Điểm báo ngày 19/10/2018

(CDC Hà Nam)
19TPHCM khởi công xây bệnh viện truyền máu huyết học 1.000 tỷ; Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm vụ bé 2 tuổi tử vong sau truyền dịch; Bộ Y tế khuyến cáo không nên mua viên nang Nga Phụ Khang trên một số website; Ca tử vong đầu tiên do bệnh tay chân miệng tại Quảng Ngãi; Hà Nội đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống bệnh tay chân miệng…

TPHCM khởi công xây bệnh viện truyền máu huyết học 1.000 tỷ

Sáng 17/10, tại huyện Bình Chánh, UBND TPHCM, Sở Y tế tổ chức khởi công dự án Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM cơ sở 2, với mức vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Bệnh viện có 5 tầng với 300 giường bệnh, diện tích sàn xây dựng hơn 33 nghìn m2. Bên cạnh khu khám điều trị bệnh, ghép tế bào gốc là các khối nhà phụ trợ, sân đường giao thông nội bộ, bãi đậu xe… Bệnh viện cũng phục vụcông tác truyền máu, lưu trữ máu cho ngành y tế thành phố. Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM cho biết bệnh viện cơ sở 1 hiện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 500 lượt khám chữa bệnh ngoại trú, gần 200 giường bệnh nội trú luôn trong tình trạng quá tải. Ngân hàng máu năm qua cung cấp khoảng 250.000 túi máu cho tất cả bệnh viện thành phố và một số tỉnh phía Nam. Dự tính đến năm 2020 ngân hàng máu sẽ không đủ công suất phục vụ. (Công an Nhân dân, trang 2).

Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm vụ bé 2 tuổi tử vong sau truyền dịch

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) trong vụ việc cháu bé 2 tuổi tử vong sau khi được truyền dịch điều trị tiêu chảy tại phòng khám của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên).

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản cho biết, ngày 17/10/2018, một số cơ quan báo chí có đăng bài phản ánh cháu bé 2 tuổi tử vong sau khi được truyền dịch điều trị tiêu chảy tại phòng khám của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên).

Về sự việc này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giao Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Long Biên kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân tại phòng khám trên (nếu có)

Kết quả kiểm tra, xử lý cần báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội trước ngày 25/10/2018; đồng thời thông tin với báo chí theo quy định.

Chiều tối 17-10, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo nhanh về vụ bệnh nhi tử vong sau khi truyền dịch tại một phòng khám tư trên địa bàn phường Đức Giang (quận Long Biên) vào chiều 16-10.

Báo cáo do Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền ký cho biết, chiều 16-10, bệnh nhi Nguyễn Gia Bình (sinh 1-12-2016, địa chỉ tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được bố mẹ đưa đến Phòng khám chuyên khoa Nội của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc tại địa chỉ 392 Ngô Gia Tự (phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) để khám với các dấu hiệu sốt, tiêu chảy.

Bệnh nhi được bác sĩ Cúc khám và trực tiếp truyền dịch (loại dịch truyền là Ringer lactat), truyền được khoảng 15 phút thì bệnh nhi có biểu hiện tím tái. Bác sĩ Cúc lập tức rút kim truyền và trực tiếp cùng gia đình đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu.

Khi đến Bệnh viện Đức Giang, cháu bé đã có dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim, không đo được mạch, huyết áp, đồng tử giãn 4 mm – không phản xạ ánh sáng; được cấp cứu theo phác đồ nhưng sau hơn 30 phút không có kết quả. Bệnh nhi được chẩn đoán tử vong ngoại viện.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế Hà Nội đã rà soát lại giấy phép hoạt động của phòng khám chuyên khoa Nội tại địa chỉ 392 đường Ngô Gia Tự (Long Biên). Đây là phòng khám được Sở cấp phép hoạt động, gồm 2 nhân sự là bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc – chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phòng khám và y sĩ Đinh Thị Hằng Nga – là nhân viên hợp đồng.

Để phục vụ công tác điều tra, giải quyết vụ việc, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của phòng khám này.

Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, hiện cơ quan Cảnh sát điều tra – CAQ Long Biên đã phối hợp với đơn vị thẩm quyền để thực hiện thủ tục pháp y đối với bệnh nhân. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu, thuốc, vật tư liên quan đến việc khám và điều trị của bệnh nhân tại phòng khám đã được cơ quan Công an quận Long Biên niêm phong để phục vụ công tác điều tra, xác minh. (An ninh Thủ đô, trang 2; Thanh niên, trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

Bộ Y tế khuyến cáo không nên mua viên nang Nga Phụ Khang trên một số website

Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế, đơn vị này đã phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên nang Nga Phụ Khang của Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu được quảng cáo trên một số trang web có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo. Cụ thể, Cục ATTP cho biết, trong thời gian vừa qua trên các website unangbuongtrung.com.vn, suynhuocthankinh.vn, pavietnam.com  đã quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên nang Nga Phụ Khang của Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo.

Đây là sản phẩm khá phổ biến trên thị trường, được quảng cáo với chức năng hỗ trợ điều trị các bệnh thường gặp ở nữ giới như: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, tuyến tiền liệt, cũng như các bệnh về mô và cơ quan khác của cơ thể phụ nữ.

Thế nhưng qua xác minh, các website nêu trên không phải do Công ty Dược phẩm Á Âu sở hữu công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thực hiện quảng cáo.

Do đó, Cục ATTP cho rằng, các sản phẩm đã nêu đang quảng cáo tại các website trên không đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nga Phụ Khang trên một số website.

Ngoài sản phẩm Nga Phụ Khang, Cục ATTP cũng vừa phát hiện trên website http://congtyduocphampqa.com/ có quảng cáo các sản phẩm Thực phẩm Bảo vệ sức khỏe PQA Hen suyễn, PQA An thần bổ tâm, PQA chỉ huyết, PQA dưỡng cốt, Siro hohen PQA, PQA ích khí thăng dương, có dấu hiệu vi phạm quy định quảng cáo.

Các sản phẩm này được Công ty cổ phần dược phẩm PQA (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên đại diện công ty khẳng định tất cả 5 sản phẩm của PQA đang quảng cáo trên website http:// congtyduocphampqa.com như trên đều không phải do Công ty này thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng.

Vì vậy, Cục ATTP cũng thông báo để người tiêu dùng không mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang website nêu trên. (An ninh Thủ đô, trang 8).

Ca tử vong đầu tiên do bệnh tay chân miệng tại Quảng Ngãi

Chiều 18.10, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi xác nhận bé N.L.S.H (18 tháng tuổi, ở xã Đức Minh, H.Mộ Đức) vừa tử vong do mắc bệnh (TCM) tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Đây là trường hợp bị bệnh TCM tử vong đầu tiên trong năm 2018 của tỉnh Quảng Ngãi.

Theo Sở Y tế Quảng Ngãi, tính đến chiều 18.10, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.500 ca mắc bệnh TCM.

Cùng ngày, tin từ Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết tính từ đầu năm đến nay, toàn TP đã có 4.567 ca bệnh TCM, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017 (4.412 ca).

Số ca sởi tiếp tục gia tăng với 181 ca, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, ngày 18.10 Bộ Y tế cho biết chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho trẻ 1 – 5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018 – 2019 sẽ được triển khai đợt 1 từ tháng 11 – 12.2018 tại 156 quận/huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh/TP; đợt 2 triển khai trong tháng 1 – 2.2019 tại 262 quận/huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh/TP. Dự kiến gần 4,3 triệu trẻ được tiêm.

Bên cạnh đó, hiện cả nước có 49 tỉnh/TP ghi nhận 2.301 trường hợp nghi sởi; 37 tỉnh/TP ghi nhận 954 trường hợp mắc sởi dương tính; đã có 1 trường hợp mắc sởi tử vong tại Hưng Yên. (Thanh niên, trang 4).

Hà Nội đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống bệnh tay chân miệng

Vừa qua, TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã ký văn bản khẩn gửi các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc ngành, cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn đảm bảo cung ứng đủ thuốc phòng chống bệnh tay chân miệng. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chủ động đề xuất phương án cung ứng thuốc, liên hệ với đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc và chuẩn bị sẵn sàng cơ số phòng chống dịch; thường xuyên cập nhật diễn biến mô hình bệnh tật để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị tại cơ sở, đảm bảo không xảy ra thiếu thuốc cho công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng và điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn. Với các cơ sở kinh doanh thuốc, Sở Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng nguồn thuốc chất lượng, giá thành hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh… (Thanh niên, trang 4).

Nghịch lý bệnh viện

Tỉ lệ gường bệnh/vạn dân ở VN tính hết cả giường kê thêm mới đạt trên 25 giường/vạn dân, vào nhóm thấp ở châu Á và chỉ bằng 1/3 so với các nước phát triển. Giường bệnh ít ỏi khiến bệnh viện quá tải cả ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh, tình trạng người bệnh phải nằm 2 người một giường bệnh, thậm chí nhiều hơn nữa xuất hiện ở nhiều bệnh viện … (Tuổi trẻ, trang 8).

Hơn 4,2 triệu trẻ sẽ được tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella

Trẻ từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao trong năm 2018-2019 sẽ được tiêm bổ sung vaccine sởi – rubella nhằm góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi, rubella trong cộng đồng.

Theo kế hoạch được Bộ Y tế ban hành, thời gian triển khai chiến dịch gồm đợt 1: tháng 11-12.2018 tại 156 quận/huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh/thành phố. Đợt 2: tháng 1-2.2019 tại 262 quận/huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh/thành phố.

Theo đó, tất cả trẻ từ 1-5 tuổi tại vùng nguy cơ cao (Trẻ sinh từ 1.1.2014 – 1.11.2017 đối với đợt 1, trẻ sinh từ 1.3.2014 – 1.1.2018 đối với đợt 2) sẽ được tiêm 1 mũi vaccine không kể tiền sử được tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi hoặc vaccine phòng bệnh rubella trước đó. Ngoại trừ trẻ đã tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc vaccine phòng bệnh rubella trong thời gian <1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung.

Dự kiến có khoảng 4.286.099 trẻ được tiêm trong chiến dịch này.

Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến 17.9.2018 toàn quốc có 49 tỉnh/thành phố ghi nhận 2.301 trường hợp sởi phát ban, 37 tỉnh/thành phố ghi nhận 954 trường hợp mắc sởi dương tính, 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài).

Các tỉnh có số sởi phát ban và sởi dương tính cao là Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên … Trong số các trường hợp sởi phát ban nghi sởi, chỉ có 370 trường hợp đã tiêm chủng (chiếm 16,1%), trong đó dương tính 110, còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng và không rõ tiền sử tiêm chủng.

Mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine sởi trên toàn quốc các năm gần đây đạt cao. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm trên phạm vi toàn quốc chưa đạt 95% và vẫn còn các huyện/thị vùng nguy cơ cao chỉ đạt tỷ lệ tiêm vaccine sởi dưới 90%. Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện virus sởi lưu hành có thể gây dịch. (Tiền phong, trang 2).

Những việc làm vì dân – những việc làm phiền dân: Quên nỗi đau của bản thân để chăm sóc người bệnh

Năm 2014, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh, công tác tại Khoa Cơ – Xương – Khớp, Bệnh viện Bạch Mai phát hiện mình bị ung thư tuyến vỏ thượng thận, một loại ung thư hiếm gặp khi mới 29 tuổi.

Dù biết mình mắc bệnh hiểm nghèo nhưng bác sĩ Hạnh luôn giữ một tinh thần lạc quan, quên đi nỗi đau bệnh tật, hết lòng phục vụ người bệnh.

Tháng 12-2015, bác sĩ Hạnh phải tiến hành phẫu thuật cắt khối u tại Bệnh viện Việt Đức. Sau đó, chị trở lại công việc của một bác sĩ điều trị tại bệnh viện. Công việc căng thẳng, áp lực, trong khi cơ thể đang mang bạo bệnh nhưng chị không than phiền, vẫn làm việc nhiệt tình và trách nhiệm. Hơn thế, thấu hiểu tâm tư của những người bệnh, chị luôn ân cần thăm hỏi và tận tình chăm sóc người bệnh. Cảm động trước tinh thần trách nhiệm và sự tận tậm của bác sĩ Hạnh, nhiều người bệnh và người nhà người bệnh đã viết tâm thư cảm ơn chị: “Có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn chị luôn mong cho những người bệnh được khỏe mạnh và hạnh phúc bên người thân yêu của mình…”.

Tháng 1-2018, sau đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ Hạnh biết bệnh của chị đã bị di căn nhiều nơi với nhiều khối u kích thước lớn.

Nhưng chị vẫn âm thầm chịu đựng, bình tĩnh điều trị, đồng thời vẫn chăm sóc chu đáo người bệnh, tạo điều kiện để người bệnh được về quê ăn Tết, đoàn tụ với gia đình. Chỉ sau khi các giáo sư, bác sĩ tiến hành hội chẩn quyết định phương pháp điều trị bệnh của chị, chị mới chịu dừng làm việc để nhập viện. Ngày 11-2, bác sĩ Hạnh trải qua cuộc đại phẫu thuật kéo dài nhiều giờ tại Bệnh viện Việt Đức để bóc tách các khối u di căn ở phổi và ổ bụng. Sau ca mổ này, chị tiếp tục những đợt truyền hóa chất…

Đến nay, bệnh tình của bác sĩ Hạnh đã trở nặng, chị không thể gượng dậy để tiếp tục công việc chăm sóc người bệnh của mình, nhưng nhiều người bệnh và người nhà người bệnh vẫn nhớ mãi nụ cười hiền hậu, cử chỉ ân cần, ánh mắt dịu dàng của một bác sĩ đầy nghị lực, lạc quan và tận tâm với người bệnh. (Nhân dân, trang 8).

Gợi ý chính sách khi sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế

Ngày 18-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Định hướng chính sách về sửa đổi Luật BHYT”, nhằm đánh giá những vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT và đề xuất các nội dung liên quan đến định hướng sửa đổi Luật BHYT.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, sau bốn năm thực hiện Luật BHYT, vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật khác, tạo ra những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề: Phạm vi được hưởng BHYT, mức hưởng; tổ chức khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHYT; tổ chức và quản lý Nhà nước về BHYT… Việc sửa đổi Luật BHYT là cần thiết nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, để BHYT là công cụ hữu hiệu thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân theo định hướng công bằng và hiệu quả.

Góp ý tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị định hướng sửa đổi Luật BHYT.

TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội gợi ý chính sách khi sửa đổi Luật BHYT, đó là nên sửa đổi toàn diện Luật BHYT; tiếp tục khẳng định thực hiện BHYT toàn dân; mở rộng phạm vi chi trả để sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả, từng bước đa dạng hóa gói dịch vụ BHYT; cân bằng mức đóng và mức hưởng, kiểm soát quỹ hợp lý.

Ông Nguyễn Tất Thao, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) kiến nghị, tăng cường chế tài xử phạt đối với hành vi chậm, trốn đóng, bảo đảm công bằng giữa mức đóng và mức hưởng BHYT; quy định phù hợp hơn về chính sách thông tuyến và miễn cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT; bổ sung đầy đủ công cụ và phương pháp giám định chi phí khám,chữa bệnh BHYT; quy định chặt chẽ về điều kiện ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; thực hiện kiểm soát chi phí thông qua việc giao dự toán chi cho các cơ sở y tế.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn đề nghị, sửa đổi Luật BHYT phải bảo đảm nguồn quỹ BHYT đáp ứng yêu cầu KCB; phát huy vai trò y tế cơ sở; cân bằng mức đóng – hưởng, hướng tới việc thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và BHYT toàn dân bền vững.

Dự kiến, quý I-2019, Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ về chương trình sửa đổi Luật BHYT trình Chính phủ. (Nhân dân, trang 5, Hà Nội mới, trang 5).

Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc

Sáng 22-2, tại huyện Kim Sơn, Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc. Đây là hoạt động được Bệnh viện Mắt T. Ư tổ chức từ năm 2007, khi có người đầu tiên tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình) tự nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

Dự lễ tôn vinh có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, tỉnh Ninh Bình, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể cùng hàng trăm gia đình có người hiến giác mạc.

Theo thống kê của Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt T.Ư), đến nay, cả nước có hơn 35 nghìn người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó có 204 người của 13 tỉnh, thành phố (riêng tỉnh Ninh Bình có 150 người) đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Bệnh viện Mắt T.Ư thu nhận và ghép cho hàng trăm người bệnh bị mù do các bệnh lý giác mạc, giúp họ tìm lại được ánh sáng.

Từ điểm sáng phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, Ninh Bình, người dân các địa phương khác như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh… cũng nhiệt tình hưởng ứng.

Tuy nhiên, theo ước tính, nước ta hiện có hơn 30 nghìn người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới hiện nay mang lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc.

Hiến tặng giác mạc sau khi qua đời là hoạt động nhân đạo, mới phát triển những năm gần đây, dù Bệnh viện Mắt T. Ư, ngành Mắt Việt Nam phối hợp cùng nhiều tổ chức đoàn thể, chính quyền, nhiều cơ quan thông tấn báo chí góp sức tuyên truyền, vận động, tuy nhiên nhiều nơi, nhiều người dân chưa hiểu rõ về hoạt động hiến tặng giác mạc; bên cạnh đó, còn gặp nhiều trở ngại lớn từ quan niệm người dân, rào cản do tập tục, tín ngưỡng…

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan biểu dương và cảm ơn những người hiến giác mạc đã đóng góp một phần cơ thể của mình đem lại sức khỏe cho những người khác, đồng thời biểu dương các đoàn thể, tổ chức tôn giáo, chính quyền các cấp đã ủng hộ, phát động một phong trào không chỉ có ý nghĩa về mặt sức khỏe mà còn thể hiện tin thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam. (Nhân dân, trang 5).

Lạm dụng truyền dịch trong điều trị bệnh: Nhiều nguy cơ đi kèm

Vụ bé trai Nguyễn Gia B. (2 tuổi ở huyện Gia Lâm) tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám như Báo Hànộimới đã đưa tin, không phải là trường hợp hy hữu.

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã ghi nhận không ít ca tử vong oan uổng do truyền dịch bừa bãi, không đúng chuyên môn. Dù vậy, với nhiều người, cứ thấy cơ thể mệt mỏi, không khỏe, sốt cao… là nghĩ ngay đến truyền dịch mà không lường hết những hiểm họa.
 Cứ muốn là… truyền

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, theo quy định của ngành Y tế, truyền dịch phải có chỉ định của bác sĩ và chỉ được truyền ở bệnh viện, cơ sở y tế đã qua thẩm định, được cấp phép.

Với các phòng khám thông thường, tuyệt đối không được thực hiện dịch vụ kỹ thuật truyền dịch. Chẳng hạn như Phòng khám chuyên khoa Nội (ở 392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, TP Hà Nội) để xảy ra trường hợp bé trai Nguyễn Gia B. tử vong, có phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép, gồm: Sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh nội khoa thông thường, không làm các thủ thuật chuyên môn. Phòng khám này thực hiện truyền dịch cho người bệnh là vi phạm. Ngoài ra, ngành Y tế cũng nghiêm cấm nhân viên y tế làm dịch vụ tiêm, truyền dịch tại nhà, bởi truyền dịch có thể xảy ra tai biến, nếu không đủ trang thiết bị và nhân lực cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong là rất lớn.

Thế nhưng, trên thực tế, không cần khám bệnh hay chỉ định, bất chấp cả quy định cấm của ngành Y tế, nhiều người dân cứ thấy cơ thể mệt mỏi, ốm, sốt… là tìm đến dịch vụ truyền dịch. Điều này phổ biến đến mức, các dịch vụ truyền dịch tại nhà hiện ngày càng nở rộ. Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “Dịch vụ truyền dịch tại nhà” lập tức có hàng chục nghìn kết quả. Phóng viên Báo Hànộimới đã thử gọi điện đến một số nơi và tất cả đều sẵn sàng đến tận nhà phục vụ mà không cần hỏi thêm bất cứ thông tin gì.

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Tú, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tim Hà Nội), nhiều người suy nghĩ rất đơn giản, dịch truyền là chất bổ nên muốn bổ sung khi thấy mệt. Trong khi đó, các loại dịch truyền đều là thuốc dạng đặc biệt, mang tính hai mặt, có rất nhiều tác dụng phụ và chỉ được dùng khi bác sĩ khám, kê đơn. Mối nguy hiểm hay gặp nhất trong truyền dịch là sốc và nhiều người đã tử vong do không được xử lý sốc kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, ở một số cơ sở y tế có tình trạng lạm dụng việc truyền dịch. Không ít trường hợp, nhân viên y tế chiều theo ý người bệnh, truyền dịch cho nhanh hồi phục sức khỏe. Mặt khác, để rút ngắn thời gian chữa bệnh, nhiều nhân viên y tế truyền dịch cho người bệnh, dù chưa thực sự cần thiết. Việc làm này gây nguy hiểm khi cơ thể người bệnh vẫn đang trong tình trạng sốt cao, bởi khi đó có thể gây ra hiện tượng sốc dịch truyền.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Hiện có hơn 20 loại dịch truyền được chia thành 3 nhóm cơ bản, gồm: Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể (glucose các loại và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin); nhóm cung cấp nước và các chất điện giải (dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%…) và nhóm đặc biệt (huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, haes-steril, gelofusin hay dung dịch cao phân tử…) dùng trong trường hợp cần bù nhanh chất albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), để quyết định bệnh nhân có cần truyền dịch hay không và truyền liều lượng bao nhiêu cần xét nghiệm máu và khám tim, phổi, đo mạch… Nếu một trong các chỉ số này thấp hơn bình thường cho phép, thì bác sĩ mới chỉ định truyền dịch phù hợp để bù đắp. Thậm chí, việc bổ sung không đúng các chất cần truyền cũng gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Chẳng hạn, người bệnh bị mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn; truyền đường trong khi cơ thể thiếu natri sẽ làm máu loãng gây phù não; thừa natri mà truyền muối quá nhiều sẽ làm teo não… Trường hợp trẻ bị sốt do viêm phổi hay mệt vì bệnh tim thì phải hạn chế truyền dịch. Nếu lạm dụng sẽ khiến tim quá tải, không chịu được dịch truyền và sẽ gây ra tai biến. Còn với người già, thận yếu, truyền dịch không đúng còn có thể gây phù não, tai biến mạch máu não…

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, không nên lạm dụng và tùy tiện thực hiện truyền dịch. Truyền dịch chỉ áp dụng với bệnh nặng cần cấp cứu hoặc trong trường hợp người bệnh không thể uống thuốc. Việc dùng loại dịch truyền nào phải tùy từng trường hợp cụ thể, liều lượng truyền phải cân nhắc cho từng người và có sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc. Dù tỷ lệ sốc do truyền dịch chỉ 3/10.000 ca, nhưng vẫn phải thật cẩn trọng.

Trước sự việc xảy ra ở Long Biên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động y tế ngoài công lập, nhất là tập trung kiểm tra việc tuân thủ thực hiện đúng phạm vi các danh mục kỹ thuật được cấp phép. Để bảo đảm an toàn, người dân không nên tự ý tìm đến những cơ sở không đủ điều kiện để truyền dịch, mà cần đến trạm y tế, bệnh viện, trung tâm y tế hoặc những cơ sở có đủ điều kiện, giấy phép… (Hà Nội mới, trang 7).

Khoa khám bệnh cơ sở 2 BV Việt Đức và BV Bạch Mai sẽ hoạt động từ ngày 21/10

BV Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 được xây dựng trên diện tích khoảng 20ha/bệnh viện, diện tích chung gấp bốn lần so với cơ sở hiện tại của BV Bạch Mai và gấp hơn 10 lần so với BV Việt Đức cơ sở 1.

Ngày 18/10, Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh làm Chủ tịch Hội đồng chuyên môn đã thẩm định Khoa khám bệnh cơ sở 2 của BV Việt Đức và BV Bạch Mai tại Hà Nam.

Hội đồng chuyên môn còn có các thành viên thuộc Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh – Chủ tịch Hội đồng chuyên môn cho biết, Dự án xây dựng BV Việt Đức và BV Bạch Mai là dự án trọng điểm của ngành y tế, được xây dựng nhằm góp phần giảm quá tải bệnh viện.

Hội đồng chuyên môn đã thẩm định hồ sơ và thẩm định trên thực tế các điều kiện để Khoa Khám bệnh bệnh cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Việt Đức hoạt động đảm bảo đúng Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 109/2016/NĐ-CP để đảm bảo đúng hành lang pháp lý, an toàn người bệnh.

Trong đó, có những nội dung kiểm tra về danh mục kỹ thuật hoạt động, công tác nhân sự, tổ chức bộ máy hoạt động, trang thiết bị y tế, công tác an toàn bức xạ, phòng chống cháy nổ, xử lý rác thải….

Tại cơ sở 2 của 2 BV Việt Đức và BV Bạch Mai, Đoàn thẩm định đã đi kiểm tra Khu vực bố trí để làm nơi đón tiếp, khám, chữa bệnh cho người bệnh và các điều kiện đi kèm.

Sau khi nghe 2 BV báo cáo về công tác chuẩn bị cho hoạt động của Khoa Khám bệnh cơ sở 2 và ý kiến của các thành viên hội đồng PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh- Chủ tịch Hội đồng đã đề nghị 2 bệnh viện phải bố trí cán bộ phụ trách chuyên môn ở Khoa Khám bệnh cơ sở 2 phải đảm bảo thời gian cơ hữu và năng lực chuyên môn, các cán bộ khám chữa bệnh phải đảm bảo về chứng chỉ hành nghề và thời gian làm việc.

Hai bệnh viện cũng cần hoàn thiện hồ sơ nhân sự, các điều kiện khám, chữa bệnh cho người bệnh. Khoa Khám bệnh phải đảm bảo các tiêu chí về Khoa khám bệnh theo Bộ 83 Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện và Quy chế bệnh viện.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng đề nghị Ban quản lý Dự án trọng điểm Bộ Y tế tích cực hoàn thiện các hạng mục công trình, sớm nghiệm thu và bàn giao cho 2 bệnh viện.

Tại thời điểm kiểm tra, các hạng mục về xử lý nước thải, rác thải, phòng cháy chữa cháy, an toàn bức xạ, hệ thống nước … đang được hoàn thiện.

Việc bàn giao về cơ sở vật chất và trang thiết bị phải đảm bảo chặt chẽ và đúng nguyên tắc, khu vực đã được cấp phép hoạt động và khu vực đang hoàn thiện phải đảm bảo an toàn cho người bệnh và công tác khám, chữa bệnh PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Theo dự kiến, ngày 21/10 tới, sẽ khai trương Khoa Khám bệnh cơ sở 2 của BV Việt Đức và BV Bạch Mai tại Hà Nam. BV Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 được xây dựng trên diện tích khoảng 20ha/bệnh viện, diện tích chung gấp bốn lần so với cơ sở hiện tại của BV Bạch Mai và gấp hơn 10 lần so với BV Việt Đức cơ sở 1.

Dự kiến ban đầu, cơ sở hai cuả 2 bệnh viện này sẽ tiếp nhận 500-800 bệnh nhân khám, điều trị ngoại trú/ngày. Các hạng mục tiếp theo của hai bệnh viện đang được tiếp tục xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào khoảng quý 3/2019.

BV Việt Đức và Bạch Mai cơ sở hai là hai trong số năm bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM được đầu tư vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ nhằm giảm tải bệnh nhân tại các cơ sở y tế tuyến cuối. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Hưng Yên

Ngày 17/10, Đoàn giám sát Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Tham gia đoàn giám sát còn có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương, thành viên HĐQL, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Y tế.

Về phía UBND tỉnh Hưng Yên có ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ, Hội nông dân tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo BV đa khoa tỉnh, BV đa khoa Phố Nối, BV đa khoa Sản nhi… Trong chương trình làm việc, Đoàn thực hiện khảo sát tình hình thực hiện chính sách BHYT tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế thành phố Hưng Yên.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, BHXH, BHYT là 2 trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Với gần 14 triệu người đang tham gia BHXH, trên 3 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, trên 84 triệu người đã và đang được thụ hưởng những ưu việt của chính sách BHYT trong KCB, đã khẳng định đây là chính sách có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống an sinh của đông đảo các tầng lớp nhân dân và người lao động.

Trong những năm qua, hệ thống chính trị đã thành công trong công tác triển khai chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng. Trong đó, đặc biệt là việc mở rộng, tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; quỹ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT được quản lý tập trung thống nhất, tăng trưởng bền vững. Đã đẩy mạnh và bước đầu thành công trong ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, công khai minh bạch về quy trình giải quyết các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, đảm bảo quyền lợi của nhân dân, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, cơ sở KCB.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng cho biết, bên cạnh những kết quả khả quan, với đặc thù của việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT bao gồm nhiều khâu, nhiều cơ quan khác nhau cùng triển khai, nên không tránh khỏi những tồn tại hạn chế nhất định. Đồng thời, theo yêu cầu của thực tiễn và vận hành trong hệ thống các chính sách kinh tế – xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT cũng phải được thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Mục đích của chương trình kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá đúng mức, phát huy những ưu điểm, nhân rộng những giải pháp sáng tạo trong tổ chức thực hiện chính sách. Đồng thời, cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như chiến lược lâu dài, phù hợp với tình hình và bối cảnh quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII.

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Hữu Hiện cho biết, từ năm 2016 đến nay, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để phát triển đối tượng tham gia BHYT, bởi đây là một trong những cơ sở để đạt các mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tính đến 30/9/2018, số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong toàn tỉnh là 993.337 người; Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 86,21% dân số năm 2018, vượt 2,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 99,66% kế hoạch HĐND tỉnh giao trong năm 2018. Diện bao phủ BHXH đạt 27,03%; diện bao phủ BHTN đạt 25,6% so với lực lượng lao động năm 2018. Trong đó, một số nhóm đối tượng duy trì tốc độ tăng nhanh qua các năm như đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, đối tượng học sinh, sinh viên.

Để tạo thuận lợi cho người lao động và nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nhằm tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT, BHXH tỉnh đã chủ động đào tạo, mở rộng mạng lưới đại lý thu. Tính đến 30/9/2018, trên toàn tỉnh có 167 đại lý thu với 486 điểm thu và 889 nhân viên đại lý. Hệ thống đại lý thu bao gồm UBND các xã, phường, thị trấn, hệ thống Bưu điện, các trạm y tế, một số hội đoàn thể như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, UBMTTQVN tỉnh, Hệ thống ngân hàng Nông nghiệp trung bình mỗi địa bàn xã, phường, trị trấn có từ 1-2 điểm thu, một số nơi phát triển tốt có 3 điểm thu. BHXH tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp tham mưu UBND tỉnh trích hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa Hưng Yên sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân theo quy định.

Từ năm 2015, ngoài nguồn hỗ trợ (20%) từ Ngân hàng Thế giới (WB) thì NSNN tỉnh đã hỗ trợ thêm 10% kinh phí mua thẻ BHYT đối với hộ gia đình cận nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu 100% người cận nghèo có thẻ BHYT; từ năm 2018, ngân sách tỉnh tiếp tục trích hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho một số đối tượng như: Đảng viên được tặng Huy hiệu từ 30 năm tuổi Đảng trở lên chưa có thẻ BHYT được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; người tham gia tổ thu gom rác thải tại các thôn, khu phố chưa có thẻ BHYT được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; học sinh tiểu học, THCS, THPT tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 60% mức đóng BHYT. Ngoài ra, UBND tỉnh Hưng Yên đã đồng ý hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT bổ sung đối với 2 nhóm dân cư là NCT từ trên 60 tuổi đến dưới 80 tuổi và các chức sắc tôn giáo chưa có thẻ BHYT với mức hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT.

Công tác giải quyết chế độ BHXH và quản lý, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho người lao động đã được thực hiện kịp thời, đầy đủ, thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH ngày càng được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người hưởng, góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. BHXH tỉnh đã triển khai đầy đủ các hình thức chi trả theo quy định như: Chi trả qua tài khoản cá nhân, chi trả trực tiếp, chi trả thông qua người sử dụng lao động, chi trả qua hệ thống Bưu điện.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, việc thực hiện chính sách BHYT tại Hưng Yên cũng gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ người lao động tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện còn thấp; số doanh nghiệp tham gia BHXH chiếm tỷ lệ thấp so với số doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn (với 2.853/3.048 đơn vị đang hoạt động); số người tham gia BHXH tự nguyện thấp; nhiều doanh nghiệp kê khai thuế thu nhập cá nhân để quyết toán thuế cao hơn nhiều so với lao động, tiền lương, phụ cấp theo hợp đồng lao động làm căn cứ tham gia BHXH …

Đặc biệt, công tác quản lý quỹ BHYT gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, từ năm 2016 do có nhiều thay đổi về chính sách BHYT như thực hiện thông tuyến huyện; giá viện phí tăng dẫn đến chi phí KCB BHYT trên địa bàn đã có gia tăng đáng kể. Do đó, năm 2016, chi phí KCB BHYT tăng 67% so với năm 2015, trong đó tăng 44,7% do điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 37; tăng 18,6% do thông tuyến KCB; tăng 15,8% do phát sinh thẻ mới; tăng 20,5% do các nguyên nhân khác. Năm 2017, tỷ lệ sử dụng quỹ BHYT tăng so với năm 2016, song cơ quan BHXH đã phối hợp với Sở Y tế thực hiện tốt các chính sách BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Năm 2018, dự toán chi KCB BHYT Hưng Yên được giao 1.161.584 triệu đồng. Song 6 tháng đầu năm tổng chi KCB BHYT là 646.243 triệu đồng (trong đó KCB tại tỉnh là 409.776 triệu đồng; KCB đa tuyến đi ngoại tỉnh là 236.467 triệu đồng) và ước chi KCB BHYT năm 2018 là 1.369.278 triệu đồng. Dự kiến năm 2018, chi KCB BHYT tại Hưng Yên vượt trên 207 tỉ đồng so với dự toán được giao.

Một số nguyên nhân được đề cập đến như: Một số chỉ định sử dụng và thanh toán dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế  không hợp lý; một số dịch vụ kỹ thuật được thanh toán sang dịch vụ kỹ thuật khác với giá cao hơn như phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa, phẫu thuật nội soi viêm phúc mạc do viêm ruột thừa, phẫu thuật vết thương phần mềm phức tạp. Bên cạnh đó còn có tình trạng chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú không hợp lý, kéo dài ngày điều trị; sử dụng thuốc không hợp lý, chi bình quân đơn thuốc cao.

Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đề nghị ngành BHXH, ngành y tế tỉnh làm rõ một số vấn đề về công tác phối hợp khám, chữa bệnh, thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, nguyên nhân số chi vượt quỹ BHYT, chuyển tuyến trong  khám, chữa bệnh…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, trong đó, đặc biệt là công tác phát triển đối tượng, công tác thu BHXH, BHYT. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH, BHTN vẫn ở mức thấp, đặc biệt là số người tham gia BHXH tự nguyện.

Về vấn đề đa tuyến đi, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương cho rằng, ngành Y tế cần quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nếu không thì khó giữ được bệnh nhân. Về lâu dài tỉnh có định hướng và ngành y tế phải tham mưu, đẩy nhanh kỹ thuật và năng lực ngành y tế lên để giữ bệnh nhân lại. Hiện quỹ BHYT của Hưng Yên chi đa tuyến đi là rất lớn, nếu các cơ sở của bệnh viện Trung ương trên địa bàn hoạt động về thì dự đoán sẽ còn nhiều hơn nữa. Ngành y tế Hưng Yên cần đón trước điều này.

Năm 2018, việc giao dự toán BHYT do Thủ tướng giao cho UBND tỉnh. Ngành Y tế, BHXH và Tài chính cần tham mưu để UBND tỉnh phân bổ cho từng cơ sở KCB phù hợp, đảm bảo phát huy hiệu quả. Thống kê tình hình chi phí KCB BHYT toàn quốc cho thấy có hiện tượng mặt bằng chi phí KCB của các tỉnh không đồng nhất. Việc giao dự toán phải tính lập lại mặt bằng công bằng giữa các tỉnh, giữa các cơ sở KCB. Phó Tổng Giám đốc cũng đề nghị, ba ngành cũng phối hợp tham mưu với UBND tỉnh bố trí ngân sách hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn và hỗ trợ cho các cơ sở y tế đầu tư trang thiết bị, dịch vụ kỹ thuật.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng khẳng định tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. UBND tỉnh giao BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế, theo chức năng nhiệm vụ, tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Đoàn giám sát, cụ thể hoá hành các tham mưu cho UBND tỉnh triển khai chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, chỉ còn hai tháng nữa là hết năm 2018, Sở Y tế và BHXH tỉnh cần bàn giải pháp, đồng thời quyết liệt triển để đảm bảo phụ vụ nhu cầu KCB BHYT của người dân.

Đối với những vướng mắc mà ngành y tế và BHXH tỉnh kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn đoàn giám sát xem xét, trình Chính phủ sớm tháo gỡ để các cơ quan thực thi nhiệm vụ thuận lợi trong triển khai thực hiện, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn ghi nhận sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các chính sách BHXH, BHYT; việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT tăng nhanh, tuy nhiên nhóm đối tượng tham gia theo hình thức tự nguyện chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; số nợ BHXH, BHYT còn cao; việc chỉ định các kỹ thuật và thuốc tại một số cơ sở còn có trường hợp chưa hợp lý…

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị UBND tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác chỉ đạo ngành y tế và BHXH phối hợp tốt trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm quyền lợi của người đi khám, chữa bệnh BHYT; tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT, quỹ BHXH, nếu phát hiện trường hợp lạm dụng cần có biện pháp xử lý kịp thời; bố trí kinh phí kịp thời hỗ trợ cho người dân tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn./. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Sốt rét ở Ðăk Lăk có nhiều diễn biến phức tạp

Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk liên tục gia tăng các ca bệnh sốt rét. Đặc biệt ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số như: Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Cư M’gar, Ea Kar… Ngoài các nguyên nhân khách quan thì do tính chủ quan của người dân nên đã từng có ca bệnh tử vong.

Đau thương vì chủ quan

Báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn cho thấy: Có những thời điểm có hàng chục người dân trên địa bàn mắc phải căn bệnh sốt rét. Phần nhiều là do người dân chủ quan. Đã có một trường hợp tử vong hồi năm ngoái đó là cháu Văn Phong Knul (ở buôn Đrang Phốc, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn).

Người nhà của Knul cho biết: Cha mẹ lo đi rừng rẫy nên thả cháu ở nhà tự chơi trong các khu vườn, khu bụi rậm cùng nhiều đứa trẻ khác trong buôn, khi bị muỗi đốt cũng không biết. Lúc thấy cháu lên cơn sốt và hay toát mồ hôi cũng nghĩ cảm cúm thông thường nên tự đắp khăn lạnh, giã thuốc lá cho uống rồi mua cả thuốc Tây nhưng trị mấy ngày mà không khỏi nên mới đưa đến cơ sở y tế. Lúc này, Knul đã hạ đường huyết, mắt trũng, tiêu chảy cấp, hôn mê sâu nên không thể cứu chữa.

Bà Ni-ê H’Thanh ở buôn Đrang Phốc cho biết: Năm 2018, trên địa bàn nhiều buôn cũng mắc bệnh sốt rét nhiều lắm. Ngoài trẻ con còn có người lớn, chủ yếu là cánh đàn ông hay vào rừng đi làm hàng tuần mới về. Chả mắc màn gì hết. Giờ thấy nhiều tác hại và được tuyên truyền nên mới mắc màn và phát quang cây rậm quanh nhà. Cũng tại buôn Đrang Phốc, cách đây không lâu, chị H’Mốc có con bị sốt rét cả tuần mới đưa đi cơ sở y tế điều trị, may không tử vong. Nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar, Đăk Lăk) cũng dính sốt rét do chủ quan. Anh Y Thân ở thôn 2 (xã Ea Sar) cho biết: Làm nương rẫy và ngủ qua đêm cho tiện nên càng có nhiều người bị bệnh hơn. Có nhiều buôn vẫn để cây um tùm bên ngách nhà sàn, muỗi tập trung hàng đàn. Đó cũng chính là các điểm xuất hiện bệnh sốt rét.

Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn khuyến cáo người dân ở các buôn làng: Khi có dấu hiệu sốt hay ốm thì tuyệt đối không được ngủ lại trên rừng hay nương rẫy mà cần đến cơ sở y tế thăm khám nay. Thực tế có người bị bệnh nhưng vẫn đi làm rẫy, ở lại rẫy nên khi lên cơn sốt cao, biến chứng không đưa về cứu chữa kịp sẽ để lại hậu quả rất nặng nề.
Tăng cường kiểm soát

Theo Trung tâm phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh Đăk Lăk thì thống kê sơ bộ đã có trên 250 ca mắc bệnh sốt rét, sốt rét ác tính. Số ca bệnh này tăng cao và có diễn biến thất thường. Trước thực trạng này, ngành y tế đã liên tục triển khai công tác tuyên truyền xuống tận các cơ sở có bệnh sốt rét lưu hành đồng thời kêu gọi người dân nên tích cực phát quang nơi mình sinh sống, thay đổi hẳn thói quen sinh hoạt hàng ngày như: ngủ không mắc màn, vứt rác thải bừa bãi… tạo điều kiện cho muỗi gây sốt rét có điều kiện trú ngụ, sinh sôi.

Khi có các triệu trứng như: sốt cao, vã mồ hôi, rét run, run toàn thân, thay đổi thân nhiệt, ớn lạnh… thì người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Tại đây, người bệnh sẽ được tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết để khống chế bệnh. Nếu trong buôn làng có ca bệnh nhiễm sốt rét thì những người thân, hàng xóm lân cận nơi người bị nhiễm sốt rét sinh sống cũng sẽ được khoanh vùng, làm các bước xét nghiệm để ngăn chặn lây lan bệnh. Ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đăk Lăk cho biết: Sẽ tập trung mọi phương pháp để ngăn chặn sốt rét. Điều đáng lo ngại là hiện tượng kháng thuốc. Vậy nên ngành y tế phải đưa ra nhiều phương pháp, pháp đồ khác nhau để ngăn chặn bệnh. Bên cạnh đó, thường xuyên điều tra véc tơ truyền bệnh và lấy các lam máu trong cộng đồng để phát hiện các ca sốt rét. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 28/8/2018

admin

Điểm báo ngày 13/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/12/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận