Điểm báo ngày 18/3/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 18/3/2019

Trẻ nhiễm sán lợn: Phụ huynh không nên quá lo lắng!; Mù lòa do tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt kéo dài; Cho phép cơ sở khám, chữa bệnh lập giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH…

 

Trẻ béo phì dễ mắc nhiều bệnh khi lớn

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, độ tuổi thừa cân béo phì nhiều nhất là độ tuổi đi học. Nếu béo phì ở lứa tuổi trẻ sẽ tiềm ẩn nhiều loại bệnh không lây nhiễm ở tuổi trưởng thành.

Thực tế có nhiều bà mẹ không để ý đến thời kỳ mang thai, thích sinh những em bé càng to càng tốt, hoặc thậm chí ngược lại, để cho trẻ suy dinh dưỡng từ giai đoạn rất sớm… Đó là những nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì ở giai đoạn tiếp theo của trẻ. PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ, lâu nay chúng ta vẫn quan niệm trẻ to béo thì khỏe mạnh, đề kháng tốt, nhưng không phải như vậy, những trẻ có cân nặng thừa thì các triệu chứng thường ẩn, khiến chúng ta chủ quan nghĩ trẻ khỏe mạnh.

Ví dụ, trong bệnh hô hấp, những trẻ bị viêm tiểu phế quản mà béo phì thì nguy cơ nặng hơn những trẻ khác; trẻ béo phì bị tiêu chảy thì các dấu hiệu mất nước bị ẩn, không tiên lượng được vì lượng mỡ quá dày… Nếu trẻ bị béo phì từ nhỏ mà không có điều chỉnh phù hợp thì trẻ sẽ trở thành người béo phì sau này và tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, tăng mỡ máu hay tiểu đường… đều gia tăng.

Vì vậy, theo các bác sĩ Viện Dinh dưỡng quốc gia, nếu trẻ quá thừa mỡ, thì cần cân đối dinh dưỡng. Nên hạn chế đồ ăn nhanh, trà sữa, đường chuyển hóa nhanh, những thực phẩm này thậm chí làm cho trẻ chưa thừa cân đã béo phì, tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể lớn. Cần kiểm soát bữa ăn của trẻ, chú ý đến thời gian ăn. Trẻ thừa cân béo phì ăn 5-10 phút đã hết bữa, khiến trẻ chưa thấy no.

Nên duy trì thời gian ăn 20-25 phút/bữa, cho trẻ uống nước giúp tiêu hóa, lấp đầy dạ dày rồi ăn thức ăn kèm rau và cơm. Khuyến khích trẻ vận động, làm việc nhà, tiếp xúc với thiên nhiên 60 phút/ngày để trẻ tiêu hao năng lượng.

Đặc biệt, với trẻ béo phì cần điều chỉnh chế độ ăn rồi mới tính đến tập luyện, bởi nhiều trẻ có nhịp tim không phù hợp, nếu vận động nặng sẽ không tốt. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Đến 17-3, trên 130 trẻ nhiễm sán heo tại Bắc Ninh

Để biết có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán heo hay không, cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài… và làm các xét nghiệm.

Ngày 17-3, trước phản ứng việc nhiều trẻ nhỏ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bị nhiễm sán heo, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh sán dây, ấu trùng sán heo gặp ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Bệnh ấu trùng sán heo do ăn phải thức ăn có nhiễm trứng sán dây heo hoặc ấu trùng sán heo (như thịt heo gạo) chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sán heo sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75°C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.

Để biết có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán heo hay không, cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài… và làm các xét nghiệm. Bệnh ấu trùng sán heo được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng. Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán heo, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh; không sử dụng thịt heo ốm để chế biến thực phẩm; không ăn thịt heo tái, chưa nấu chín, nem chua sống (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán heo)…

Đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, khẳng định, tỉnh sẽ kiên quyết không giấu giếm, làm rõ vụ việc này nhằm đảm bảo quyền lợi của phụ huynh và học sinh để sớm ổn định tình hình.

Ngành y tế Bắc Ninh đang làm việc với các cơ quan liên quan của Bộ Y tế và sẽ công bố nguyên nhân chính thức dựa trên cơ sở khoa học và pháp luật. Đồng thời, xem xét tính toán hỗ trợ xét nghiệm cho toàn bộ các cháu học sinh ăn thịt heo ở những trường sử dụng thực phẩm do Công ty Hưng Thành cung cấp vào ngày 14-2 (thời điểm xuất hiện thông tin về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường mầm non xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành).

Bí thư tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị Công an tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi kích động gây rối an ninh trật tự. Đồng thời, khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn trong các trường học; cung cấp, phát tán thông tin về vụ việc không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận. Ban An toàn thực phẩm Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp thực phẩm, thống kê bếp ăn tập thể, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, tăng cường thanh kiểm tra việc tổ chức ăn bán trú tại các cơ sở này. Thời gian tới, các trường sẽ cử hội cha mẹ học sinh phối hợp tăng cường giám sát việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh, nhất là khâu nhập nguyên liệu.

Trong khi đó, bà Tô Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, cho biết, những gia đình có trẻ nhỏ ở Thuận Thành sẽ không cần đưa trẻ ra Hà Nội để khám và làm xét nghiệm sán heo nữa mà ngành y tế Bắc Ninh sẽ tổ chức xét nghiệm sán heo tại chỗ và hỗ trợ chi phí lấy mẫu xét nghiệm cho các trẻ ở 19 trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành, sau đó toàn bộ mẫu máu này sẽ được đưa ra viện, bệnh viện đầu ngành để làm xét nghiệm.

Cùng ngày, nhiều gia đình có trẻ nhỏ ở Thuận Thành tiếp tục đưa trẻ lên 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội là: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng trung ương để khám và làm xét nghiệm sán heo. Thống kê tại 2 cơ sở y tế này cho thấy, trong vòng 3 ngày qua đã tiếp nhận trên 1.500 trẻ 1 – 10 tuổi tại huyện Thuận Thành tới làm xét nghiệm sán heo, với kết quả là trên 130 trường hợp bị nhiễm sán heo. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng vì Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương vẫn đang chạy kết quả hơn 500 trường hợp. Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, do phát hiện nhiều trường hợp dương tính chéo với nhiều loại ký sinh trùng khác nên ngoài sán heo, trẻ được xét nghiệm thêm sán chó, sán lá gan. Do vậy, thời gian chạy kết quả sẽ lâu hơn, dự kiến đầu tuần mới có số liệu cập nhật.

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết, bộ sẽ có văn bản gửi các sở GD-ĐT trong cả nước yêu cầu tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm, quy trình giao nhận, bảo quản thực phẩm ở trường học. Đồng thời yêu cầu ngành giáo dục trong cả nước tiếp tục tuyên truyền, giáo dục học sinh về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường học trên địa bàn. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 1: “Vụ hàng trăm trẻ mắc bệnh sán lợn ở Bắc Ninh: Lấp lỗ hổng quản lý bếp ăn bán trú”; Tiền phong, trang 1: “Hàng ngàn phụ huynh đưa con lên Hà Nội xét nghiệm: trẻ nhiễm sán lợn liên tục tăng”

 

Cho phép cơ sở khám, chữa bệnh lập giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa bổ sung chức năng cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạo lập giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết việc tạo lập giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT sẽ tạo sự công khai, minh bạch và ngăn ngừa hành động trục lợi quỹ ốm đau.

Cụ thể, theo Công văn số 707/BHXH-CNTT về việc tạo lập giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do BHXH Việt Nam vừa ban hành, BHXH Việt Nam đã bổ sung chức năng cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạo lập giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT.

Để thực hiện việc tạo lập giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Phòng Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với Phòng Chế độ BHXH và Phòng Giám định hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ kỹ sử dụng trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (theo Phụ lục 8, Thông tư số 56/2017/TT-BYT) trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT theo hướng dẫn tại Công văn số 5451/BHXH-CNTT ngày 27/12/2018.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh tạo lập giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (Phụ lục 7, Thông tư 56/2017/TT-BYT) trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT.

Theo BHXH Việt Nam, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải đăng ký quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH với cơ quan BHXH theo hướng dẫn tại công văn số 5451/BHXH-CNTT ngày 27/12/2018 của BHXH Việt Nam và được cơ quan BHXH quản lý phê duyệt mới được phép sử dụng chức năng cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Thu hồi sản phẩm phô mai nhập khẩu từ Pháp do nhiễm khuẩn E.Coli

Ban Thư ký Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) vừa gửi cảnh báo tới cơ quan chức năng của Việt Nam về việc sản phẩm phô mai nhập khẩu từ Pháp nhiễm E.coli O157:H7.

Cơ quan quản lý của Pháp đã yêu cầu thu hồi các sản phẩm bị ảnh hưởng. Dựa trên thông báo này, Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan kiểm tra Nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do Bộ Công Thương chỉ định thông báo tới cá nhân/doanh nghiệp thu hồi sản phẩm phô mai có tên thương mại là HARDY AFFINEUR, số lô nhập khẩu từ 10-13  đến 10-33, nhập khẩu từ Pháp trong trường hợp cá nhân/doanh nghiệp nhập khẩu đăng ký kiểm tra nhà nước tại cơ quan.

Thời hạn sử dụng của sản phẩm là tốt nhất trước ngày 1-3 đến 26-3-2019. Tên sản phẩm bị thu hồi nhập khẩu về Việt Nam là VALENCAY AOC AFFINE HARDY.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với từng lô hàng sản phẩm phô mai nhập khẩu từ Pháp với tên thương mại là HARDY AFFINEUR (hoặc tên nhập khẩu về Việt Nam là VALENCAY AOC AFFINE HARDY) kể từ ngày theo thông báo tại công văn số 1609/BCT-KHCN ngày 12 tháng 3 năm 2019 đến khi có thông báo ngừng của Bộ Công Thương

Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động kiểm tra hàng hóa trên thị trường nếu phát hiện ra sản phẩm nêu trên được lưu thông trên thị trường thì kịp thời thu hồi, xử lý theo quy định.

Khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng sản phẩm có tên nêu trên và báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.

Trước đó, đầu tháng 3-2019, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo về sản phẩm này.

Sản phẩm này có tên Valencay Aoc Affine Hardy, trọng lượng 220 gram, gồm 6 miếng/gói. Đây là sản phẩm phô mai từ sữa dê. (An ninh Thủ đô, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 13: “Thu hồi Phomai nhiễm E.coli nhập khẩu từ Pháp”

 

Mù lòa do tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt kéo dài

Nhiều người lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của bác sĩ đã khiến mắt có thể bị glôcôm dẫn tới mù lòa do tra corticoid kéo dài. Đây là vấn đề đáng báo động được đưa ra tại Tuần lễ Glôcôm thế giới năm 2019 được tổ chức tại Bệnh viện Mắt Trung ương vào chiều 14-3.

Theo chia sẻ của TS.BS Vũ Anh Tuấn, Bệnh viện Mắt Hà Nội, ông từng tiếp nhận nam bệnh nhân 16 tuổi đột nhiên thị lực giảm sâu chỉ còn nhìn thấy bóng mờ tay. Trước đó, bệnh nhân bị viêm kết mạc, tự mua thuốc điều trị về nhỏ mắt. Loại thuốc này là thuốc thông dụng được bán ở hiệu thuốc có giá vài nghìn đồng, bệnh nhân nhỏ trong 6 tháng. Tới khi đột ngột không nhìn thấy gia đình mới đưa tới viện. Qua thăm khám, thị lực của bệnh nhân rất kém, nhãn áp tăng lên cao, teo dây thần kinh thị giác, mác mạc bị phù nề hai bên, đồng tử hai bên gián nhẹ, phản xạ ánh sáng chậm. Bác sĩ phải dùng các loại thuốc trị mắt tăng cường ở phác đồ cao nhất nhưng chỉ khắc phục được một phần. BS Tuấn cho hay, đây là tình trạng đáng báo động về việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt không có chỉ định của thầy thuốc khiến mắt có thể bị glôcôm do dùng thuốc có chứa corticoid kéo dài.

Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, trên thị trường có bán các loại thuốc nhỏ mắt có chứa steroids điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc, điều này có thể dẫn đến mắt bị glôcôm nếu dùng trong thời gian dài. Theo thống kê tại Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2009, bệnh nhân bị glôcôm góc mở có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài chiếm 31,7% đến 33,1%, trong đó 63,1% người trong độ tuổi lao động.

PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, nhiều bệnh nhân mắc bệnh glôcôm khi nhập viện trong giai đonạ trầm trọng, thị lực rất thấp, thị trường thu hẹp nguy cơ mù lòa cao. Cũng có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên hiệu quả điều trị không cao.

Glôcôm đứng thứ 2 (sau bệnh đục thể thủy tinh) trong các nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng tránh được ở hầu hết các khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt đã gây ra hậu quả nhãn tiền, gây mù cho nhiều người.

Vì vậy, các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương khuyến cáo, người dân không được tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt khi không có chỉ định của thầy thuốc. Glôcôm là căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực, có thể mù vĩnh viễn. Nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, có thể phòng tránh được mù lòa do Glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.

*Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2030 sẽ có 110 triệu người bị bệnh glôcôm. Tại Việt Nam có khoảng 380.800 người mù 2 mắt, trong đó có 24.800 người do glôcôm, chiếm tỉ lệ 6,5%. Ước tính trong toàn quốc hiện có 650.000 người mắc bệnh glôcôm. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Việt Nam sản xuất vắc xin sởi – rubella như thế nào?

Tại cuộc kiểm tra dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin nguồn vắc xin sởi – rubella hiện nay không thiếu nhờ có vắc xin Việt Nam sản xuất.

PV Thanh Niên đã đến nhà máy – nơi sản xuất vắc xin sởi đơn (tiêm cho trẻ lúc 9 tháng tuổi) và vắc xin phối hợp sởi – rubella (MR – tiêm cho trẻ lúc 18 tháng tuổi).

Nhiều năm sản xuất, thử nghiệm

GS-TS Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac – thuộc Bộ Y tế), cho biết năm 2014, dịch sởi hoành hành tại VN khiến khoảng 37.000 người mắc và hơn 100 trẻ tử vong có liên quan đến sởi thì Tổ chức Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) đã viện trợ cho VN 20 triệu liều vắc xin MR để tiêm cho trẻ em dưới 14 tuổi.

Năm 2015, vắc xin phối hợp này được ngành y tế đưa vào tiêm chủng thường xuyên nhưng phải nhập khẩu. Với nhu cầu bức bách thanh toán bệnh sởi, kể cả rubella, từ năm 2013 Bộ Y tế đã giao Polyvac sản xuất vắc xin MR dưới sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức JICA của Nhật Bản.

VN sản xuất vắc xin sởi – rubella  như thế nào ?

Theo GS-TS Hiền, năm 2015, Polyvac đã sản xuất được những lô vắc xin MR đầu tiên, nhưng chúng phải được kiểm tra chất lượng rất kỹ càng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại các phòng thí nghiệm của Polyvac và quốc gia. Đến năm 2016, vắc xin MR được tiến hành thử nghiệm lâm sàng thành công tại 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam. Kết quả đánh giá lâm sàng cho thấy MR an toàn và có tính sinh miễn dịch bảo vệ cao.

Tháng 3.2017 vắc xin MR được Cục Quản lý dược cấp phép lưu hành, sản xuất đại trà. Lô đầu tiên ra đời và bắt đầu đưa vào tiêm quy mô nhỏ vào tháng 2.2018 với 40.000 liều tại 4 tỉnh: Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Nông và Bà Rịa-Vũng Tàu. Tháng 4.2018, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đưa vắc xin MR tiêm chủng trên toàn quốc.

GS-TS Hiền cho biết, thế giới đã đưa ra những quy định kiểm soát vắc xin rất chặt chẽ. Tất cả các lô vắc xin đều phải được kiểm định chất lượng theo 3 cấp: cấp sản xuất, cấp kiểm định địa phương (nhà máy) và cấp kiểm định quốc gia (Viện Kiểm định vắc xin quốc gia), lô nào đạt tiêu chuẩn mới được đưa ra sử dụng.

Dùng thận thỏ, trứng gà sản xuất vắc xin

Theo GS-TS Hiền, nguyên liệu sản xuất vắc xin sởi là phôi trứng gà, còn vắc xin rubella là thận thỏ.

Để sản xuất vắc xin sởi, Polyvac phải nhập trứng gà sạch, vô trùng, không có tác nhân gây bệnh từ Đức (trứng gà SPF) với giá 250.000 đồng/quả và mỗi năm cần 1.000 quả. “Ngày xưa chúng tôi dự kiến đầu tư một trại nuôi gà lấy trứng với mức đầu tư khoảng 7 – 8 triệu đô la. Nhưng một năm chỉ sử dụng khoảng 1.000 trứng để sản xuất 7 – 8 triệu liều vắc xin sởi thì việc đầu tư như vậy là chưa tương xứng, nên thôi”, ông Hiền nói.

Với thỏ, Polyvac nhập giống thỏ SPF từ Nhật. Mỗi năm Polyvac sản xuất 10 lô vắc xin rubella, cần 10 cặp thận thỏ (10 con) và kiểm định chất lượng mất khoảng 100 con. Một con thỏ nhập từ Nhật Bản có giá 40 triệu đồng và thức ăn của nó cũng nhập từ Nhật. Do vậy, Polyvac đầu tư một khu chăn nuôi thỏ sạch với sự giúp đỡ công nghệ của Nhật. Đây là cơ sở chăn nuôi động vật thí nghiệm SPF đầu tiên của VN.

Về quy trình sản xuất vắc xin sởi và rubella, ông Phạm Thành Trường, Phó phòng Sản xuất vắc xin bán thành phẩm Polyvac, tiết lộ: Để sản xuất ra vắc xin sởi, trứng gà sau khi nhập về sẽ cho vào tủ chuyên dụng để ổn định, sau đó đưa vào lò ấp 9 ngày để phôi gà phát triển. Khi kiểm tra trứng đạt yêu cầu sẽ đưa đi lấy phôi và sau đó nghiền nhỏ để thu tế bào cơ rồi mang đi nuôi cấy. Sau 3 ngày sẽ tiến hành gây nhiễm vi rút sởi lên tế bào, vài ngày sau thu về những lọ dịch có chứa vi rút sởi và bảo quản trong môi trường âm 80 độ C. Quy trình sản xuất vắc xin rubella cũng tương tự như từ thời gian lấy tế bào thận thỏ đến khi gây nhiễm vi rút là 9 ngày và sau đó thu về vi rút rubella (gọi là vắc xin bán thành phẩm). Vắc xin bán thành phẩm được đưa vào phòng pha chế, chiết rót, đông khô, kiểm tra… Nói thì ngắn gọn nhưng phải trải qua hàng chục công đoạn kiểm tra gắt gao.

Theo ông Nguyễn Đăng Quỳnh, phụ trách quy trình đông khô vắc xin của Polyvac, vắc xin sau khi chiết rót ra lọ sẽ được đưa vào lò đông khô kéo dài 64 – 65 giờ để thành “bánh” vắc xin thành phẩm. Vắc xin thành phẩm sẽ qua giai đoạn kiểm tra bằng cảm quan dưới ánh đèn để phát hiện những bất thường, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn…

“Sản xuất vắc xin đơn liều đã khó, việc sản xuất vắc xin phối hợp MR càng khó hơn, đó là nghiên cứu làm sao 2 thành phần tương thích, tỷ lệ – hàm lượng phù hợp khi tiêm một mũi thì trẻ đáp ứng miễn dịch 2 loại bệnh sởi và rubella”, GS-TS Hiền cho biết thêm.

Nhà máy sản xuất vắc xin của Polyvac do Nhật Bản hỗ trợ, có tổng chi phí 30 triệu USD, đặt tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội. Theo GS-TS Hiền, trong quá trình thiết kế nhà máy, Polyvac mời chuyên gia của WHO đến rà soát từng chi tiết, kiểm soát không khí, nhiệt độ, độ ẩm, độ sạch… Riêng thiết kế chi tiết nhà xưởng, máy móc thiết bị, quy trình công nghệ mất 2 năm, còn xây dựng mất 17 tháng, với diện tích 3.000 m2. Năm 2006, Polyvac bắt đầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin sởi đơn từ Nhật, đến cuối năm 2009 đơn vị này đã làm chủ được công nghệ và cung cấp vắc xin sởi; năm 2015 sản xuất vắc xin phối hợp sởi – rubella, đến 2018 vắc xin này được đưa vào sử dụng. (Thanh niên, trang 4).

 

Trẻ nhiễm sán lợn: Phụ huynh không nên quá lo lắng!

Tính đến sáng ngày 17/3, sau khi hàng ngàn trẻ từ Bắc Ninh đến khám tại hai BV Bệnh nhiệt đới TW và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TW… đã có 124 trẻ bị nhiễm sán lợn.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh không nên quá lo lắng khi các cháu có kết quả dương tính với nhiễm sán lợn. Việc điều trị sán lợn cũng rất đơn giản theo phác đồ của Bộ Y tế.

Cuộc đại xét nghiệm truy tìm sán lợn trong vài ngày

Ngày 17/3, ông Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TW cho biết, trong 2 ngày 15-16/3, Viện đã khám, làm xét nghiệm cho 692 trẻ đến từ huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), trong đó riêng ngày 16/3 có 560 trẻ đến khám. Cộng dồn kết quả trong 2 ngày, có 75 trường hợp dương tính với sán lợn.

  1. Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới TW cho biết, tính hết ngày 16/3, BV tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhi được đưa đến từ Bắc Ninh. BV đã phải làm việc từ 5h sáng, tận dụng cả hội trường lớn và huy động nhiều y, bác sĩ từ các khoa phòng khác để lấy máu xét nghiệm, tránh chen lấn. Với BV, đây là cuộc xét nghiệm sán lợn lớn nhất trong lịch sử, với hơn 700 ca trong 2 ngày. Trong đó, ngày 15/3, có 230 trẻ đến khám, 173 trẻ có kết quả xét nghiệm thì lên đến 44 ca dương tính.

Như vậy đến nay, đã có khoảng gần 1.500 trẻ từ 1-10 tuổi tại huyện Thuận Thành về Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TW và BV Bệnh nhiệt đới TW để làm xét nghiệm sán lợn. Tổng số ca dương tính với sán lợn tại huyện Thuận Thành đã tăng lên 124 trường hợp. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng, do BV Bệnh nhiệt đới TW vẫn đang chạy kết quả hơn 500 trường hợp đến xét nghiệm trong ngày 16/3 vì phát hiện nhiều trường hợp dương tính chéo với nhiều loại kí sinh trùng khác, nên ngoài sán lợn, trẻ được xét nghiệm thêm sán chó, sán lá gan. Do vậy, thời gian xét nghiệm sẽ lâu hơn.

Trong ngày 17/3, vẫn có nhiều gia đình tại Thuận Thành đưa con em về xét nghiệm tại BV Bệnh nhiệt đới TW và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TW, nhưng số lượng đã giảm nhiều so với mấy ngày trước đó. Được biết, chi phí xét nghiệm sán lợn dao động từ 700 – 1 triệu đồng/lần xét nghiệm.

Liên quan đến việc xét nghiệm này, bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh cho biết, tỉnh Bắc Ninh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức xét nghiệm và hỗ trợ chi phí xét nghiệm sán lợn miễn phí cho học sinh 19 trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành. Cụ thể, ngành y tế Bắc Ninh sẽ tổ chức xét nghiệm sán lợn tại chỗ cho các trẻ ở một số trường mầm non nghi nhiễm sán (các trường có thực phẩm do Công ty Hương Thành cung cấp) sau đó toàn bộ mẫu máu này sẽ được đưa ra viện đầu ngành để làm xét nghiệm. Với thông tin này, phụ huynh Bắc Ninh sẽ không phải vất vả đưa con ra Hà Nội để xét nghiệm sán lợn nữa.

Về phía tỉnh Bắc Ninh, trong cuộc họp ngày 16/3, ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ về vụ việc, giao Sở Y tế phối hợp với các chuyên gia Bộ Y tế làm rõ nguyên nhân. Đáng lưu ý, ông Chiến đề nghị các ngành xem xét, tính toán hỗ trợ cho toàn bộ các trường hợp xét nghiệm là học sinh ăn thịt lợn do Công ty Hương Thành cung cấp. “Tỉnh sẽ kiên quyết làm rõ vụ việc đảm bảo quyền lợi của học sinh, phụ huynh”, ông Chiến nhấn mạnh.

Bệnh ấu trùng sán lợn: Không nguy hiểm nếu phát hiện kịp thời và điều trị đúng phác đồ

Vụ việc bắt nguồn từ cuối tháng 2/2019, phụ huynh Trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đã tới bếp ăn của trường, quay lại hình ảnh một miếng thịt lợn có sán. Ngày 5/3, phụ huynh tiếp tục vào bếp ăn trường này, phát hiện những miếng thịt gà luộc chín bị bở ra có thể bóp nát được trên tay. Tiếp nhận thông tin, ngay sau đó lực lượng công an đã có mặt để thu giữ số lượng thịt gà có tại Trường mầm non Thanh Khương và đưa đi giám định, đồng thời thu giữ một số phiếu, hóa đơn nhập thực phẩm tại trường học này. Hiện Công ty TNHH Hương Thành – đơn vị cung cấp thực phẩm cho Trường mầm non Thanh Khương và 18 trường mầm non, 2 trường tiểu học khác trong toàn huyện đã bị tạm dừng hoạt động, chờ kết quả điều tra. UBND huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với bà Cao Thị Hòe – Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Khương.

GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW cho biết, phụ huynh không nên quá lo lắng khi các cháu có kết quả dương tính với nhiễm sán lợn. Việc điều trị sán lợn cũng rất đơn giản theo phác đồ của Bộ Y tế. “Sán lợn có thể lây do nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước (ăn các rau thủy sinh không rửa sạch, không nấu chín) hoặc lây từ các thực phẩm không được nấu chín. Dù vậy, đây không phải là bệnh cấp tính do đó các phụ huynh hết sức bình tĩnh. Khi nghi ngờ con có giun sán nên đưa đến bệnh viện khám” – GS. TS. Nguyễn Văn Kính cho biết. Theo phác đồ điều trị hiện nay, để tiêu diệt sán trưởng thành chỉ mất 1 ngày, tiêu diệt hết trứng sán mất 2 tuần. Do đó các trường hợp dương tính sẽ được bác sĩ tư vấn, quay lại để nhận thuốc điều trị. Nếu uống đủ trong 15 ngày sẽ sạch sán. Tuy nhiên, do nhiễm sán thường không có dấu hiệu điển hình, không sốt, để nhiễm sán dài ngày hậu quả suy giảm thể lực, rối loạn tiêu hóa, lâu năm trở nên gầy mòn. Vì thế, nếu nghi ngờ con nhiễm sán có thể sắp xếp thời gian để đi kiểm tra và điều trị.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

– Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.

– Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

– Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.

– Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Báo động 83,7% trẻ em Việt Nam bị sâu răng sữa

83,7% trẻ em Việt Nam bị sâu răng sữa và với những tác động lớn hơn tiềm ẩn đằng sau đó có liên quan đến cuộc sống của trẻ tại trường như việc nghỉ học hay khả năng tự tin giao tiếp.

Theo nhiều kết quả điều tra sức khỏe răng miệng quốc gia đối với trẻ em 6 tuổi, 83,7% trẻ em Việt Nam bị sâu răng sữa và với những tác động lớn hơn tiềm ẩn đằng sau đó có liên quan đến cuộc sống của trẻ tại trường như việc nghỉ học hay khả năng tự tin giao tiếp (Nghiên cứu về những ảnh hưởng tiềm ẩn của sức khỏe răng miệng đối với cuộc sống của trẻ em, phỏng vấn hơn 500 trẻ em và hơn 500 phụ huynh năm 2019).

Nhằm hưởng ứng ngày sức khỏe răng miệng thế giới (20/3/2019) được tổ chức toàn cầu với khẩu hiệu “Hãy nói A: Hành động cho sức khỏe răng miệng” và tăng cường công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe răng miệng cho gia đình, BV Răng Hàm Mặt TP. HCM, Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Hội Răng Hàm Mặt TP.HCM cùng phối hợp tổ chức chương trình khám và tư vấn răng miệng miễn phí và các hoạt động khác.

Đây một chương trình cần thiết và quan trọng trong công tác tuyên truyền, khuyến khích xây dựng những thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe răng miệng như chải răng buổi sáng và tối mỗi ngày.

Với mục tiêu tiếp cận và lan tỏa thông điệp đó đến nhiều người hơn, năm nay chương trình sẽ được tổ chức liên tiếp 3 ngày 20, 21, 22 tháng 03 năm 2019 (từ 7g30 đến 17g00) tại BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, dự kiến sẽ thu hút hơn 3.000 người tham gia. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 20/6/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/9/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 22/01/2019

Ngọc Nga

Để lại bình luận