Điểm báo ngày 25/11/2021

(CDC Hà Nam)
Lên kế hoạch tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19; Thanh Hoá: 2 người tử vong sau khi tiêm vaccine Vero –Cell; Tăng tốc tiêm chủng, truy vết, xét nghiệm; Tránh tình trạng để F0 về nhà tự lo; TP. HCM chặn từ xa, ngăn số ca chuyển nặng…

Lên kế hoạch tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19

Ngày 24.11, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng; rà soát, thống kê các trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi, chuẩn bị xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3 với các trường hợp đủ thời gian, ưu tiên người trên 50 tuổi… Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho biết trong gần 136 triệu liều vắc xin Covid-19 đã tiếp nhận, Bộ đã phân bổ hơn 135,15 triệu liều cho các địa phương; số còn lại mới được tiếp nhận, cần tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc xin, dự kiến phân bổ trong tuần tới. Trong số đã tiếp nhận, vắc xin AstraZeneca có 47,5 triệu liều, Pfizer và Moderna 33,326 triệu liều, Sinopharm 48,7 triệu liều, Abdala 5,15 triệu liều và Sputnik V 1,217 triệu liều. Đến nay, vắc xin từ nguồn ngân sách nhà nước là hơn 64,734 triệu liều, nguồn viện trợ từ COVAX (cơ chế toàn cầu cho việc mua và phân phối công bằng vắc xin Covid-19) hơn 28 triệu liều, nguồn viện trợ chính phủ các nước hơn 16,47 triệu liều và nguồn doanh nghiệp tài trợ hơn 26,59 triệu liều. Đến chiều 24.11, cả nước đã tiêm được hơn 113 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó gần 3 triệu liều tiêm cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi.

Bệnh viện dã chiến ở miền Tây quá tải

Mấy ngày qua, số ca nhiễm Covid -19 tại các tỉnh, thành miền Tây liên tục tăng cao, xấp xỉ 4.000 ca/ngày. Riêng ngày 23.11, toàn khu vực ghi nhận đến 4.230 ca mắc; trong đó TP.Cần Thơ và 2 tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp chiếm gần một nửa, với tổng cộng 2.016 ca.

Sở Y tế Cần Thơ đánh giá Cần Thơ đang ở đỉnh dịch, ca nhiễm mới tăng nhanh, xấp xỉ 1.000 ca/ngày. Hiện các bệnh viện dã chiến đều đã hết công suất. Đáng lo nhất là còn 129 bệnh nhân nặng đang nằm điều trị ở tầng 3. Trước tình trạng quá tải của các bệnh viện dã chiến, ngành y tế Cần Thơ đã cho triển khai điều trị F0 tại nhà, với hơn 5.000 F0.

Đồng Tháp trong nhiều ngày liên tiếp vừa qua, số ca mắc mới luôn duy trì ở mức hơn 500 ca/ngày. Tỉnh đã áp dụng cho F0 nhẹ, không triệu chứng, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được cách ly, điều trị tại nhà để giảm tải cho các bệnh viện dã chiến.

Trong khi đó, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết tình trạng số ca mắc tăng cao đột biến ở TP.Vĩnh Long và TX.Bình Minh; có công ty đến một nửa công nhân mắc Covid-19. Trước tình trạng số ca mắc mới tăng cao liên tục, tỉnh đã kích hoạt thêm 1 bệnh viện dã chiến số 7 tại ký túc xá Trường ĐH Xây dựng miền Tây, với quy mô 1.000 giường thực hiện thu dung, điều trị F0.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, tỷ lệ bao phủ vắc xin hiện nay của khu vực 13 tỉnh, thành miền Tây đã tăng cao so với thời điểm đầu tháng 10.2021, trong đó mũi 1 bình quân trên 80%, mũi 2 trên 50%.

Chấn chỉnh các biểu hiện lơ là

Sau 3 ngày liên tiếp có số ca nhiễm Covid-19 tăng hơn 110 ca/ngày, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu đã ký công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương chấn chỉnh những biểu hiện lơ là, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ làm công tác chống dịch; đồng thời, động viên khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, cá nhân làm tốt nhiệm vụ.

Với hơn 5.544 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế (99 bệnh nhân đã tử vong), lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tình hình dịch Covid-19 tại địa phương vẫn diễn ra hết sức phức tạp, khó lường. UBND tỉnh Bình Thuận nhận định nếu không có biện pháp quyết liệt khống chế hiệu quả, có thể Bình Thuận sẽ phải đối mặt với tình trạng mất kiểm soát dịch Covid -19.

Tại Quảng Nam, từ 0 giờ ngày 24.11, TP.Tam Kỳ cũng đã tạm dừng hoạt động quán bar, pub, karaoke, massage, spa, thẩm mỹ viện, internet, game, rạp chiếu phim, bida, phòng tập thể hình, thể dục thẩm mỹ, yoga và các trung tâm tin học, ngoại ngữ, lớp bồi dưỡng kiến thức, năng khiếu, hoạt động giảng dạy tại nhà… trong vòng 14 ngày, để phòng chống dịch.

TP.HCM đề xuất 6 chiến lược lớn

Ngày 24.11, báo cáo UBND TP.HCM, Sở Y tế đề xuất 6 chiến lược lớn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn để triển khai thực hiện: Tiếp tục bao phủ vắc xin; nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo, xử lý dịch; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; truyền thông nâng cao ý thức 5K; củng cố và nâng cao năng lực hệ thống y tế…

Trong một diễn biến khác, trước tình hình dịch bệnh gia tăng trở lại, UBND TP.HCM chỉ đạo UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cần chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với tình huống dịch phát sinh; Sở Y tế sẵn sàng các tình huống khám, chữa bệnh… (Thanh niên, trang 4). 

 

F0 điều trị tại nhà tăng, Bình Dương mở thêm trạm y tế lưu động

Hiện nay mỗi ngày tỉnh Bình Dương vẫn có trên 500 người mắc COVID-19. Sở Y tế Bình Dương cho biết, riêng trong ngày 23.11, thu dung được 1.384 bệnh nhân. Trong đó các cơ sở điều trị 324 bệnh nhân, còn điều trị tại nhà là 1.060 bệnh nhân. Đến nay tỉnh điều trị cho 10.858 bệnh nhân, trong đó gần 8.000 bệnh nhân điều trị tại nhà.

Ông Nguyễn Hồng Chương – Giám đốc Sở Y tế Bình Dương xác nhận, với lượng bệnh nhân điều trị tại nhà như hiện nay y tế cơ sở đã quá tải. Vì vậy xuất hiện tình trạng có những bệnh nhân không được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe điều trị tại nhà.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Y tế đề xuất với tỉnh mở thêm các Trạm Y tế lưu động ở các khu công nghiệp và khu vực đông dân cư lao động có nguy cơ dịch bệnh. Từ 143 Trạm Y tế lưu động trong tháng 10.2021, cho đến nay Sở đã thành lập tất cả 162 Trạm y tế lưu động.

Trong đó 99 trạm ở xã phường, 43 trạm trong khu công nghiệp và 20 tổ y tế lưu động của quân y. Để thu hút đủ nguồn nhân lực cho y tế cơ sở thì Sở Y tế cũng đề xuất có chế độ đãi ngộ với mức lương đủ hấp dẫn.

Tỉnh cũng ban hành quy chế hoạt động của các trạm y tế lưu động ở khu công nghiệp để phối hợp với các đơn vị hỗ trợ tốt hơn việc phòng dịch cho  doanh nghiệp.

Về việc phát thuốc cho người bệnh, Sở Y tế Bình Dương cho biết, đã có công văn đốc thúc các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố về việc đảm bảo cung ứng, quản lý, sử dụng túi thuốc tại nhà. (Lao động, trang 2).

Mong sớm có thuốc điều trị Covid-19 sản xuất tại Việt Nam

Nhiều bạn đọc bày tỏ mong muốn sớm có thuốc điều trị Covid-19 sản xuất tại Việt Nam trong lúc số F0 gia tăng, nhu cầu thuốc cho F0 điều trị tại nhà ngày càng nhiều. Như Thanh Niên đã đưa tin, do số F0 cách ly tại nhà, cách ly tập trung có xu hướng gia tăng, với trên 63.000 ca tính đến ngày 22.11 (cộng dồn), TP.HCM vừa có văn bản đề xuất Bộ Y tế cấp 100.000 liều thuốc, nhưng Bộ chỉ cấp thêm được 5.000 liều. Điều này như “muối bỏ bể”, vì mỗi ngày TP.HCM có trên 1.000 F0 mới cách ly tại nhà. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đang chờ Bộ Y tế cấp thêm. Mới đây, phản ánh đến Báo Thanh Niên, một số F0 trên địa bàn TP.HCM báo trạm y tế địa phương cho biết không có thuốc Molnupiravir để cấp. Theo Bộ Y tế, để đảm bảo lâu dài, chủ động nguồn thuốc điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 nhẹ, điều trị sớm, giảm nguy cơ tăng nặng, bộ này đã cấp 78 đơn hàng nguyên liệu Molnupiravir cho 34 công ty, 55 đơn hàng nguyên liệu Favipiravir cho 26 công ty để phục vụ nhu cầu nghiên cứu sản xuất thuốc.

Về nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, theo Bộ Y tế, đã có 2 vắc xin được thử nghiệm lâm sàng là NanoCovax của Công ty Nanogen và Covivac của Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC). Trong đó, một ứng viên vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 là NanoCovax và một ứng viên vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 là vắc xin Covivac. Dự kiến, quy mô sản xuất của IVAC khoảng 6 triệu liều/năm, Nanogen 20 – 30 triệu liều/năm, các đơn vị này có thể nâng công suất khi được đầu tư.

Về chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, Tập đoàn Vingroup đã đàm phán với nhà sản xuất của Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 từ tinh chất mRNA. Nhà máy do Vingroup đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất khoảng 100 triệu liều/năm, dự định bắt đầu sản xuất từ quý 1/2022.

Đang rất cần thuốc

“Người quen của tôi là F0 đang cách ly điều trị tại nhà, anh cho biết đã báo y tế địa phương nhưng không có thuốc Molnupiravir để cấp. Cả nhà lo lắng lắm. Rất mong Bộ Y tế tăng cường nhập khẩu thuốc, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để đẩy nhanh việc sản xuất thuốc trị Covid-19 ở VN, để mọi F0 đều có thuốc điều trị, để phòng chống dịch tốt nhất”, bạn đọc (BĐ) Hữu Tiến bày tỏ mong muốn.

Trước tình trạng khan hiếm thuốc điều trị Covid-19, BĐ Lân Kỳ đề nghị “cho bán thuốc Molnupiravir đại trà như các loại thuốc cảm cúm khác để người dân có thể mua được dễ dàng khi chẳng may bị nhiễm Covid-19, để bớt áp lực cho y tế công”. Đáp lại, BĐ Ngọc Thông cho rằng: “Tôi nghĩ không được đâu bạn, thuốc này phải theo chỉ định điều trị, có sự kiểm soát và không dùng để điều trị dự phòng… Rất mong là có thuốc để nhiều người được tiếp cận khi có bệnh”. Bộ Y tế nên giải quyết các thủ tục nhanh nhất có thể, để thuốc được sản xuất trong nước hay nhập khẩu thuốc nhanh nhất, để giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong, đặc biệt là ở TP.HCM. Làm sao để khoảng đầu quý 1/2022 có thể sản xuất các loại vắc xin của VN nghiên cứu, vắc xin được sản xuất theo giấy phép nước ngoài (chuyển giao công nghệ) và thuốc điều trị Favipiravir, Molnupiravir… ngay tại trong nước mới chủ động đáp ứng đủ được.

Bao giờ có thuốc điều trị, có vắc xin Covid-19 của VN?

Rất nhiều BĐ đã nêu câu hỏi như trên, và mong muốn sớm có thuốc, vắc xin Covid-19 của VN. BĐ Hiền viết: “Hồi tháng 8, tháng 9.2021 có rất nhiều thông tin về vắc xin NanoCovax của VN, ai nghe cũng mừng lắm, cứ nghĩ tháng 10, tháng 11 năm nay là có rồi. Vậy mà đến giờ, cuối tháng 11, vẫn chưa thấy, cũng không nghe tiếp thông tin gì. Không biết có trục trặc gì không? Bao giờ thì có vắc xin Covid -19 của VN? Gấp lắm rồi!”. BĐ N.P.Long cho rằng: “Từ kế hoạch đến thực tế chắc là còn xa vời lắm…”. Còn BĐ Nguyễn Hùng thì thắc mắc: “Vắc xin, thuốc Molnupiravir chính thức bao giờ trong nước sản xuất được để dân được dùng đại trà?”.

Nóng lòng không kém, BĐ Anh Kiệt bày tỏ: “Việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19, cũng như vắc xin Covid-19 trong nước có ý nghĩa rất lớn. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn làm tăng thêm niềm tin, sức mạnh cho mọi người trong việc đẩy lùi dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh; giúp VN chủ động hơn nữa trong việc mở cửa, khôi phục kinh tế… Mong Bộ Y tế, các doanh nghiệp, các nhà khoa học… chung tay đẩy nhanh việc sản xuất thuốc, vắc xin”. (Thanh niên, trang 4).

Thanh Hoá: 2 người tử vong sau khi tiêm vaccine Vero -Cell

Thông tin ban đầu từ Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá, ngày 23.11.2021, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống (Thanh Hoá) tổ chức tiêm chủng vaccine Vero Cell mũi 2 tại Công ty TNHH Giầy Kim Việt phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động theo kế hoạch.

Tất cả những người đăng ký tiêm chủng đều được cán bộ y tế khám sàng lọc đầy đủ, tư vấn về loại vaccine tiêm chủng lần này và các phản ứng có thể gặp phải sau tiêm chủng theo đúng quy định.

Trong quá trình tổ chức tiêm chủng đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm. Trong đó có 5 trường hợp xuất hiện triệu chứng nặng, được chẩn đoán phản ứng phản vệ sau tiêm. Các trường hợp này đã được Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống và lực lượng phản ứng nhanh của ngành y tế sơ cứu, cấp cứu ngay tại chỗ theo hướng dẫn chuyên môn và chuyển tuyến về Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị.

Bệnh viện đa khoa tỉnh đã huy động tối đa các điều kiện trang thiết bị, thuốc và nhân lực tốt nhất để cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng và diễn biến quá nhanh của phản vệ nên 2 trường hợp đã tử vong vào lúc 00h45 phút và 08h45 phút ngày 24.11.2021.

Sở Y tế Thanh Hoá đã chỉ đạo Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến trong quá trình sử dụng vaccine tại huyện Nông Cống và báo cáo Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh đã chỉ đạo huyện Nông Cống và các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp kịp thời chia sẻ, động viên gia đình có người tử vong và phối hợp cùng gia đình lo hậu sự chu đáo.

Có tất cả hơn 30 người bị sốc phản vệ sau tiêm, hiện có hơn 10 người đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, số còn lại tình trạng nhẹ hơn đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống.

Ngay khi xảy ra sự việc, LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá đã cử đoàn công tác đến hiện trường phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý sự việc; đến gia đình các công nhân tử vong động viên, thăm hỏi và cùng gia đình lo hậu sự. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Tăng tốc tiêm chủng, truy vết, xét nghiệm

Ngày 24/11, Hà Nội tiếp tục tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 15-17 tuổi tại 29 quận, huyện, thị xã. Trong khi đó, TPHCM ban hành văn bản khẩn về việc tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch sau khi số ca mắc có xu hướng tăng trở lại.

Hà Nội thêm hơn 100.000 học sinh được tiêm

Hôm qua, Hà Nội tiêm được 108.420 mũi tiêm cho học sinh lớp 10, 11, 12. Qua 2 ngày tiêm chủng, thành phố đã tiêm được 142.038 mũi tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ em.

Tính đến ngày 24/11, cả nước đã tiêm hơn 113 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Hiện có 59 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 23 địa phương đạt tỷ lệ trên 95% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

Còn 4 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên là Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình. Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng. Hiện có 35/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 16 địa phương có tỷ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh có tỷ lệ bao phủ trên 90% là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai và Long An.

Ngày 24/11, Việt Nam ghi nhận 11.811 ca mắc COVID-19 tại 59 tỉnh, thành với 6.578 ca trong cộng đồng. Trong đó TPHCM có số mắc mới cao nhất với 1.666 ca, tiếp đó là Cần Thơ 766, Tây Ninh 754, Bình Dương 696, Đồng Tháp 625 và Hà Nội thêm 285 ca.

TPHCM thần tốc truy vết, xét nghiệm

Ngày 24/11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức ký ban hành văn bản khẩn về việc tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sau khi số ca mắc mới có xu hướng tăng trở lại, nhất là tại TP Thủ Đức, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Theo đó, chính quyền TPHCM yêu cầu bên cạnh việc thực hiện các quy định về thích ứng, các địa phương cần xem thần tốc truy vết, xét nghiệm là then chốt để sớm kiểm soát hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt theo diễn biến dịch bệnh, chuyển dần các vùng cấp độ 2, 3, 4 về cấp độ 1. Các quận, huyện phải chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn, lấy người dân là trung tâm, chủ thể và lấy cơ quan, đơn vị, địa phương là nền tảng để chống dịch.

Bên cạnh đó, các địa phương rà soát, đôn đốc, đẩy mạnh việc tiêm vắc xin, nhất là tiêm mũi 2, tiêm lưu động, tiếp cận những đối tượng có nguy cơ cao (người lớn tuổi, bệnh nền, khó di chuyển), đảm bảo thuốc điều trị, trang thiết bị y tế…. Các quận, huyện, TP Thủ Đức phải tăng cường kiểm soát chặt di biến động dân cư, nắm tình hình người dân ra vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc…) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên. UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở Y tế thực hiện các biện pháp như lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, cách ly, nâng cao hệ thống y tế, sẵn sàng thiết lập trạm y tế lưu động ở phường, xã, bổ sung nhân lực cho trạm y tế phường có ca mắc tăng cao…

TPHCM đã thành lập 19 đoàn công tác kiểm tra phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP Thủ Đức và các quận, huyện từ ngày 25-30/11. (Tiền phong, trang 3).

Tránh tình trạng để F0 về nhà tự lo

Bình Dương khuyến cáo doanh nghiệp tuân thủ quy định phòng dịch, tránh tình trạng khi phát hiện có F0 thì không báo ngành chức năng mà để F0 về nhà tự lo. Trong khi đó, ở TT-Huế còn tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu ý thức trong phòng, chống dịch.

Ngày 24/11, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết, hiện số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh vượt 600 ca mỗi ngày, đa số là người đã tiêm vắc xin và có đến 45% là người lao động tại các doanh nghiệp.

“Chúng tôi đã khuyến cáo các doanh nghiệp tuân thủ quy định phòng dịch, tránh tình trạng khi phát hiện có F0 thì không báo ngành chức năng mà để F0 về nhà tự lo”, ông Chương nói. Hiện có 95% người dân được tiêm 1 mũi và trên 80% đã tiêm 2 mũi. Thống kê cho thấy, trong số trường hợp mắc COVID-19 những ngày qua, số người chưa tiêm vắc xin trở thành F0 chiếm 5-10%, phần lớn bệnh diễn biến nặng, nguy kịch. “Tới đây, Sở sẽ bố trí tất cả các trạm y tế phường, xã mở cửa tiêm vắc xin xuyên suốt 2 ngày/tuần với thủ tục đơn giản, người dân chỉ cần mang theo chứng minh nhân dân là được tiêm. Đối với người già, sẽ bố trí y tế lưu động đến tiêm vắc xin tại nhà”, ông Chương cho hay.

Tính từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, Bình Dương ghi nhận 277.406 ca mắc COVID-19, trong đó có 267.007 bệnh nhân khỏi bệnh, 2.628 ca tử vong. Tỉnh hiện còn 10.858 bệnh nhân đang điều trị, chủ yếu tại nhà. Tỉnh đã tiêm được 4,23 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó có hơn 177.500 liều cho trẻ từ 12-17 tuổi.

TT-Huế còn tình trạng lơ là phòng dịch

Ngày 24/11, Tỉnh ủy TT-Huế cho biết, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu vừa ký ban hành công điện khẩn liên quan công tác phòng, chống dịch. Đến nay, tỉnh ghi nhận trên 2.550 ca F0, gồm hơn 780 ca trong cộng đồng; hiện điều trị 1.085 ca. Công tác quản lý, giám sát công dân một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; tình trạng tụ tập đông người vẫn diễn ra, một số người dân còn biểu hiện chủ quan, lơ là, thiếu ý thức trong phòng, chống dịch.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy TT-Huế yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bám sát tình hình diễn biến ở cơ sở; tăng cường giám sát tại địa phương; chủ động, tích cực phối hợp ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, bảo đảm các điều kiện để tiêm cho học sinh; sẵn sàng kích hoạt các trạm y tế lưu động phục vụ điều trị F0. “Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu để xảy ra vi phạm quy định về phòng, chống dịch”, công điện viết. (Tiền phong, trang 3).

 

Trăm dâu đổ đầu Trạm y tế – Kỳ 2: Cần liều thuốc ‘đủ đô’ với trạm y tế

Qua đợt dịch ai cũng nhận thấy vai trò của y tế cơ sở vô cùng quan trọng, đó là nơi gần người dân nhất.

Khi số ca F0 điều trị tại nhà của TP.HCM ngày một tăng cao chiếm trên 70%, có ý kiến cho rằng chiến lược chống dịch nên bắt đầu từ y tế cơ sở…

“Về lâu dài để trạm y tế thực sự là mảnh đất đủ tốt cho nhân viên y tế cống hiến, cần phải thay đổi cơ chế chính sách về tiền lương, chế độ làm việc cũng như học hành phát triển bản thân của các y bác sĩ. Khi một bác sĩ xác định làm việc ở trạm y tế, cuộc đời họ sẽ không chỉ mãi mãi ở đó, nếu làm tốt thì họ sẽ được học lên và phát triển chuyên môn của bản thân…” – ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định.

Ưu tiên hàng đầu

Và để hiện thực hóa mục tiêu tạo “mảnh đất đủ tốt” cho trạm y tế, Sở Y tế TP.HCM ban hành dự thảo đề án “Nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn trong tình hình mới”, đồng thời có văn bản gửi các sở (Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Lao động – thương binh và xã hội) nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo tờ trình các cơ chế chính sách đặc thù để củng cố nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở.

Theo đánh giá của ông Tăng Chí Thượng, vai trò của trạm y tế là không thể thiếu. Trong cuộc chiến chống dịch vừa qua, nhờ việc triển khai các trạm y tế lưu động thí điểm chăm sóc người F0 dựa vào cộng đồng mà đã phát huy hiệu quả tích cực.

“Mô hình chăm sóc người F0 tại nhà đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm tỉ lệ chuyển nặng và giảm tử vong, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục” – ông Thượng đánh giá.

Ông Thượng khẳng định việc củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở, trong đó củng cố trạm y tế, là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Theo ông, dù đỉnh dịch đi qua nhưng ngành y tế thành phố xác định phải duy trì các trạm y tế lưu động này và để duy trì cần sớm thay đổi chính sách để trạm y tế bao phủ số lượng dân phù hợp.

Ông kiến nghị không cứng nhắc mỗi phường có một trạm y tế mà thay vào đó là lập trạm dựa trên số dân. Như vậy một phường có thể có nhiều trạm y tế và trạm phải gắn liền với nhiều chuỗi mắt xích khác như tổ phản ứng nhanh phường xã, tổ chức sàng lọc từ xa hoặc một tổ chức thiện nguyện.

Ngoài ra, về vấn đề nhân sự bổ sung, ông Thượng cho biết gần đây ngành y tế đã ngồi lại với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và đang trong quá trình tham mưu UBND TP.HCM cho thí điểm đưa các bác sĩ vừa mới tốt nghiệp về thực hành tại các trạm y tế, trung tâm y tế (12 tháng) thay vì toàn thời gian 18 tháng tại bệnh viện như trước đây. Áp dụng tương tự cho điều dưỡng là 9 tháng thực hành tại y tế cơ sở.

Dự kiến sẽ có 750 nhân sự, trong đó 689 bác sĩ và 61 điều dưỡng, tốt nghiệp vào tháng 12-2021 được “tung” về y tế cơ sở, với mức dự toán tổng kinh phí hỗ trợ mỗi tháng cho bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học dự phòng, điều dưỡng gần 5 tỉ đồng.

Nhiều đề xuất đột phá

Trong dự thảo tờ trình gửi Hội đồng nhân dân TP.HCM, ngành y tế còn đưa ra nhiều đề xuất mang tính đột phá.

Theo báo cáo hiện nay, tỉ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên vạn dân tại TP.HCM chỉ đạt 2,31, thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06). Trong khi dự kiến vào cuối tháng 11-2021 lực lượng quân y với số lượng 1.434 người sẽ kết thúc nhiệm vụ hỗ trợ, do đó cần bổ sung chỉ tiêu số lượng người làm việc cho trạm y tế theo quy mô dân số tại phường, xã, thị trấn; đồng thời tính đến đặc thù của địa bàn để tuyển dụng, bổ sung thay thế lực lượng bác sĩ quân y chi viện.

Cụ thể kiến nghị điều chỉnh tăng mức trần biên chế cho trạm y tế, thay vì tối đa không quá 10 biên chế/trạm thì nâng lên thành tối đa không quá 20 biên chế/trạm. Như vậy, tổng số biên chế phân bổ năm 2022 cho 310 trạm y tế theo định mức đề xuất là 3.991 biên chế, cao hơn tổng số biên chế năm 2021 đã phân bổ trạm y tế là 1.704 biên chế.

Theo ngành y tế, từ năm 2015 UBND TP.HCM có quyết định về thu hút, hỗ trợ cho cán bộ, viên chức công tác tại các cơ sở y tế thuộc lĩnh vực y tế dự phòng. Tuy nhiên, đến nay một số chế độ hỗ trợ không còn phù hợp và không giữ chân được nhân viên y tế ở tuyến y tế cơ sở và lĩnh vực y tế dự phòng.

“Nên ban hành chính sách hỗ trợ hằng tháng nhằm tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn cho đối tượng này, đặc biệt là bác sĩ, để họ có thể yên tâm công tác. Chính sách này nhằm ổn định, duy trì đội ngũ nhân viên y tế yên tâm công tác ở y tế cơ sở và dự phòng” – ông Thượng khẳng định.

Một vấn đề được ngành y tế TP.HCM quan tâm đề xuất là ngoài tuyển dụng theo hình thức hợp đồng lao động hoặc viên chức, cần huy động bổ sung theo hình thức hợp đồng dịch vụ, hợp đồng hợp tác chuyên môn đối với bác sĩ, nhân viên y tế đã nghỉ hưu và lực lượng tình nguyện viên theo mức hỗ trợ thu nhập hằng tháng dựa trên mức lương tối thiểu vùng.

Theo đó, với nhu cầu mỗi trạm y tế cần huy động 2 bác sĩ nghỉ hưu, 4 nhân viên y tế khác đã nghỉ hưu và 2 tình nguyện viên không có chuyên môn y tế… Tổng dự toán kinh phí hỗ trợ hằng tháng gần 17 tỉ đồng. (Tuổi trẻ, trang 12).  

TP. HCM chặn từ xa, ngăn số ca chuyển nặng

Với việc ban hành hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà phiên bản 1.6, ngành y tế TP.HCM cho thấy quyết tâm tập trung “đánh chặn từ xa” bằng việc kiểm soát F0 cách ly tại cộng đồng không để trở nặng.

Hơn một tuần nay số ca mắc của TP.HCM vượt 4 con số, như ngày 24-11 có 1.666 ca. Số ca mắc tăng, kéo theo số ca trở nặng và tử vong tăng. Từ duy trì dưới 30 ca tử vong/ngày, 4 ngày trở lại đây số ca tử vong tăng liên tục, lần lượt từ 50, 55, 59 lên 62 ca ngày 24-11.

Không phải F0 nào cũng cách ly tại nhà

Theo thống kê, trong tổng số ca F0 hiện tại có khoảng 70% trường hợp có triệu chứng nhẹ, hoặc không có triệu chứng đang được cách ly chăm sóc tại nhà hoặc khu cách ly tập trung. Làm gì để giảm số ca mắc chuyển nặng? Hướng dẫn mới nhất từ TP.HCM được “chi tiết hóa” từ phân loại người F0 nào được cách ly ở nhà; chăm sóc ra sao; nên và không nên làm gì; dấu hiệu cần báo ngay cho y tế và kê đơn, cấp cứu F0 tại nhà…

Hướng dẫn lần này quy định rõ hơn về đối tượng được chăm sóc tại nhà khi đảm bảo đủ 2 điều kiện bao gồm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (không có suy hô hấp SpO2 lớn hơn hoặc bằng 96% khi thở khí trời, nhịp thở bằng hoặc dưới 20 lần/phút). Chỉ những F0 có độ tuổi từ 1 – 50 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì mới được cách ly ở nhà.

Ngoài ra quy định này chỉ cho phép một số trường hợp không thỏa các điều kiện nêu trên có thể xem xét cách ly ở nhà nếu có bệnh nền ổn định, bảo đảm tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi đầu tiên.

TP Thủ Đức (TP.HCM) là một trong các địa phương được ghi nhận có số ca mắc tăng nhanh gần đây. Ông Nguyễn Văn Chức – giám đốc Trung tâm Y tế TP Thủ Đức – cho biết để “đánh chặn từ xa”, ngoài 32 trạm y tế cố định, các trạm y tế lưu động, các phường triển khai tổ y tế lưu động đến từng khu phố (trước đây là phường) để kịp thời xử lý các ca F0 chuyển nặng. “Tổ lưu động của từng khu phố khá đông, bao gồm đủ các ban ngành từ y tế, đoàn thanh niên, dân quân, giáo dục, thành ra việc phản ứng và tiếp cận sẽ được gần người dân hơn” – ông Chức nói.

Bảo vệ nhóm nguy cơ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định việc số ca mắc tăng khi các lực lượng chi viện dần rút quân phần nào gây áp lực cho hệ thống quản lý, chăm sóc, điều trị F0 của TP. Với việc kích hoạt lại hàng loạt trạm y tế lưu động, đội phản ứng nhanh, thiết lập các đường dây nóng tại cơ sở và tổ chức các đội ngũ tư vấn bác sĩ chăm sóc sức khỏe từ xa…, ngành y tế hy vọng từng bước ứng biến với tình hình dịch có thể còn gia tăng trong thời gian tới.

Thực tế hiện nay tại các bệnh viện 3 tầng và trung tâm hồi sức tuyến cuối (Bệnh viện Chợ Rẫy, ĐH Y dược…) đều xây dựng quy mô 150 giường hồi sức. So với công thức 4 bác sĩ, 8 điều dưỡng/10 giường hồi sức, một số đơn vị chưa đủ nguồn nhân lực, ngành y tế cần phải kịp thời bổ sung nhằm chăm sóc điều trị bệnh nhân được đảm bảo.

Để tăng biên chế chăm sóc điều trị ngăn giảm số ca tử vong, vừa qua ngành y tế TP.HCM triển khai phương án phải huy động thêm 390 nhân sự là bác sĩ, điều dưỡng từ 16 bệnh viện chi viện cho các bệnh viện dã chiến 3 tầng chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 có xu hướng gia tăng.

ThS Đỗ Cao Vân Anh – phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch – cho rằng bài toán giảm số ca mắc, chuyển nặng và tử vong cần phải được tính toán một cách xuyên suốt từ ý thức người dân đến bổ sung năng lực cho y tế cơ sở và y tế tuyến cuối. Dẫn dắt câu chuyện Nhật Bản từ 25.000 xuống 50 ca COVID-19 mỗi ngày, bác sĩ Vân Anh cho rằng ngoài vắc xin, ý thức hành vi con người đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Để hạn chế mức thấp nhất số ca tử vong, cần phải có sự phân định các bệnh nhân có nguy cơ cao (béo phì, bệnh nền, chưa chích đủ vắc xin), quản lý tốt số giường hồi sức để chủ động có giải pháp bảo vệ và tập trung điều trị khi mắc COVID-19. Song song đó cần có cơ chế huy động lực lượng (y tế tư nhân, nhân viên y tế nghỉ hưu, sinh viên, tình nguyện viên…) tham gia việc hỗ trợ tư vấn từ xa, phát các túi thuốc, cũng như chăm sóc điều trị F0 trong bối cảnh số ca gia tăng.

Số ca tử vong ở TP.HCM thuộc nhóm nào?

Một cán bộ của Sở Y tế TP.HCM cho hay các bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện tử vong thường tập trung ở nhóm cao tuổi, mang nhiều bệnh nền và đặc biệt “không chịu tiêm vắc xin”. Thống kê các ca tử vong một ngày cho thấy có điểm chung trên 50% chưa tiêm vắc xin.

Ngoài ra một số bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu điều trị bởi một bệnh lý khác (bệnh nền), sau đó xét nghiệm tầm soát mới phát hiện mắc thêm COVID-19. Có người mắc COVID-19 không hề biết mình có bệnh nền. Các trường hợp nêu trên, theo vị này, COVID-19 chỉ là tác nhân, còn nguyên nhân tử vong chính vẫn là do mắc các bệnh lý khác, kèm thêm tuổi cao sức yếu.

Một nguyên nhân khác khiến số ca tử vong tăng ở TP.HCM xuất phát từ việc TP đang phải “gánh” một phần ca tử vong của các tỉnh. Bởi hiện nay với các bệnh nhân nặng từ các tỉnh, thành chuyển đến, TP.HCM phải tiếp nhận điều trị. (Tuổi trẻ, trang 14; Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Bộ Y tế hoả tốc nhắc các địa phương tăng cường chống COVID-19 và dịch bệnh mùa đông xuân

Bộ Y tế hoả tốc nhắc các địa phương tăng cường chống COVID-19 và dịch bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, tránh để “dịch chồng dịch”

Bộ Y tế vừa có văn bản hoả tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, bao phủ vaccine cho người dân

Theo Bộ Y tế, trong thời gian gần đây sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, đã có một số lượng người dân di chuyển về các địa phương từ vùng dịch COVID-19. Bên cạnh đó, trong thời gian tới với điều kiện khí hậu mùa đông xuân rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất lớn nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa đông xuân năm 2021-2022, không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo một số nội dung. Cụ thể:

UBND thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022, chú trọng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch như giám sát phát hiện sớm, xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả,… gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.

Bộ Y tế lưu ý các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vaccine cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở để ứng phó thường xuyên, kịp thời;

Các địa phương cũng cần chuẩn bị sẵn sàng thiết lập các Trạm Y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn, ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể;

Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện.

Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc khai báo lấy mã số ca bệnh COVID-19 tự động trên Hệ thống mã số ca bệnh quốc gia về dịch COVID-19 tại địa chỉ website https://macabenh.vncdc.gov.vn; trong đó cung cấp đầy đủ thông tin bệnh nhân bao gồm tiền sử tiêm chủng phòng COVID-19 (tiêm 1 mũi, 2 mũi, chưa tiêm).

Xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19

Đồng thời, các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe… yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.

Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, tiếp tục triển khai chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn nguy cơ cao, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ. Giám sát chặt chẽ, xử lý ổ dịch kịp thời, cấp cứu điều trị người mắc bệnh theo đúng Hướng dẫn giám sát, phòng chống và Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết của Bộ Y tế.

Đối với các bệnh dịch có vaccine phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh;

Kịp thời đề xuất với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch tễ của từng địa phương. Tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên giám sát đánh giá, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền mạnh mẽ lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh để cho người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch…

Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Sở Tài chính kịp thời bổ sung kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo nhu cầu đáp ứng phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư, hóa chất, cơ số thuốc, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp và làm việc với các đối tác y dược Nhật Bản

Trong các ngày từ 22-25/11, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng tại Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Sáng 24/11, tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Ngài Kitaoka Shinichi, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); Gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số; Tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế, trường đại học của Nhật Bản đang và có ý định đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như giao thông, bất động sản, năng lượng, y tế, giáo dục. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã tham dự các sự kiện này. Trước đó, cùng với tham gia các hoạt động trong đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ, sáng ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có 5 cuộc gặp gỡ và làm việc với các đối tác y dược Nhật Bản.

Tại cuộc tiếp và làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long với Bệnh viện Y nữ sinh Tokyo, đại diện Bệnh viện cho biết Bệnh viện có thế mạnh về công nghệ cao trong y tế như phòng mổ thông minh SCOT (có ứng dụng trí tuệ nhân tạo- AI), có thể kết nối từ xa để thầy thuốc ở chỗ khác vẫn có thể theo dõi được cuộc mổ, ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong các cuộc phẫu thuật khó, chuyên sâu trong phẫu thuật thần kinh, sọ não, tim mạch…

Đại diện Bệnh viện đã trao đổi với các thành viên của đoàn công tác Bộ Y tế những nội dung về chuyên môn liên quan đến phòng mổ thông minh này.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chúc mừng bệnh viện có hệ thống phòng mổ tiện ích, hiện đại, góp phần rút ngắn khoảng cách về không gian, kết nối chuyên môn giữa các bệnh viện trong việc cùng theo dõi một cuộc phẫu thuật. Bộ trưởng bày tỏ hy vọng Bệnh viện Y nữ sinh Tokyo có sự hợp tác với các trường học và bệnh viện của Việt Nam.

Tiếp đó,  Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã tiếp và gặp gỡ Công ty Paramount. Đây là công ty có nhiều năm hợp tác với Việt Nam trong việc cung cấp các sản phẩm y tế từ hàng chục năm trước cho dự án tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại buổi tiếp, đại diện công ty cho biết đến nay công ty đã có 3 nhà máy sản xuất các sản phẩm y tế, trong đó thế mạnh là giường bệnh chất lượng cao, nhiều tính năng ưu việt. Trong những năm qua, năng lực sản xuất của công ty tại Việt Nam rất phát triển. Sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước, thậm chí sang Nhật Bản. Công ty sản xuất giường bệnh dành cho bệnh nhân từ sơ sinh đến người lớn.

Tại buổi tiếp, đại diện công ty Paramount cũng bày tỏ lời cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế đã nỗ lực phòng chống dịch COVID-19, nên công ty đến nay chưa ghi nhận ca mắc nào. Trong suốt thời gian qua, công ty vẫn sản xuất bình thường, không bị gián đoạn.

Đại diện công ty cũng cho biết thêm chiến lược phát triển của công ty là tiếp tục tập trung đầu tư và mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, đại diện cho biết Công ty Paramount tặng Chính phủ và ngành y tế Việt Nam 200 giường bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh y tế tại Việt Nam, do đó mong Công ty tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, cũng như có những bước phát triển hơn nữa để không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ lời cảm ơn đến Công ty Paramount, đồng thời cho biết sẽ phân bổ để các cơ sở y tế sử dụng hiệu quả các giường bệnh này.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đã dành thời gian tiếp Đại học Hokkaido và Bệnh viện Đại học Hokkaido. Đây là đơn vị hợp tác với ngành y tế Việt Nam trong khám chữa bệnh từ xa.

Tại buổi tiếp, đại diện Đại học Hokkaido và bệnh viện Hokkaido cho biết, tại Nhật Bản có khoảng 50% các trường Đại học y có bệnh viện và có Hiệp hội giám đốc các bệnh viện thuộc trường học (khoảng 42 bệnh viện trong nhà trường)

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu 2 vấn đề cần hợp tác. Thứ nhất, đào tạo nhân lực y tế bởi theo Bộ trưởng đó là một trong những ưu tiên mà ngành y tế đang thực hiện mạnh mẽ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bộ Y tế cũng đang hướng đến tiệm cận dần với chuẩn của thế giới.

Thứ hai, trao đổi, hợp tác hỗ trợ trong y tế với Đại học Hokkaido và Bệnh viện Đại học Hokkaido cũng như các trường, bệnh viện, viện của Nhật với Việt Nam trong nghiên cứu, chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh mới nổi, trong đó COVID-19.

Phía Đại học Hokkaido và Bệnh viện Đại học Hokkaido cho biết sẽ tiếp nhận bác sĩ trẻ của Việt Nam sang học tập chuyên môn tại đây, hoặc tại hệ thống 42 trường, bệnh viện do Đại học Hokkaido và Bệnh viện Đại học Hokkaido kết nối; Đồng thời, phía Đại học Hokkaido và Bệnh viện Đại học Hokkaido hoặc 42 trường, bệnh viện khác có thể cử chuyên gia sang Việt Nam cùng trao đổi chuyên môn với các trường, bệnh viện, viện…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long mong muốn hợp tác trao đổi giữa 2 bên được sớm đẩy mạnh thực hiện, đặc biệt đào tạo sau đại học cho bác sĩ. Bộ trưởng giao Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo của Bộ Y tế là đầu mối để phối hợp kết nối, trao đổi và hợp tác về lĩnh vực này với Đại học Hokkaido và Bệnh viện Đại học Hokkaido.

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế đã dành thời gian tiếp Hiệp hội y tế thông minh. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá tại Việt Nam, Hiệp hội có một số hoạt động nhân đạo phối hợp với một số bệnh viện tại Việt Nam triển khai khám chữa bệnh cho người nghèo, phẫu thuật tim, lồng ngực, điều trị ung thư.

Tại buổi tiếp, lãnh đạo Hiệp hội cho biết đã đến Việt Nam phối hợp với các đồng nghiệp phẫu thuật ung thư gan cho 11 người bệnh, giảng dạy tại Bệnh viện K và tiếp tục bày tỏ mong muốn góp sức vào sự phát triển của ngành y tế Việt Nam, trong đó có chuyên ngành ung thư.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, lĩnh vực điều trị ung thư tại Việt Nam tương đối mới, do đó vấn đề đào tạo chuyên môn cho đội ngũ nhân lực chuyên ngành ung thư luôn được quan tâm nhằm chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả người bệnh.

Vì vậy Bộ trưởng mong muốn cá nhân ông lãnh đạo Hiệp hội tiếp tục hợp tác, phối hợp và hỗ trợ về chuyên môn chuyên ngành ung thư, đặc biệt là các phương pháp mới trong điều trị ung thư gan với Việt Nam.

Cũng trong sáng ngày 23/11, trong chương trình làm việc tại Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã tiếp công ty Dược Shinogi. Đây là công ty kinh doanh nghiên cứu phát triển sản xuất, phân phối dược phẩm, vaccine và thiết bị y tế. Công ty hiện đang hợp tác với Việt Nam trong việc thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này cho Việt Nam.

Tại buổi tiếp, đại diện công ty bày tỏ lời cảm phục những nỗ lực chống dịch quyết liệt của Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế.

Đại diện công ty cũng đề cập đến các vấn đề quan tâm như thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19, hợp tác nghiên cứu với các nước để có thể sản xuất thuốc điều trị COVID-19

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ ủng hộ công ty phối hợp với các đối tác của Việt Nam trong thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 và lưu ý công ty đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời hoan nghênh việc phối hợp giữa hai bên để thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ mong muốn Công ty tiếp tục đầu tư sản xuất dược phẩm tại Việt Nam. (Sức khỏe & Đời sống, trang 9).

Cảnh sát điều tra khởi tố, bắt giam thêm 4 lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết bắt giam thêm 4 lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM. Ngày 24.11, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh bắt tạm giam 4 lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM, gồm: Nguyễn Trí Dũng, Phó giám đốc; Phan Thị Bích Hạnh, Trưởng phòng Tài chính – kế toán; Nguyễn Đỗ Nguyên, Trưởng khoa Tổng hợp; và Lương Ngọc Tuấn, Phó trưởng khoa Khám mắt. Các bị can cùng bị điều tra về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra mở rộng vụ sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP.HCM. Trước đó, hồi đầu tháng 2, C01 đã khởi tố, bắt tạm giam 4 người khác cũng là lãnh đạo của bệnh viện này, gồm: Nguyễn Minh Khải, Giám đốc; Võ Thị Chinh Nga, Phó giám đốc; Phí Duy Tiến, nguyên Phó giám đốc; và Nguyễn Quốc Toản, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức.

Theo C01, các bị can bị bắt giam được xác định có vai trò tham gia chỉ đạo, thực hiện gói thầu “Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018” gây thiệt hại tài sản cho nhà nước cũng như người bệnh. Cụ thể, khi thực hiện gói thầu này, các cá nhân là lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM đã làm trái quy định của pháp luật về đấu thầu để loại mặt hàng thủy tinh thể nhân tạo đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và có giá dự thầu thấp nhất, rồi mua các mặt hàng thủy tinh thể có giá dự thầu cao gồm: thủy tinh thể nhân tạo CT Asphina 509 M giá 3,1 triệu đồng/cái; thủy tinh thể nhân tạo CT Asphina 509 MP giá 3,6 triệu đồng/cái; thủy tinh thể nhân tạo CT Lucia 601PY giá 3,4 triệu đồng/cái; và thủy tinh thể nhân tạo CT Lucia 201P giá gần 3 triệu đồng/cái.

Việc làm trái pháp luật này dẫn đến BHYT và người bệnh phải chi trả thêm phần chênh lệch cao hơn khi BV Mắt TP. HCM  chọn mặt hàng thủy tinh thể có giá cao hơn trúng thầu trái quy định. Đến nay, C01 xác định vụ án đã gây thiệt hại hơn 14,2 tỉ đồng, trong đó gây thiệt hại cho Quỹ BHYT 5,2 tỉ đồng, người bệnh có BHYT 7,1 tỉ đồng và người bệnh không có BHYT hơn 1,8 tỉ đồng. (Thanh niên, trang 4; Tiền phong, trang 2; Tuổi trẻ, trang 14).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/8/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/3/2022

CDC Hà Nam