Điểm báo ngày 24/5/2019

(CDC Hà Nam)
Phát biểu tại WHO: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh Việt Nam ưu tiên phát triển y tế cơ sở; Tổ chức đào tạo hơn 2.500 cán bộ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm…

 

Tổ chức kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 2135/UBND-KGVX về việc tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5.

UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá đến các tổ chức, đơn vị trực thuộc, đồng thời củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá của đơn vị.

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn liên ngành lồng ghép kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vào công tác kiểm tra liên ngành trên địa bàn quản lý. Mặt khác, thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (diễn ra từ ngày 25 đến 31-5). (Hà Nội mới, trang 5)

 

Tổ chức đào tạo hơn 2.500 cán bộ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm

Từ ngày 10-7-2019 đến 10-7-2020, Hà Nội sẽ triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

Tính đến thời điểm này, toàn thành phố đã đào tạo được hơn 2.500 cán bộ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Qua mỗi khóa đào tạo, các học viên được nghiên cứu các chuyên đề về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Đặc biệt, các học viên được hướng dẫn chi tiết quy trình một cuộc thanh tra an toàn thực phẩm; thanh tra việc thực hiện quy định về tự công bố sản phẩm và đăng ký bản công bố sản phẩm; thanh tra về ghi nhãn sản phẩm thực phẩm, quảng cáo thực phẩm…

Các khóa học này giúp các học viên có thể bổ sung, nâng cao kiến thức về công tác thanh tra chuyên ngành… (Hà Nội mới, trang 5)

 

Xác định nguyên nhân 134 người nhập viện sau khi ăn tiệc cưới

Chiều 23-5, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, qua điều tra, xét nghiệm mẫu thức ăn và mẫu bệnh phẩm, đã xác định nguyên nhân khiến 134 người ngộ độc thực phẩm tại huyện Di Linh là do độc tố vi sinh.

Trước đó, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng tiến hành điều tra, lấy năm loại mẫu thức ăn tại nơi tổ chức tiệc cưới (gồm đùi gà chiên, xôi ba màu, thịt heo xào lăn, lẩu (tôm, cá viên, tôm hấp); hai mẫu bệnh phẩm và một mẫu phẩm màu để tiến hành xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh và định danh phẩm màu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc là do độc tố vi sinh (nghi do tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus). Ngoài ra, cả 5 mẫu thực phẩm đều có 2 vi khuẩn E.coli và Staphylococcus aureus. Kết quả định danh phẩm màu là màu Sunset Yellow (được phép sử dụng trong thực phẩm). Cơ sở nấu ăn phục vụ tiệc cưới này cũng đã bị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng lập biên bản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 8 triệu đồng vì hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định và thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn. Bên cạnh đó, Chi cục đã yêu cầu cơ sở này tạm ngưng hoạt động. (Công an Nhân dân, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Đã xác định nguyên nhân khiến 134 người bị ngộ độc sau tiệc cưới ở Lâm Đồng”

 

Phát hiện mảnh kim loại đã gỉ sét trong thực quản bé trai 2 tuổi

Đưa bé Nguyễn T.N. (2 tuổi) đến bệnh viện khám vì bé ho nhiều, uống thuốc không đỡ, sau khi chụp Xquang, gia đình “tá hỏa” khi nghe bác sĩ thông báo phát hiện có dị vật trong thực quản của cháu…

Vài tháng trở lại đây, thấy con hay bị ho, khò khè, sặc sau ăn, gia đình cháu Nguyễn T.N (2 tuổi, ở Thanh Hóa) thỉnh thoảng lại mua thuốc ho, kháng sinh về cho con uống nhưng không đỡ. Mãi tới khi thấy con ho nhiều, khò khè ngày càng nặng lên, gia đình mới đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám.

Tại đây, kết quả chụp X-quang ngực của cháu bé bất ngờ phát hiện dị vật cản quang dạng vòng ở vị trí tương ứng với nền cổ. Chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh dị vật kim loại nằm trong trung thất trên, có ổ dịch khí xung quanh. Tuy nhiên, khi khai thác tiền sử gia đình không hề hay biết cháu đã nuốt phải dị vật gì và khi nào.

Bác sĩ Nguyễn Minh Khôi, khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thông thường, dị vật có thể lấy được bằng phương pháp nội soi qua đường tự nhiên. Tuy nhiên ở trường hợp này, khi nội soi hô hấp và tiêu hóa tìm dị vật lại không phát hiện dị vật trong lòng khí quản hay thực quản mà chỉ có dấu hiệu nghi ngờ với vết loét trợt tại thành trước thực quản.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ nhận thấy đây là ca bệnh đặc biệt, do mảnh kim loại có hiện tượng xâm thực vào thành thực quản và thoát ra gây áp-xe trung thất, không lấy được qua soi tiêu hóa và hô hấp thông thường mà buộc phải phẫu thuật mở tại chỗ.

Trong quá trình mổ, do vị trí dị vật nằm sát sau tuyến giáp, dây thần kinh thanh quản quặt ngược và các mạch máu lớn vùng cổ nên nguy cơ tai biến trong mổ rất cao. Hơn nữa, các bác sĩ còn phát hiện khối áp-xe trung thất trên nằm giữa khí quản và thực quản, kèm theo tổn thương thành thực quản.

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu tích vào ổ áp-xe, lấy được dị vật kim loại dạng vòng, đường kính 18mm, dày 0.5mm, có cạnh sắc. Sau ca phẫu thuật kéo dài 3 tiếng, trẻ được thở máy, dùng kháng sinh liều cao, chống phù nề. Sau 18 ngày điều trị, hiện trẻ đã ổn định, ăn uống tốt. (An ninh Thủ đô, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: ““Giải cứu” dị vật kim loại ra khỏi thực quản bệnh nhi 2 tuổi”

 

Mong vụ án Hoàng Công Lương được xử tâm phục khẩu phục

Liên quan đến vụ án chạy thận làm 9 người chết ở Hòa Bình, ngày 13-5 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Hoàng Công Lương (nguyên bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình) và những người liên quan.

Trong phần thủ tục, Hoàng Công Lương trình bày do luật sư Hướng vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa nên bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa. Phiên phúc thẩm sẽ mở lại vào ngày 12-6.

Tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đã tiếp tục có ý kiến về vụ án này.

Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, ngành tư pháp cần quan tâm và đánh giá một cách toàn diện về vụ của nguyên bác sĩ Hoàng Công Lương.

“Chúng tôi hiểu, vụ việc khiến 9 người thiệt mạng đòi hỏi phải có người chịu trách nhiệm. Nhưng xử lý làm sao để giải quyết được nguồn cơn của sự việc, để sau này chuyện không lặp lại trong tương lai, không có những người bị chết oan như vậy, chứ không phải xử lý là để tìm bằng được một ông “giơ đầu chịu báng”, bất cứ giá nào cũng phải khép anh ta vào tội nào đấy”, bà Phong Lan nêu ý kiến.

Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, với cái nhìn về chuyên môn và đại diện cho các hội nghề nghiệp, với tư cách là Chủ tịch Hội dược học, thành viên của Tổng hội y dược học Việt Nam, bà cho rằng, vụ án này lỗi lớn nhất nằm ở quy trình, chứ không nằm ở một con người cụ thể. Nếu cứ tranh luận việc có biên bản, ký nhận hay không thì rất khó để giải quyết được căn nguyên vụ án.

“Hiện nay, ở cả 63 tỉnh, thành, với các bệnh viện đang chạy thận thì đã thực hiện đầy đủ quy trình Bộ Y tế đưa ra chưa. Các Sở Y tế đã có những chỉ đạo xuống các bệnh viện để thực hiện đúng quy trình chạy thận hay chưa, đó mới là điều để ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra trong tương lai”, bà Phong Lan nêu quan điểm.

Theo bà, từ lúc sự việc xảy ra ở Hòa Bình, lúc đó còn công tác ở Sở Y tế TPHCM, bà rất lo cho việc chạy thận ở các bệnh viện của thành phố, bởi “nếu anh em không thực hiện kỹ quy trình thì cũng rất có thể vướng”.

“Quá trình xử án, sẽ không thỏa đáng nếu đổ hết tội lên đầu Hoàng Công Lương. Nhiều anh em trong ngành, những người làm việc chuyên môn đều thấy nếu khép tội Hoàng Công Lương – người trực tiếp ra y lệnh chạy thận là không thỏa đáng. Tội danh của Hoàng Công Lương đã nhiều lần được thay đổi, gần nhất là tội “Vô ý làm chết người”, mức án còn cao hơn lúc đầu, cho thấy ngành tư pháp cũng đang lúng túng trong việc định tội danh”, bà Phong Lan nêu.

Theo bà, bản thân bác sĩ trẻ ấy khi để xảy ra vụ việc đau lòng khiến hàng loạt bệnh nhân thiệt mạng cũng đã là một bản án nặng nề, chưa chắc sau này còn dám hành nghề trở lại, vì bị tác động tâm lý lớn.

“Tôi mong muốn vụ án của Hoàng Công Lương phải được xét xử “tâm phục, khẩu phục” để sau này không lặp lại chuyện tương tự, mong vụ án sẽ không tạo ra tác động tâm lý xấu cho toàn ngành y, cho các bác sĩ đang trực tiếp làm công tác điều trị. Chúng tôi mong hệ thống tư pháp sẽ xét xử vụ án trên khía cạnh toàn diện như vậy. Bởi, nếu là lỗi thuộc quy trình, thì lỗi của người quản lý phải nặng hơn lỗi của người trực tiếp thi hành”, ĐB Phong Lan nhấn mạnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

 

Nhân viên vệ sinh bệnh viện trả lại tiền nhặt được

Chiều 23-5, ông Võ Anh Hoang, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải (phường 7, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết đã trao trả số tiền hơn 38 triệu đồng cho người đánh rơi mà nhân viên vệ sinh của bệnh viện nhặt được.

Trước đó, trưa ngày 22-5, bà Trần Kim Đoan (nhân viên vệ sinh của Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải) làm vệ sinh phòng bệnh nội trú khoa ngoại, phát hiện túi xách của người nhà bệnh nhân bỏ quên nên bà đã trình báo lãnh đạo bệnh viện.

Kiểm tra túi xách, đại diện bệnh viện phát hiện bên trong có hơn 38 triệu đồng. Sau đó, đại diện bệnh viện liên hệ với chị Nguyễn Thị Thùy Dương (người bỏ quên túi xách) để trao trả lại.

Khi nhận lại tiền, chị Dương cho biết rất vui và cảm động trước hành động đẹp của bà Đoan. Theo chị Dương, do gấp nên khi con trai được xuất viện, chị đã để quên tài sản lại bệnh viện.

Được biết, gia đình bà Đoan có hoàn cảnh khó khăn. Bà là trụ cột của gia đình. Bà Đoan làm việc tại bệnh viện hơn 2 năm qua, với mức lương trên 3 triệu đồng mỗi tháng.

Trước hành động đẹp của bà Đoan, ông Võ Anh Hoang cho biết đã thưởng 1 triệu đồng và biểu dương trước toàn thể nhân viên bệnh viện. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)

 

Ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV: Nỗ lực ngăn chặn tác hại của rượu, bia

Buổi sáng, Quốc hội (QH) nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. Buổi chiều, QH nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Luật Thư viện; thảo luận tại tổ về hai dự án luật nêu trên.

Nỗ lực ngăn chặn tác hại của rượu, bia

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành, tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm lượng tiêu thụ rượu, bia.

Một vấn đề được quan tâm là dự thảo luật không còn quy định cấm bán rượu trên 15 độ cồn trên mạng in-tơ-nét. Theo ý kiến của một số đại biểu, quy định cấm bán rượu trên 15 độ cồn trên in-tơ-nét là hành động bảo vệ trẻ em, thiếu niên trên không gian mạng, vì vậy Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cấm bán cả rượu, bia trên in-tơ-nét. Tuy nhiên, về nội dung này, có đại biểu cho rằng: Quy định về điều kiện bán rượu, bia trên 15 độ cồn trên in-tơ-nét đã đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử; có biện pháp kiểm soát tuổi của người mua và áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là phù hợp thông lệ quốc tế và thực tế kinh doanh hiện nay.

Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) và một số đại biểu khác nêu vấn đề: Dự án luật đưa ra quy định về biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia… là chưa thật sự phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO. Trong đó, Việt Nam cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO khi ban hành, áp dụng các luật, quy định và các biện pháp khác liên quan đến thuế nội địa (trừ các quy định liên quan rượu và bia), nhất là nguyên tắc không phân biệt đối xử, kể từ thời điểm gia nhập WTO. Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu và bia, Việt Nam cam kết trong vòng ba năm kể từ thời điểm gia nhập WTO sẽ áp dụng thống nhất một mức thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu từ 20 độ cồn trở lên và một mức thuế phần trăm thuế tiêu thụ đặc biệt với bia các loại.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu QH quan tâm, đồng thời cho biết: Trong quá trình soạn thảo luật, bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe nhân dân, Ban soạn thảo còn phải chú ý những nội dung, quy định nhằm bảo đảm sự phát triển của ngành công nghiệp rượu, bia và sản xuất rượu thủ công, cũng như thu nhập của người lao động để có lộ trình thích ứng, có giải pháp xử lý, bảo đảm tính đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật…

Tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

Buổi chiều, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Tiếp đó, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thư viện. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) và nhiều đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật như phân tích trong Tờ trình của KTNN nêu. Tuy nhiên, cần nghiên cứu xác định rõ hơn nữa địa vị pháp lý của KTNN trong cơ chế phân công quyền lực nhà nước, bởi đây là cơ quan hoạt động độc lập phù hợp Hiến pháp và chỉ tuân thủ pháp luật.

Chung quanh vấn đề quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan hoạt động kiểm toán, một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật bổ sung quy định các đối tượng này có quyền khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán. Thế nhưng, vì đây là quy định mới, cho nên để bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại, dự thảo luật cần có điều khoản cụ thể bổ sung, thay thế các điều khoản liên quan trong Luật Khiếu nại, nhất là giúp các đối tượng nêu trên thực hiện được quyền khiếu kiện ra Tòa án, vì hiện nay báo cáo kiểm toán của KTNN không phải là quyết định hành chính. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) và nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật bổ sung một số nhiệm vụ để KTNN thực hiện phòng, chống tham nhũng. Đây là nội dung cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của KTNN trong việc phòng, chống tham nhũng (PCTN). Tuy nhiên, Luật PCTN và Luật KTNN hiện hành đã quy định nhiều điều khoản để KTNN thực hiện nhiệm vụ PCTN, cho nên cần rà soát các nội dung đã bổ sung để tránh phải dẫn chiếu lại các quy định trong Luật PCTN, dẫn đến trùng lặp.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng là hoàn thiện các văn bản pháp luật để khắc phục chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và sắp xếp, kiện toàn bộ máy của KTNN. Phần lớn ý kiến cho rằng, cơ quan thanh tra và KTNN có vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau được quy định tại hai luật khác nhau, nhưng nếu không phân định rõ thì khi thực hiện nhiệm vụ sẽ trùng lặp, chồng chéo về đối tượng, đơn vị được thanh tra, kiểm toán. Vì vậy, khi sửa luật cần hướng vào hoàn thiện các quy định về công tác phối hợp, lập kế hoạch, nguyên tắc xử lý khi xảy ra chồng chéo nhiệm vụ hay kế thừa, công nhận kết quả lẫn nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.

Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Thư viện. Đại biểu Trần Văn Túy (Bắc Ninh) và nhiều đại biểu nhấn mạnh việc cụ thể hóa hơn nữa các chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện, nhất là đầu tư tập trung cho một số thư viện trung tâm có vai trò quan trọng, ưu tiên đầu tư phát triển tài nguyên số, hoạt động liên thông giữa các thư viện; phát triển hệ thống thư viện công cộng phù hợp với đặc thù các địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa; khuyến khích xã hội hóa để huy động các nguồn lực tham gia xây dựng, phát triển thư viện.

Cho ý kiến về quyền và nghĩa vụ của thư viện, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) và một số đại biểu đề nghị không quy định “cứng” về nghĩa vụ của thư viện phải thực hiện các hoạt động theo quy định, vì mỗi loại hình thư viện khác nhau sẽ lựa chọn những hoạt động phù hợp quy mô, tính chất, đặc thù của mình. Bên cạnh đó, nghiên cứu, bổ sung các quy định đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thư viện, lấy người sử dụng thư viện là trung tâm, cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân thông qua các hình thức phục vụ của thư viện. (Nhân dân, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận dự án Luật Phòng, Chống tác hại rượu bia ”; Báo Tiền phong, trang 1: “Quốc hội thảo luận Luật Phòng, Chống tác hại rượu bia : Tranh luận gay gắt”

 

Phát biểu tại WHO: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh Việt Nam ưu tiên phát triển y tế cơ sở

hát biểu tại Kỳ họp lần thứ 72 Đại hội đồng Y tế thế giới, Bộ trưởng Y tế Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh Việt Nam đã ưu tiên trong việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân.

Việt Nam đã ưu tiên trong việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu, trong đó nêu rõ “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là một nguyên tắc cốt lõi của bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, trong đó  mọi người dân – bất kể họ là ai, sống ở đâu, hoặc có điều kiện kinh tế hay không – đều có thể tiếp cập được các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần.

Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để đảm bảo  mọi người dân đều có thể được hưởng lợi từ các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả. Ngân sách nhà nước chi trả cho các dịch vụ dự phòng và bao phủ 100% các đối tượng thuộc các chương trình y tế, trong khi chương trình bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh và đến nay đã bao phủ được 88% dân số.

Để đảm bảo những đối tượng  dễ bị tổn thương  có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không gặp khó khăn về tài chính, chính phủ trợ cấp 100% phí bảo hiểm y tế cho tất cả người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và người già từ 85 tuổi trở lên; trợ cấp 70% phí bảo hiểm y tế cho người cận nghèo.

Các mục tiêu Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) và Phát triển bền vững (SDG3) chỉ có thể đạt được thông qua việc thực hiện  chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ).

Việt Nam đã ưu tiên trong việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ CSSKBĐ tốt hơn cho người dân,  xây dựng kế hoạch hành động tổng thể với cam kết cao về mặt chính trị để nâng cao năng lực cho hơn 11.000 trạm y tế xã. Hầu hết các trạm y tế xã đều có bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, cán bộ y học cổ truyền, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; bao gồm tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, phát hiện và điều trị bệnh sớm tập trung vào các bệnh không lây nhiễm. Đổi mới  cơ chế tài  chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới phương thức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là những nội dung của đổi mới CSSKBĐ hướng tới bao phủ CSSK toàn dân.

Việt Nam cũng đã tích cực huy động các nguồn lực tài chính từ vốn vay ưu đãi và viện trợ của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, WHO, Quỹ Toàn cầu, EU và các đối tác phát triển để tăng cường y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu và đổi mới cơ chế tài chính y tế.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng trên cơ sở chuyển hướng từ các dịch vụ chăm sóc dựa vào bệnh viện và chữa bệnh sang chú trọng vào dịch vụ chăm sóc dựa vào cộng đồng và phòng bệnh như Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định có rất nhiều việc cần làm để đổi mới hệ thống y tế theo định hướng lấy CSSKBĐ làm nền tảng với chất lượng, hiệu quả, công bằng để đạt được mục tiêu bao phủ CSSK toàn dân. Việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên là rất quan trọng và Việt Nam tin rằng với sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam có thể đảm bảo mọi người dân có sức khỏe và phúc lợi tốt hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và GĐ BV Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung (ngoài cùng bên phải) có cuộc gặp với GĐ Chương trình Lao toàn cầu của WHO TS. Tereza Kasaeva, GĐ Liên minh PCL toàn cầu TS. Lucica Mardale, GĐ Đối ngoại của Quỹ toàn cầu Bà Francoise Vanni, GĐ khu vực châu Á của Quỹ toàn cầu Urban Weber.

Chương trình nghị sự của Kỳ họp lần thứ 72 Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA72) bao gồm các nội dung: Các vấn đề ưu tiên chiến lược như Chương trình ngân sách 2020-2021; Ứng phó với các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp; Chứng nhận hoàn thành giai đoạn chuyển đổi và sau chuyển đổi bệnh bại liệt; Thực hiện Chương trình phát triển bền vững 2030; Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; Sức khỏe, môi trường và biến đổi khí hậu; Tiếp cận với thuốc và vắc xin; Chuẩn bị cho cuộc họp cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về các vấn đề liên quan đến sức khỏe (kháng kháng sinh; Phòng chống các bệnh không lây nhiễm; Chấm dứt bệnh Lao).

Ngoài ra các đại biểu còn tập trung thảo luận các vấn đề chuyên môn, các vấn đề liên quan đến Chương trình ngân sách và tài chính…

Việt Nam đã đóng góp tích cực vào chương trình nghị sự của Kỳ họp WHA72

Với hơn 20 bài tham luận thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đoàn đại biểu Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và chủ động vào các chương trình nghị sự của kỳ họp. Các bài tham luận của Việt Nam đều được các thành viên của Hội đồng Chấp hành đánh giá cao, góp tiếng nói của các nước đang phát triển vào việc xây dựng các chính sách y tế trên toàn cầu.

Cũng trong đợt tham dự Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 72, đoàn Bộ Y tế đã tham dự một số cuộc họp bên lề với các đối tác quốc tế như: Cuộc họp bên lề về bệnh AIDS, sốt rét, lao; Thảo luận bàn tròn về Chính sách Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Đáng chú ý, Việt Nam đã đồng chủ trì  sự kiện bên lề do Hàn Quốc khởi xướng về “Tiếp cận thuốc, vắc xin và các sản phẩm y tế: một cách tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo sự minh bạch của thị trường, các sản phẩm có chất lượng, chi phí hợp lý để đạt được UHC”. Tại sự kiện này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ về việc tiếp cận thuốc, vắc xin và các sản phẩm y tế tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã tham dự sự kiện bên lề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cấp Bộ trưởng về Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Bộ trưởng đã có cuộc họp với TS. Francoise Vanni, Giám đốc Đối ngoại của Quỹ Toàn cầu để trao đổi về tiến triển thực hiện các dự án của Quỹ Toàn cầu của Việt Nam và kế hoạch viện trợ cho Việt Nam giai đoạn 2020-2022, đồng thời mời Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tham dự cuộc họp của Quỹ Toàn cầu lần thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2019 tại Lyon, Pháp. (Sức khỏe & Đời sống, trang 16).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 14/6/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/4/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận