Điểm báo ngày 20/2/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 20/2/2019

Dịch bệnh sởi lan ra 43 tỉnh thành; Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại VN; Ba thầy giáo nhập viện vì uống rượu ngâm rễ cây; Lấy mẫu kiểm nghiệm, phát hiện nhiều thực phẩm ‘bẩn’

 

Dịch bệnh sởi lan ra 43 tỉnh thành

Sáng 20.2, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội), bé trai 4 tháng tuổi quê Nam Định đang bình phục sau một tuần điều trị viêm phổi. “Khởi đầu con bị sốt, sau khoảng 3 hôm có nổi ban, sốt cao. Khi vào bệnh viện tỉnh, các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi nặng có nhiễm sởi nên chuyển lên Nhi T.Ư. Bé chưa được tiêm vắc xin sởi do chưa đến tuổi tiêm vắc xin (phải đến 9 tháng mới tiêm mũi 1)”, mẹ của bé cho hay.

Nằm cùng phòng điều trị còn có bé trai Thành L., 5 tháng tuổi (ngụ Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Mẹ bé L. cho biết khoảng 2 tuần trước chị bị mắc sởi nhập viện điều trị 1 tuần. Khi ra viện, chị về nhà ông bà ngoại nhằm cách ly tránh lây cho con, nhưng chỉ 3 – 4 ngày thì bé cũng bị sởi phải nhập viện. Khởi đầu, bé L. sốt, sau đó nổi ban ở mặt và lan rộng; cùng lúc bé bị bội nhiễm viêm đường hô hấp, ho và nhiều đờm, được các bác sĩ chỉ định tiêm kháng sinh.

Các bệnh nhi trên đều còn nhỏ, chủ yếu chăm sóc tại nhà chứ chưa đi lớp mầm non nên không rõ nguồn lây. “Các bác sĩ tư vấn tiêm vắc xin nhưng bệnh sởi phải chờ đến 9 tháng tuổi mới được tiêm nên gia đình cũng không biết làm cách nào. Con chỉ chăm sóc ở nhà mà vẫn bị mắc sởi”, một bà mẹ hoang mang.

Theo BV Nhi T.Ư, hiện có 14 bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại khoa truyền nhiễm, chủ yếu là các trẻ dưới 1 tuổi; đã ghi nhận các ca viêm phổi nặng.

Nguy cơ lan rộng

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế ngày 19.2, trong 6 tuần đầu năm nay cả nước ghi nhận 5.246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam và miền Bắc. Các tỉnh, thành phố có số mắc cao là: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Yên Bái. Bệnh nhân sởi cao nhất ở nhóm trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, chủ yếu không được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm hơn 95%); trong đó 16% trẻ mắc mới chưa đến tuổi tiêm chủng (bằng hoặc dưới 9 tháng tuổi).

“Số mắc sởi hiện đã ghi nhận tại 43 tỉnh, TP và vẫn đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, TP khu vực phía nam, nên nguy cơ cao lây lan và bùng phát dịch bệnh nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, đặc biệt khi thời tiết mùa đông xuân thuận lợi cho vi rút sởi lây truyền, người dân di chuyển biến động trong dịp tết tăng cao”, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn khuyến cáo.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não…, thậm chí dẫn đến tử vong. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sẩy thai, đẻ non.

“Chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch sởi khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Cần đưa trẻ từ 9 – 12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Các trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào”, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo (Thanh niên, trang 5).

 

Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại VN

Chiều qua 19.2, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi ở VN.

Thông tin tại cuộc họp, Trưởng phòng Dịch tễ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết có 2 ổ dịch ghi nhận ở Hưng Yên tại hộ ông D.V.V (xã Trung Nghĩa, TP.Hưng Yên) với 33 con lợn, chủ yếu là lợn con và hộ ông L.X.T (xã Yên Hòa, H.Yên Mỹ) với 101 con lợn con và lợn choai. Còn tại Thái Bình, ổ dịch được phát hiện tại một hộ chăn nuôi ở xã Đông Đô (H.Hưng Hà) với 123 con lợn. Ngay sau khi phát hiện, toàn bộ số lợn mắc bệnh đã được cơ quan thú y, chính quyền địa phương tiêu hủy; lập các chốt chặn vận chuyển, buôn bán lợn sống, các sản phẩm thịt lợn, đồng thời khử trùng toàn bộ môi trường khu vực chăn nuôi, các chợ dân sinh.

Cũng theo ông Long, bệnh dịch tả lợn châu Phi có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Biểu hiện lợn bệnh là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết ồ ạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Do hiện tại không có thuốc chữa, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% ở tất cả các loại lợn con, lợn choai, lợn thịt. Cục Thú y đã lấy hàng trăm mẫu phân tích đối với các đàn lợn ở khu vực xung quanh ổ dịch được phát hiện và đang chờ kết quả chính thức.

Không lây bệnh sang người

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, từ ngày 1.2 đã có nghi vấn về bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Hưng Yên. Ngay sau đó, cơ quan thú y lấy mẫu để xét nghiệm. Đây là loại bệnh mới, Cục Thú y thận trọng xét nghiệm ở nhiều phòng thí nghiệm khác nhau, thậm chí tham vấn cả các phòng thí nghiệm quốc tế, trước khi khẳng định chắc chắn đây là bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại VN.

Giải thích về nguyên nhân bệnh xuất hiện ở các tỉnh nằm sâu trong nội địa, trong khi đó chưa ghi nhận ở các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc là quốc gia hiện có các ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi, ông Phạm Văn Đông cho rằng nguồn vi rút có thể phát tán qua các loài chim di cư từ nơi có khí hậu lạnh đến nơi ấm hơn. Hiện tại đang là thời điểm chim di cư từ các nước Nga, Trung Quốc, Mông Cổ… đang có dịch bệnh này. Cũng có nguyên nhân từ thói quen của người dân, khách du lịch mang theo thực phẩm thịt lợn có mầm bệnh vào VN, tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

“Giống như bệnh dịch tả truyền thống, dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh đặc chủng trên đàn lợn, không lây bệnh cho động vật khác và không ảnh hưởng sức khỏe, lây bệnh sang con người. Người chăn nuôi cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp khử trừng chuồng nuôi bằng vôi bột, thuốc sát trùng”, ông Đông nói và nhấn mạnh: “Người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang, tẩy chay tiêu dùng sản phẩm thịt lợn khi đây là loại bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người”.

Cục trưởng Cục Thú y cũng lưu ý, hiện tại đã có chính sách hỗ trợ đền bù thiệt hại cho người chăn nuôi nếu đàn lợn bị tiêu hủy, với mức giá chung là 38.000 đồng/kg. Khi phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người dân khai báo đến chính quyền, cơ quan thú y địa phương để được hỗ trợ xử lý dịch bệnh cũng như hưởng chính sách đền bù; tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh, không tự ý vứt xác lợn chết ra môi tường sẽ làm dịch bệnh lây lan, phát tán nhanh (Thanh niên, trang 22).

 

Ba thầy giáo nhập viện vì uống rượu ngâm rễ cây

Chiều 19/2 Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết đơn vị vừa tiếp nhận 4 trường hợp nhập viên cấp cứu do bị ngộ độc sau khi uống rượu ngâm rễ, lá cây, ăn nấm lạ. Theo đó, khoảng 2h ngày 18/2, Trung tâm Y tế huyện tiếp nhận bệnh nhân Hồ Thị Nguyệt (trú tại thôn 3, xã Trà Don) đến cấp cứu nghi bị ngộ độc do ăn nấm lạ. Các bác sĩ đã súc ruột, rửa dạ dày và truyền dịch lợi tiểu để thải chất độc ra ngoài để cấp cứu bệnh nhân.

Ngoài ra, khoảng 19h30 phút ngày 17/2, Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My tiếp nhận 3 bệnh nhân gồm ông N.V.A; N.M và H.V.H (đều là giáo viên trường THCS bán trú xã Trà Don, huyện Nam Trà My) với các triệu chứng nôn mửa, co giật kéo dài. Các trường hợp này được xác định có thể bị ngộ độc rượu.

Theo người thân của các nạn nhân thì 3 người này cùng 2 người khác ở cùng thôn 1, xã Trà Don tổ chức uống rượu ngâm với rễ, lá cây rừng. Sau khi uống xong, 3 người này có triệu chứng lạ, nôn mửa liên tục nên gia đình đưa họ tới bệnh viện.

Hiện tại, sức khỏe của 4 người đã hoàn toàn bình phục và được cho về nhà.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người dân hái nấm rừng về chế biến và uống rượu ngâm các loại rễ cây, lá cây rừng nên dẫn đến ngộ độc. Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cũng đang tiến hành lấy các mẫu rượu, thức ăn để gửi đi xét nghiệm (Tiền phong, trang 2).

 

Lấy mẫu kiểm nghiệm, phát hiện nhiều thực phẩm ‘bẩn’

Ngày 19.2, Ban Quản lý ATTP TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác đảm bảo ATTP năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Theo báo cáo của Ban Quản lý ATTP, năm 2018 ban đã thanh, kiểm tra 3.967 cơ sở, phát hiện 764 cơ sở vi phạm (gần 20%), ban hành 694 quyết định xử phạt với số tiền hơn 7,4 tỉ đồng. Song song đó, ban đã lấy 886 mẫu thịt heo, gà, tương ớt, ớt khô, bún, bánh trung thu, bénh tét, các loại hạt, các loại mứt… kiểm tra. Cụ thể, về vi sinh, các mẫu không đạt chỉ tiêu tập trung vào sản phẩm thịt nhiễm salmonella vượt mức quy định là 22/48 mẫu; bánh trung thu nhiễm S.aureus 1/96 mẫu. Về hóa lý, 4/48 mẫu đậu phộng không đạt về chỉ tiêu aflatoxin; 6/8 mẫu chả lụa không đạt về natri benzoate và kali sorbate… Với kết quả kiểm nghiệm không đạt được, Phòng Thanh tra Ban Quản lý ATTP sẽ xử lý đơn vị vi phạm theo quy định và yêu cầu khắc phục. Về khó khăn trong công tác xử lý vi phạm ATTP, bác sĩ Lê Minh Hải, Phó ban Quản lý ATTP TP, cho rằng hiện nay thủ tục hành chính trong công tác xử lý, tiêu hủy hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo ATTP còn phức tạp, mất nhiều thời gian, tạo kẽ hở cho các đối tượng chây ì, gian lận, bỏ trốn. Thứ đến là bất cập trong xử lý vi phạm với các mặt hàng nông sản tươi sống: đòi hỏi kết quả kiểm nghiệm, chi phí lưu kho, chi phí xử lý tiêu hủy mà không xác định được chủ hàng hoặc chủ hàng bỏ trốn. Quy trình xử lý phức tạp không theo kịp thực tế, gây mất sức cho đội ngũ quản lý và tạo tâm lý né tránh.

Liên quan đến vụ việc dùng vôi xây dựng ngâm tẩy trắng phụ phẩm bò, trong ngày 19.2, Ban Quản lý ATTP đã ra quyết định xử phạt bà Nguyễn Thị Xuân, đại diện hộ kinh doanh Nguyễn Thị Xuân A (P.Tân Thới Hiệp, Q.12) với số tiền gần 117,6 triệu đồng. Lý do, cơ sở bà Xuân sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ: 1.111 kg phụ phẩm bò, xương bò, tổng giá trị lô hàng là hơn 32 triệu đồng; sử dụng vôi ngâm 100 kg phụ phẩm bò (Thanh niên, trang 7).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 28/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/9/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận