Điểm báo ngày 20/11/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 20/11/2018

Tân hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội: Khát vọng cống hiến của học trò Giáo sư đạt giải Nobel Y học 2018; Bộ Y tế tổng kết và trao giải cuộc thi y tế thông minh năm 2018

 

Tân hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội: Khát vọng cống hiến của học trò Giáo sư đạt giải Nobel Y học 2018

Từng thích học Trường Đại học Bách khoa, nhưng cơ duyên lại đến với nghề y và là người thầy sau này, GS.TS Tạ Thành Văn (Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội) đã từ bỏ cơ hội làm việc, mức lương cao ở nước tiên tiến sau khi công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới. Sau khi hoàn thành nghiên cứu tại Nhật Bản, năm 2013 ông trở về nước, tiếp tục cống hiến với sự nghiệp đào tạo bác sỹ và nghiên cứu khoa học, cứu chữa bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Thích Bách khoa nhưng lại theo… nghề Y

Đầu tháng 10 vừa qua, giải Nobel Y học 2018 đã được trao cho hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) nhờ tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế chốt kiểm soát miễn dịch (liệu pháp miễn dịch). Trong khi thế giới vinh danh công trình có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực y học và trở thành bước tiến quan trọng trong cứu chữa các bệnh nhân ung thư, còn tại Việt Nam, liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu, có cùng một cơ sở khoa học với liệu pháp miễn dịch trên đã được đưa vào điều trị một số loại bệnh ung thư và có những kết quả ban đầu rất khả quan.

Một trong những học trò xuất sắc của GS. Tasuku Honjo đó chính là GS.TS. Tạ Thành Văn (SN 1964 Quê quán: Bắc Ninh) – Tân Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, người đã có thời gian nghiên cứu gần 8 năm dưới sự dẫn dắt của các GS người Nhật và cũng chính GS.TS. Thành Văn cũng là người đề xuất ý tưởng triển khai liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tại Việt Nam từ năm 2013 và cuối năm 2017, Bộ Y tế chính thức phê duyệt đề án và thử nghiệm lâm sàng điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch trên người với 5 loại ung thư tại Bệnh viện K và Bệnh viện ĐH Y Hà Nội. Dù đề án tới năm 2019 mới kết thúc và có kết quả cuối cùng, song kết quả đối với trên 20 bệnh nhân đã được điều trị đã cho thấy tầm nhìn chiến lược khi triển khai liệu pháp này tại nước ta.

Chia sẻ về cái duyên với nghề Y, GS.TS Tạ Thành Văn tâm sự, ông sinh ra trong gia đình đông con tại huyện Đình Bảng (Bắc Ninh), nghề dạy học là “truyền thống” của gia đình từ thời ông, cha. Thời còn học phổ thông ông Văn thích trở thành sinh viên Trường ĐH Bách Khoa, nhưng cái duyên đến với nghề y đó là do mong muốn của ông được chữa bệnh cho người nhà nếu chẳng may mắc bệnh. Vậy là, quyết tâm ấy đã đạt được khi chàng trai xứ Kinh Bắc thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội khoá 1981-1987, học Bác sỹ nội trú (khóa 14, 1987-1990). Dù ban đầu không chọn nghề y, song GS tâm sự, càng học Y càng đam mê và say mê nghiên cứu.

Sau khi tốt nghiệp đại học, công tác tại ĐH Y Hà Nội từ năm 1990-1994, Tạ Thành Văn sang Nhật làm nghiên cứu sinh sau đó sang Mỹ làm sau tiến sĩ. Năm 2001- 2003, ông tiếp tục làm thực tập sinh sau tiến sĩ Khoa Y, Đại học Kyoto, Nhật Bản, trong phòng nghiên cứu của GS. Tasuku Honjo, người vừa được trao giải thưởng Nobel về Y sinh học 2018. Sau khi hoàn thành nghiên cứu tại Nhật Bản, thực hiện lời hứa với các thầy cô của trường ông trở về nước và tiếp tục công tác tại Trường ĐH Y Hà Nội, đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong giảng dạy, chẩn đoán và điều trị bệnh.

Những đêm trắng trong phòng thí nghiệm

Kể về giai đoạn thực tập sinh sau tiến sĩ Khoa Y, Đại học Kyoto, Nhật Bản (2001 – 2003) GS.TS Tạ Thành Văn cho biết, đó là gần 3 năm làm việc, nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của giáo sư Tasuku Honjo (Nhật Bản) vừa vinh quang vừa khổ cực. GS Văn gọi đó là những ngày “không thấy mặt trời”, làm việc từ sáng sớm tới đêm khuya. GS Tạ Thành Văn nhớ lại chuyện một nữ tiến sĩ đồng nghiệp người Nhật sau 3 tháng đã phải tự viết đơn xin thôi việc vì không thể làm ra kết quả như mong đợi, dù đã cố gắng làm việc ngày đêm. GS Văn cũng cho biết, lúc đó động lực và khát khao nghiên cứu, đưa ra kết quả thí nghiệm luôn thôi thúc mình. Bởi, những vấn đề đang được triển khai tại phòng nghiên cứu của GS. Honjo là những vấn đề nóng trên thế giới, có tính cạnh tranh rất cao giữa các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Nếu không ra kết quả sớm thì sẽ bị những nhóm nghiên cứu các nước khác công bố trước và như vậy bao công sức nghiên cứu là bỏ đi hết.

Sau gần 3 năm thực tập sinh sau tiến sĩ tại phòng nghiên cứu của GS. Honjo, dù đã có công trình được công bố trên một trong những tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới song GS. Văn đã xin phép thầy Tasuku Honjo về nước trong sự ngỡ ngàng của nhiều đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm.

Nghe theo lời thầy Honjo, GS. Văn đã không bị “lạc lõng” và luôn làm các công việc sát với nhu cầu thực tế, đưa vào phục vụ bệnh nhân. Khi trở về nước, trong đầu GS Văn luôn thúc giục phải làm gì đấy để phục vụ người bệnh. Bước đầu tiên của GS Văn là thành lập nhóm nghiên cứu về bệnh lý phân tử của các bệnh di truyền, xác định đột biến gen, tư vấn di truyền và chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán tiền làm tổ… Tiếp đến triển khai khảo sát nghiên cứu ứng dụng các dấu ấn sinh học trong chuẩn đoán sớm ung thư, theo dõi hiệu quả điều trị và tiên lượng. Từ năm 2006, GS Tạ Thành Văn bắt đầu triển khai nghiên cứu về tế bào trị liệu, trong đó có tế bào gốc và gần đây từ năm 2013 là liệu pháp tế bào miễn dịch, kế thừa của công trình của GS Honjo trong điều trị ung thư. Ngoài ra GS còn chủ trì nhiều đề tài/dự án hợp tác quốc tế với các Trường ĐH của Nhật Bản, Hoa Kỳ (Viện Sức khoẻ Hoa Kỳ-NIH).

“Khi nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ, chúng tôi sẵn sàng chuyền giao công nghệ cho bất kể cơ sở y tế nào có nhu cầu, hoàn toàn miễn phí. Hiện tại đã chuyển giao được các công nghệ cho Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, Phụ sản Hà Nội, các cơ sở Bệnh viện K… Tôi mong muốn công nghệ mới được đến với nhiều người dân càng sớm càng tốt, sau đó mình lại đưa các công nghệ mới về”, GS Văn chia sẻ quan điểm quan điểm làm khoa học của mình.

Trăn trở với sự nghiệp đào tạo

Là nhà khoa học, công tác trong lĩnh vực đào tạo, GS Tạ Thành Văn luôn trăn trở với công tác đào tạo nghề y trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Theo GS.Tạ Thành Văn, các chương trình đào tạo của chúng ta hiện nay đã lạc hậu, là chương trình của thế kỷ trước do ngày đó thiếu hụt nguồn nhân lực, thời kỳ khó khăn. Hiện nay ở các nước phát triển, họ đã thay đổi cơ bản toàn bộ nội dung chương trình đào tạo y khoa và cách thức giảng dạy, quản lý đào tạo. Chính vì vậy, ở thời điểm này chúng ta cần phải đổi mới cơ bản về đào tạo y khoa một cách triệt để và toàn diện. Trước đây là đào tạo hệ đại học theo “cắt lớp”, nhưng hiện nay đã bắt đầu áp dụng theo block (đào tạo theo vấn đề), trong đó tại Trường ĐH Y Hà Nội đã áp dụng cải cách giảng dạy đối với chương trình Răng – Hàm – Mặt và chương trình Điều dưỡng, sang năm tới áp dụng với bác sỹ đa khoa. Đào tạo giống như một “vở kịch”, trong một buổi giảng có thể có tới trên 2 giáo viên cùng giảng dạy. Điều này rất khác so với trước đây.

Lấy ví dụ từ chính Trường ĐH Y Hà Nội, GS Văn so sánh, so với trước đây chỉ tiêu tăng cao, trong khi nguồn lực được đầu tư tăng không đáng kể, không tương xứng với nhu cầu cần phải có. Ở các bệnh viện thực hành vẫn đang quá tải, các thầy ở trường Y làm việc tại đó dành nhiều thời gian chữa trị bệnh, làm công tác chuyên môn nên thời gian dành cho giảng dạy chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, muốn tăng chất lượng đào tạo bác sỹ phải tăng thêm đầu tư, chia nhỏ nhóm sinh viên, tăng cường thêm đội ngũ giảng viên, đầu tư thêm cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học…Nói tóm lại, cần phải có nhóm các giải pháp toàn diện thì mới có thể đạt hiệu quả như mong đợi.

“Như nhà Toán học Pitago đã nói: “Đầu tư cho một người thầy chúng ta có cả một thế hệ tốt”. Nghề giáo và nghề y là 2 nghề cao quý. Giảng viên trong trường Y lại kết hợp cả 2 chữ Thầy nên cần có sự quan tâm đặc biệt. Cần thiết phải đánh giá đúng mức vai trò và trách nhiệm của nhà giáo trong nghề y ở giai đoạn hiện nay. Cần nêu cao trách nhiệm của người thầy hơn nữa trong giảng dạy y khoa, đặc biệt là giảng dạy lâm sàng. Đầu tư tốt nhất là đầu tư cho người thầy, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội”, GS Tạ Thành Văn chia sẻ. (Gia đình & Xã hội, trang 12)

 

Bộ Y tế tổng kết và trao giải cuộc thi y tế thông minh năm 2018

PGS.TS Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) khẳng định: Ban tổ chức cuộc thi “Y tế thông minh năm 2018” không nhận tài trợ của bất kỳ đơn vị nào, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, chính xác…

Đây là lần đầu tiên, một cuộc thi ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế được tổ chức. Sau 6 tháng phát động cuộc thi đã nhận được 42 sản phẩm dự thi của 23 đơn vị đến từ các Sở Y tế, Bệnh viện và các Công ty Công nghệ thông tin trên toàn quốc.

Phát biểu tại lễ trao giải cuộc thi vào ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, cuộc thi “Y tế thông minh năm 2018” (do Cục Công nghệ thông tin và Hội Tin học Việt Nam tổ chức) hướng tới các mục tiêu đánh giá chất lượng các sản phẩm phần mềm ứng dụng trong y tế, trong đó đặc biệt chú trọng các sản phẩm đáp ứng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế đã ban hành.

Đây chính là cơ sở để hướng tới việc kết nối, liên thông thông tin y tế trên toàn ngành y tế trong tương lai, hướng tới một hê thống quản lý thông tin y tế hiệu quả, minh bạch, chất lượng.

Cuộc thi sẽ là một trong những hoạt động thường niên góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh, từng bước làm chủ cách mạng 4.0 trong lĩnh vực y tế.

Theo Thứ trưởng, việc ứng dụng CNTT cần hướng đến việc đem lại sự hài lòng cho người dân và các y bác sĩ trong quá trình sử dụng. Phần mềm BV thông minh đáp ứng được các yêu cầu là thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch và giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; đảm bảo nguyên tắc đơn giản, dễ làm, dễ tiếp cận, phổ cập, hiệu quả vv.. Các sản phẩm đạt giải sẽ là những sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế đã ban hành, qua đó giúp cho các đơn vị y tế lựa chọn được sản phẩm tốt và phù hợp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường nguồn lực chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới…

Giải Nhất cuộc thi “Y tế thông minh năm 2018” cho sản phẩm Phần mềm Quản lý bệnh viện (HIS) của Công ty cổ phần giải pháp Y tế thông minh; hai giải Nhì cho sản phẩm Phần mềm Quản lý bệnh viện (HIS) của Công ty cổ phần công nghệ ÍOFH và sản phẩm Hệ sinh thái y tế VNPT (Phần mềm phục vụ Cộng đồng) của Trung tâm Giải pháp Y tế điện tử, Công ty Công nghệ thông tin VNPT. (Gia đình & Xã hội, trang 16)

 

Bất cập trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế

Công tác tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế có nơi còn coi nhẹ; quá trình đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn còn sai sót về thông tin thẻ; nhiều thẻ cũ, không đúng quy định vẫn được lưu hành… Đây là những hạn chế được Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Hà Nội chỉ rõ qua giám sát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2014-2018.

Phối hợp chưa nhuần nhuyễn

Qua giám sát, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố nhận định, thời gian qua, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội thành phố đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện đến các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Định kỳ, hai cơ quan giao ban với các cơ sở khám, chữa bệnh để giải quyết những khó khăn, vướng mắc; thống nhất thực hiện bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế và tổng hợp thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế.

Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Nguyễn Đức Hòa, từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã tổ chức 3 hội nghị về đánh giá tình hình sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh với 159 cơ sở y tế, gồm các bệnh viện tuyến trung ương, thành phố và bệnh viện, cơ sở y tế tuyến huyện. Đặc biệt, ngành đã phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo tập huấn cho cán bộ bệnh viện, giám định viên bảo hiểm y tế nắm chắc các nội dung quy định; đồng thời phân công cán bộ thường trực để hướng dẫn, giải thích về Luật Bảo hiểm y tế cho bệnh nhân.

Dù có nhiều điểm nổi bật, song nhiều thành viên Ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố cho rằng, công tác phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm y tế vẫn chưa nhuần nhuyễn. Một số cơ sở y tế có lúc coi nhẹ công tác tuyên truyền và cho rằng, đó là trách nhiệm của ngành Bảo hiểm xã hội. Trong quá trình đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều sai sót về thông tin thẻ bảo hiểm y tế; nhiều thẻ cũ, không đúng quy định vẫn lưu hành, chưa được thu hồi. Thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong giải quyết kinh phí vượt quỹ, vượt trần, ảnh hưởng đến nguồn thu của các đơn vị.

Bên cạnh đó, một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa thực hiện nghiêm việc rà soát các chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế; chưa triển khai thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm theo Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 27-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đáng lưu ý, đội ngũ cán bộ thanh tra về lĩnh vực khám, chữa bệnh còn thiếu (mỗi cơ sở chỉ có 3 cán bộ thanh tra) nên không đủ lực lượng để triển khai các hoạt động thanh tra chuyên ngành bảo hiểm y tế.

“Hiện nay, một số đơn vị còn thiếu cán bộ công nghệ thông tin nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh còn hạn chế. Tỷ lệ gửi dữ liệu chi phí khám, chữa bệnh lên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đúng ngày của TP Hà Nội thấp nhất cả nước (24,11%), dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý thông tuyến”, Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố Hoàng Thị Tú Anh nhấn mạnh.

Tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, giám sát

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền thừa nhận, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tại bệnh viện chưa đồng bộ; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm y tế chưa đồng đều. Vì thế, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ; ngành Bảo hiểm xã hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những quy định mới liên quan đến chính sách khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Theo Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương, để minh bạch quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, ngăn chặn việc lợi dụng, lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, UBND thành phố sớm chỉ đạo đẩy nhanh hoàn thành xây dựng phần mềm quản lý chung các cơ sở khám, chữa bệnh.

Trước mắt, cơ sở khám, chữa bệnh nào đã ứng dụng công nghệ thông tin thì cần thực hiện nghiêm việc chuyển dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đến cơ quan bảo hiểm xã hội trong ngày. Ngoài ra, ngành Bảo hiểm xã hội thành phố cần phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, tổ chức và mở rộng hệ thống đại lý thu, phát hành thẻ bảo hiểm y tế, hạn chế sai sót trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế.

“Vấn đề quan trọng cần đẩy mạnh đó là công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là tình trạng trốn đóng, nợ bảo hiểm y tế, hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ, trục lợi bảo hiểm y tế”, ông Trần Thế Cương đề nghị. (Hà nội mới, trang 3)

 

Kỹ thuật mới tán sỏi túi mật qua da

Hơn 10 bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật tán sỏi túi mật qua da bằng laser tại Bệnh viện Đại hoc Y Hà Nội. Với phương pháp này, bệnh nhân không cần gây mê, bảo tồn được túi mật, thời gian nằm viện chỉ khoảng 4-5 ngày. Nguyên nhân gây nên sỏi túi mật có liên quan nhiều đến rối loạn chuyển hóa mỡ khiến lượng cholesterol trong dịch mật tăng cao tạo thành sỏi hoặc do viêm nhiễm. “Có một điểm đáng chú ý là nếu như bệnh nhân sỏi túi mật ở đa số các nước là do béo phì (sỏi có màu vàng), thì tại Việt Nam bệnh nhân sỏi túi mật chủ yếu là do bị nhiễm khuẩn đường mật (sỏi có màu đen), gây nhiều triệu chứng khó chịu và có thể gây các biến chứng cho bệnh nhân”-ThS.BS Nguyễn Thái Bình – Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ rõ.

Cũng theo BS. Bình, thông thường, với bệnh nhân mà chức năng co bóp túi mật còn khoảng 40% trở lên, túi mật khỏe mạnh, không bị viêm mạn, không xuất hiện các polyp, bị chia thành nhiều ngăn khác nhau… thì có thể áp dụng phương pháp bảo tồn túi mật tán sỏi túi mật qua da bằng laser. Đối với các trường hợp viêm túi mật cấp do sỏi nhưng tuổi cao, người có bệnh toàn thân nặng như hô hấp, tim mạch không mổ được thì đây cũng là biện pháp thay thế hữu hiệu. (Tiền phong, trang 6).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/11/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/2/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận