Điểm báo ngày 21/5/2019

(CDC Hà Nam)
Bổ nhiệm Ban Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM; Chữa trị cho bé gái người MNông có nhịp tim bất thường; Hà Nội ghi nhận trường hợp mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên năm 2019; …

 

Giá trị của việc đầu tư vào công tác dân số: Sự đầu tư đúng đắn và khôn ngoan nhất

Một trong những bài học thành công của công tác DS-KHHGĐ ở nước ta thời gian qua là tăng đầu tư kinh phí đồng thời thực hiện quản lý theo chương trình mục tiêu, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư. Trong giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, Chính phủ đã đầu tư cho công tác này bình quân 0,6 USD/người/năm. Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, với mục tiêu, nội dung công tác dân số đã được mở rộng rất nhiều, quy mô dân số đã đạt đến gần 100 triệu người nhưng kinh phí đầu tư từ ngân sách Trung ương lại thu hẹp đáng kể, chỉ còn 40% so với mức đầu tư bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015. Đây là những khó khăn, thách thức rất lớn đối với công tác dân số trong tình hình mới

Mối quan hệ biện chứng của dân số và phát triển

Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực kinh tế thì chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của toàn cầu cũng như của mỗi quốc gia. Dân số trong độ tuổi lao động chính là nguồn nhân lực, là lực lượng sản xuất chủ yếu tạo ra mọi của cải, các giá trị văn hóa và tinh thần của nhân loại, là yếu tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển KT-XH.

PGS.TS Trần Văn Chiến, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ: Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy con người là vốn quý nhất. Trong mọi hình thái kinh tế -xã hội (KT-XH), dân số luôn là lực lượng sản xuất, lại vừa là người tiêu dùng. Chính vì vậy, cần sự đầu tư nguồn lực mạnh mẽ bởi dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực góp phần quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng chính là bài học kinh nghiệm được nhiều quốc gia nhận thức và có những hành động cụ thể. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, hầu hết các nước đang phát triển có sự nhảy vọt về kinh tế trước đó đã thực hiện có kết quả cao về DS-KHHGĐ.

Các nhà kinh tế học đã thừa nhận, việc giảm sinh liên tục trong 3 thập kỷ đã góp phần quyết định vào tăng trưởng kinh tế của các con rồng châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan. Các chuyên gia cũng cho rằng, phát triển kinh tế là “liều thuốc tránh thai” hiệu quả nhất của công tác dân số.

Có thể thấy rất rõ mối quan hệ biện chứng của dân số và phát triển qua bảng Tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số ở Việt Nam từ 1976-2002 (NXB Thống kê, Tổng cục Thống kê): Tỷ lệ tăng dân số đã giảm rất nhanh và đạt mức 1,7% mỗi năm và do đó, tỷ lệ tăng GDP bình quân đầu người cao nhất trong 3 thập kỷ là 5,86% bình quân mỗi năm. Liên Hợp Quốc cũng đã dự báo rằng, nếu Việt Nam làm tốt chương trình DS-KHHGĐ quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 120 triệu dân và đến năm 2035, GDP bình quân đầu người bằng 31,2 lần GDP bình quân đầu người năm 1990.

“Rõ ràng, mối quan hệ biện chứng giữa dân số và phát triển, trong đó con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực chủ yếu của quá trình phát triển đã trở thành cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện công tác dân số cũng như kế hoạch phát triển KT-XH của mọi quốc gia” – PGS.TS Trần Văn Chiến nhấn mạnh.

“Hãy ấn định nguồn ngân sách, vật chất, nhân lực tốt nhất cho Chương trình dân số”

Liên Hợp Quốc tính toán, nếu đầu tư 1 USD cho dân số thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 31 USD cho các dịch vụ xã hội cơ bản. Điều đó cho thấy, giá trị của việc đầu tư đúng đắn vào công tác DS-KHHGĐ đã được thế giới đánh giá một cách khoa học, cơ bản.

Công tác dân số cũng đang đứng trước những thách thức của việc nâng cao chất lượng dân số; tận dụng cơ hội “dân số vàng”, ứng phó với già hóa dân số, giảm tỉ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh… GS.TS Đào Văn Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) cũng chỉ rõ thêm: Để làm tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đòi hỏi hệ thống ngành Dân số phải củng cố ngày càng vững mạnh hơn. Ngành phải có chính sách thu hút để có nhiều người làm công tác DS-KHHGĐ tốt hơn, có trình độ, nhiệt huyết, có kỹ năng tuyên truyền vận động tốt hơn. “Chúng tôi đề nghị Nhà nước đầu tư xứng đáng hơn nữa để công tác DS-KHHGĐ đạt được mục tiêu đề ra – từ số lượng chuyển sang nâng cao chất lượng”, GS.TS Đào Văn Dũng nói.

Để công tác DS-KHHGĐ thực sự là “một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế – xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”, rất cần sự quan tâm, đầu tư nguồn lực mạnh mẽ cho công tác này. TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng nhấn mạnh: “Dân số là mẫu số của tất thảy các bài toán khác”.

Theo TS Bùi Ngọc Thanh, xét về nội dung của dân số thì đây là vấn đề chi phối toàn bộ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối nội, đối ngoại của một quốc gia. Còn chỉ nói riêng về kinh tế – xã hội thì dân số là bài toán tổng thể, “bài toán mẹ” của tất cả các bài toán chi tiết: cơ sở hạ tầng, nhà ở, đường sá giao thông; an ninh lương thực, thực phẩm; giáo dục, đào tạo; y tế, khám, chữa bệnh; lao động, việc làm; xóa đói, giảm nghèo; an sinh xã hội, cứu trợ xã hội…

Trong một chia sẻ với Báo Gia đình & Xã hội về đầu tư nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ, TS Bùi Ngọc Thanh khẳng định: Phải tăng mạnh nguồn lực, phải giữ và phát triển cho được đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên, cán bộ làm công tác dân số bằng và cao hơn so với thời gian còn mô hình tổ chức Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em; đồng thời phải củng cố bộ máy từ Trung ương đến địa phương và cơ sở đủ mạnh với điều kiện hoạt động tốt hơn, thuận lợi hơn. Nói cách khác, như khuyến cáo của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển Cai rô 1994: “Hãy ấn định nguồn ngân sách, vật chất, nhân lực tốt nhất cho Chương trình dân số”.

Trong những năm gần đây nguồn ngân sách bố trí cho công tác dân số ngày càng giảm sút. Khó khăn này cũng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của các chương trình dân số, một số hoạt động bị ngắt quãng, không đạt chỉ tiêu đề ra. Đã đến lúc cần “Bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho công tác dân số…” mới có thể đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW đã đề ra. (Gia đình & Xã hội, trang 6)

 

Chữa trị cho bé gái người MNông có nhịp tim bất thường

Tim đập nhanh bất thường một chút đã khiến con người ta khổ sở, thế mà bé gái tên Thị Khởi N ( người dân tộc M’Nông) lại có nhịp tim hơn 200 lần/phút và kéo dài cả ngày khiến em phải nhập viện để “cắt cơn”. Cuộc sống của em đã trở lại bình thường nhờ các bác sĩ khoa Điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng thành công kỹ thuật đốt điện sinh lý.

Trong cuộc sống của em suốt 8 năm qua cũng không được bình thường như bao bạn bè khác vì mỗi khi em chạy nhảy vui đùa cùng các bạn, em lại mệt vì tim đập rất nhanh.

“Hội chứng kích thích sớm” với nhiều cơn nhịp nhanh trên thất là nhận định của bác sĩ về bệnh tình của em. Trong đó các thuốc điều trị hầu như không làm giảm số lần lên cơn nhịp nhanh.

Gia đình bệnh nhi lại ở khu vực vùng sâu vùng xa (Bon Bu N’Drung, Đắk Búk So-Đak Nông) nên khi gia đình đưa tới các bác sĩ ở Đắk R’Lấp, tại đây đã nhanh chóng chuyển bệnh nhi  đến khoa Phẫu thuật tim nhi bệnh viện Chợ Rẫy. Ê kíp các bác sĩ đã quyết định điều trị triệt để các cơn tim đập nhanh của em bằng phương pháp thăm dò và đốt điện sinh lý.

Mặc dù chỉ cân nặng 20kg nhưng các bác sĩ vẫn có thể đưa các catheter từ tĩnh mạch đùi lên đến tim của em và đốt triệt để đường dẫn truyền phụ, một bó cơ dư thừa trong tim gây ra những cơn tim đập nhanh tái đi tái lại nhiều lần.

Thủ thuật thành công,  bệnh nhi nở lại  nụ cười sau ca mổ là phần thưởng lớn nhất dành cho tập thể y bác sĩ khoa Điều trị Rối loạn nhịp và Khoa Phẫu thuật tim nhi Chợ Rẫy. Một niềm vui nữa cho gia đình em là toàn bộ chi phí điều trị của bệnh nhân đều được quỹ từ thiện Hằng Hữu tài trợ.

Theo BS. CKII. Nguyễn Tri Thức, trưởng khoa Điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy, hội chứng kích thích sớm là một bất thường bẩm sinh gặp trong 1-3 người/ 1000 dân, do tồn tại một đường dẫn truyền phụ vắt qua rãnh nhĩ thất. Bất thường này gây ra những cơn tim đập nhanh trên thất tái đi tái lại nhiều lần và trong vài trường hợp có thể gây đột tử do nhịp tim đập quá nhanh khi kèm theo rung nhĩ.

Hiện nay, hội chứng kích thích sớm có thể được điều trị triệt để bằng phương pháp triệt đốt điện sinh lý, ít xâm lấn, các bác sĩ đưa dụng cụ từ tĩnh mạch đùi vào tim thăm dò và triệt đốt bằng sóng cao tần.

Bệnh nhân có thể được phát hiện hội chứng này trên điện tâm đồ bằng hình ảnh sóng delta hoặc khi thăm dò điện sinh lý. Hiện nay, khoa Điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành thường quy các thủ thuật này với tỉ lệ thành công rất cao. (Công an Nhân dân, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 4: “Điều trị thành công bé gái có nhịp tim nhanh, hiếm gặp”

 

Hà Nội ghi nhận trường hợp mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên năm 2019

Ngày 20-5, theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 13-5 đến 19-5), trên địa bàn thành phố ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019. Đó là một bệnh nhi 4 tuổi (ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ).

Bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật… Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương và hiện sức khỏe đã tiến triển khả quan: Giảm sốt, hết co giật. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25-35%).

Từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần như: Sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp… Điều đáng nói là bệnh viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1 – 2 ngày là trẻ tử vong. Nguy hiểm hơn, bệnh để lại những di chứng thần kinh về sau.

Hiện tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tiêm 3 mũi cơ bản, mũi 1 lúc trẻ đủ 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần và mũi 3 sau mũi 2 là một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm, tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu; khi ngủ cần buông màn, không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc… Khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 81 trường hợp mắc sởi, 19 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 14 trường hợp mắc tay chân miệng, 3 trường hợp mắc ho gà. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 1.274 trường hợp mắc sởi, 243 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 260 trường hợp mắc tay chân miệng và 69 trường hợp mắc ho gà.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa hè, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường công tác tiêm chủng phòng các bệnh có vắc xin dự phòng như: Sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản, đồng thời tổ chức vệ sinh môi trường, giám sát côn trùng và giám sát véc tơ truyền bệnh. (Hà Nội mới, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 3: “Ghi nhân ca viêm não Nhật Bản đầu tiên năm 2019”

 

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè

Mới vào đầu hè nhưng dịch sởi và sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Hà Nội diễn biến khá phức tạp. Theo số liệu của Sở Y tế, đến ngày 12-5, thành phố đã ghi nhận 1.193 trường hợp mắc sởi, đứng thứ hai cả nước, sau TP Hồ Chí Minh về số ca mắc. Bên cạnh đó, có 224 trường hợp bị SXH, tăng so với cùng kỳ năm 2018.

Hầu hết các trường hợp mắc sởi là do chưa được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Có không ít phụ huynh của các em nhỏ theo trào lưu “tẩy chay” vắc-xin, không cho con tiêm phòng sởi, dẫn đến bùng phát dịch. Nguyên nhân SXH chủ yếu do thời tiết đầu hè năm nay nóng ẩm, mưa nhiều, cộng với mật độ dân số cao, một số khu dân cư, nhà trọ có điều kiện vệ sinh không tốt, tạo thuận lợi cho muỗi, loăng quăng phát triển, dẫn đến tăng số người bị SXH.

Trước tình hình này, chiều tối 14-5, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ðức Chung chủ trì hội nghị giao ban công tác phòng, chống dịch bệnh sởi, SXH trên địa bàn. Lãnh đạo thành phố yêu cầu, các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đã được ban hành từ đầu năm. Các quận, huyện, thị xã nghiên cứu xây dựng Ðề án chuyên đề về phòng, chống dịch bệnh và triển khai ngay trên địa bàn. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền để người dân diệt bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường… Ðối với các bệnh nhân đang điều trị, các cơ sở y tế phải bảo đảm cách ly để chống lây nhiễm chéo; đối với những nơi có nguy cơ bùng phát dịch, cần tổ chức phun thuốc. Các quận, huyện, thị xã cần rà soát số trẻ tiêm phòng sởi, bảo đảm 100% trẻ dưới 2 tuổi được tiêm đủ vắc-xin, đồng thời tổ chức tiêm nhắc lại đối với trẻ từ 6 đến 11 tuổi. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân diệt bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường. Các trạm y tế tăng cường phun thuốc, khoanh vùng các ổ dịch kịp thời để tránh nguy cơ bùng phát thành dịch.

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, mỗi gia đình, người dân cần chủ động thực hiện phòng tránh các bệnh dịch mùa hè. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân chủ động đưa trẻ từ chín tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc trẻ từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm phòng sởi. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm từ bệnh viện. Trường hợp mắc sởi nhẹ cần cho trẻ nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể ít nhất bảy ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người chung quanh. Do sởi dễ lây, không được cho trẻ đến gần hoặc tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và bảo đảm các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Người lớn chưa tiêm vắc-xin phòng sởi cần chủ động đi tiêm tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi. (Nhân dân, trang Hà Nội)

 

Một nông dân tử vong do làm việc dưới trời nắng nóng

Một người đàn ông ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) trong lúc thu hoạch lạc ngoài đồng dưới cái nắng 40 độ C, đã bị ngất xỉu, sau đó tử vong.

Sáng nay (20.5), bác sĩ Nguyễn Ngọc Trãi – Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà – cho biết, bệnh nhân tử vong do sốc nhiệt trước khi được đưa vào bệnh viện là ông Võ Tá T. (50 tuổi, trú tại thôn Phú Xuân, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà).

Ông T được đưa đến bệnh viện cấp cứu vào lúc 17h30 ngày 19.5 trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, da nóng phừng khô, nhiệt độ cơ thể đo được là 41,5 độ C. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T. ngừng tuần hoàn và theo dõi đột quỵ do sốc nhiệt.

Theo bác sĩ Trãi, bệnh viện đã cấp cứu ngừng tuần hoàn theo phác đồ để cứu sống bệnh nhân, tuy nhiên, sau 1 giờ cấp cứu đã không có kết quả. Theo nhận định của bác sĩ cấp cứu, bệnh nhân đã tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện.

Theo người nhà bệnh nhân, chiều ngày 19.5, ông T. cùng vợ ra cánh đồng gần nhà để thu hoạch lạc. Do làm việc giữa thời tiết nắng nóng 40 độ C nên ông T. ngất xỉu tại ruộng. Phát hiện sự việc, người vợ kêu 2 người dân ở gần đó đến hỗ trợ đưa ông T. về nhà thay quần áo. Thấy ông T. hôn mê sâu không tỉnh lại, người nhà đưa ông này vào Bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà để cấp cứu nhưng đã quá muộn.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trãi, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà, khuyến cáo thời tiết nắng nóng như mấy ngày vừa qua, người dân nên hạn chế ra đường và lao động ngoài trời ở thời gian từ 11h đến 15h30 phút để tránh bị sốc nhiệt. Nếu buộc phải ra bên ngoài vào khung thời gian này, người dân nên mặc quần áo kín, đeo khẩu trang. Khi có biểu hiện sốc nhiệt thì khẩn trương đưa đến cơ sở y tế để kịp thời xử lý, cấp cứu. (Lao động, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 5: “Một người tử vong do làm việc dưới trời nắng nóng”

 

Ứng dụng nền tảng số vào quản lý bệnh viện

Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa tổ chức Hội nghị quản lý chất lượng với chủ đề “Ứng dụng các giải pháp thông minh trên nền tảng số vào công tác quản lý BV”.

Hội nghị thu hút hơn 290 đại biểu tham dự, với hơn 12 bài báo cáo từ các cơ sở y tế, chuyên gia nước ngoài.

Hội nghị nhằm giúp nhân viên y tế các BV trao đổi kinh nghiệm, tìm ra giải pháp để từ đó đưa ứng dụng y tế thông minh vào phục vụ quản lý BV như: ứng dụng AI trong việc đọc, tập hợp và phân tích dữ liệu, đưa ra những đề xuất chẩn đoán và chỉ định; tăng cường giao tiếp nhân viên y tế với bệnh nhân; đặt lịch hẹn khám online; thẻ khám bệnh tự động; trả kết quả qua online; báo cáo sự cố y khoa…

Các chuyên gia y tế dự báo, trong tương lai sẽ có nhiều phòng khám, BV ứng dụng công nghệ thông minh, nhiều tiện ích vào hoạt động. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Người trẻ cũng mất ngủ

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng mất ngủ hay còn gọi rối loạn giấc ngủ (RLGN) ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng ở người trẻ (từ 18 đến 30 tuổi). Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do áp lực cuộc sống, lo âu và nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm.

1.001 nguyên nhân

Tại phòng khám Bệnh viện (BV) Đại học Y dược 1, chị N.T.N. (45 tuổi, ngụ tại Bình Dương) thở dài kể: “Con gái tôi mới 23 tuổi nhưng bị mất ngủ từ  5 tháng qua. Cứ tối đến là trằn trọc không ngủ được. Bác sĩ chẩn đoán cháu mất ngủ do mắc phải hội chứng rối loạn lo âu. Nguyên nhân gây ra hội chứng này là do người bệnh thường xuyên lo sợ điều xấu sẽ xảy ra bất chợt với mình”.

Khác với cô gái này, em N.T.L (16 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) bị mất ngủ 3 tháng nay vì áp lực trong học tập. Việc học khiến em mệt mỏi. Suốt ngày vì muốn có điểm cao nên lao vào học, em bị áp lực về điểm số. Nhưng cứ áp lực là điểm lại càng thấp, điểm thấp em lại lo lắng; từ đó đêm nằm không ngủ được.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Minh Khuyên, chuyên khoa Tâm thần kinh trị liệu, Phòng khám Đại học Y dược 1, việc thay đổi giấc ngủ sinh lý liên tục cũng gây mất ngủ ở người trẻ tuổi. Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến việc thay đổi giấc ngủ sinh lý như bản chất công việc, chơi game… Ví dụ các bạn trẻ thức đêm chơi game, nếu việc này lặp đi lặp lại sẽ làm cho đồng hồ sinh học của các bạn bị thay đổi. Nếu có ngủ lại vào ban ngày thì giấc ngủ cũng chập chờn, ngủ không sâu giấc. Lâu dần, các bạn bị mất ngủ.

“Tình trạng RLGN ở người trẻ tuổi hiện nay chủ yếu do mắc phải hội chứng rối loạn lo âu và stress. Ngoài ra, người bệnh có thể bị mất ngủ do tâm thần phân liệt, dùng các chất kích thích, nghiện game hoặc mắc các bệnh lý khác. Việc sử dụng chất gây nghiện sẽ dẫn đến tình trạng loạn thần, gây RLGN ở giới trẻ”, bác sĩ Trần Minh Khuyên cho hay.

Cẩn trọng với thuốc

Các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho biết, với một người trưởng thành, mỗi đêm cần từ 7 – 8 giờ để ngủ. Khi bị chứng mất ngủ sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khác, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, hiệu quả công việc. Người mất ngủ, ngoài việc giảm sút sức khỏe còn thường xuyên cáu gắt với những người xung quanh, làm việc không hiệu quả… Ngoài ra, mất ngủ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Hiện một số người bị chứng mất ngủ, khó ngủ đã tự ra tiệm thuốc tây để mua thuốc ngủ, thuốc an thần. Theo các chuyên gia y tế, việc tự ý dùng thuốc như vậy sẽ làm cơ thể lệ thuộc vào thuốc, nếu không uống sẽ không ngủ được. Nếu tự ý dùng thuốc trong thời gian dài, người bệnh sẽ lạm dụng thuốc, mất tập trung, mệt mỏi hoặc rối loạn tâm thần. Vì vậy, khi sử dụng các loại thuốc trên thì phải có sự chỉ định của bác sĩ.

Thậm chí, nhiều trường hợp người bệnh RLGN cho rằng, việc uống rượu bia sẽ dễ ngủ, chữa được bệnh mất ngủ. Thế nhưng, theo các bác sĩ, việc lạm dụng rượu bia để dễ ngủ là sai. Khi sử dụng liên tục và kéo dài sẽ khiến cơ thể trở nên nghiện rượu, ngủ không sâu, sau khi dậy sẽ mệt mỏi, đau đầu.

BS Trần Minh Khuyên tư vấn: “Để điều trị RLGN, chúng ta cần thay đổi thói quen sinh hoạt hợp lý để cơ thể tự điều chỉnh. RLGN được chữa trị bằng cách hướng dẫn cho bệnh nhân tự điều tiết và cân bằng cơ thể để có lại được giấc ngủ sinh lý. Trường hợp không tự điều tiết được thì mới dùng đến thảo dược và cuối cùng bệnh nặng mới bắt buộc dùng tân dược. Để tự điều tiết cơ thể, người bệnh nên tập thói quen ngủ sớm; trước khi ngủ cần giải phóng căng thẳng, áp lực. Trường hợp mất ngủ do stress, chúng ta có thể khắc phục bệnh bằng cách thư giãn trước khi ngủ như nghe nhạc, ngừng suy nghĩ, thư giãn cơ thể”.

Theo thống kê tại BV Đại học Y Dược TPHCM, mỗi ngày BV tiếp nhận 15 – 17 bệnh nhân tới khám, điều trị bệnh mất ngủ. Còn đối với Trung tâm Y tế Medic Hòa Hảo, mỗi tháng phòng khám chuyên khoa mất ngủ này tiếp nhận 500 – 600 bệnh nhân. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)

 

Tự chủ hoàn toàn 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế

Ngày 20/5, nguồn tin của Tiền Phong xác nhận, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Nghị quyết “Về thí điểm tự chủ của 04 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế”. Theo đó, thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.

Mục tiêu của Nghị quyết nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Một trong những nội dung quan trọng của cơ chế tự chủ là ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn thì 4 bệnh viện này tổ chức và nhân sự chưa từng có từ trước đến nay. Theo đó, khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý và cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc bệnh viện hoặc Tổng Giám đốc bệnh viện (theo Đề án của mỗi bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với thời gian tối đa là 02 năm. (Tiền phong, trang 5)

 

Bổ nhiệm Ban Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM

Ngày 20.5, Sở Y tế TP.HCM đã công bố và trao quyết định bổ nhiệm Ban giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (CDC).

Theo đó, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, được Sở Y tế bổ nhiệm làm Giám đốc CDC. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Phó giám đốc Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe TP, và bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP, được được bổ nhiệm Phó giám đốc CDC. Thời gian giữ các chức vụ trên là 5 năm.

CDC là trung tâm trực thuộc Sở Y tế TP được thành lập theo quyết định 381 ngày 28.1.2019 của UBND TP về tổ chức lại các trung tâm chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, gồm: Trung tâm y tế dự phòng TP, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế.

Theo lộ trình, trong năm 2019 CDC sẽ tiến hành sáp nhập 6 trung tâm và từ tháng 1.2020 sáp nhập tiếp Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế.

Ngày 7.3.2019, Sở Y tế TP đã ban hành quy chế  tổ chức và hoạt động của CDC. CDC có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; khám phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn trên địa bàn TP.

CDC được giao 18 nhiệm vụ tương ứng với 7 trung tâm hợp thành. CDC có 3 phòng chuyên môn và 12 chuyên khoa. Gồm: Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm; Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm; Khoa Dinh dưỡng; Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe; Khoa sức khỏe môi trường – Y tế trường học; Khoa Ký sinh trùng – Côn trùng; Khoa Dược – Vật tư y tế; Khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng; Khoa Phòng, chống HIV/AIDS; Khoa Bệnh nghề nghiệp; Khoa Sức khỏe sinh sản; Phòng khám đa khoa, chuyên khoa.

Sau khi được bổ nhiệm, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc CDC, cho biết mô hình  CDC mang lại hiệu quả tích cực mà các nước trên thế giới, mà tiên phong là Mỹ thực hiện.

CDC có chức năng dự phòng, triển khai, giám sát, phát hiện những bệnh tật trước khi xảy ra, những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người, môi trường…

“Việc sáp nhập lại những đơn vị hoạt động y tế cộng cộng, y học cộng đồng vào CDC để tạo mối liên kết chặt chẽ từ TP đến quận huyện, phường xã; vừa tinh gọn bộ máy, vừa tinh nhuệ, tập trung đầu mối thực hiện nhiệm vụ, chắc chắc mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Tương lai, CDC TP sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin, liên kết từ thông tin bệnh viện đến CDC, từ cộng đồng (phường xã, dân cư) đến CDC, trên cơ sở đó sẽ dự báo, cảnh báo tình hình bệnh tật trong cộng đồng”, bác sĩ Dũng nói.

Bác sĩ Dũng nhấn mạnh thêm vai trò lớn nhất của CDC  là nắm được mô hình dữ liệu bệnh tật của cộng đồng, phát hiện sớm bệnh tật, tổ chức xử lý sớm những vấn đề liên quan đến sức khỏe con người trước khi xảy ra từ dịch bệnh, bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng, yếu tố tác động môi trường, bệnh nghề nghiệp, sức khỏe dinh dưỡng…

Theo đề án UBND TP triển khai, trước mắt là sự kết hợp nguyên trạng, còn theo lộ trình lâu dài là sẽ sắp xếp và tổ chức lại một cách hài hòa, tinh gọn nhưng hiệu quả. Một đến 2 tháng tới sẽ tiến hành giải thể và sáp nhập các đơn vị vào hệ thống CDC. (Thanh niên, trang 4)

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 01/11/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 25/5/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 06/11/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận