Điểm báo ngày 21/7/2022

(CDC Hà Nam)
Kết luận về các bệnh nhân bị hoại tử xương hàm mặt sau nhiễm Covid-19; Hà Nội ghi nhận hơn 2.600 ca mắc cúm, đã có ca nặng phải thở máy; Sốt xuất huyết tăng nhanh, chủ động diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh

 

Hà Nội ghi nhận hơn 2.600 ca mắc cúm, đã có ca nặng phải thở máy

Tính đến ngày 18/7, Hà Nội ghi nhận hơn 2.600 ca mắc cúm. Số mắc tăng mạnh trong tháng 6 và hai tuần đầu tháng 7.
Ngày 20/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thông tin, theo số liệu thống kê của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến hết ngày 18/7, thành phố ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Nếu như giai đoạn từ tháng 1-4 số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng, đến tháng 5 số mắc tăng lên 556 trường hợp, thì tháng 6 tăng vọt lên 887 trường hợp.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, mấy tuần gần đây ghi nhận gia tăng số người đến khám bệnh do mắc cúm. Cụ thể, từ 1- 15/7, bệnh viện tiếp nhận khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm. Con số này lớn hơn cả số ca nghi nhiễm cúm cả 6 tháng đầu năm cộng lại tới khám ở viện này.

Trong số này, hơn 35% bệnh nhân (tương đương 375 ca) có kết quả test nhanh dương tính với cúm. Đặc biệt, có tới 366 ca dương tính với cúm A. Số trường hợp có chỉ định nhập viện là 71 ca (18,9%), trong đó có 2 trường hợp viêm phổi suy hô hấp tiến triển (ARDS) nhập viện.

Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 252 bệnh nhân mắc cúm A điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh nhân này phân bố tại 23/30 quận, huyện, thị xã.

Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú. Trong 71 trường hợp có chỉ định nhập viện, chủ yếu là phụ nữ có thai, trẻ em, người có bệnh nền, hầu hết khỏi sau 3-4 ngày điều trị.

Hà Nội ghi nhận trường hợp viêm phổi nặng, suy hô hấp là bệnh nhân ở Chương Mỹ, 78 tuổi có bệnh nền suy tim, viêm phổi. Ca này diễn biến nặng, suy hô hấp, phải thở máy điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Cơ sở này cũng còn khoảng 20 bệnh nhân đang theo dõi điều trị.

Về phân bố bệnh nhân theo nhóm tuổi trong số bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Sở Y tế Hà Nội cho biết: Số ca mắc cúm tập trung nhiều nhất ở nhóm dưới 5 tuổi là 44,1%, tiếp theo là nhóm tuổi 18-49 tuổi chiếm 39,7%, nhóm tuổi 6-18 tuổi chiếm 11,8% và ít nhất là nhóm tuổi trên 50 tuổi chiếm 4,4%.

Sở Y tế nhận định, tình hình bệnh cúm hiện nay đang có xu hướng tăng. Cũng trong ngày hôm nay, 20/7, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn đã ký văn bản gửi Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chỉ đạo về việc tăng cường giám sát và phòng, chống bệnh cúm mùa.

Theo đó, CDC Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã của thành phố tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm mùa tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt tại các khu vực nguy cơ cao (cơ sở nuôi dưỡng trẻ, trung tâm bảo trợ xã hội, khu thuê trọ, khu sinh sống của công nhân các khu công nghiệp,…) để kịp thời phát hiện và xử lý sớm các khu vực có nhiều bệnh nhân, hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh và tử vong.

Đồng thời rà soát, kiện toàn lại các đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ số trang thiết bị phòng chống dịch để sẵn sàng ứng phó với các tình hình huống khi dịch lây lan trên địa bàn; Tăng cường công tác truyền thông các biện pháp phòng chống dịch; tổng hợp số liệu báo cáo định kỳ hàng tháng và báo cáo ngay với các trường hợp mắc bệnh nặng, các khu vực có nhiều bệnh nhân… (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3; Công an nhân dân, trang 1).

 

Sốt xuất huyết tăng nhanh, chủ động diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh

Tại các địa phương ở Nam Trung Bộ như Khánh Hòa; Bình Định… số ca mắc sốt xuất huyết vẫn nhiều.

Theo dõi chặt chẽ, điều trị tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết

Thống kê đến hết tháng 6, số ca mắc sốt xuất huyết ở Khánh Hòa đã trên 810 ca. Là tỉnh có bệnh sốt xuất huyết lưu hành nhiều năm nay nên Khánh Hòa đã chủ động xử lý các ổ dịch ngay khi xuất hiện. Bên cạnh đó huy động đội ngũ y tế, nhất là y tế dự phòng xuống tận các thôn/khu dân cư nguy cơ để đánh giá tình hình dịch bệnh.

Tại tỉnh Bình Định, các ca mắc mới sốt xuất huyết trong những tuần gần đây vẫn gia tăng. Đến ngày 13/7, tổng cộng đã có 1.232 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết với 91 ổ dịch.

Riêng trong tuần từ 7 đến 13/7 ghi nhận 132 ca bệnh sốt xuất huyết. Trong tuần, phát hiện 7 ổ dịch sốt xuất huyết tại các huyện, thị xã: Hoài Nhơn 2 ổ dịch (Hoài Tân 1, Hoài Phú 1); Hoài Ân 3 ổ dịch (Ân Thạnh 1, Ân Phong 1, Ân Đức 1); An Lão 2 ổ dịch (An Hòa 1, TT An Lão 1).

Để ngăn chặn sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngành y tế 2 địa phương có ca mắc nhiều này đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tích cực tham mưu cho UBND cấp huyện tăng cường chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng.

Đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng theo hướng dẫn của ngành y tế.

Các cơ sở khám, chữa bệnh cũng theo dõi sát sao người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện. Điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng. Củng cố và duy trì hoạt động của “nhóm điều trị bệnh sốt xuất huyết” và “đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Diệt muỗi, lăng quăng để phòng sốt xuất huyết

Một trong những việc làm quan trọng trong việc ngăn chặn, phòng bệnh sốt xuất huyết bùng phát đó diệt muỗi, lăng quăng. Dưới sự hướng dẫn của ngành y tế, tại các điểm nguy cơ dịch sốt xuất huyết ở Khánh Hòa, Bình Định hàng loạt người dân, học sinh đã chủ động tìm diệt muỗi, lăng quăng quan nơi mình sinh sống.

Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, vẫn liên tục khuyến cáo người dân vệ sinh, diệt muỗi. Cùng với đó, phối hợp với các trường học, phụ huynh hướng dẫn học sinh diệt muỗi, loại bỏ môi trường phát sinh lăng quăng.

Bà Võ Thị Mỹ ở Vĩnh Hòa (Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: “Từ các hướng dẫn của ngành y tế, đa số hộ dân đã nắm được phương pháp phòng dịch. Điều quan trọng nhất là phải chủ động diệt muỗi, lăng quăng. Người nọ kêu gọi người kia đồng thời huấn luyện cho con em mình cách diệt muỗi và lăng quăng”.

Nhiều ngày nay, bà Mỹ đã hướng dẫn cho con của mình đang là học sinh tiểu học cùng một số người thân diệt muỗi, dọn vệ sinh và đảm bảo vệ sinh cá nhân cho các em.

Tại một số địa điểm có ca mắc sốt xuất huyết nhiều của tỉnh Bình Định như: Hoài Ân; An Nhơn; Phù Mỹ… người dân cũng đã chủ động loại bỏ môi trường sống, môi trường phát sinh muỗi, lăng quăng. Theo các hộ dân sinh sống nơi đây, diệt muỗi, lăng quăng, tăng cường vệ sinh vừa là để bảo vệ bản thân vừa bảo vệ gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh.

Học sinh cũng đã được hướng dẫn kỹ cách nhận biết bất kể nơi nào có nước thì muỗi cũng có thể đến sinh sản được. Vậy nên cách dễ nhất ai cũng làm được là xử lý các vật dụng có khả năng làm ứ đọng nước xung quanh mình. Lật úp các nơi có thể ứ đọng nước xung quanh nơi sinh sống như chai lọ, lu, vỏ chai nhựa, lốp xe hỏng… Các môi trường có thể phát sinh muỗi như hốc cây, kẽ lá… cũng cần được xử lý để triệt tiêu môi trường phát sinh muỗi, lăng quăng. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).

 

Thêm 1 triệu chứng mới của biến thể phụ BA.5 Omicron xuất hiện vào ban đêm rất dễ nhầm lẫn

Cùng với biến thể phụ BA.4 của Omicron, BA.5 được cho là biến thể phụ dễ lây lan nhất, gây ra hơn 50% trường hợp ở Mỹ trong thời gian gần đây.
Cũng giống như dòng bố mẹ của nó, dòng phụ BA.5 được cho là nhẹ hơn và dễ quản lý hơn so với các biến thể trước đó như Delta.

Tuy nhiên, biến thể phụ mới rất dễ lây lan. Điều này được cho là do chúng có khả năng tránh được sự bảo vệ miễn dịch do nhiễm trùng và/hoặc tiêm chủng trước đó.

Điều tồi tệ hơn là các chuyên gia tin rằng BA.5 Omicron có khả năng tái nhiễm virus cho người trong vòng vài tuần sau khi nhiễm virus.

Theo Andrew Roberston, Giám đốc Cơ quan Y tế Tây Úc, những tuyên bố trước đây rằng nhiễm trùng có thể cung cấp một mức độ miễn dịch nhất định chống lại các nhiễm trùng trong tương lai có thể không liên quan đến các chủng mới.

“Những gì chúng tôi đang thấy là ngày càng có nhiều người bị nhiễm BA.2 và sau đó bị nhiễm chủng mới chỉ sau 4 tuần,” bác sĩ Andrew giải thích.

1. Chuyên gia cảnh báo về một triệu chứng phổ biến vào ban đêm

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) gần đây đã thông báo rằng Omicron dòng phụ BA.4 và BA.5 đã trở nên thống trị ở Mỹ. Được biết, BA.4 và BA.5 cũng là nguyên nhân của sự gia tăng đột ngột các trường hợp COVID ở một số quốc gia bao gồm cả Ấn Độ.

Trước tình trạng số ca mắc mới COVID đang gia tăng, điều rất quan trọng là phải cảnh giác và nhận thức được các dấu hiệu và triệu chứng của virus.

Giáo sư Luke O’Neill của Đại học Trinity thông báo về sự phổ biến của một dấu hiệu mới của biến thể BA.5, có thể xuất hiện vào ban đêm.

GS. Luke cho biết: Một triệu chứng bổ sung mới khi nhiễm biến thể BA.5 mà tôi thấy bệnh nhân phản ánh là đổ mồ hôi ban đêm. Bệnh nhân mắc BA.5 có một số dấu hiệu hơi khác vì virus đã thay đổi. Sốt, đau họng, chảy nước mũi, mệt mỏi, đau cơ thể và các vấn đề về đường tiêu hóa tiếp tục là một số triệu chứng thường được báo cáo của Omicron và các biến thể phụ của nó.

2. Đổ mồ hôi ban đêm có khẳng định bạn mắc COVID-19?

Theo các chuyên gia, dấu hiệu đổ mồ hôi ban đêm không có nghĩa là mắc COVID-19 mà có thể xảy ra do một số điều kiện cơ bản khác. Từ rối loạn sử dụng rượu, lo lắng, cường giáp, mãn kinh đến việc uống một số loại thuốc, nhiều yếu tố có thể dẫn đến đổ mồ hôi ban đêm. Triệu chứng này cũng phổ biến ở những bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những người bị bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch…

Điều đó nói rằng, nếu bạn bị đổ mồ hôi ban đêm, hãy đảm bảo rằng bạn chú ý đến các triệu chứng khác liên quan đến COVID-19. Cách tốt nhất để xác định xem bạn có bị nhiễm Coronavirus hay không là làm xét nghiệm.

Cách bảo vệ bản thân tốt nhất là áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Mặc dù việc tiêm vaccine cung cấp cho bạn một mức độ bảo vệ nhất định, nhưng việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với xã hội và thực hiện vệ sinh tay đúng cách có thể nâng cao sự an toàn của bạn và ngăn ngừa nhiễm bệnh. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 10).

 

Nguy cơ Covid-19 gia tăng từ các biến thể phụ và sự chủ quan của người dân

Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam giảm mạnh từ cuối tháng 3, nhưng đang có xu hướng tăng trở lại tại một số tỉnh, thành phố. Số ca mắc tăng là vì giảm miễn dịch (đã mắc phải hoặc thời gian tiêm vắc-xin đã rất xa); người dân chủ quan, không áp dụng biện pháp phòng dịch. Mặt khác, sự xuất hiện của hai biến thể phụ của biến thể Omicron với đặc tính có khả năng lây lan nhanh.
Kể từ khi xuất hiện (năm 2019), vi-rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và tạo ra nhiều đột biến. Các đột biến giúp vi-rút dễ dàng bám dính vào các thụ thể tế bào người, từ đó xâm nhập, lây nhiễm nhanh hơn và thay thế cho biến chủng lưu hành trước đó. Trong xu thế đó, Omicron là biến thể gây bệnh phổ biến nhất hiện nay. Biến thể này đã có nhiều đột biến và hình thành nhiều nhánh phụ, gồm BA.1, BA.2, BA.3 và gần đây nhất là BA.4 và BA.5. Hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 được đề cập cùng nhau bởi vì các đột biến trong gien protein đột biến của chúng giống hệt nhau, mặc dù chúng khác với các đột biến được tìm thấy ở những nơi khác.

Biến chủng mới BA.5 được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 1/2022, sau đó lan sang nhiều quốc gia trên thế giới. BA.5 mang nhiều thay đổi trên protein gai ở đột biến L452R, F486V khiến độ bám của vi-rút vào tế bào của vật chủ nhanh và dễ dàng hơn. Hiện BA.5 đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ và khiến làn sóng dịch Covid-19 trỗi dậy ở một số nước châu Âu. Tại nhiều quốc gia, hai biến thể này đã chiếm ưu thế, gây ra những lo ngại làn sóng lây nhiễm mới.

Theo thông báo của Bộ Y tế, Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 trong cộng đồng (tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ), các ca nhiễm có thể tiếp tục tăng. Mặt khác, kháng thể bảo vệ của vắc-xin suy giảm theo thời gian chưa tính đến một số đối tượng chưa tiêm đủ liều làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Ngày 4/7/2022, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận bốn trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, gồm 3 trường hợp có nhiễm biến thể phụ BA.4 và một trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5. Đây là những mẫu bệnh phẩm tầm soát ngẫu nhiên từ ngày 13 đến 22/6 là người dân Việt Nam trong cộng đồng, hiện có sức khỏe ổn định. Lưu ý rằng, số lượng người bệnh được lấy mẫu làm giải trình tự rất ít, khi xác định được các trường hợp mang biến thể mới này thì cộng đồng thực tế đã có nhiều trường hợp nhiễm.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca mắc mới có xu hướng giảm mạnh từ cuối tháng 3, tuy nhiên đang có sự tăng trở lại tại một số tỉnh, thành phố. Ngày 20/7, ghi nhận 1.161 ca mắc Covid-19, cao nhất trong 47 ngày qua. Số mắc tăng trong thời gian qua là vì giảm miễn dịch do mắc phải hoặc thời gian tiêm vắc-xin đã rất xa, người dân chủ quan không áp dụng biện pháp phòng dịch khi nới lỏng, gia tăng việc đi lại, giao thương. Người nào chưa mắc thì sẽ mắc, trường hợp nào đã mắc lâu hoặc miễn dịch do vắc-xin suy giảm thì sẽ nhiễm lại. Đặc biệt là sự xuất hiện của hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 có khả năng thoát được miễn dịch do những lần nhiễm cũ; những người đã mắc các chủng trước đây như alpha, delta hay biến thể phụ Omicron BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Diễn biến này tại nước ta cũng giống với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nhiều người có tâm lý chủ quan, lơ là việc đeo khẩu trang, trong khi khẩu trang vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Trong thời điểm này, việc đeo khẩu trang là cần thiết, nhất là khi dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại. Đặc biệt, khi vào các cơ sở y tế, tiếp xúc với người có triệu chứng thì càng cần phải đeo khẩu trang. Ngoài ra, những người có triệu chứng cũng cần tuân thủ đeo khẩu trang tuyệt đối để tránh lây tiếp cho người khác, nhất là nhóm nguy cơ như người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh lý nền.

Đến thời điểm này, đỉnh dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đã qua được bốn tháng, cũng là thời điểm mà hiệu lực của vắc-xin bắt đầu suy yếu. Trong khi đó biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn. Để không tạo ra một lỗ hổng miễn dịch, tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 vẫn là yếu tố then chốt. Tuy nhiên không phải ai cũng có nhu cầu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại bởi theo thống kê của Bộ Y tế, hiện tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi cả nước ước đạt 69,9%, nhiều địa phương thậm chí chưa đạt 50%, tiêm nhắc mũi 4 cả nước mới đạt 30%; đối với nhóm từ 12 đến 17 tuổi, có đến 25 tỉnh, thành phố thậm chí không đạt 10%.

Biến thể phụ BA.5 dù chưa có bằng chứng cho thấy độc lực của nó mạnh hơn nhưng khi tốc độ lây lan nhanh cộng thêm hiệu lực của vắc-xin suy yếu sau từ 4 đến 6 tháng mà không được nhắc lại, tỷ lệ tiêm vắc-xin nhắc thấp sẽ tạo ra những lỗ hổng phòng dịch để dịch dễ dàng tấn công trở lại gây quá tải hệ thống y tế và nguy cơ tỷ lệ tử vong sẽ tăng.

Theo nghiên cứu “Antibody evasion by SARS-CoV-2 Omicron subvariants BA.2.12.1, BA.4 và BA.5” của Wang và cộng sự đăng trên tạp chí Nature cho thấy biến thể BA.4 và BA.5 có khả năng kháng lại các loại vắc-xin RNA bao gồm cả vắc-xin của Pfizer và Moderna. Sự nguy hiểm của biến thể này ở điểm tốc độ lây lan của chúng rất nhanh, khả năng cao là sẽ thay thế biến thể BA.1 và BA.2 hiện tại. Theo những công bố của Tổ chức Y tế thế giới, việc gây bệnh nặng và khiến cho các ca tử vong tăng lên của BA.5 không bằng Delta song chúng lại có khả năng tấn công, gây lây nhiễm cho những người từng mắc Omicron và những biến chủng trước đó. Điều này có nghĩa, nếu một người từng mắc các biến chủng của Omicron, người đó vẫn không có khả năng miễn dịch với các biến chủng mới này. Chính vì vậy, vi-rút rất có thể gây ra một làn sóng dịch khác. Các chuyên gia cho rằng, chúng còn sẽ tiến hóa nhiều hơn khiến nhiều người có thể mắc bệnh tới ba hoặc bốn lần cùng với những triệu chứng kéo dài không dứt.

Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và dịch bệnh Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và dịch bệnh châu Âu đã đưa ra khuyến cáo các quốc gia cần duy trì biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm. Các mũi nhắc lại là rất cần thiết bởi miễn dịch tạo bởi các mũi tiêm cơ bản sẽ bị suy giảm hiệu quả trong vòng 6 tháng đặc biệt là khi biến thể mới xuất hiện.

Các vắc-xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể vi-rút SARS-CoV-2. Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng. Các mũi nhắc lại sẽ giúp gia tăng lượng kháng thể, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh hoặc tình trạng nặng phải nhập viện, nhất là khi các biến thể mới có thể liên tục xuất hiện trong tương lai.

Tổ chức Y tế thế giới đã đưa dòng biến thể phụ BA.4, BA.5 vào danh sách cần giám sát. Một số quốc gia trên thế giới siết lại hoạt động kiểm soát dịch như rà soát hộ chiếu vắc-xin, kiểm soát xét nghiệm, truy tìm và xác minh biến thể mới… Tại Việt Nam, việc đưa ra chiến lược mở, không coi Covid-19 là bệnh lưu hành địa phương nhưng tạo điều kiện tối đa cho mở cửa và phát triển kinh tế đã giúp nền kinh tế hồi phục đà tăng trưởng. Để những cố gắng đó không là vô ích, sự vào cuộc của người dân trong việc dự phòng và khống chế dịch là hết sức quan trọng. Trong đó, việc tiêm đủ mũi vắc-xin có vai trò then chốt, tiếp theo là giữ sức khỏe cho bản thân và người khác, tránh đến nơi đông người, nếu thấy có bất thường về sức khỏe hoặc tiếp xúc với người đã xác định dương tính. (Nhân dân, trang 5).

 

Kết luận về các bệnh nhân bị hoại tử xương hàm mặt sau nhiễm Covid-19

Liên quan đến thông tin bệnh nhân bị hoại tử xương hàm mặt sau nhiễm Covid-19, Hội đồng chuyên môn đã họp và cho biết, hoại tử xương sọ-mặt là một “bệnh lý ít gặp nhưng không phải là một bệnh lạ”.
Sau khi có thông tin về tình trạng hoại tử xương sọ-mặt có liên quan đến một số bệnh nhân từng nhiễm Covid-19 được phát hiện và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Răng hàm mặt TP Hồ Chí Minh, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã yêu cầu hai bệnh viện báo cáo nhanh; đồng thời, thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến bệnh lý trên, báo cáo về Bộ.

Thực hiện yêu cầu này, ngay ngày 15/7, hai bệnh viện đã phối hợp thành lập Hội đồng chuyên môn do PGS, TS Lê Văn Sơn – nguyên Trưởng bộ môn Phẫu thuật hàm mặt, Viện đào tạo Răng hàm mặt, Trường Đại học Y Hà Nội, làm Chủ tịch Hội đồng.

Tại buổi họp tiến hành chiều 18/7, Hội đồng thảo luận, đưa ra kết luận về nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến tình trạng hoại tử xương hàm mặt trên bệnh nhân sau nhiễm Covid-19.

Theo đó hoại tử xương sọ-mặt là một bệnh lý ít gặp nhưng không phải là một bệnh lạ, có thể xảy ra trên bệnh nhân xạ trị vùng đầu mặt cổ, lạm dụng thuốc chống loãng xương Bisphosphonate, viêm cốt tủy xương hàm do nguyên nhân từ răng và nhiễm trùng máu, chấn thương sọ-mặt, các tình trạng viêm xoang hàm do nấm, do rối loạn chuyển hóa (bệnh Paget)…

Hội đồng chuyên môn đưa ra khuyến cáo về các dấu hiệu lâm sàng gợi ý chẩn đoán sớm trên bệnh nhân có tiền sử mắc Covid-19, gồm: sưng, đau sọ-mặt kéo dài; dò mủ trong miệng, ngoài mặt; nhiều răng lung lay bất thường; loét niêm mạc, lộ xương.

Khi xuất hiện các triệu chứng trên, thực hiện hội chẩn các chuyên khoa liên quan, chụp cắt lớp vi tính là phương tiện tốt nhất để chẩn đoán sớm hoại tử xương sọ-mặt.

Về điều trị, Hội đồng kết luận cần phối hợp các chuyên khoa liên quan; phẫu thuật loại bỏ các tổ chức hoại tử.

Từ tháng 2 đến nay, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy có ghi nhận 24 ca bệnh hoại tử xương sọ-mặt trên bệnh nhân có tiền sử mắc Covid-19, trong đó có 2 ca tử vong.

Liên quan đến các ca bệnh này, nhiều người lo lắng liệu có phải do di chứng của Covid-19, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương chia sẻ, thực tế, các bệnh nhân bị hoại tử xương hàm, sọ tại bệnh viện đúng là đã từng mắc Covid-19, nhưng có phải do di chứng hậu Covid-19 hay không, cần thêm thời gian và các dữ liệu liên quan.

Trên thế giới cũng đã ghi nhận các trường hợp tương tự, y văn thế giới cũng chỉ ra 4 yếu tố nguy cơ được nghi ngờ dẫn đến viêm hoại tử xương hàm mặt, xương sọ sau Covid-19. (Nhân dân, trang 5; Thanh niên, trang 5).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 02/12/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/12/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/7/2018

admin