Điểm báo ngày 18/1/2022

(CDC Hà Nam)

Nhiều địa phương tùy tiện cách ly người dân về đón Tết, Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh; PC- Covid cho phép người dùng tự khai thông tin tiêm chủng; Tăng tỉ lệ tiêm vắc xin để giảm ca nặng, tử vong…

Nhiều địa phương tùy tiện cách ly người dân về đón Tết, Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kịp thời chấn chỉnh ngay việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 không phù hợp, tùy tiện… Ngày 17-1, Bộ Y tế có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số sự việc theo báo chí phản ảnh như: quy định về cho phép bán hàng tại chỗ thay đổi liên tục; trạm y tế ở Bình Dương tự ý thu tiền xét nghiệm người dân khi đến tiêm vacicne; hay áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp….; Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm tra, xác minh hoặc điều tra để làm rõ.

Qua kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, hoặc chuyển ngay hổ sở đến cơ quan công an để xem xét, xử lý.

Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định, kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra còn có thông tin về việc nhiều địa phương đang có cách áp dụng cách ly y tế khác nhau đối với người về quê trong dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể như tại An Giang, người về quê phải khai báo y tế, có giấy xét nghiệm nhanh âm tính; tại Thanh Hóa, người về từ vùng đỏ phải cách ly tại nhà 7 ngày, theo dõi y tế 7 ngày…

Đặc biệt vừa qua, gần 30 hộ dân xã Thiệu Phú (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã bị khóa cửa nhà do có người từ tỉnh ngoài về quê dịp trước Tết để hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Sau khi báo chí phản ánh, các hộ dân này mới được mở hết ổ khóa. (An ninh Thủ đô, trang 2; Hà Nội mới, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

PC- Covid cho phép người dùng tự khai thông tin tiêm chủng

Ngày 16-1, ứng dụng PC- Covid cập nhật phiên bản mới trên kho ứng dụng của Google Play. Trước đó, từ ngày 10-1, phiên bản tương tự dành cho các thiết bị dùng hệ điều hành iOS đã có mặt trên Apps Store.

Với bản cập nhật mới này, người dùng được bổ sung 2 tính năng “Tự khai mũi tiêm” trong “Ví giấy tờ”.

Theo đó, sau khi cập nhật phiên bản mới, người dùng mở cài đặt, vào “Ví giấy tờ” chọn “Tự khia mũi tiêm”. Kèm theo thông tin tự khai về số mũi tiêm, loại vaccine, ngày tiêm, người dùng sẽ chụp lại giấy tờ chứng minh bản thân đã tiêm chủng và chọn “Lưu”.

Ứng dụng sẽ trả về kết quả là các mũi tiêm “Tự khai”, ngoài trang chủ của ứng dụng sẽ cập nhật ngay các mũi tiêm kèm theo ghi chú tự khai.

Với tính năng mới này, người dùng sẽ thuận tiện hơn khi tham gia các hoạt động phòng, chống dịch mà không nhất thiết phải mang theo giấy chứng nhận tiêm, đồng thời giải quyết bức xúc về tình trạng các cơ sở tiêm chưa cập nhật, hoặc cập nhật sai thông tin tiêm.

Với tính năng này, người dùng cũng có thể sửa thông tin tiêm chủng chưa chính xác kèm theo giấy tờ chứng nhận.

Ngoài việc bổ sung mũi tiêm, Ví giấy tờ cũng để người dùng tự khai thông tin xét nghiệm và chứng nhận là F0 đã khỏi bệnh.

Để cập nhật phiên bản mới, người dùng thiết bị chạy hệ điều hành iOS và Android hiện chỉ cần vào các kho ứng dụng CH Play hoặc App Store, gõ “PC-Covid” trong khung tìm kiếm, chọn “PC-Covid Quốc gia” và bấm cập nhật.

Hiện tại, dù hàng triệu người đã tiêm xong mũi 3 vaccine phòng Covid-19 nhưng trên PC- Covid vẫn chưa hiển thị bất kỳ thông tin tiêm chủng nào. Trong khi đó, một số khác lại hiển thị thiếu mũi tiêm, thông tin mũi tiêm không chính xác… Thực tế này gây khó khăn cho không ít người hay phải di chuyển vì phải mang theo giấy tờ chứng minh đã tiêm chủng.

Đơn vị phát triển ứng dụng cũng cho hay, vài ngày tới, PC- Covid sẽ được bổ sung tính năng cảnh báo nguy cơ tiếp xúc F0, bên cạnh việc hiển thị cấp độ dịch theo khu vực mà người dùng đến.

Cụ thể, PC-Covid hiển thị cảnh báo đến những người thuộc một trong ba trường hợp: Từng di chuyển cùng phương tiện với F0 – thông qua khai báo di chuyển nội địa; Tiếp xúc gần với F0 – thông qua tính năng tiếp xúc gần trên ứng dụng; Từng đến địa điểm có F0 – thông qua lịch sử quét QR.

Ở trường hợp thứ ba, của F0 tại địa điểm đó.

Theo số liệu của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, tính đến ngày 16-1, trên toàn quốc đã có hơn 33,5 triệu người dùng ứng dụng PC-Covid. Bình Dương, Quảng Ninh, TP HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh là 5 địa phương có tỷ lệ cài PC-Covid cao nhất. Năm tỉnh có tỷ lệ cài PC-Covid thấp nhất gồm có: Lai Châu, Bạc Liêu, Điện Biên, Nghệ An và Hà Giang. (An ninh Thủ đô, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Tăng tỉ lệ tiêm vắc xin để giảm ca nặng, tử vong

Hiện Hà Nội có khoảng 600 bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng, nguy kịch, tăng gần 20% so với trung bình 7 ngày trước. Hà Nội đang đẩy mạnh tiêm vắc xin, tuy nhiên những ngày gần đây, số lượng mũi tiêm có xu hướng giảm sâu.

Tại Hà Nội, trong số ca bệnh COVID-19, khoảng 95% là ở thể nhẹ, không triệu chứng. Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, cho rằng cần tập trung chăm sóc thật tốt 95% số ca bệnh này ngay tại cơ sở. Theo TS Nhung, để đảm bảo an toàn trong dịp Tết, người dân cần thực hiện 3K gồm: “không nhiễm, nếu nhiễm không chuyển nặng và nếu chuyển nặng không tử vong”. TS Nhung cho rằng, cần điều trị thật tốt số ca F0 ngay tại cơ sở. Kinh nghiệm từ các đợt dịch tại các tỉnh cho thấy cần giải quyết tầng 1 thật tốt. “Nếu bệnh nhân phải chuyển tuyến phải kịp thời, không để quá tải hệ thống y tế. Chính vì thế, việc chăm sóc cho 95% số người mắc COVID-19 này là cực kì quan trọng”, PGS Nhung nói.

Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục ghi nhận từ 12-18 ca tử vong mỗi ngày. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, tiêm phủ vắc xin, trong đó có mũi bổ sung và nhắc lại, để giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng và tử vong. Ngày 17/1, Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến nay, tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được là hơn 13,73 triệu. Có gần 256.000 người tiêm mũi bổ sung và hơn 1,43 triệu người đã tiêm mũi nhắc lại. Cùng với các đơn vị tiêm chủng của thành phố, các bệnh viện trung ương và bộ, ngành trên địa bàn tiêm gần 16.800 mũi nhắc lại. Như vậy, đã có khoảng 1,7 triệu người ở Hà Nội đã tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19.

Theo Bộ Y tế, Hà Nội là một trong 39 tỉnh, thành phố bao phủ hai mũi vắc xin cho hơn 90% dân số từ 18 tuổi trở lên. Cụ thể, gần 100% người trên 18 tuổi ở Thủ đô đã tiêm đủ 2 mũi; riêng nhóm trên 50 tuổi là 97,8% đủ 2 mũi; trên 97% trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi. Về tiến độ tiêm vắc xin, trong 3 ngày gần đây, số lượng mũi tiêm trong ngày ở Hà Nội giảm liên tục. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngày 16/1, toàn thành phố chỉ tiêm được gần 29.500 mũi vắc xin, bằng 30% số liều ngày 15/1. Trong khi đó, ngày 14/1, thành phố tiêm được hơn 139.000 liều…

Tại một số địa phương của Hà Nội như Chương Mỹ, Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín…, vẫn còn số người cao tuổi có bệnh lí nền không đi đến điểm tiêm chủng lưu động. Lãnh đạo các địa phương cho biết tăng cường các tổ đến tận từng nhà dân vận động tiêm vắc xin cho các đối tượng nguy cơ cao này. Việc Hà Nội đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi nhắc lại và bổ sung, đặc biệt rà soát tiêm cho đối tượng 50 tuổi trở lên có bệnh nền là có cơ sở.

Sở Y tế Hà Nội cho hay, tính đến hết ngày 16/1, thành phố có 50.188 trường hợp F0 đang được điều trị và cách li. Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 135 ca, Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) có 219 ca. Tại các bệnh viện của Hà Nội có 3.490 người, cơ sở thu dung điều trị thành phố có 1.261 trường hợp, cơ sở thu dung quận, huyện có 5.516 người và có 39.567 người theo dõi cách li tại nhà. Số bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung là 5; số ca tử vong trong ngày là 14. Như vậy, tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay là 351. (Tiền phong, trang 3).

 

Không để thiếu thuốc, tăng giá thuốc đột biến dịp Tết Nguyên đán

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, phòng chống dịch COVID-19 và dịch bệnh mùa Đông- Xuân; đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến…

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Các bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ; Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc; Hội Dược học Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam, Tổng Công ty Dược Việt Nam về việc đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tại văn bản này, Cục Quản lý Dược rêu rõ trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19 trong cả nước, đặc biệt đã ghi nhận các ca nhiễm biến chủng Omicron, thực hiện Chỉ thị số 01/CT- BYT của Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022, để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh có thể xảy ra mùa Đông – Xuân cũng như thuốc phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật trực thuộc Sở khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai dự trữ thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.

Chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu; phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19; thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán cũng như thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa đông – xuân như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa.

Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.

Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành, găm hàng, tăng giá…và xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện.

Chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà thuốc kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24h và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu thuốc của người bệnh, không được đầu cơ, tăng giá thuốc trong dịp tết nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Phân công cán bộ chuyên trách trực 24/24h trong các ngày nghỉ tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 để theo dõi, nắm bắt tình hình và đảm bảo cung ứng thuốc trên địa bàn, báo cáo về Cục Quản lý Dược trước ngày 20/01/2021 để tăng cường công tác phối hợp.

Đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược yêu cầu chủ động liên hệ với các cơ sở cung ứng thuốc để đặt hàng, theo dõi tiến độ giao hàng, khẩn trương thực hiện mua sắm bổ sung khi có nguy cơ thiếu thuốc hoặc giao hàng không kịp tiến độ, triển khai kế hoạch dự trữ thuốc đảm bảo sẵn sàng cung ứng thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc, Cục Quản lý Dược yêu cầu tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, không lợi dụng dịp tết để tăng giá thuốc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ cảm phục những người vượt qua đại dịch COVID-19 hiến máu cứu người

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ cảm phục, cảm động về những người tình nguyện hiến máu, hiến máu thường xuyên, nhiều lần, hiến máu dự bị khẩn cấp… Đặc biệt trong những ngày căng thẳng nhất của dịch COVID-19 vẫn có nhiều người tham gia hiến máu tình nguyện…

Phát biểu tại Ngày hội chính Chủ nhật Đỏ lần thứ XIV – năm 2022 được tổ chức tại Học viện Cảnh sát Nhân dân sáng 16/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, qua hơn 28 năm phát động phong trào hiến máu tình nguyện tại Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, từ việc tiếp nhận được hơn 100.000 đơn vị máu năm 1994, đến nay mỗi năm đã tiếp nhận từ 1,3 – 1,4 triệu đơn vị máu.

Năm 2021, do ảnh hưởng nghiêm trọng của  đại dịch COVID -19, có những thời điểm làm thiếu hụt nguồn người hiến máu, gây khó khăn cho công tác điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, nhờ sự chung sức, đồng lòng, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước nên lượng máu tiếp nhận cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu cấp cứu, điều trị cho người bệnh trong năm, mang lại sự sống, niềm tin cho hàng triệu người bệnh và gia đình của họ.

“Tôi được biết hiện nay tại nhiều cơ quan, trường học, doanh nghiệp và nhiều địa phương, hiến máu tình nguyện đã thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa của mỗi thành viên và của cộng đồng.

Tôi vô cùng cảm phục những người tình nguyện hiến máu, những người hiến máu thường xuyên, hiến máu nhiều lần, hiến máu dự bị khẩn cấp, những người vừa hiến máu vừa vận động người khác cùng hiến máu, đặc biệt tôi thực sự cảm động, ấn tượng khi ngay trong những ngày căng thẳng nhất của dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng vẫn có nhiều người đến các Trung tâm Truyền máu, bệnh viện để tham gia hiến máu tình nguyện”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, hiện nay, nhu cầu truyền máu ngày càng tăng do nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng tăng cao, ngành y tế đã triển khai áp dụng các kỹ thuật y học hiện đại như ghép tạng, ghép tủy, chạy thận nhân tạo, tiến hành các ca phẫu thuật lớn, điều trị nhiều loại bệnh máu, bệnh ác tính…

Do vậy, bảo đảm đủ máu cho nhu cầu cấp cứu và điều trị luôn là áp lực rất lớn cho ngành y tế, đặc biệt vào những thời điểm dịch bệnh bùng phát và lây lan nhiều trong cộng đồng, trong khi lượng máu tiếp nhận được tại nước ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu điều trị.

“Chính những sự kiện hiến máu như Chủ nhật Đỏ đã góp phần “cứu cánh” cho ngành y tế, cho người bệnh cần truyền máu dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Tôi đánh giá cao ý tưởng tổ chức chương trình Chủ nhật đỏ của Báo Tiền Phong và các đơn vị phối hợp, thật đáng trân trọng và đáng mừng là từ một điểm hiến máu với gần 100 đơn vị máu năm 2009 đến nay qua 13 năm tổ chức Chủ nhật đỏ đã lan tỏa đến hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước và mỗi năm gần đây đều tiếp nhận từ 50.000 – 60.000 đơn vị máu”- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, bước sang năm 2022, dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn và có thể có những diễn biến phức tạp nên các Trung tâm Truyền máu, các bệnh viện có tiếp nhận máu phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để tổ chức các hoạt động, các sự kiện hiến máu đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch và tuyệt đối an toàn cho người hiến máu, người nhận máu, nhân viên y tế và những người làm công tác tuyên truyền, vận động, công tác tổ chức điểm hiến máu.

Chương trình Chủ nhật Đỏ do báo Tiền Phong chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các tỉnh/thành phố tổ chức.

Qua 13 năm tổ chức, hơn 200.000 đơn vị máu đã được tiếp nhận và kịp thời cứu chữa cho người bệnh qua Ngày hội hiến máu Chủ nhật Đỏ. Đặc biệt, năm 2021, tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại lần 4 và kéo dài, một số tỉnh, thành phố và đơn vị không thể tổ chức được chương trình Chủ nhật Đỏ, nhưng với sự nỗ lực của Ban tổ chức số lượng máu tiếp nhận đạt hơn 61.000 đơn vị, vượt chỉ tiêu đề ra hơn 10.000 đơn vị máu.

Từ tháng 11/2021 đến nay, các điểm hiến máu của Chủ nhật Đỏ tại 14 địa phương đã tiếp nhận gần 9.000 đơn vị máu. Ngày hội chính chương trình “Chủ nhật Đỏ” lần thứ 14 năm 2022 do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho người tham gia hiến máu, BTC tổ chức đã chia điểm lấy máu gồm 2 điểm: Học viện Cảnh sát Nhân dân (nơi diễn ra Lễ tổ chức Ngày hội chính chương trình Chủ nhật Đỏ lần thứ 14 năm 2022) và Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Tổng số lượng máu thu về: 1.235 đơn vị máu.

Cùng với đó, ngày 16/1/2022 chương trình Chủ nhật Đỏ – 2022 cũng được tổ chức tại một số đơn vị và tỉnh, thành phố như: Học viện Hậu Cần tiếp nhận 442 đơn vị máu; Đại học Y – Dược Thái Bình: 655 đơn vị máu; Đại học Y – Dược Thái Nguyên: 534 đơn vị máu; Tỉnh Bắc Kạn: 238 đơn vị máu; Thừa Thiên Huế: 314 đơn vị máu. Huyện Cư M’gar tỉnh Đăk Lăk: 1.136 đơn vị máu. Như vậy, tính đến 16/1/2022, chương trình Chủ nhật Đỏ lần thứ 14 năm 2022 đã triển khai tổ chức tại 20 tỉnh, thành phố, với 33 điểm hiến máu. Tổng số lượng máu tiếp nhận: 15.362 đơn vị máu. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/6/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/9/2020

CDC Hà Nam