1 tuýp thuốc (tương đương 1cc) cho mẫu, T. lấy cằm của mình ra minh họa, giở trò mồi chài: “Cằm như này là chưa đẹp, em phải tiêm thêm 1cc thuốc nữa. Tiêm vào cam đoan buổi tối thả tóc ra nữa xinh như hot girl luôn”. Trước lời khuyên đường mật của T., phân vân trong giây lát, mẫu này cũng đồng ý cho T. tiêm thêm 1cc nữa với giá 800.000 đồng.

T. khẳng định, nếu hành nghề làm đẹp mà không biết “gạ” khách thì lấy đâu ra tiền. Nhưng gạ phải nhìn vào tâm trạng của khách. Lần gần đây nhất một vị khách chỉ có nhu cầu tiêm 1cc thuốc, T. đã “gạ” bằng được người này tiêm đến 7cc. Hôm đó T. đút túi gần 6 triệu đồng tiền lời. Ngoài ra, T. còn thú nhận không có sách vở nào quy định số lần truyền trắng, đó là tự T. “bịa” ra để buộc khách phải thực hiện theo lộ trình. Nhờ đó mà T. dễ moi tiền hơn từ khách (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Hai bé song sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B

Sau khi tiêm vắc xin viêm gan B khoảng 4 tiếng, hai bé song sinh có biểu hiện trớ sữa, đột ngột suy hô hấp tím tái, khó thở và tử vong sau đó.

Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An cho biết, ngày 9/10, sản phụ Nguyễn Thị Hồng Th (31 tuổi, xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn), sinh mổ song thai tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc. Hai bé gái một bé cân nặng 3,3 kg, một bé 3,1 kg. Sản phụ tiền sử sản khoa bình thường. Cả hai bé sau đẻ khóc ngay, bú được…

Đến 8h sáng 11/10, cả 2 bé được chỉ định tiêm vắc xin viêm gan B do nhà sản xuất Cty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1. Ngày sản xuất 26/4/2018. Vắc xin được cho là bảo quản theo đúng quy trình.

Tuy nhiên, 4 tiếng sau tiêm, bé thứ nhất trớ sữa, đột ngột suy hô hấp tím tái, khó thở. Các bác sỹ phải tiến hành khai thông đường hô hấp, hút ra ít sữa, hô hấp hỗ trợ thở oxy và chuyển sang Khoa Nhi cấp cứu. Vào đơn nguyên sơ sinh trẻ trong tình trạng thở nông yếu, cơn ngừng thở dài, tím tái toàn thân, trương lực cơ mềm nhẽo, thân nhiệt 35 độ C, mạch không bắt được, nhịp tim rời rạc, phổi 2 bên thông khí kém, bụng chướng…

Tại đây, các bác sỹ tiến hành hô hấp tuần hoàn, xét nghiệm và chẩn đoán cháu bé bị suy hô hấp sơ sinh chưa rõ nguyên nhân, chưa loại trừ sặc sữa, hoặc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh/sau tiêm vắc-xin viêm gan B giờ thứ 5. Bé tử vong vào 14h45p ngày 11/10 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc.

Vào 16h45p cùng ngày, bé thứ 2 cũng đột ngột thở nấc tím tái, da xanh, lờ đờ, phản xạ sơ sinh chậm. Bệnh nhi được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Tiên lượng nặng, đe dọa tử vong, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An dự định chuyển cháu ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhưng trong lúc chuyển bệnh nhân qua xe thì cháu diễn biến xấu, nghi ngờ có tràn khí màng phổi trái, nên ngừng chuyển viện. Đến 13h (ngày 12/10) cháu tử vong.

Kết luận hội chẩn của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An là suy hô hấp, suy tuần hoàn/hạ đường huyết, theo dõi rối loạn chuyển hóa. Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An cho biết, bệnh viện chưa đủ cơ sở kết luận nguyên nhân gây diễn biến nặng dẫn đến tử vong của 2 cháu.

Được biết, ngày 11/10, có 18 cháu được tiêm chủng vắc xin viêm gan B cùng lô thuốc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc. 16 cháu không có diễn biến gì bất thường. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Xây dựng luật phòng chống tác hại rượu bia gặp nhiều khó khăn vì xung đột lợi ích B

Sáng nay, 16-10, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật phòng, chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2020) nhằm giới thiệu nội dung cơ bản của luật, chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Luật này. Phát biểu tại đây, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, rượu bia gây nhiều tác hại nghiêm trọng, cả về sức khỏe lẫn các vấn đề xã hội. Cũng vì thế nên rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng.

Sau 7 năm nghiên cứu, xây dựng, ngày 14-6-2019, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng chống tác hại của rượu, bia.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong quá trình xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu, bia gặp rất nhiều khó khăn vì có tính xung đột lợi ích giữa sức khỏe và kinh tế, nhưng cuối cùng vấn đề bảo vệ lợi ích người dân vẫn được đặt lên trên hết.

Dù vậy, để luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật là hết sức quan trọng vì đây là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng, để Luật phòng chống tác hại của rượu bia đi vào thực tế cuộc sống cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp như: hạn chế sự sẵn có của rượu bia; kiểm soát quảng cáo rượu bia và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia…

Được biết, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại – tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống ở nước ta hiện lên tới 44%. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Quảng cáo sản phẩm An Hầu Đan có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng

Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua, trên trang: https://anhaudan.com, http:// dieutriviemva.com có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Hầu Đan Kids và An Hầu Đan vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Sản phẩm này được do Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô (Hai Bà Trưng, Hà Nội) công bố.

Cục ATTP đã mời Công ty Y Dược Kinh Đô lên làm việc, tuy nhiên đại diện công ty khẳng định sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Hầu Đan Kids và An Hầu Đan đang quảng cáo ở 2 website kể trên không phải do họ thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng và sẽ không được đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Cục ATTP đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý. Trong quá trình xử lý, Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Hầu Đan Kids và An Hầu Đan trên trang website/internet nêu trên. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em: Không chủ quan, lơ là

Trẻ em là đối tượng dễ bị tai nạn thương tích. Do đó, muốn bảo đảm an toàn cho trẻ, trước hết người lớn không được chủ quan, lơ là từ những việc nhỏ nhất, diễn ra trong cuộc sống thường nhật.

Những vụ việc đau lòng

Từ đầu năm 2019 đến nay, người dân Hà Nội phải chứng kiến không ít vụ đau lòng do tai nạn thương tích. Mới đây là vụ bé trai 6 tuổi (trú tại huyện Ứng Hòa) bị đuối nước tại Công viên nước Thanh Hà (Khu đô thị Thanh Hà Cienco, phường Phú Lương, quận Hà Đông) khi được người thân đưa vào đây chơi. Cũng tại địa điểm này, trước đó một bé trai bị đuối nước và thiệt mạng vào tháng 6, trong khi có nhiều người lớn xung quanh.

Không riêng quận Hà Đông, ngày 18-8, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) ghi nhận trường hợp bé trai 6 tuổi tử vong thương tâm khi tắm ở ao gần nhà. Ngoài những vụ việc nêu trên, mỗi năm Hà Nội xảy ra hàng chục vụ đuối nước thương tâm, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em.

Vốn hiếu động, tò mò, trẻ em còn có nguy cơ bị hóc, sặc dị vật. Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Khoa Tai – mũi – họng (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, cơ sở này từng cấp cứu thành công cho bệnh nhi D.M.Q, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) bị hóc đồng xu. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau họng, nuốt vướng, không ăn uống được. Kết quả chụp X-quang cho thấy, đồng xu nằm ngang giữa cổ. Rất may là gia đình đã nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện và dị vật mắc kẹt tròn xung quanh nên không gây tổn thương niêm mạc.

Đáng lo hơn là không ít trẻ em từng bị vật nuôi cào, cắn, tấn công, gây thương tích. Chẳng hạn, đầu tháng 8-2019, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận bệnh nhi H. (2 tuổi) ở Hà Nội bị chó của gia đình người thân tấn công. Cháu H. nhập viện với nhiều vết rách ở vùng hàm, mặt cùng vết thương nghiêm trọng trên đầu làm lộ xương sọ, mất máu nhiều.

Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy, tai nạn thương tích đối với trẻ em có thể xảy ra ở bất kỳ đâu và nguyên nhân phần lớn là do sự chủ quan, bất cẩn của người lớn. Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo các gia đình, cộng đồng phải chủ động phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là đối với trẻ em.

Cần sự phối hợp từ nhiều phía

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, để phòng đuối nước cho trẻ em, trẻ cần được người lớn trông nom, quan tâm, chăm sóc. Những trẻ lớn hơn cần được hướng dẫn để không chơi, tắm tại những nơi cấm bơi, lội, nơi có biển cảnh báo nguy hiểm. Khi cho trẻ bơi phải có người lớn biết bơi đi kèm. Bên cạnh đó, trẻ cần được tập luyện kỹ năng bơi lội, trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu đuối nước khi gặp nạn nhân bị đuối nước, biết cách sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy.

Các gia đình nên che đậy kín dụng cụ chứa nước khi không sử dụng, lắp rào chắn xung quanh khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước. Nhà trường và chính quyền địa phương cần hướng dẫn, tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, tạo môi trường an toàn cho trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ đuối nước, đặc biệt là trong mùa hè.

Nhằm hạn chế tình trạng hóc, sặc dị vật, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) khuyến cáo, người lớn không nên để trẻ em cầm các loại đồ vật nhỏ khiến trẻ dễ bỏ vào miệng; gỡ bỏ các hạt, mảnh xương… trong thức ăn, trước khi cho trẻ ăn. Thêm vào đó, người thân trong gia đình không để trẻ chơi một mình xung quanh những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ.

Trong trường hợp không may trẻ em bị hóc dị vật, bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) lưu ý, các bậc phụ huynh nên khuyến khích trẻ ho, rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý. Trong trường hợp trẻ không ho được, ho không hiệu quả, hoặc không tỉnh thì cần mở thông đường thở, nghe xem trẻ còn thở không. Nếu tim ngừng đập thì cần ép tim ngoài lồng ngực. Nếu trẻ tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực.

Với trường hợp trẻ bị vật nuôi cắn, bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, Khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) khuyên, những người chứng kiến hãy làm sạch vết thương cho trẻ dưới vòi nước chảy để loại bỏ tất cả mầm bệnh; dùng thuốc sát trùng để làm sạch vết thương sau đó hãy băng bó vết thương và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Trên thực tế, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương cả về thể chất, tinh thần. Hy vọng, các cơ quan chức năng, gia đình, cộng đồng cùng chủ động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ phát triển. (Hà Nội mới, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/9/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 23/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/6/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận