Điểm báo ngày 18/7/2022

(CDC Hà Nam)
Bác sĩ thôi việc, bỏ bệnh viện công: Đâu là lời giải?; TP.HCM lên kịch bản ứng phó dịch sốt xuất huyết tăng báo động; Lơ là tiêm vắc xin, dịch cúm sẽ bùng phát; …

 

TP.HCM lên kịch bản ứng phó dịch sốt xuất huyết tăng báo động

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại TP.HCM từ đầu năm đến nay gia tăng báo động. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 16.7, địa bàn TP.HCM có 235/392 bệnh nhân (BN) nhập viện (còn lại ở các tỉnh chuyển đến).

Hiện TP.HCM đang điều trị cho 1.797 BN SXH, trong đó có 109 ca nặng, 13 ca đang thở máy xâm lấn và 4 ca lọc máu. Như vậy, từ đầu năm 2022 đến hết ngày 16.7, TP.HCM đã có đến 29.492 BN SXH, trong đó 13 BN tử vong.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM xây dựng kế hoạch đảm bảo tiếp nhận, điều trị từ 2.000 – 6.000 BN SXH tại các bệnh viện (BV), nhằm sẵn sàng các nguồn lực để thu dung, chăm sóc, điều trị, giảm tỷ lệ BN chuyển nặng và tử vong. Theo kế hoạch, TP.HCM huy động 54 BV chuyên khoa, đa khoa công lập và tư nhân tham gia điều trị. BN là người lớn có triệu chứng nặng ưu tiên điều trị tại các BV Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Trưng Vương, Đại học Y Dược và các BV đa khoa khác… Đối với trẻ em thì điều trị tại BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP. Sở Y tế yêu cầu các BV sẵn sàng trang thiết bị y tế, vật tư, dịch truyền, chế phẩm máu để đáp ứng nhu cầu điều trị trong tình huống nhất định.

Sở Y tế cũng yêu cầu tất cả các BV sẵn sàng tiếp nhận, điều trị BN SXH theo phân tuyến tại TP.HCM và một số tỉnh phía nam theo phân công của Bộ Y tế. Theo đó, các BV Bệnh nhiệt đới, Trưng Vương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP là tuyến trên hỗ trợ chuyên môn SXH cho tuyến dưới, triển khai hội chẩn liên viện hoặc cử bác sĩ hỗ trợ tại chỗ khi cần thiết. Hạn chế chuyển BN vượt tuyến trừ khi quá khả năng.

Tại TP.HCM, BV Nhi đồng 1 hỗ trợ 8 quận, huyện gồm các quận: 5, 8, 10, 11, 12, Tân Bình và H.Hóc Môn. BV Nhi đồng 2 hỗ trợ 8 quận, huyện gồm các quận: 1, 3, 4, 7, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP.Thủ Đức. BV Nhi đồng TP hỗ trợ 6 quận, huyện gồm các quận: 6, Bình Tân, Tân Phú, H.Bình Chánh, H.Cần Giờ và H.Nhà Bè. BV Bệnh Nhiệt đới hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở người lớn cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM.

Sở Y tế yêu cầu các BV rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng BN SXH. Tăng cường việc theo dõi BN SXH đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời BN có diễn biến nặng lên. (Thanh niên, trang 4)

 

Lơ là tiêm vắc xin, dịch cúm sẽ bùng phát

Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, đạt đỉnh vào tháng 3-4 và tháng 9-10 hằng năm, có xu hướng gia tăng trong mùa xuân và mùa đông. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội những tuần gần đây, số ca mắc cúm A gia tăng vào mùa hè. Số ca bệnh cúm tăng trái với quy luật cảnh báo nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nếu lơ là tiêm vắc xin phòng bệnh.
Người lớn và trẻ nhỏ đều mắc bệnh

Trong hai tuần qua, trung bình mỗi tuần Khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận 40-50 trẻ nhập viện điều trị cúm A. Trong số các trường hợp phải nhập viện, có nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, một số ca còn phải thở ô xy, chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo). Đơn cử như bệnh nhi N.T.N. (ở tỉnh Nghệ An) mắc cúm A nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, tổn thương phổi và phải chạy ECMO. Trước khi được chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhi này đã điều trị tại bệnh viện tuyến dưới được 7 ngày, với triệu chứng sốt cao, ho…

Ngoài viêm phổi, suy hô hấp, một biến chứng nguy hiểm khác cũng xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây, đó là viêm não sau khi mắc cúm. Tại Bệnh viện Nhi trung ương đã ghi nhận một số trường hợp sau khi mắc cúm 3-5 ngày, thì có các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương, như trẻ có biểu hiện lơ mơ, li bì, co giật…

Không chỉ có trẻ em, mà cả người lớn mắc cúm phải nhập viện cũng gia tăng. Chỉ trong 1 tuần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám và điều trị do nhiễm vi rút cúm, trong đó có cả phụ nữ mang thai. Đa số các bệnh nhân đến khám có biểu hiện nhiễm trùng ở đường hô hấp trên với các triệu chứng: Sốt cao, đau mỏi, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, thậm chí viêm phổi. Theo Trưởng khoa Vi rút – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Nguyễn Kim Thư, cúm thường tiến triển lành tính, nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Riêng với phụ nữ mang thai, cúm có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.

Còn theo Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn Nguyễn Thu Hường, có những ngày cao điểm, bệnh viện tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân mắc cúm A vào điều trị, trong khi trước đó chỉ ghi nhận rải rác một vài ca. Các năm trước, dịch sốt xuất huyết xuất hiện trước, sau đó mới đến cúm A, nhưng năm nay ghi nhận sự đảo ngược: Sốt xuất huyết chỉ có vài ca, nhưng số ca mắc cúm A lại tăng.

Thông thường, vi rút cúm phát triển mạnh vào mùa đông – xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm và ít xuất hiện vào mùa hè, vì thời tiết khô nóng. Lý giải nguyên nhân bệnh cúm A gia tăng trái mùa, các bác sĩ đều cho rằng, có thể do thời tiết biến đổi thất thường, người dân đi du lịch, giao thương nhiều, nhất là nhiều người lơ là không tiêm vắc xin.

Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương Trần Minh Điển cho biết, việc trẻ ở nhà quá lâu trong giai đoạn nghỉ dịch Covid-19 cũng là một phần lý do. Vì không tiếp xúc với bên ngoài trong một thời gian dài, nên kháng thể để chống đỡ với các loại vi rút, vi khuẩn của trẻ kém. Ngoài ra, trẻ có thể không được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, nhất là vắc xin cúm, nên dễ mắc bệnh.

Tiêm vắc xin định kỳ – chìa khóa phòng bệnh hiệu quả

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, có những bệnh như sởi, bại liệt…, miễn dịch tạo ra bền vững suốt đời, song đối với cúm, thì miễn dịch chỉ kéo dài dưới 1 năm. Khi kháng thể giảm, khả năng lây nhiễm tăng lên. Do đó, việc tiêm vắc xin cúm định kỳ hằng năm là vô cùng cần thiết.

Còn Trưởng khoa Vi rút – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Nguyễn Kim Thư lưu ý, đối với những người có hệ miễn dịch yếu, như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai có thể nhiễm cúm ở các thời điểm trong năm. Để phòng tránh, mọi người cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nâng cao sức đề kháng và đặc biệt là tiêm phòng cúm hằng năm.

Hiện tại, tiêm vắc xin phòng dịch cúm A là chìa khóa đơn giản, an toàn và tiết kiệm nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh, biến chứng nặng và nguy cơ lây lan cho những người xung quanh. Tại Việt Nam đã có vắc xin cúm tứ giá thế hệ mới phòng ngừa 4 chủng vi rút cúm nguy hiểm đang lưu hành, có thể gây thành đại dịch và nguy cơ tử vong cao là 2 chủng cúm A (A/H1N1), (A/H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata và Victoria). Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin khoảng 2-3 tuần sau tiêm và thời gian duy trì miễn dịch sau tiêm là 6-12 tháng.

Cùng với việc tiêm phòng, các bác sĩ cũng khuyến cáo về biện pháp chăm sóc trẻ thường ngày để tăng sức đề kháng, đó là cần áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng, sử dụng đa dạng các loại thực phẩm bảo đảm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ. Khi trẻ mắc bệnh, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng hơn với các món ăn như: Cháo, sữa… (Hà nội mới, trang 5)

 

Giải pháp mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Thời gian qua, giữa bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân, vai trò của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội ngày càng được khẳng định.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận đó là số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế đều có tăng trưởng tích cực. Tính đến hết tháng 6/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 16,822 triệu người (đạt 87,7% kế hoạch), tương đương khoảng 34% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 275,5 nghìn người so cuối năm 2021. Riêng số người tham gia bảo hiểm y tế giảm mạnh so thời điểm hết năm 2021, nhưng vẫn tăng 280 nghìn người so tháng 5/2022. Hiện, bảo hiểm y tế bao phủ 86,538 triệu người, đạt 94,3% kế hoạch và đạt tỷ lệ 87,4% dân số.

Nhiều khó khăn trong tăng độ bao phủ

Tuy nhiên, cũng có không ít khó khăn trong công tác mở rộng đối tượng tham gia, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào nhận xét: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện tăng trưởng chậm, nhất là bảo hiểm y tế vẫn giảm sâu so thời điểm cuối năm 2021. Một trong những nguyên nhân do dịch bệnh, mức giá sinh hoạt tăng cao đã ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập của người dân, mà nguyên nhân chính là có sự thay đổi mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2022, do mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tăng.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nợ số tiền lớn, thời gian kéo dài… Việc thu hồi số tiền hưởng bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp sai quy định, khó khăn khi đối tượng hưởng sai không có thu nhập, không có khả năng hoàn trả; hoặc cố tình không thực hiện trách nhiệm hoàn trả nhưng không có chế tài để xử lý.

Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội các địa phương đã có nhiều nỗ lực với nhiều mô hình, cách làm hay để khắc phục các khó khăn này. Theo đó, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã xây dựng, triển khai các kịch bản tổ chức thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… bảo đảm thích ứng linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến dịch Covid-19 và các “gói phục hồi kinh tế-xã hội” của Chính phủ. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển người tham gia đến cấp xã; đề xuất ngân sách địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; đẩy mạnh rà soát dữ liệu người chưa tham gia trên cơ sở dữ liệu cơ quan thuế cung cấp, xây dựng kế hoạch theo tuần, tháng, quý để đôn đốc doanh nghiệp tham gia đầy đủ; cập nhật, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo từng địa bàn cấp xã, phối hợp với các tổ chức, đại lý thu tổ chức hội nghị khách hàng để vận động, phát triển người tham gia.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương cũng tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất. Đến hết tháng 6/2022, đã thực hiện thanh tra đột xuất được 1.339/27.742 đơn vị thuộc diện phải thanh tra. Kết quả đã phát hiện các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 581 lao động, với số tiền truy đóng 3,06 tỷ đồng; lao động đóng thiếu là 919 lao động, số tiền truy đóng: 10,9 tỷ đồng…

Chủ động phương án “từ sớm, từ xa”

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2022, đại diện bảo hiểm xã hội của các địa phương, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Lai Châu, Bình Định… cùng đưa ra nhận định: Một trong các giải pháp hiệu quả là tham mưu, vận động sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương, bảo đảm triển khai hiệu quả của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn. Nhất là sự chủ động từ chính cơ quan bảo hiểm xã hội với các giải pháp phù hợp với điều kiện từng địa bàn.

Đánh giá cao sự nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Văn Cường đề nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục có giải pháp quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022. Trong đó, tận dụng triệt để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm trong thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội các địa phương nếu gặp vướng mắc, cần sớm phát hiện, tổng hợp về Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để báo cáo Hội đồng quản lý sẵn sàng vào cuộc, tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội này.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn trong việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị và bảo hiểm xã hội các địa phương cần nắm chắc, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động phân tích, đánh giá, nâng cao năng lực dự báo để kịp thời có phương án, kịch bản, giải pháp chỉ đạo, điều hành “từ sớm, từ xa” đối với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Có nhận thức và hành động đúng đắn, kịp thời, quyết liệt, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực thích ứng, phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới và linh hoạt trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với việc xây dựng các quy trình, quy chế; cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. “Toàn ngành phối hợp với các cấp, ngành giải quyết đồng thời, hài hòa hai vấn đề quan trọng, đó là: Vừa bảo đảm đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng, vừa kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ; bảo đảm thu, chi, đầu tư tăng trưởng hiệu quả, an toàn và tối ưu nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. (Nhân dân, trang 5)

 

Bác sĩ thôi việc, bỏ bệnh viện công: Đâu là lời giải?

Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế). Đây rõ ràng là một thách thức lớn đối với ngành y và quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan mới được bổ nhiệm.

Những con số buồn

Con số nêu trên được Bộ Y tế đưa ra đã phần nào nói lên làn sóng bỏ việc, thôi việc, “chạy” khỏi bệnh viện công của lực lượng cán bộ ngành y hiện nay. Chưa khi nào ngành y lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân sự lớn đến như vậy.

Điều đáng nói, số lượng y, bác sĩ, cán bộ y tế bỏ việc, thôi việc, bỏ bệnh viện công ở những khu vực mật độ dân số cao.

Tại TPHCM, vấn đề quan ngại nhất lúc này là TPHCM đang thiếu hụt về nhân lực, đối mặt với một bộ phận nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài chống dịch. Bà Lê Thiện Quỳnh Như – Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM – cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 874 nhân viên y tế có đơn xin nghỉ việc. Trước đó, năm 2021 đã có hơn 1.154 cán bộ, nhân viên y tế tại thành phố xin rời khỏi ngành vì áp lực công việc. Tổng cộng đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1.001 điều dưỡng (chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của thành phố). Theo đà này, số nhân viên y tế bỏ việc trong năm 2022 dự kiến sẽ cao hơn năm 2021 nếu như không có giải pháp thoả đáng.

Tại Hà Nội, con số cũng đáng báo động: Năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác; từ tháng 1-4.2022, có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác.

Tương tự, tại Đà Nẵng có 322 nhân viên y tế xin nghỉ việc với 141 bác sĩ, 24 kỹ thuật y và 96 trường hợp làm công việc liên quan đến y tế.

Lương thấp có phải là nguyên nhân chính?

Lý giải cho làn sóng này, nguyên Vụ trưởng vụ pháp chế Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang đưa ra 7 lý do. Trong đó lý do đầu tiên là thu nhập thấp của các cán bộ y tế bệnh viện công. Trên tờ Sức khoẻ đời sống, ông Huy dẫn chứng: “Với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng không thể khiến họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến được.

Trong khi đó, người giúp việc hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng, người phụ hồ với mức chi trả hơn 300 nghìn/ngày công, cũng có số thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng”.

Tâm sự với Lao Động, một bác sĩ tại Đồng Nai nói: “Thu nhập của tôi chỉ gồm tiền lương hằng tháng khoảng 5 triệu đồng, cộng với tiền trực đêm một tháng được thêm khoảng 1 triệu đồng và tiền xếp loại A, B, C cuối tháng được nhận thêm 200.000 đồng, thì tổng mới hơn 6 triệu đồng/tháng, thì không đủ sống”.

Một bác sĩ để được công nhận và làm việc tại bệnh viện trải qua qua trình đào tạo, lâu dài và cập nhật kiến thức y khoa liên tục nhưng sau hàng chục năm, thu nhập còn kém giúp việc, phụ hồ là điều phi lý.

Thậm chí, một bạn đọc của Lao Động cho rằng: “Sai lầm lớn nhất của cuộc đời là bán đất để cho hai con học ngành y. Sau 6 năm thì miếng đất tăng giá 6-7 lần trong khi hai con ra trường, đi làm thu nhập chưa đến 7 triệu/tháng”.

Bất cập về chính sách

Trong cơ cấu lương của cán bộ y tế hiện nay, riêng về chế độ phụ cấp vẫn thực hiện theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP ban hành từ năm 2011. Theo đó, mức phụ cấp ưu đãi cao nhất là 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.

Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm; Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm; Kiểm dịch y tế biên giới. Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.

Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%.

Hồi tháng 6.2022, Công đoàn nghành y tế cũng đã có kiến nghị sửa đổi Nghị định 56. Theo đó, Nghị định số 56/2011/NĐ-CP của Chính Phủ, cán bộ y tế được hưởng mức độ từ 20-70% chế độ phụ cấp ưu đãi nghề. Rất nhiều đối tượng lao động làm việc trong điều kiện môi trường độc hại bệnh viện, vẫn phải tiếp xúc với người bệnh, mầm bệnh nhưng lại không được hưởng phụ cấp này. Vì vậy, Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị quan tâm nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành y tế cùng được hưởng Phụ cấp ưu đãi nghề.

Nhưng phụ cấp cũng chưa phải là vấn đề khi mà dù có nâng lên mức 100% thì thu nhập ở bệnh viện công vẫn thấp hơn rất nhiều so với bệnh viện tư.

Bất cập thứ hai, được chỉ ra, đó là mức lương khởi điểm của y bác sĩ mới ra trường không hấp dẫn.

Theo Nghị quyết 46/NQ-BCT của Bộ Chính trị, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, có cơ chế đào tạo đặc thù. Thế nhưng, Công đoàn Y tế đã chỉ ra: “Riêng đối với bác sĩ, thời gian đào tạo kéo dài 6 năm so với các ngành khác thời gian đào tạo chỉ là 4 năm. Tuy nhiên, phải mất 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1.

Các ngành khác, chế độ tiền lương chỉ trả sau 4 năm đại học mức lương khởi điểm là 2,34. Đây là một bất cập, đề nghị chế độ chính sách tiền lương khởi điểm riêng với bác sĩ ngành y, được áp dụng mức khởi điểm tương đương bậc 2 là 2,67”.

Lời giải

Đầu tiên là phải tìm cách xoá bỏ những bất cập về chính sách như nói ở trên, cụ thể nhanh chóng sửa Nghị định 56 như yêu cầu của Chính phủ, kiến nghị mức lương khởi điểm, thậm chí tạo một cơ chế đặc thù có lực lượng y bác sĩ khu vực công.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM – cho rằng: “Sắp tới khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi Luật Khám chữa bệnh, cần tập trung vào việc nâng lương. Đặc biệt, phải trả tiền đúng với công sức trực đêm của nhân viên y tế, thay vì cho rằng đây là đặc thù nghề nghiệp và “trả cho có”. Ngoài ra, có thể tạo điều kiện cho y bác sĩ làm ngoài giờ, làm dịch vụ để cải thiện thêm thu nhập.

Trong khi đó, Sở Y tế Bình Dương kiến nghị Chính phủ có chế độ chính sách cho cán bộ các bộ y tế cơ  sở, y tế dự phòng. Cụ thể tăng lương, phụ cấp với mức lương ban đầu đảm bảo 3 lần mức lương cơ sở vùng 1 (13,26 triệu đồng/tháng) với bác sĩ; 1,5-2 lần mức lương cơ sở vùng 1 (6,6-8,8 triệu đồng/tháng) cho điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ tiếp nhận việc ban đầu tại tuyến y tế cơ sở.

Tại Đồng Nai, PGĐ Sở Y tế Lê Quang Trung đưa ra giải pháp: “Cần nhất là phải có cơ chế thoáng hơn, giao quyền tự chủ lớn hơn, rõ ràng hơn cho các bệnh viện, như: Tự chủ giá viện phí, tự chủ nhân sự, từ đó các bệnh viện tư phát triển xây dựng giá viện phí phù hợp, xây dựng giá trị thương hiệu thu hút bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao thu nhập mới giữ chân bác sĩ được.

Tại lễ công bố quyết định giao quyền bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Đào Hồng Lan ngày 15.7, Thủ tướng Chính phủ đã giao một số nhiệm vụ cho quyền Bộ trưởng, một trong số đó là: “Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế các tuyến. Xây dựng, đề xuất các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp, chăm lo hơn nữa đời sống cán bộ, nhân viên”.

Kỳ vọng rất nhiều đối với tân “tư lệnh” ngành y, trong đó câu chuyện ngăn chặn làn sóng bác sĩ thôi việc, bỏ bệnh viện công chính là một trong những vấn đề nóng nhất, cần giải quyết sớm nhất. (Lao động, trang 1).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 05/5/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/03/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/4/2022

CDC Hà Nam