Điểm báo ngày 24/1/2022

(CDC Hà Nam)
Tập trung nguồn lực điều trị F0 tại nhà; Nhiều hệ lụy khi F0 tự điều trị thuốc kháng virus, thuốc chống đông; Rối bời vì quy định phòng, chống dịch Covid-19; Vui Tết an toàn bằng thói quen ăn uống…

 

Tập trung nguồn lực điều trị F0 tại nhà

Trong bối cảnh số ca mắc mới liên tục tăng nhanh và chạm mốc 1.000 ca/ngày, Đà Nẵng đang tập trung nguồn lực, hỗ trợ cao nhất cho y tế tuyến cơ sở trong phân loại, chăm sóc, điều trị các F0 tại nhà. Ngành y tế Đà Nẵng khuyến cáo mọi người dân thực hiện triệt để quy định về phòng, chống dịch 5K, nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, phát hiện bệnh sớm để chủ động trong cách ly, điều trị.

Trong một tuần qua, số ca mắc mới Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng diễn biến phức tạp, tăng cao chạm mốc 1.000 ca/ngày, trong đó trên 60% số ca cộng đồng và tập trung nhiều tại các chợ trên địa bàn thành phố. Tính từ ngày 1/1 đến ngày 21/1, Đà Nẵng ghi nhận 12.039 ca mắc mới Covid-19.

Tập trung điều trị F0 tại nhà

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu ngành y tế và các địa phương tiếp tục siết chặt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt việc phân luồng, điều trị các F0 tại nhà. Thành phố Đà Nẵng lưu ý các đơn vị, địa phương linh động trong phân loại F0, xác định điều trị tập trung hay tại nhà và Sở Y tế cung cấp đầy đủ bình oxy cho các trạm y tế lưu động. Sở Y tế cần phối hợp Sở Du lịch sớm kích hoạt các khách sạn tham gia phục vụ điều trị F0; kêu gọi các doanh nghiệp chia sẻ kinh phí ăn, ở, điều trị cho những F0 có hoàn cảnh khó khăn; kêu gọi thêm lực lượng tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới khi dự kiến lượng người về Đà Nẵng tăng cao.

Quận Sơn Trà hiện là điểm nóng, với số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trong một tuần qua tăng trên 1.600 ca. Bác sĩ Phạm Hồng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, để triển khai điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú, hơn 70 nhân viên y tế trên địa bàn đã được tập huấn để vận hành các trạm y tế lưu động. Từ thí điểm điều trị F0 tại nhà ở phường Thọ Quang và hiện nay đã nhân rộng toàn quận theo đúng hướng dẫn chuyên môn, linh hoạt phân loại, tiếp nhận và điều chuyển F0 bảo đảm đúng quy trình. Toàn quận đang điều trị hơn 700 F0 tại nhà, trong đó hơn 621 trường hợp không có triệu chứng, 80 trường hợp triệu chứng nhẹ.

Phường Nại Hiên Đông hiện là địa phương có ca nhiễm cao nhất toàn quận Sơn Trà. Trên địa bàn phường đang theo dõi, điều trị hơn 260 F0 tại nhà và hơn 500 F1. Chủ tịch UBND phường Cao Đình Hải cho biết, dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, hiện phường lập tổ công tác có 10 thành viên trực tiếp điều hành để tiếp nhận, xác minh điều kiện cách ly điều trị các F0 tại nhà. Hiện nguồn nhân lực tại trạm y tế phường không thể đáp ứng được khối lượng công việc quá lớn, địa phương đang vận động các cộng tác viên dân số tình nguyện tham gia tại trạm y tế lưu động.

Tại địa bàn xã Hòa Liên (địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất toàn huyện Hòa Vang), công tác chăm sóc, điều trị các F tại nhà đang được địa phương quyết liệt triển khai. Từ ngày 1/1 đến nay trên địa bàn ghi nhận 222 ca F0; tỷ lệ số ca mắc cộng đồng 7 ngày qua là 604 trường hợp/100 nghìn dân; nhiều khu vực trong xã chuyển cấp độ 4. Trung tâm y tế huyện Hòa Vang đã điều động năm y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng về thực hiện “ba tại chỗ” tại địa phương để vận hành trạm y tế lưu động; thành lập tổ phản ứng nhanh trong xét nghiệm, phân loại, điều trị F0, xét nghiệm F1. Bác sĩ Ngô Đức, Trưởng trạm y tế xã Hòa Liên cho biết: Tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn xã được triển khai đồng bộ, nghiêm túc. Nhưng hiện tại, nhân lực y tế thiếu là một áp lực rất lớn khi dịch bệnh bùng phát mạnh như hiện nay. Nhân viên y tế vừa chăm sóc, điều trị cho hơn 140 F0 tại nhà, vừa giám sát cách ly hàng trăm F1, trong khi đó vẫn bảo đảm chăm sóc, sơ cấp cứu, khám chữa bệnh thông thường. Nhưng nhờ có sự tăng cường các y sĩ, bác sĩ về mà địa phương có thêm nguồn lực chăm sóc, điều trị các F tại nhà. Trạm y tế lưu động là phương án hỗ trợ đắc lực cho địa phương nhất là khi dịch bệnh bùng phát cao điểm như hiện nay.

Nâng cao chất lượng y tế cơ sở

Thành phố Đà Nẵng hiện đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế cho hơn 5.000 người mắc Covid-19, trong đó có 315 F0 chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thuộc nhóm đối tượng nguy cơ là người lớn tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em dưới 12 tuổi. Tiến sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đối với việc điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú, đến thời điểm này, Bệnh viện Đà Nẵng đã hoàn tất tất cả các quy trình. Tổng số nhân viên y tế đã đào tạo thuần thục bước đầu là hơn 600 người. Bệnh viện cũng xây dựng Sổ tay điều trị cho các bệnh nhân F0 tại nhà, gồm nhiều nội dung liên quan đến công tác điều trị kể cả công tác chăm sóc, quản lý, theo dõi, phân tầng người bệnh khi có nguy cơ đều được ghi lại cẩn thận. Những trường hợp được đánh giá điều trị tại nhà, trường hợp buộc phải đưa vào bệnh viện phân tầng và các công tác chăm sóc điều trị được ghi chép cụ thể để hạn chế tối đa việc điều trị F0 tại nhà mà lây nhiễm cho người khác, kể cả những người trong gia đình và cộng đồng.

Việc thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ Y tế (ban hành theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế) là cơ bản phù hợp, sát tình hình thực tiễn, bảo đảm nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội. Hiện, Đà Nẵng hoàn thành tỷ lệ tiêm mũi hai vắc-xin phòng Covid-19 đạt trên 95% số dân trong độ tuổi; có thuốc điều trị; ứng dụng công nghệ thông tin và kinh nghiệm trong công tác điều trị cũng như thực tế các thử nghiệm cách ly y tế và điều trị tại nhà.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Nguyễn Tiên Hồng cho biết: Đà Nẵng có khả năng xử lý tình huống khi ghi nhận số ca mắc lên tới 40.000-100.000 ca mắc trên địa bàn. Hiện, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tập trung nâng cao năng lực phát hiện và điều trị người nhiễm Covid-19; thực hiện phân tuyến ba tầng điều trị; tăng cường trung tâm cấp cứu vùng với 100 giường, huy động y tế tư nhân, tăng số trạm y tế lưu động, nhân lực, hệ thống cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú; bảo đảm người nhiễm Covid-19 được tiếp cận với nhân viên y tế, được tư vấn, hướng dẫn F0 các biện pháp theo dõi sức khỏe, chăm sóc bản thân và người ở cùng, phối hợp hỗ trợ kịp thời các trường hợp có dấu hiệu cần chuyển tuyến, cấp cứu. Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm, bảo đảm các tiêu chí bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn, các quy định, quy trình về tiếp đón, sàng lọc, phân luồng, cách ly, xét nghiệm tại cơ sở y tế. (Nhân dân, trang 8)

 

Rối bời vì quy định phòng, chống dịch Covid-19

Ai đi xa cũng mong Tết được trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, việc mỗi địa phương ban hành một quy định riêng về phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang gây khó khăn cho người dân khi về quê đón Tết.

Gia đình chị Mai Thương nhiều năm sinh sống và làm việc tại quận Ba Đình (Hà Nội). Quê chị ở Thanh Hóa, quê chồng chị ở Ninh Bình. Mặc dù khoảng cách địa lý không xa, nhưng do tình hình phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tháng qua chị chưa về thăm quê. Từ tháng 12/2021, vợ chồng chị đã lên kế hoạch về quê đón Tết, chăm sóc bố mẹ. Tuy nhiên, mấy hôm nay tâm trạng chị rối bời khi được biết người từ vùng cam ở Hà Nội khi về Ninh Bình, dù có kết quả xét nghiệm âm tính và đã tiêm hai mũi vắc-xin vẫn phải cách ly tại nhà như F1. Nếu gia đình không có đủ điều kiện cách ly (có phòng riêng) thì sẽ phải đi cách ly tập trung. Còn nếu gia đình chị về Thanh Hóa thì phải cách ly y tế tại nhà 14 ngày và làm xét nghiệm Covid-19 ba lần. “Phải cách ly dài ngày như thế, còn gì Tết nữa”-chị Mai Thương nói.

Chị Lê Hằng quê ở Quảng Ninh cho biết, chị rất muốn về quê đón Tết nhưng sợ phải cách đi ly tập trung do đến từ vùng cam. Mặc dù không sinh sống và làm việc tại vùng dịch cấp độ nguy cơ cao và đã tiêm hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19, nhưng khi về xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), người dân vẫn phải cách ly y tế tại nhà 14 ngày. Tương tự, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) cũng yêu cầu người từ Hà Nội trở về địa phương cách ly 14 ngày tại nhà, theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày. Trong thời gian cách ly, người dân phải lấy mẫu xét nghiệm ba lần vào các ngày: thứ nhất, thứ 7, thứ 14 và phải tự trả chi phí.

Tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu tất cả người dân từ tỉnh ngoài về quê dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Tùy vào từng khu vực người dân sinh sống, làm việc trước khi trở về địa phương mà tỉnh sẽ áp dụng phương án cách ly, xét nghiệm theo bản đồ dịch tễ. Còn TP Hải Phòng yêu cầu cách ly người về từ vùng đỏ và vùng cam, làm xét nghiệm vào ngày 7, ngày 14, người từ vùng vàng và vùng xanh về phải tự theo dõi sức khỏe trong 7-14 ngày… Chính những quy định khác nhau của các địa phương đã gây khó khăn cho người dân khi về quê đón Tết, nhất là những người có hai quê.

Một số tỉnh như: Quảng Nam, Thái Nguyên… tuyên truyền nhân dân vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không trở về địa phương dịp Tết Nguyên đán nếu không thật sự cần thiết. “Quanh năm làm việc cật lực, dành dụm chi tiêu, chỉ mong Tết đến được về quê sum họp gia đình. Vậy mà chính quyền lại khuyên nên ở lại không về quê, nếu về phải cách ly y tế thì thật buồn”-anh Tống Ngọc Quang quê ở Thái Nguyên, hiện đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ.

Cũng có nhiều địa phương nới lỏng quy định, chỉ yêu cầu người dân khai báo y tế và thực hiện 5K như các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long…

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân. Người dân từ tỉnh này đến tỉnh khác không phải cách ly tập trung mà được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn yêu cầu người dân xét nghiệm và cách ly tập trung khi trở về quê dịp Tết Nguyên đán.

Hiện nay, hầu hết người dân trong độ tuổi đã tiêm hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19, một số địa phương đã tiêm mũi nhắc lại. Việc bao phủ vắc-xin và có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Người dân cũng đã quen dần với việc sống chung với dịch trong điều kiện bình thường mới, nâng cao ý thức phòng dịch, chấp hành 5K. Các địa phương siết chặt quy định về phòng, chống dịch với những yêu cầu xét nghiệm và cách ly trên có thật sự cần thiết và phù hợp thực tế? Trước các quy định phòng, chống dịch Covid-19 khác nhau của các địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, cần áp dụng thống nhất một quy định trên toàn quốc, tránh gây khó cho người dân.

PGS, TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng: “Về quê ăn Tết là một nhu cầu tất yếu, là mong mỏi, chờ đợi của hầu hết người dân xa quê. Chính quyền cần tạo mọi điều kiện để người dân được trở về quê an toàn, chứ không phải ngăn cấm hay gây khó dễ như hiện nay”. (Nhân dân, trang 4)

 

Cần xử lý nghiêm hành vi trục lợi thương hiệu sâm Ngọc Linh

Thời gian qua, dư luận tỉnh Kon Tum xôn xao vì một công ty mới thành lập là Công ty cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam tuyên bố sẽ mang thương hiệu sâm Ngọc Linh ra thị trường thế giới và hiện đang sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh. Thế nhưng đến nay, công ty này đóng cửa thường xuyên còn 10 ha sâm thì lực lượng chức năng xác định không hề có.

Thương hiệu sâm Ngọc Linh-“Quốc bảo” Việt Nam đã được chứng minh là loại sâm quý hiếm trên thế giới với nhiều dưỡng chất không có trên các loại sâm khác cho nên mức giá lên đến hơn 100 triệu đồng/kg sâm tươi. Thế nên, thời gian qua nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Kon Tum tìm kiếm cơ hội đầu tư để trồng, phát triển sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, ngoài những doanh nghiệp làm thật thì vẫn còn đó một số cá nhân, doanh nghiệp tổ chức khai trương, khánh thành hoành tráng, khuếch trương sản phẩm, thương hiệu của mình là từ sâm Ngọc Linh, nhưng thực tế chỉ là trục lợi thương hiệu loài sâm quý hiếm này.

Trục lợi thương hiệu

Cuối tháng 11 năm 2021, Công ty cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam (gọi tắt Công ty Sâm Việt Nam) tổ chức lễ khai trương hoành tráng, chính thức ra mắt, hoạt động tại thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Để khuếch trương, công ty này đã mời nhiều lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh, sở, ban, ngành tỉnh tới dự. Tại đây, Công ty Sâm Việt Nam công bố đã trồng 10 ha vườn sâm Ngọc Linh, trưng bày hàng trăm sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và đặt tham vọng lớn là đưa sâm Ngọc Linh ra thị trường quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sâm Việt Nam khẳng định trong ngày ra mắt: “Hiện tại bên công ty chúng tôi có vườn sâm gốc 10 ha, trồng từ 1 đến 8 năm, trong đó tại xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) 8 ha và tại xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei) 2 ha. Cùng đó là khu nuôi cấy mô tại huyện Kon Plông. Ngoài ra, công ty còn có mô hình liên kết để tạo sinh kế cho người dân tại chỗ ở Tu Mơ Rông và Đăk Glei, là nguồn lực để chăm sóc cho cây sâm…”.

Với những công bố của Công ty Sâm Việt Nam, người dân Kon Tum rất phấn khởi vì thương hiệu sâm Ngọc Linh sẽ sớm vươn tầm ra thế giới, nâng giá trị và uy tín thương hiệu sâm Ngọc Linh. Thế nhưng, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, ngay sau lễ khai trương không lâu, thì Công ty Sâm Việt Nam đã bị phanh phui về việc công ty này không hề sở hữu 10 ha như đã công bố.

Vào ngày khai trương, công ty này giới thiệu hàng trăm sản phẩm có thành phần từ sâm Ngọc Linh. Một sản phẩm rượu sâm Việt Nam của Công ty Sâm Việt Nam quảng bá rằng “được tinh chế từ Quốc bảo SÂM NGỌC LINH sâm số 1 thế giới với 52 thành phần saponin, trồng tự nhiên dưới tán cây cổ thụ, nơi đại ngàn Ngọc Linh cao hơn 1.779 m” với thành phần là sâm Ngọc Linh và rượu nếp lên men, không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người dân tỉnh Kon Tum băn khoăn về việc Công ty Sâm Việt Nam mới thành lập năm 2019, chưa từng thu hoạch được một cây sâm nào thì những thành phần trong sản phẩm liệu có đúng như quảng bá (?!). Theo một số chuyên gia về marketing thì: Ngay cả việc đặt tiêu đề thương hiệu của Công ty Sâm Việt Nam: “Sâm Việt Nam-Quốc bảo Việt Nam-Thương hiệu của người Việt” cũng dễ gây hiểu lầm có lợi cho công ty này khi họ cố tình đánh lận tên công ty và thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Ngoài việc công bố những thông tin không có thật về vườn sâm Ngọc Linh, dễ nhầm lẫn với sâm Ngọc Linh thì Công ty Sâm Việt Nam còn có những tính toán riêng khi tháng 4/2021, công ty này đã có đơn gửi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của công ty với số lượng 500.000 cây. Theo các chuyên gia trồng sâm lâu năm, thì sâm trồng bình quân 10 nghìn cây/ha, với số lượng này, diện tích Công ty Sâm Việt Nam đã trồng ít nhất là 50 ha, không phải 10 ha như công bố. Việc này đặt cho dư luận nghi vấn về nguồn gốc số lượng sâm củ trên có trồng ở vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh hay từ một nơi nào khác (?!).

Cần xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh

Khi bị phanh phui việc trồng sâm Ngọc Linh… “trên giấy”, bị các cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh, Công ty Sâm Việt Nam đã dùng một số phương tiện truyền thông viết bài quảng bá về cá nhân và công ty này, gây nhiễu loạn truyền thông, hoang mang dư luận.

Trước sự việc đó, ngày 5/1/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ra Văn bản số 37/VP-NNTN về việc xác minh thông tin báo chí phản ánh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã giao Chi cục Kiểm lâm phối hợp Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của các báo về tình trạng sâm Ngọc Linh trên địa bàn hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông.

Ngày 10/1/2022, Tổ công tác liên ngành đã xây dựng kế hoạch, gửi công văn thông báo lịch làm việc; ngày 12/1, gửi giấy mời đi kiểm tra thực địa để làm cơ sở rà soát, đối chiếu hồ sơ liên quan đến việc trồng sâm Ngọc Linh của Công ty Sâm Việt Nam. Thế nhưng, cả ba lần Tổ công tác liên ngành đến trụ sở Công ty Sâm Việt Nam đều được nhân viên công ty này thông báo không có lãnh đạo ở trụ sở và cũng không biết lãnh đạo đi đâu, cho nên không làm việc được với Tổ công tác.

Sau quá trình xác minh, ngày 17/1/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh thông tin về Công ty Sâm Việt Nam. Theo đó, việc công ty này công bố sở hữu 10 ha và liên kết trồng sâm Ngọc Linh với người dân trên địa bàn hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông là không có thật.

Riêng thông tin Công ty Sâm Việt Nam công bố với các phương tiện truyền thông việc liên kết hợp tác với các hộ dân trồng sâm Ngọc Linh, quá trình kiểm tra cho thấy: Trong năm 2020, ông A Ngao và ông A Ghôi (xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông), có bán cho công ty này số lượng 550 cây sâm Ngọc Linh ước khoảng 300 triệu đồng. Sau đó, Công ty Sâm Việt Nam gửi lại cho ông A Ngao và ông A Ghôi trồng tại tiểu khu 225 và 226 trên địa bàn xã Ngọk Lây. Trong năm 2021, ông A Ngao đã cho thu được khoảng 1.000 hạt và gieo số hạt sâm Ngọc Linh này tại vườn và được hỗ trợ chi trả tiền công bảo vệ và chăm sóc số lượng cây sâm Ngọc Linh nói trên với giá 100 nghìn đồng/ngày. Trong quá trình mua bán, ông A Ngao và ông A Ghôi có ký hợp đồng với công ty nhưng không đọc rõ nội dung được thể hiện trong hợp đồng gồm: nội dung hợp tác; số lượng cây, hạt giống sâm Ngọc Linh; vị trí và diện tích trồng.

Việc Công ty Sâm Việt Nam đóng cửa, bất hợp tác với lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum để làm rõ các nội dung liên quan đã gây bức xúc cho người dân trên địa bàn với nhiều câu hỏi được đặt ra: Các sản phẩm của Công ty Sâm Việt Nam liệu có đúng là có thành phần sâm Ngọc Linh như tuyên bố hay là hành vi lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh để trục lợi? Các sản phẩm này hiện nay đang lưu thông trên thị trường hay ở đâu? Việc trục lợi này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu Quốc bảo sâm Ngọc Linh như thế nào?

Đây là câu hỏi rất cần các cơ quan, ban, ngành, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum làm rõ. Bên cạnh đó, cần xây dựng những chế tài xử phạt thật nghiêm những hành vi gian dối nhằm trục lợi thương hiệu sâm Ngọc Linh để không ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và thương hiệu Quốc bảo sâm Ngọc Linh.

“Hiện tại tỉnh Kon Tum mới chỉ cấp phép cho ba đơn vị có đủ điều kiện để trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty cổ phần Vingin và Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong đó có hai đơn vị đủ điều kiện sản xuất và cung ứng giống sâm Ngọc Linh là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum”. (Nhân dân, trang 8)

 

Vui Tết an toàn bằng thói quen ăn uống

Với tâm lý “no 3 ngày Tết”, các bà nội trợ không ngần ngại mua nhiều thực phẩm. Việc tích trữ đồ ăn và bảo quản không đúng cách khiến thực phẩm dễ bị biến chất, ôi thiu, mất an toàn. Thêm vào đó, nhiều nơi, người dân mổ lợn để ăn Tết và ăn tiết canh cho may mắn, thế nhưng, trong tiết canh tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm, như: Tiêu chảy, tả, liên cầu khuẩn… Vì vậy, để đón Tết an toàn, người dân nên thay đổi thói quen ăn uống, tiêu dùng.

Ngộ độc từ những thói quen sai lầm

Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, chị Âu Thị Khánh Vân (37 tuổi, ở tổ dân phố số 2 phường Việt Hưng, quận Long Biên) đã đặt mua đủ loại thực phẩm. Chị Vân quan niệm: “Tết là dịp nghỉ ngơi, sum họp, ăn uống nên cần tích trữ nhiều thực phẩm hơn ngày bình thường. Thêm vào đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tích trữ thực phẩm giúp hạn chế đi lại, tiếp xúc và phòng nguy cơ lây nhiễm”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, những ngày này, hầu như gia đình nào cũng mua các thực phẩm: Xúc xích, lạp xưởng, dăm bông, khoai tây chiên… trữ sẵn trong tủ lạnh. Thậm chí, có gia đình mua cả chục cân khoai tây chế biến sẵn ở siêu thị về chiên rán. Việc ăn nhiều đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn đều không tốt cho sức khỏe. Có những gia đình còn tích rất nhiều hải sản, rau, thịt… để ăn lẩu trong dịp Tết. Khi ăn, họ chỉ nhúng hoặc trần tái thực phẩm cũng dễ dẫn đến ngộ độc.

Không chỉ sai lầm trong chế biến, sử dụng thực phẩm, các chuyên gia còn lo ngại về vấn đề bảo quản thực phẩm. Theo PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chất lượng thực phẩm phụ thuộc vào nguồn gốc, cách bảo quản. Quan niệm coi tủ lạnh là “bảo bối” tích trữ thực phẩm là hoàn toàn sai lầm. Tủ lạnh chỉ làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn, không loại bỏ được hoàn toàn vi khuẩn. Khi đưa quá nhiều loại thực phẩm vào cùng chỗ, chỉ cần một món ăn bị ôi thiu, nấm mốc sẽ dẫn tới nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, nấm mốc sang các thực phẩm khác.

Ngay tại một số địa phương, người dân vẫn giữ tập tục mổ lợn chế biến các món trong ngày Tết và không thể thiếu món tiết canh. Đây là căn nguyên gây ra bệnh nguy hiểm liên cầu khuẩn lợn. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, không chỉ lợn bệnh mà cả lợn khỏe mạnh cũng có thể chứa vi khuẩn liên cầu. Tỷ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn không triệu chứng trong một đàn lợn chiếm 60-100%. Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người khi ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa được nấu chín, như: Tiết canh, nem chua… hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh qua các tổn thương, trầy xước trên da…

“Bệnh liên cầu khuẩn lợn có hai thể thường gặp nhất là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu. Với viêm màng não mủ, bệnh nhân bị sốt, đau đầu, buồn nôn, có thể có hôn mê, co giật tùy mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Với thể nhiễm trùng máu, bệnh nhân bị sốt, sốc nếu không được xử trí kịp thời dễ dẫn đến suy gan, thận, tụt huyết áp, rối loạn đông máu…”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thông tin thêm.

Tránh tư tưởng “mâm cao, cỗ đầy”…

Người tiêu dùng nên lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng để tránh những biến chứng có thể xảy ra khi sử dụng.

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, cả nước xảy ra 58 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.557 người bị ngộ độc, trong đó có 5 người tử vong. Còn trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, số ca khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn là 194 trường hợp, trong đó ghi nhận 93 trường hợp rối loạn tiêu hóa và ngộ độc thức ăn tự chế biến.

Chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo, để phòng ngộ độc và bảo vệ sức khỏe, mọi người cần hạn chế việc tích trữ thực phẩm, tránh tư tưởng “mâm cao, cỗ đầy” và không nên nấu đi nấu lại thức ăn. Hơn nữa, người dân cần tiết chế trong ăn uống, xây dựng cho mình cách ăn uống khoa học, hợp lý, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh bị ngộ độc. Đừng nên ăn quá nhiều chất đạm, chất béo đến mức làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, nên hạn chế ăn các nhóm thực phẩm cay, chua, thực phẩm lên men… Trong mỗi bữa ăn ngày Tết, nên tăng cường thêm rau xanh, hoa quả tươi để cân bằng năng lượng cho cơ thể.

Vào dịp Tết, người dân thường có xu hướng ăn uống thiếu kiểm soát, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, điều này thực sự không nên, nhất là tại thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như của gia đình, cộng đồng. Người dân nên thực hiện ăn chín, uống sôi, chỉ ăn thực phẩm bảo đảm vệ sinh, an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không ăn đồ tái sống, đồ lưu cữu để phòng, tránh nhiễm vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng cũng như nguy cơ ngộ độc thực phẩm. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Cùng F0 chiến thắng dịch bệnh

Là địa bàn có di biến động dân cư cao nên quận Hai Bà Trưng luôn đối mặt với tình trạng bệnh nhân Covid-19 (F0) tăng mạnh. Trong đó, nhiều F0 không có triệu chứng hoặc phát bệnh ở thể nhẹ nên được điều trị tại nhà để giảm tải cho các bệnh viện. Từ thực tế này, Bạch Mai là phường đầu tiên của quận thí điểm thành lập nhóm Zalo từ ngày 28-12-2021 để tư vấn trực tuyến hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, đồng hành cùng họ chiến thắng dịch bệnh.

Cập nhật tình hình hằng ngày

Để giúp các bệnh nhân Covid-19 yên tâm điều trị tại nhà, phường Bạch Mai đã thành lập 12 nhóm Zalo theo 12 tổ dân phố, hằng ngày tư vấn trực tuyến. Ngay sau khi người dân có kết quả dương tính với Covid-19, trưởng nhóm Zalo do Bí thư Chi đoàn các tổ dân phố trên địa bàn phụ trách sẽ cập nhật số điện thoại và đưa vào nhóm để hỗ trợ tư vấn sức khỏe. Mọi thông tin sẽ được bảo mật và gửi đến cán bộ phụ trách hoặc nhân viên y tế để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bất thường.

Là F0 được hỗ trợ điều trị tại nhà vừa khỏi bệnh, ông Phạm Văn Hạnh (tổ dân phố số 4, phường Bạch Mai) chia sẻ: “Cùng với khai báo thông tin cá nhân thì hằng ngày tôi điền các thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe, triệu chứng liên quan. Với sự hỗ trợ của các bạn đoàn viên thanh niên tư vấn và lực lượng y tế phát thuốc điều trị tại nhà, sau 5 ngày tôi đã có kết quả xét nghiệm âm tính và khỏe mạnh bình thường”.

Còn anh Phạm Huy Chuẩn (ngõ 381 phố Bạch Mai) cho biết: “Tôi thấy việc thành lập nhóm Zalo để hỗ trợ tư vấn cho các bệnh nhân Covid-19 thuận tiện, giúp hạn chế tiếp xúc không cần thiết. Trong 9 ngày điều trị tại nhà, tôi đã được nhân viên y tế của phường phát thuốc và chỉ sau 5 ngày sức khỏe trở lại bình thường. Tôi yên tâm vì hằng ngày khai báo sức khỏe qua phiếu điều tra và luôn nhận được sự hỗ trợ khi cần. Cảm ơn các bạn đoàn viên thanh niên và lực lượng y tế hỗ trợ tôi trong quá trình điều trị tại nhà”.

Là người trực tiếp điều hành chung của nhóm Zalo hỗ trợ điều trị các F0 tại nhà, Bí thư đoàn phường Bạch Mai Nguyễn Hồng Anh cho biết, ngay sau khi nhận được danh sách các F0 trên hệ thống, các Bí thư Chi đoàn của 12 tổ dân phố gọi điện hỏi thăm tình trạng sức khỏe và gửi phiếu theo dõi trên nhóm cho từng bệnh nhân. “Trong quá trình theo dõi, nếu bệnh nhân nào chuyển nặng hoặc có yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp, chúng tôi sẽ báo ngay cho lực lượng y tế của phường kịp thời giải quyết. Mỗi ngày, sau khi tổng hợp tình trạng sức khỏe của các F0 điều trị tại nhà, chúng tôi sẽ làm báo cáo tổng hợp đưa lên hệ thống để nhân viên y tế tiện theo dõi”, chị Nguyễn Hồng Anh thông tin.

Giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở

Việc thí điểm thành lập nhóm Zalo hỗ trợ điều trị F0 tại nhà trên địa bàn phường Bạch Mai không chỉ nhận được sự hợp tác của người dân mà còn giúp giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, y sĩ chuyên trách phòng, chống dịch Covid-19, Trạm y tế phường Bạch Mai chia sẻ, đơn vị chỉ có 8 y, bác sĩ và trung bình mỗi người phải tiếp nhận 15 F0/ ngày, chưa kể các F1. Mọi công việc liên quan đến bệnh nhân như: Phát thuốc điều trị tại nhà, hỗ trợ tư vấn khi khẩn cấp, chuyển viện… đều do y tế cơ sở thực hiện nên luôn quá tải. “Việc thành lập nhóm Zalo hỗ trợ rất hiệu quả, giúp cán bộ y tế chuyên tâm điều trị cho các F0 nặng. Ngay sau khi tiếp nhận các F0, chúng tôi đều lập danh sách và phân loại đối với các trường hợp nặng, có bệnh lý nền, vì thế chỉ có bệnh nhân thể nhẹ mới điều trị tại nhà. Với sự hỗ trợ của phường cũng như các đoàn viên, việc điều trị cho các F0 tại nhà rất hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho y tế cơ sở”, chị Nguyễn Thị Thu Thủy bày tỏ.

Chủ tịch UBND phường Bạch Mai Nguyễn Thùy Dương cho biết, để hỗ trợ tốt nhất cho các bệnh nhân điều trị tại nhà, cùng với các nhóm Zalo do đoàn viên phụ trách, trên mỗi quyết định cách ly y tế với các F0 thường có 3 số điện thoại của lãnh đạo phường, công an, y tế phường để người dân liên hệ nếu cần. Bạch Mai là phường đầu tiên của quận Hai Bà Trưng lập nhóm Zalo hỗ trợ các F0 thể nhẹ và không triệu chứng điều trị tại nhà. Với sự hỗ trợ của các đoàn viên, sự tận tâm của các y, bác sĩ trên địa bàn phường, mong rằng các bệnh nhân yên tâm điều trị tại nhà để giảm tải cho hệ thống y tế.

Mới đây, Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng đã tổ chức 18 lớp tập huấn quản lý, điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng tại cộng đồng cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và tổ hỗ trợ, theo dõi người nhiễm Covid-19 cách ly tại nhà của 18 phường. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền, từ mô hình nhóm Zalo hỗ trợ điều trị F0 tại nhà của phường Bạch Mai thành công, quận sẽ nghiên cứu triển khai trên các phường khác để giảm thiểu cho hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc tốt nhất cho các bệnh nhân thể nhẹ tại nhà. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Các địa phương không cách ly người dân về quê đón Tết

Người dân về quê trong dịp Tết Nguyên đán cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như tuân thủ 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỉ lệ cao: người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi đạt 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 95,6%, tiêm mũi 3 đạt 18,6%; trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi 1 đạt 94,1%, tiêm đủ 2 mũi đạt 82,2%.

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế;

Nếu người dân có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở… thì hạn chế tiếp xúc và đi lại; thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.

Trước đó, có nhiều địa phương quy định cho người về quê đón Tết Nguyên đán, trong đó có địa phương yêu cầu người từ vùng cam, đỏ về phải cách ly tập trung 7 ngày; có nơi yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày và trong thời gian đó phải làm 3 lần xét nghiệm PCR…

Biến thể Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh, đã xâm nhập vào nước ta từ người nhập cảnh, hiện đã phát hiện ca mắc cộng đồng. Ngày 22/1, nước ta ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 với biến thể Omicron tại Hà Nội. Tính đến nay Việt Nam ghi nhận 135 ca mắc COVID-19 do biến thể này tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Long An, Quảng Ninh.

Hiện cả nước đang có 4.680 trường hợp F0 nặng phải thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao HFNC, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn và can thiệp tim phổi nhân tạo – ECMO. (An ninh Thủ đô, trang 1)

 

Những người nào cần đi tái khám sau khi khỏi bệnh Covid-19?

Thực tế có nhiều người trẻ tuổi, không bệnh nền, nhưng sau khi được công bố khỏi bệnh Covid-19 khoảng 2 tuần thì lại có triệu chứng mệt mỏi, khó thở, thay đổi vị giác…

TS. Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, qua thực tế điều trị Covid-19 tại bệnh viện nhận thấy, nhiều người trẻ tuổi, không bệnh nền khi đang điều trị COVID-19 ở nhà (do mắc ở thể nhẹ hoặc không triệu chứng) cảm thấy khoẻ khoắn, bệnh diễn tiến nhẹ nhàng, chỉ 7-10 ngày dương tính sẽ âm tính trở lại.

Tuy nhiên sau 2 tuần âm tính, họ lại có triệu chứng mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, tức ngực, stress, mồ hôi trộm, ho kéo dài, chóng mặt, thay đổi vị giác, khứu giác… Nhiều người tự đánh giá, sức khỏe sau khi khỏi bệnh giảm sút 20-30% so với thời kỳ dương tính hoặc trước đó.

Cũng vì thế, việc quan tâm, chăm sóc hậu Covid-19 đang là vấn đề lớn hiện nay. Bác sĩ Thường khuyến cáo, người dân sau khi khỏi Covid khoảng 10 ngày mà gặp các triệu chứng kể trên thì có thể đi khám lại, kiểm tra các chức năng hô hấp, tim mạch, đông máu, thận; nhất là những người từng nhiễm bệnh Covid-19 ở mức độ nặng, nguy kịch hoặc suy giảm sức khỏe sau khi khỏi bệnh.

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, nếu sau khi khỏi Covid-19, người không có triệu chứng hoặc vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường thì không phải đi khám. Bởi sau một trận ốm lớn, dài ngày, hoặc hậu sinh đẻ thì xuất hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài, ho, sốt, đau nhức người, rụng tóc… rất thường gặp, không nghiêm trọng. Cơ thể sẽ tự điều chỉnh và phục hồi về mức bình thường.

Tuy vậy, những người từng mắc Covid-19 nặng phải nằm hồi sức (ICU), hoặc bị khó thở, có dấu hiệu tăng đông máu, rối loạn tâm thần sau khi khỏi bệnh thì cần đi khám kiểm tra sức khỏe. (An ninh Thủ đô, trang 3)

 

TP.HCM ghi nhận thêm 4 ca nhiễm biến thể Omicron

Ngày 23.1, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết TP.HCM vừa có kết quả giải trình tự gien vi rút trên mẫu bệnh phẩm ca nhiễm Covid-19 có nghi nhiễm biến thể Omicron.

Kết quả phát hiện thêm 4 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 2 ca nhập cảnh và 2 ca cộng đồng. Như vậy, tính đến hiện nay, TP.HCM có 72 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó 67 ca nhập cảnh và 5 ca cộng đồng liên quan 1 ca nhập cảnh.

Trong ngày 23.1, TP.HCM có số ca nhiễm mới thấp (138 ca). Số ca tử vong cũng xuống thấp (6 ca), trong đó có 2 ca chuyển đến từ tỉnh khác. Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, TP.HCM có tổng cộng 513.451 ca nhiễm Covid-19 và 20.299 ca tử vong. Hiện tại, TP chỉ còn 2.610 ca nhập viện tầng 2, tầng 3; 184 ca cách ly tập trung và 8.049 ca cách ly tại nhà. TP cũng đã tiêm gần đạt 20 triệu liều vắc xin Covid-19. (Thanh niên, trang 4)

 

Thẩm mỹ cấp tốc

Khi bước vào phòng, chúng tôi thấy 1 người nữ vội vàng kéo màn che lại kệ bếp đang nấu ăn. Còn 2 phòng ngủ của căn hộ, nhân viên này cũng giới thiệu cho khách: 1 phòng làm hút mỡ, một bên để tiểu phẫu.

Cuối năm, thị trường làm đẹp nhộn nhịp sau nhiều tháng đóng cửa vì Covid-19. Lần theo các quảng cáo muôn hình vạn trạng trên mạng xã hội, PV Thanh Niên đã đến các thẩm mỹ viện, thậm chí là căn hộ chung cư ở TP.HCM để nghe tư vấn, thực hiện làm đẹp.

Không có tiền thì… cho vay

Chúng tôi đặt lịch hẹn đến tư vấn nâng mũi tại thẩm mỹ viện S.G.B ở Q.Gò Vấp qua tài khoản N.H, được cho là bác sĩ tại Bệnh viện T. (Q.7).

Khi chúng tôi đến, một nhân viên nữ cho biết bác sĩ H. đang bận ca mổ. Tranh thủ, nữ nhân viên này tư vấn chúng tôi nâng mũi cấu trúc sụn nhân tạo vì đang có giá khuyến mãi 30 triệu đồng, kết hợp bọc đầu mũi bằng sụn tai và cân cơ thái dương. “Trong tháng mới có ưu đãi như vậy, giá bình thường làm mũi cấu trúc 50 triệu và mức giá khuyến mãi cũng còn tầm 7 – 10 ngày nữa, đây thời điểm vàng để làm đẹp ăn tết. Giờ làm tầm 10 ngày là cắt chỉ xong rồi”, người này mời chào và dẫn giải: “Bọc đầu mũi bằng cân cơ sẽ tốt hơn, còn bọc bằng sụn tai một thời gian sẽ bị tụt. Sụn nâng mũi của Mỹ, bảo hành vĩnh viễn”.

15 phút sau, một người xưng là bác sĩ H. làm ở Bệnh viện T. (Q.7) xuất hiện và nói ông vừa xong ca mổ. Sau một hồi xem mũi, vị này tư vấn chúng tôi làm nâng mũi cấu trúc với giá 30 triệu đồng, rồi “vẽ” chúng tôi làm thêm cằm và sẽ hỗ trợ giảm giá làm cằm từ 15 triệu đồng xuống còn 12 triệu.

Cũng tại thẩm mỹ viện S.G.B, chúng tôi được giới thiệu phương pháp “gây tê độc quyền”, và “khách hàng làm ở đây không có đau, vừa làm vừa cười”. Thấy chúng tôi lưỡng lự, nữ nhân viên tư vấn liền nói: “Chắc đang lăn tăn về giá đúng không? Thì bây giờ bác sĩ hỗ trợ bạn, khả năng bạn đến đâu, bác sĩ sẽ hỗ trợ làm cho bạn phương pháp tốt nhất. Nếu bạn làm cấu trúc thì có thể sử dụng vĩnh viễn, nên khả năng chi phí của bạn như thế nào để bác sĩ cân đối”. Người này nói rồi hối thúc chúng tôi đặt cọc vì qua tết là không còn giá ưu đãi.

Nữ nhân viên tư vấn đưa ra 2 lựa chọn, bên cơ sở hỗ trợ nếu thiếu ít tiền sẽ cho trả góp không lãi và trả trực tiếp tại cơ sở mỗi tháng vài triệu. Còn nếu thiếu tiền nhiều, ví dụ làm hết 40 triệu đồng mà thanh toán cho cơ sở 10 triệu, thì bắt buộc phải làm thủ tục vay ngân hàng. “Ngân hàng cho vay cái gói làm đẹp hay gói tiêu dùng thời hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng. Làm mũi xong hằng tháng người ta trừ tiền em, như vậy thì mất phí. Bên cơ sở mình cũng có mấy ngân hàng mời để hợp tác. Khi bạn bắt đầu làm, mình sẽ gọi ngân hàng đến làm thủ tục, hồ sơ để bạn vay rồi trả góp, tính lãi suất”, người tư vấn chỉ cách.

Phòng mổ trong chung cư

Liên lạc qua tài khoản Facebook Nhi Mai và ngỏ ý muốn sửa mũi, chúng tôi được gửi địa chỉ dẫn đến chung cư Richmond City (P.26, Q.Bình Thạnh). Sau khi đến nơi, chúng tôi được nhân viên tên “Nhi Mai” xuống đón lên tầng 19. Phía ngoài căn hộ không treo bảng hiệu, nhưng khi vào bên trong thì nó như một không gian phòng mổ bệnh viện, ở đó có đầy đủ “đồ chơi”: 2 giường spa, kệ để filler, thuốc tê, đèn phẫu thuật… Khi bước vào phòng, chúng tôi thấy 1 người nữ vội vàng kéo màn che lại kệ bếp đang nấu ăn. Còn 2 phòng ngủ của căn hộ, nhân viên này cũng giới thiệu cho khách: 1 phòng làm hút mỡ, một bên để tiểu phẫu.

Khoảng 10 phút sau, một người nữ xưng là bác sĩ Tr. từ trong phòng đi ra, trên người vẫn còn mặc đồ phẫu thuật, tay còn nồng nặc mùi thuốc sát trùng đưa lên mũi chúng tôi để tiến hành khám và tư vấn. “Chị đang làm cho khách bên trong nhưng ra tư vấn cho em”, người này nói. Người này báo giá làm mũi bọc sụn Surederm (được sử dụng để lót vào vùng da mỏng có vai trò như một lớp đệm) với giá 25 triệu đồng, còn làm sụn tai giá 15 triệu đồng, và khuyên không nên bọc sụn tai vì dễ bị teo.

“Em đi tư vấn chỗ khác bọc Surederm rẻ nhất tầm 55 – 75 triệu đồng, nên bên chị rất là rẻ luôn vì mặt bằng nhà và chị làm ngoài giờ. Nếu em sợ đau thì chị sẽ cho em làm tiền mê. Trong lúc làm mình vẫn biết nhưng kiểu lâng lâng như say rượu và không có cảm giác đau”, người này nói rồi vội vã kêu nhân viên đến tư vấn tiếp vì phải “vào trong phòng phẫu thuật tiếp cho khách”.

Tại đây, nhân viên tư vấn còn cho biết thêm: “Bác sĩ Tr. sẽ mổ chính, còn bác sĩ tiền mê thì sẽ có ê kíp riêng. Nếu khách muốn làm tiền mê thì phải đặt cọc thêm 3 triệu để liên hệ bác sĩ tiền mê đang làm cho mấy bệnh viện lớn”. Khi chúng tôi muốn biết bác sĩ tiền mê làm ở bệnh viện nào, thì người tư vấn trả lời: “Có nói thì em cũng đâu biết đâu, tại nhiều lắm, nguyên đội ngũ người ta 10 – 20 người. Mình đặt lịch người nào thì người đó sẽ qua, chứ mình đâu biết được là ai với ai đâu. Lúc mổ xong, đóng vết khâu cho em ra giường nằm nghỉ khoảng 30 phút – 1 tiếng, em khỏe em đi về thì bác sĩ mới về”, người này nói.

Để tạo sự tin tưởng, một nhân viên tư vấn kể thêm: “Bên chị mổ xưa giờ rồi, cũng gần 11 năm và học viên ở trên Sài Gòn này đa số đều học bên chị hết. Lượng khách chị đông đến nỗi, em đến chung cư chỉ cần nói em lên tiêm filler là người ta sẽ biết em lên tới lầu nào, phòng nào luôn. Khách đến tiêm vào buổi tối nhiều lắm, tới 4 – 5 giờ sáng là bình thường”. Người này còn mở điện thoại, giới thiệu những người nổi tiếng đến làm đẹp…

Nâng mũi tặng cắt mí, khuyến mãi thêm toa thuốc

“Em đặt cọc trước để làm thì chị tặng thêm cắt mí cho em và được tặng thêm 1 toa thuốc cho uống luôn. Toa thuốc thì bao gồm kháng sinh, kháng viêm, đau bao tử, vitamin… đầy đủ cho mình hết luôn. Làm xong thì chịu khó qua đây 2 ngày để bên chị vệ sinh. Sau đó, 7 ngày qua đây cắt chỉ, tháo nẹp”, nhân viên tư vấn ở phòng mổ trong chung cư trên nói.

Về toa thuốc, người này cho biết đây là toa thuốc được bác sĩ kê đầy đủ hết: “Em lấy toa bên chị luôn, có giá 570.000 đồng, còn chị đưa toa em ra ngoài mua thì rơi tầm 700.000 – 800.000 đồng. Nhiều khi em đi ra ngoài mua còn không có thuốc nữa”. Khi được hỏi toa thuốc này được bệnh viện nào kê, thì người này chỉ trả lời: “Em cứ yên tâm, em đem cái toa đó vô thẩm mỹ viện nào cũng cho em uống y vậy. Bên chị còn nhiều thuốc hơn, thêm vitamin chứ mấy chỗ khác không có đâu”.

Ngoài ra, người này còn dặn dò nếu chúng tôi nâng mũi nhân trắc học “thì đưa tên, tuổi, ngày tháng năm sinh để coi ngày rồi cơ sở sẽ làm cho em”. “Làm theo ngày tốt cho mình, bình thường mấy chỗ khác người ta gửi cho thầy coi còn tốn tiền nữa, còn chị thì chị biết phong thủy nên chị coi giúp em luôn”, người này nói.

Theo lời nhân viên tư vấn, nâng mũi tại “phòng mổ trong chung cư” cũng không cần làm xét nghiệm. “Quá trình làm, nếu cảm thấy chưa đẹp thì sẽ rút ra gọt lại, gọt đến khi nào được hết rồi thì chị đem sụn đi hấp qua tia cực tím để khử khuẩn. Trong thời gian khử khuẩn, sẽ bơm kháng sinh vô mũi cho sạch sẽ. Hấp sụn xong mới đặt sụn, bọc Surederm rồi đóng lại”, người này nói về quy trình làm mũi và cho biết thêm, làm mũi từ 45 – 60 phút, nếu mũi hỏng phải sửa thì tốn thời gian hơn. Nhưng nếu làm ra, khách cảm thấy không ưng ý thì miễn phí.

Cũng tại tầng 19, chung cư Richmond City, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh nhân viên tư vấn tự lấy thuốc tê ra để ủ tê, tiêm dặm filler vào vùng cằm, trán. “Đa số bên chị ai học tiêm xong tự tiêm thôi, còn vùng trán không được thì phải nhờ người tiêm. Tiêm quen rồi, không thấy đau”, nhân viên tư vấn nói. (Thanh niên, trang 5)

 

Nhiều hệ lụy khi F0 tự điều trị thuốc kháng virus, thuốc chống đông

Tự dùng thuốc kháng virus, thuốc chống đông, thuốc corticoid, hoặc mượn đơn từ TP Hồ Chí Minh, đơn trên mạng mua thuốc uống… đã dẫn tới nhiều nguy hại cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Nhiều trường hợp tụt huyết áp, không bắt được mạch, hoặc chảy máu, sốc mất máu do tự ý dùng thuốc chống đông máu trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.

Nguy kịch vì F0 tự uống thuốc

Trong những ngày qua, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận trên dưới 2.900 ca mắc COVID-19, tỷ lệ bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng chiếm hơn 95%. TP có hơn 60.000 F0 đang điều trị, trong đó có hơn 50.000 người điều trị tại nhà và các cơ sở thu dung quận, huyện, trạm y tế lưu động. Với số lượng F0 điều trị tại nhà rất lớn, nhiều nơi quá tải dẫn tới nhiều trường hợp F0 tự điều trị, không khai báo; hoặc có khai báo nhưng khi phát hiện dương tính đã tự uống thuốc kháng virus, thuốc chống đông, thuốc ức chế miễn dịch.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, vừa qua ở Thủ đô có hiện tượng người dân tự mua thuốc kháng virus về uống khi phát hiện mình dương tính, thậm chí còn mua thuốc theo đơn của người bệnh từ TP Hồ Chí Minh chuyển ra. TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Sử dụng thuốc rất quan trọng. Gói thuốc số 2 của TP Hồ Chí Minh có thuốc corticosteroid – thuốc ức chế miễn dịch. Có F0 mua theo và tự uống làm cho bệnh nặng lên. Nếu uống thuốc này sớm làm cho vi khuẩn mạnh hơn dẫn tới bệnh nặng hơn. Vì vậy, người dân sử dụng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua. Thuốc phải dùng đúng chỉ định, không nên khuyến cáo dùng quá nhiều, khi cần mới dùng”.

Qua tư vấn cho nhiều F0 điều trị tại nhà, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Bộ Quốc phòng cho biết có nhiều người đã tự ý dùng song song thuốc kháng virus và kháng sinh hoặc dùng đồng thời 2 loại thuốc kháng đông. Nguyên nhân do nhiều người chưa phân biệt được thuốc nào là kháng virus, kháng sinh, kháng đông, kháng viêm nên đã dùng cùng lúc, điều này rất nguy hiểm.

Theo chỉ dẫn của BS Hoàng, thuốc kháng virus (dù nhiều tên nhưng chỉ có 2 loại thành phần là favipiravir và molnupiravir), chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên (thường là sốt). Mỗi đợt nên dùng 5 – 10 ngày hoặc theo đúng hướng dẫn của chương trình thử nghiệm. Khi đang dùng thuốc kháng virus đường uống, không được dùng kết hợp với thuốc kháng viêm corticoid.

Theo khuyến cáo của BS Hoàng, thuốc kháng viêm (Dexamethasone 0,5mg hoặc Methylprenisolon 16mg) là nhóm thuốc dễ bị lạm dụng nhất và lại có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng thì tuyệt đối không dùng thuốc kháng viêm. Bởi thuốc kháng viêm là corticoid – nhóm thuốc làm giảm miễn dịch, giảm sự đề kháng của cơ thể.

BS Hoàng cũng cho biết thêm, trong giai đoạn đầu khi virus mới xâm nhập và đang nhân lên (trong vòng 5 – 7 ngày sau khi khởi phát triệu chứng), việc dùng thuốc kháng viêm sẽ khiến cho virus càng dễ dàng nhân lên khiến tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 nặng lên. Ngoài ra, corticoid làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể nên các loại vi khuẩn, nấm… có cơ hội bùng phát khiến hệ miễn dịch tê liệt, kéo theo nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Hơn nữa, corticoid còn có thể làm đường huyết tăng đột ngột trên bệnh nhân tiểu đường hay tăng huyết áp đột ngột trên bệnh nhân tăng huyết áp; gây viêm loét, thậm chí xuất huyết dạ dày, tá tràng… và một loạt các bệnh khác. Corticoid chỉ có tác dụng khi COVID-19 ở mức độ vừa hoặc nặng. Chính vì vậy, người bệnh không tự ý sử dụng nhóm thuốc này.

Không thấy mạch, sốc mất máu vì tự dùng thuốc

Theo BS Phạm Quốc Thái, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều loại thuốc điều trị COVID-19 hiện đều có tác dụng phụ nếu không kiểm soát tốt. Trong đó, có hai loại thuốc chống đông (Rivaroxaban hoặc Apixaban) và chống viêm (Dexamethasone hoặc Methylprenisolon). Việc sử dụng 2 loại thuốc này đúng thời điểm theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế sẽ mang lại hiệu quả trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc chống đông là gây chảy máu. Nhiều người bác sĩ không bắt được mạch, tụt huyết áp do sốc mất máu vì tự ý dùng thuốc chống đông máu trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.

BS khuyến cáo, thời điểm dùng thuốc chống viêm là khi F0 xuất hiện hiện tượng suy hô hấp, thở nhanh hơn, SpO2 giảm dưới 96%. Thời điểm dùng thuốc chống viêm sẽ đồng thời với thuốc chống đông. Và khi đã dùng cả hai loại thuốc này, người bệnh cần nhanh chóng liên hệ cơ sở y tế; trong quá trình chờ đợi bệnh nhân cần ngồi tư thế thoải mái nhất, nới lỏng quần áo, uống đủ nước, nếu sốt dùng thêm hạ sốt. Đáng báo động hơn cả là việc F0 tự ý mua và dùng thuốc kháng virus Molnupiravir.

BS Phạm Quốc Thái cho biết, mặc dù nhiều F0 không có triệu chứng, không có chỉ định nhưng vẫn bất chấp sử dụng. Thứ nhất là tác dụng phụ của thuốc đã được nhà sản xuất khuyến cáo là nguy cơ gây đột biến dòng tế bào sinh sản, do vậy thuốc Molnupiravir không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc nguời có ý định mang thai, sinh con. Chưa kể Molnupiravir có chuyển hóa không tốt trên gan nên nếu lạm dụng có thể dẫn đến viêm gan, nhiễm độc, ngộ độc gan, suy gan…

Các BS còn cho biết, nhiều người không phân biệt được 2 dòng thuốc kháng virus Molnupiravir và Favipiravir nên cá biệt có người dùng cả 2 loại, hoặc cùng Favipiravir nhưng 2 loại biệt dược khác nhau và uống cả 2 rất nguy hiểm.

Hiện nay, có nhiều gia đình mua dự trữ thuốc kháng virus và khi mắc COVID-19 tự sử dụng theo đơn trên mạng. Theo khuyến cáo của TS.BS Nguyễn Đình Hưng, người dân không cần phải mua tích trữ thuốc kháng virus. Hiện tại thuốc kháng virus điều trị có kiểm soát và Hà Nội có đủ thuốc phát cho người dân. Thuốc là con dao 2 lưỡi, dùng phải đúng chỉ định, đúng thời điểm, sử dụng phải phù hợp, an toàn, hợp lý mới mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu dùng sai, không có chỉ định rất nguy hiểm, thậm chí còn suy giảm miễn dịch. Người dân khi phát hiện dương tính hãy bình tĩnh, phải ăn đủ chất, uống đủ nước (hơn 2 lít nước/ngày) để nâng cao thể trạng.

Theo khuyến cáo của BS, nếu không thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, chỉ số CT thấp lại điều trị cách ly tại nhà có thành phần người nhà là người cao tuổi, trẻ nhỏ…, người suy giảm miễn dịch), F0 không cần dùng thuốc kháng virus và chỉ cần điều trị triệu chứng: Sốt thì hạ sốt (Paracetamol hoặc Ilubrofen), lau người nước ấm, xông lá…; ho dùng giảm ho, bổ phế, long đờm, chống dị ứng, giảm kích thích đường thở; ngạt mũi thì nhỏ nước muối sinh lý, thuốc làm co mạch (ví dụ Otrivin 0,05 hoặc 0,1%), ColdiB…; rối loạn tiêu hóa sử dụng men tiêu hóa, Smecta, berberin…; mất ngủ sử dụng thuốc Melatonin, an thần thảo dược (Mimosa); căng thẳng, lo lắng dùng an thần thảo dược, Magne B6, vận động nhẹ. (Công an Nhân dân, trang 4).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 21/9/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 15/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/6/2022

CDC Hà Nam