Điểm báo ngày 17/3/2022

(CDC Hà Nam)
Xây bệnh viện không phép trên đất quốc phòng: Quân khu 5 sẽ xử lý nghiêm; F0 điều trị ở nhà không được tự ý dùng thuốc kháng virus; F0 trầy trật khai báo qua mạng; Cà Mau cho F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ được đi làm; Người nhập cảnh không phải cách ly y tế; Cách ly tập trung F0 có còn cần thiết?

Xây bệnh viện không phép trên đất quốc phòng: Quân khu 5 sẽ xử lý nghiêm

Quân khu 5 vừa có văn bản cung cấp thông tin báo chí về đất quốc phòng do Quân khu quản lý tại địa chỉ 02 Nguyễn Hữu Thọ.

Quân khu 5 cho biết: Khu đất 02 Nguyễn Hữu Thọ được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH DVTM Trường Sơn Tùng với mục đích hợp tác đầu tư xây dựng khu liên hợp Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp và chẩn đoán, khám chữa bệnh đa khoa với thời hạn hợp đồng là 25 năm (2015 – 2040).

Ngày 13/6/2016, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng có văn bản số 1725 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP đồng ý chủ trương cho phép chủ đầu tư xây dựng Bệnh viện Hòa Hảo với quy mô 80 giường bệnh tại khu đất số 02 Nguyễn Hữu Thọ. Giao Sở Y tế khẩn trương triển khai thủ tục xin phép Bộ Y tế và hướng dẫn chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng sớm triển khai thủ tục đầu tư theo quy định; đề nghị chủ đầu tư cam kết hoàn thành xây dựng và đưa bệnh viện vào hoạt động trước Tết Nguyên đán 2017.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án, Công ty Trường Sơn Tùng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật, triển khai thi công xây dựng công trình khi chưa được địa phương cấp giấy phép xây dựng. Sau khi có ý kiến UBND TP Đà Nẵng và văn bản chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngày 25/10/2016 Bộ Tư lệnh Quân khu đã có văn bản yêu cầu công ty tạm dừng thi công dự án đến khi hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư theo đúng quy định pháp luật. Tại thời điểm này, Công ty Trường Sơn Tùng đã xây dựng xong phần thô 2 khối nhà 6 tầng và nhà 3 tầng.

Ngày 24/2/2017, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng tiếp tục có công văn 1486 tham mưu UBND TP cho phép chủ đầu tư hoàn thiện 2 khối công trình khám chữa bệnh và cho phép tồn tại công trình khu thương mại và dịch vụ ô tô. Trên cơ sở công văn của Sở ây dựng, ngày 26/10/2018, Công ty Trường Sơn Tùng có văn bản số 12 về việc xin phản hồi của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 về phương án sử dụng đất quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào mục đích kinh tế tại khu đất số 02 Nguyễn Hữu Thọ.

Ngày 31/10/2018, Bộ Tư lệnh Quân khu có công văn 1298 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và yêu cầu Công ty Trường Sơn Tùng tạm dừng, giữ nguyên hiện trạng, quản lý chặt chẽ khu đất.

Quân khu 5 cho biết: Năm 2020, 2021 lợi dụng tình hình dịch COVID-19, Công ty Trường Sơn Tùng đã tự ý hoàn thiện công trình và lắp đặt trang thiết bị. Quân khu đã kiểm tra, phát hiện Công ty Trường Sơn Tùng xây dựng công trình trái phép và đang tiến hành rà soát thực hiện theo Nghị quyết 132 ngày 17/11/2020 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Hiện nay, Quân khu 5 đang tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng phương án phát triển lâu dài báo cáo Bộ Quốc phòng. Đồng thời, phối hợp với sở, ngành có liên quan của UBND TP Đà Nẵng xử lý nghiêm các sai phạm tại khu đất số 02 Nguyễn Hữu Thọ theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, như Tiền Phong đưa tin, Quân khu 5 đã có buổi làm việc với Công ty Trường Sơn Tùng liên quan đến dự án bệnh viện Hòa Hảo có quy mô 7 tầng xây dựng không phép tại số 02 Nguyễn Hữu Thọ. Phía Quân khu đã đề nghị Cty Trường Sơn Tùng dừng mọi hoạt động tại bệnh viện 7 tầng vì lý do xây dựng không phép, vi phạm hợp đồng.

Dự án này thuộc khu đất của Bệnh viện Quân y 17, có diện tích xây dựng 4.500m2, mật độ xây dựng 70%, tổng diện tích sàn 10.000m2, vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Phía Công ty Trường Sơn Tùng sau đó đổi tên dự án thành Bệnh viện Hòa Hảo Đà Nẵng và nâng mức đầu tư lên hơn 79 tỷ đồng.

Sở Xây dựng cho biết: Công ty Trường Sơn Tùng đã thực hiện việc xây dựng khi chưa được cấp phép xây dựng theo quy định, gồm khối nhà đa khoa 7 tầng (diện tích 623m2), khối nhà đa khoa 3 tầng (555m2) và trung tâm dịch vụ ô tô 2 tầng (2.529m2). Các công trình này chưa được Sở cấp phép xây dựng theo quy định (Tiền phong, trang 11).

F0 điều trị ở nhà không được tự ý dùng thuốc kháng virus

Tối 16-3, Bộ Y tế cho biết, trong ngày, cả nước có thêm 167.163 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng số ca được điều trị khỏi lên hơn 3,54 triệu người; thêm 62 ca tử vong tại 31 tỉnh thành, nâng số người tử vong lên 41.607 ca, chiếm tỷ lệ 0,6% so với số ca nhiễm. Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 180.558 ca mắc mới, trong đó có 121.201 ca ở cộng đồng.

Cùng ngày, Bộ Y tế khuyến cáo, người mắc Covid-19 điều trị tại nhà tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh và thuốc kháng viêm khi chưa có chỉ dẫn, đơn thuốc của bác sĩ (Sài Gòn giải phóng, trang 9). 

F0 trầy trật khai báo qua mạng

Sở Y tế TP.HCM triển khai cho F0 khai báo mắc Covid-19 qua mạng, để được cấp quyết định cách ly y tế và được cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà. Thực tế, việc khai báo này diễn ra như thế nào?

Có người khai qua mạng, có người khai tại trạm y tế

Sáng 16.3, khá đông người dân đến lấy giấy chứng nhận hoàn thành cách ly (HTCL) và các giấy tờ để hưởng chế độ lương theo bảo hiểm xã hội tại Trạm y tế (TYT) P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân). Chị Loan (29 tuổi, ngụ P.Bình Hưng Hòa) cho hay chị nhiễm Covid-19 khoảng 1 tuần trước, sau khi khai báo với TYT phường, chị được hỏi thăm về tình trạng bệnh để được cấp thuốc nếu cần, đồng thời chị Loan được hướng dẫn khai báo thông qua 1 đường link google docs. Chiều 15.3, chị test nhanh âm tính nên sáng 16.3 chị đến TYT phường xin giấy xác nhận HTCL.

Chiều 16.3, chị T. (ngụ P.5, Q.3) có con nhỏ 7 tuổi vừa nhiễm Covid-19. Chị cho biết mình khai báo F0 trực tuyến. “Nhìn chung các thao tác đăng ký khá dễ dàng với tôi. Nhưng vào phần nhập các thông tin bắt buộc như CCCD bằng hình ảnh, con tôi chỉ 7 tuổi chưa có CCCD nên tôi phải dùng CCCD của mình để nhập vào hơi bất tiện”, chị T. góp ý.

Tại TYT lưu động P.15 (Q.Gò Vấp), có khá đông trường hợp F0 đến khai báo trực tiếp, hoặc lấy giấy xác nhận HTCL. Có 5 – 6 bác sĩ và tình nguyện viên tiếp nhận thông tin F0, lấy mẫu xét nghiệm test nhanh, ghi thông tin để cấp giấy xác nhận HLCL. Với F0 sau khai báo và được xác nhận đã dương tính Covid-19, người dân được nhân viên y tế ghi lại thông tin, cho phiếu hẹn 7 ngày sau ra test Covid-19, nếu âm tính sẽ lấy giấy chứng nhận HTCL. Trường hợp vẫn dương tính thì tiếp tục cách ly, 2 – 3 ngày sau ra để test lại.

Về việc sử dụng nền tảng khai báo F0 trực tuyến mới, bác sĩ Lê Thị Hồng, TYT P.5 (Q.3), cho rằng hiện chờ hướng dẫn, tập huấn sử dụng nền tảng số quản lý Covid-19, việc cấp giấy chứng nhận HTCL vẫn phải thực hiện bằng giấy tờ, người dân cần đến trực tiếp trạm để lấy. Còn theo bác sĩ Nguyễn Trương Đức Minh, Trưởng TYT lưu động P.15 (Q.Gò Vấp), về mặt thuận lợi, nếu quy trình này được triển khai rộng rãi sẽ giảm bớt thủ tục giấy tờ, công sức và thời gian của người dân, tránh gây tình trạng tập trung đông.

Bước đầu còn khó khăn

Tại TYT P.14 (Q.11), PV Thanh Niên ghi nhận nếu như trước đây, F0 đến TYT khai báo, được ghi nhận vào 1 cuốn sổ, nếu có bổ sung thông tin thì ghi trên một tờ giấy nhỏ dán chồng lên. Bên cạnh đó, 1 F0 phải làm 4 tờ giấy: Quyết định cách ly tại nhà, giấy cam kết tuân thủ cách ly tại nhà, phiếu điều tra dịch tễ, cam kết uống thuốc kháng vi rút (nếu có chỉ định) và giấy xác nhận HLCL, tất cả đều điền vào mẫu có sẵn. Nay với việc F0 khai báo qua mạng thì mọi thông tin F0 đều được cập nhật vào hệ thống, cán bộ y tế đối chiếu qua xác minh, và chỉ cần nhấn nút in ra. Phiếu điều tra dịch tễ cũng đã được bỏ.

Đại diện TYT P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) thông tin TYT sử dụng chính thức cách thức trên từ ngày 14.3, nhưng còn nhiều trục trặc. Mặt khác, máy tính tại trạm không đáp ứng được nhu cầu, nên đang kiến nghị nâng cấp máy tính. Theo bác sĩ Nguyễn Trương Đức Minh, Trưởng TYT lưu động P.15 (Q.Gò Vấp), quy trình này mới được triển khai, khiến nhân viên tại TYT lưu động và người dân gặp nhiều khó khăn. Những ngày đầu hệ thống đi vào hoạt động còn xảy ra lỗi, chậm và thường xuyên bị sập. Người dân vào trang khai báo không được hoặc khai báo xong ở TYT không nhận được thông tin.

“Để tiếp nhận một ca khai báo F0 tại nhà trải qua quá nhiều bước. Nhiều người khai báo giữa chừng tại nhà thì bỏ luôn, ra khai báo trực tiếp. Hoặc khai báo xong bấm xác nhận thì bị lỗi. Còn về phía TYT, muốn tiếp nhận một ca F0 khai báo tại nhà phải bấm vô kiểm tra chi tiết từng người, từng thông tin. Trong khoảng thời gian xử lý 1 ca F0 khai báo tại nhà, nếu khai báo trực tiếp đã làm được 2 – 3 ca”, bác sĩ Minh nói và cho biết thêm từ lúc khai báo qua mạng, trung bình mỗi ngày trạm tiếp nhận 7 – 8 ca, nhưng có 5 – 6 ca F0 khai báo được tiếp nhận, còn 1 – 2 ca bị từ chối… Ngoài ra, việc cấp giấy HTCL, TYT phải thực hiện ký số giấy xác nhận, nhưng hiện chữ ký số này chưa hoàn thiện và TYT lưu động chưa có máy scan để cấp giấy hoàn thành cách ly cho F0 khai báo tại nhà.

Một khó khăn khác được các TYT nêu ra là phần mềm chỉ chấp nhận cho người mới nhiễm dưới 5 ngày, nhưng có nhiều người nhiễm từ mấy tháng trước vẫn vào đăng ký, nên không được chấp nhận.

Theo khảo sát của PV Thanh Niên, có TYT thừa nhận chưa tiến hành khai báo trực tuyến vì chưa có người làm, có TYT nói chưa hoàn thiện; còn có TYT thì đã làm trơn tru… Nhìn chung, phần lớn F0 vẫn khai báo trực tiếp tại TYT.

Tháo gỡ các vướng mắc

Chiều 16.3, kiểm tra tại TYT P.14 (Q.11), PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết có TYT được UBND phường, xã ủy quyền ký quyết định cách ly và giấy xác nhận hoàn thành cách ly, nên người dân lấy cả 2 giấy cùng lúc khi cách ly hoàn thành. Còn có TYT chỉ được ký giấy xác nhận hoàn thành cách ly, còn quyết định cách ly thì UBND phường ký, nên khi hết cách ly rồi vẫn phải chờ cả tuần người dân mới nhận được. Điều này, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị Trung tâm y tế quận huyện tham mưu UBND quận, huyện chỉ đạo UBND phường, xã nên ủy quyền về cho TYT ký để kịp thời cấp các loại giấy tờ cho người dân.

Song song đó, PGS-TS Tăng Chí Thượng cũng chỉ đạo các TYT đăng ký chữ ký số, tiếp tục tập huấn cho các TYT sử dụng các phần mềm và tiếp thu các vướng mắc để xử lý (Thanh niên, trang 5).

Cà Mau cho F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ được đi làm

Ngày 16-3, thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau cho biết tại cuộc họp giao ban giữa Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương ban hành quy định tạm thời về việc đi làm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp… là F0, F1.

Theo đó, các trường hợp F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 có nguy cơ, nguy cơ cao được đi làm nhưng trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo nguyên tắc không tiếp xúc với người khác.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp… hỗ trợ người lao động xét nghiệm 2 lần/tuần; bố trí sản xuất, kinh doanh khoa học, hợp lý nhất và đảm bảo an toàn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phân công công việc hợp lý, đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tránh trường hợp lợi dụng dịch bệnh để nghỉ việc, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc.

Theo Sở chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, trong ngày 15-3, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4.476 ca F0, trong có 134 ca F0 là giáo viên và 1.123 ca F0 là học sinh, nâng tổng số ca mắc lên 102.866.

Trước đó, tỉnh Long An đã cho phép F0, F1 được đi làm dựa trên tinh thần tự nguyện, khi có sự đồng ý của cấp trên, người quản lý (Tuổi trẻ, trang 4).

Người nhập cảnh không phải cách ly y tế

Ngày 16.3, Bộ Y tế đã có Công văn số 1265/BYT-YTDP (Công văn 1265) gửi UBND các tỉnh, thành và các bộ, ngành về hướng dẫn phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh (hướng dẫn). Hướng dẫn nêu rõ, người nhập cảnh theo đường hàng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2; và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.

Các trường hợp nhập cảnh theo đường bộ, đường thủy, đường sắt phải có xét nghiệm như với nhập cảnh đường hàng không (trừ trẻ em dưới 2 tuổi). Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2) kể từ khi nhập cảnh.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Người nhập cảnh đều phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong suốt thời gian lưu trú tại VN.

Trong thời gian 10 ngày kể từ khi nhập cảnh: cần tự theo dõi sức khỏe.

Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân (Thanh niên, trang 5).

Cách ly tập trung F0 có còn cần thiết?

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định số 604/QĐ-BYT ngày 14-3-2022 về hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19 (F0), trong đó đã nới lỏng hơn các quy định bắt buộc, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc chăm sóc người bệnh.

Hầu hết F0 được cách ly tại nhà

Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, F0 được cách ly tại nhà nếu không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, tiêu chảy, chảy mũi, mất khứu giác, mất vị giác; nhịp thở bình thường theo tuổi, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, không có dấu hiệu khó thở, không suy hô hấp; không mắc bệnh nền hoặc mắc bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

Ngoài ra, F0 đã được cơ sở khám chữa bệnh điều trị chưa đạt tiêu chuẩn khỏi COVID-19 nhưng đạt tiêu chuẩn quản lý tại nhà thì cũng được chuyển về nhà để tiếp tục chăm sóc.

Mặt khác, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F0 được cách ly tại nhà nếu có thể tự chăm sóc bản thân (như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…) và theo dõi tình trạng sức khỏe. Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế và sẵn có các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính… để được nhân viên y tế hướng dẫn và xử trí khi có tình trạng cấp cứu.

Trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc thì gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các tiêu chí này.

Đáng chú ý, hướng dẫn mới của Bộ Y tế không còn bắt buộc F0 phải cách ly “cửa đóng then cài” trong phòng mà có thể được ra khỏi phòng riêng (miễn không ra khỏi nhà), chỉ cần khi ra khỏi phòng phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc với những người khác.

Như vậy, với quy định mới của Bộ Y tế và căn cứ thực tiễn số liệu báo cáo mà các cơ quan chức năng đã công bố, hầu hết F0 được cách ly tại nhà, chỉ những trường hợp có bệnh nền chưa điều trị ổn định và có triệu chứng nặng thì mới phải cách ly điều trị tại cơ sở y tế.

Cách ly tập trung F0 không còn phù hợp

Công tác phòng chống dịch COVID-19 đã được Chính phủ, ngành y tế đề ra nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật thích ứng theo từng giai đoạn, sát hợp với những diễn biến của tình hình nhiễm bệnh trong nước.

Trước đó, “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà” ban hành kèm quyết định 261/QĐ-BYT ngày 31-1-2022 cũng quy định các trường hợp F0 được cách ly tại nhà gồm: không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị); không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy; nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào; không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

Đây là văn bản pháp lý điều chỉnh quá trình quản lý của cơ sở y tế trong việc phát hiện, cách ly, theo dõi, điều trị người bị nhiễm COVID-19 tại nhà không có dấu hiệu bệnh nặng cần phải cấp cứu. Và theo quy định, những trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà và có nguyện vọng cách ly tại nhà thì không thuộc diện phải đưa vào các khu cách ly tập trung.

Thế nhưng, chỉ mấy ngày trước, bản thân người viết bài này là F0 chỉ có triệu chứng nhẹ (sốt, ho khan) và mong muốn được tự cách ly điều trị tại nhà nhưng không được y tế địa phương đồng ý mà bắt buộc phải vào cách ly tập trung tại khu cách ly trong khuôn viên công viên văn hóa An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang.

Điều đáng nói, khu cách ly này vốn trước đây được xây dựng tạm để cách ly các trường hợp F1 chờ sàng lọc nên không đủ điều kiện tối thiểu để chăm sóc người bệnh. Khu trại được dựng bằng vật liệu khung sắt tiền chế lợp mái tôn, mỗi phòng có 4 giường với mùng mền chiếu gối đơn sơ, tuy có quạt gió nhưng ban ngày buổi trưa nhiệt độ vẫn cao rất nóng bức (cảm nhận đến 40 độ C).

Đưa người bệnh vào khu cách ly tập trung lẽ ra phải kèm theo đó là bảo đảm việc chăm sóc tốt hơn để họ tự cách ly tại nhà. Nhưng trên thực tế, tôi được phát mỗi ngày 3 hộp cơm không hợp khẩu vị.

Từ lúc vào khu cách ly tập trung, suốt 2 ngày không hề có bác sĩ hoặc nhân viên y tế thăm khám sức khỏe, kê toa hay hướng dẫn điều trị gì cả. Hỏi chuyện những người đến trước thì họ cho hay cũng không được thăm khám, điều trị gì. Có lẽ vì thế mà các F0 ở đây ai cũng thấy bức bối.

Bản thân tôi là người cao tuổi, vào khu cách ly tập trung với điều kiện như vậy nên suốt 2 đêm liền thức trắng, không ngủ được. Sang ngày thứ 3 “chịu đời không thấu”, tôi phải liên hệ với người có trách nhiệm trình bày rõ thực trạng nên được “xuất viện” về tự chăm sóc tại nhà và hiện sức khỏe đã được cải thiện rất tốt.

Nên đưa thẳng F0 vào bệnh viện nếu trở nặng

Từ câu chuyện trải nghiệm thực tế của mình, tôi cho rằng việc cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế, ứng xử với F0 cần hết sức linh hoạt, đúng tinh thần “thích ứng linh hoạt với COVID-19” .

Hãy đặt mình vào vị trí người bệnh để thấy rằng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần có ý nghĩa rất quan trọng để giúp F0 vượt qua dịch bệnh, thay vì yêu cầu cách ly tập trung quá máy móc tạo cảm giác ức chế, không có lợi cho sức khỏe người bệnh. Hãy để người bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tự quyết định việc chăm sóc sức khỏe cho mình.

Chúng ta đã có hơn 2 năm kinh nghiệm chống dịch COVID-19 và những diễn biến gần đây cho thấy việc “sống chung”, “thích ứng linh hoạt” là hợp lý. Thậm chí Thủ tướng Phạm Minh Chính – đã yêu cầu Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh, tình hình kháng thể bảo vệ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế… tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Những quy định gần đây của các cơ quan chức năng đã chuyển dần theo xu hướng như vậy khi cho phép F0 có thể làm việc trực tuyến, F1 trực tiếp lao động như những người khỏe mạnh bình thường. Số liệu ca mắc mới mỗi ngày trên cả nước không dưới 100.000 ca, trong khi số ca tử vong được kiểm soát tốt suốt nhiều ngày qua cho cho thấy việc cách ly tập trung F0 không còn cần thiết nữa.

Nên chăng đã đến lúc cần chủ động cho phép F0 được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà, bỏ qua khâu trung gian cách ly tập trung, trường hợp nào trở nặng thì chuyển thẳng từ nhà vào bệnh viện điều trị. Có như vậy vừa tạo tâm lý thoải mái, tránh hoang mang cho người bệnh lại vừa giảm tải cho các lực lượng chống dịch và tiết kiệm tiền của cho ngân sách, cho xã hội (Tuổi trẻ, trang 9).

Chống dịch linh hoạt và phù hợp

Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy tuy số ca mắc Covid-19 vẫn ở mức cao, nhưng số ca bệnh tăng nặng và tử vong giảm. Ðây là cơ sở để điều chỉnh chiến lược ứng phó phù hợp trên tinh thần thích ứng linh hoạt, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.

Kết quả giải trình tự gien cho thấy có từ 76 đến 87% số ca nhiễm mới là biến thể Omicron gây bệnh nhẹ, tỷ lệ tử vong rất thấp. Nhiều chuyên gia dự báo dịch sẽ sớm trở lại bình thường.

Tập trung bảo vệ người có nguy cơ

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội) cho rằng: Hiện nay số lượng ca nhiễm được thông báo hằng ngày không phản ánh thực chất sự nguy hiểm của dịch bệnh. Số ca tử vong và tăng nặng là “hàn thử biểu” để điều chỉnh mức độ phòng, chống dịch. Vậy nên những con số này cần hết sức chính xác. Tuy nhiên, hiện chưa có tiêu chuẩn rõ ràng của tử vong do Covid-19 gây ra dẫn đến con số này vẫn còn cao (xấp xỉ 100 ca/ngày).

Thực tế rất nhiều trường hợp tử vong nhưng không phải do Covid trực tiếp gây ra. Số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 đã giảm tới 50% so với một, hai tuần trước; cùng với đó, biến thể Omicron không tăng nặng như Delta, đặc biệt trên quần thể đã tiêm đủ vắc-xin như Việt Nam. Qua đó, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng chỉ trong hai, ba tuần nữa, dịch Covid-19 trở lại bình thường… Ðây chính là những tín hiệu cho thấy dịch đang đi đến giai đoạn cuối, đã đến lúc coi Covid-19 là bệnh chuyên khoa.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức vừa trở thành một trong những đơn vị đầu tiên “bình thường hóa” hoạt động chuyên môn chăm sóc, điều trị, phẫu thuật cho ba người bệnh nhiễm Covid-19. Bệnh viện đã chủ động tiếp nhận, cấp cứu, mổ cấp cứu, hồi sức sau mổ và chăm sóc điều trị người bệnh Covid-19, bảo đảm tính linh hoạt cũng như dần đưa bệnh Covid-19 trở thành bệnh chuyên khoa ở người bệnh nói chung và người bệnh cần phẫu thuật nói riêng.

Thời gian tới, Bộ Y tế và các địa phương sẽ tập trung đánh giá xu hướng tăng/giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, không để quá tải hệ thống y tế; nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm  đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng  các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm vi-rút để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu.

Các địa phương cũng đang có những điều chỉnh phù hợp. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan và các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức triển khai đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, có bệnh nền). Tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ được tiêm vắc-xin; các trường hợp dương tính với Covid-19 sẽ được cấp ngay thuốc kháng vi-rút, chăm sóc, theo dõi kịp thời. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để cập nhật danh sách người thuộc nhóm nguy cơ cao, xét nghiệm nhanh để có biện pháp xử lý phù hợp.

Tại Hà Nội, nơi có hàng chục nghìn ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày nhưng tỷ lệ nhập viện, điều trị rất thấp, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đặt nhiệm vụ trọng tâm là tiêm chủng vắc-xin, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành trong quý I năm 2022.

Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tới người dân, đặc biệt, quan tâm đến nhóm đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vắc-xin. Chiến lược tiếp theo vẫn là phủ vắc-xin như theo chỉ đạo của Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến đưới 12 tuổi; nghiên cứu tiếp tục tiêm mũi 4; tập trung đối tượng nguy cơ cao…

Thay đổi phương thức quản lý

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, khi mở cửa, chúng ta chuyển phương thức quản lý rủi ro và quản lý yếu tố tăng nặng của bệnh nhân thay cho phương thức quản lý ca bệnh như trước đây. Hệ thống y tế  tăng cường năng lực để có thể kiểm soát tốt tình hình dịch, kiểm soát tốt nguy cơ cũng như tỷ lệ tử vong với người mắc Covid-19, nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị Covid-19, dự phòng cơ số thuốc kháng vi-rút, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, vật tư y tế cần thiết… tại các trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu tự điều trị tại nhà của người dân và giảm tải cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến trên.

Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai hoạt động phòng, chống dịch, như phối hợp Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng dịch khi đưa học sinh quay lại trường học và mở cửa du lịch…

Một trong những vấn đề đang nổi lên, thu hút sự quan tâm nhiều trong thời gian gần đây là vấn đề hậu Covid-19, một khái niệm đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra từ tháng 10/2021. Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng đã đến lúc cần quan tâm hơn đến hậu Covid-19. Hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là ba tháng với các triệu chứng và kéo dài ít nhất hai tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Hậu Covid-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Người có triệu chứng hậu Covid-19 bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.

Không giống một số hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu Covid-19 có thể xảy ra với bất kỳ người nào đã mắc Covid-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ. Tuy nhiên với những người mắc Covid-19 mức độ nặng/nguy kịch, cần can thiệp y tế nhiều trong giai đoạn điều trị, những người có bệnh nền thì các vấn đề về hậu Covid-19 sẽ nhiều và trầm trọng hơn. Hiện nay, đối với những di chứng về mặt tinh thần của người bệnh, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Tâm thần Trung ương xây dựng phác đồ cụ thể để hướng dẫn các bác sĩ điều trị các triệu chứng liên quan. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện hướng dẫn, đưa ra những bài tập để giúp người dân tập luyện phục hồi chức năng.

Tuy nhiên, PGS, TS Lương Ngọc Khuê khẳng định, hậu Covid-19 không hề đáng sợ. Chúng ta sẽ không còn hoang mang nếu chúng ta hiểu rõ về nó. Theo ghi nhận thực tế của các bác sĩ, hầu hết những biến chứng hậu Covid-19 không gây nguy hiểm hay tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Nhiều trường hợp đã vượt qua các triệu chứng phổ biến hậu Covid-19 như trầm cảm, mất ngủ, lo âu kéo dài… chỉ bằng cách thay đổi suy nghĩ, tập luyện và cân bằng lại tâm lý. Những trường hợp có bệnh nền, tổn thương đã được bác sĩ hẹn khám lại thì cần phải đi tái khám (Nhân dân, trang 5).

Bùi Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 29/10/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 02/11/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 27/12/2018

CDC Hà Nam