Điểm báo ngày 26/3/2019

(CDC Hà Nam)
Bệnh viện Bạch Mai đưa phòng khám đa khoa ở Hà Nam vào hoạt động; Bé sơ sinh mang khối bướu nặng 3,1kg; Nỗi lo trẻ suy dinh dưỡng thấp còi; Về vụ hoạt động truyền bá “vong báo oán” tại chùa Ba Vàng: Không ai đi chùa mà chữa được bệnh cả; …

Bệnh viện Bạch Mai đưa phòng khám đa khoa ở Hà Nam vào hoạt động

Ngày 25-3, Phòng khám bệnh đa khoa – Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã đi hoạt động, tiếp đón người dân đến khám bệnh ngoại trú.

Theo PGS-TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, phòng khám cơ sở 2 có 16 phòng khám lâm sàng và 12 phòng xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh, bao gồm các phòng: cấp cứu nội – ngoại, khám nội chung, cơ xương khớp, tiêu hóa, tim mạch, hô hấp, huyết học, nội tiết, thận tiết niệu, thần kinh, da liễu, ung bướu, khám nhi, sản – phụ khoa, tai mũi họng và khám mắt.

“Thời gian qua, bệnh viện đã huy động cao nhất sức người sức của để có thể đưa cơ sở 2 vào hoạt động sớm nhất, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Về nguồn nhân lực, bệnh viện đã phân công, điều động trên 120 y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên luân phiên về cơ sở 2 làm việc. Về trang thiết bị cũng được chuyển từ cơ sở 1 đến để đáp ứng các yêu cầu chuyên môn cho phòng khám”, PGS-TS Nguyễn Quốc Anh cho biết.

Phòng khám bệnh đa khoa – Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 dự kiến tiếp nhận và khám cho 1.000 – 1.500 bệnh nhân/ngày. Cùng với việc tăng cường bác sĩ từ cơ sở 1, Bệnh viện Bạch Mai cũng triển khai các phương án phục vụ nhu cầu thiết yếu cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế, như đồ ăn, nước uống, khu vệ sinh, giao thông đi lại và các màn hình chỉ dẫn… để bảo đảm chất lượng đón tiếp và khám bệnh như cơ sở 1.

Bệnh viện cũng bố trí xe cấp cứu chuyên dụng để phục vụ cho những trường hợp khẩn cấp cần đưa về cơ sở 1. Trước mắt, Phòng khám bệnh đa khoa – Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 làm việc từ thứ hai đến thứ sáu hàng ngày (nghỉ thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ, tết) (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Bé sơ sinh mang khối bướu nặng 3,1kg

Chiều 25-3, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM cho biết vừa phẫu thuật thành công khối bướu quái cùng cụt khổng lồ nặng 3,1kg cho một trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi. Bệnh nhi là bé gái L.T.N.M., ngụ Sóc Trăng được sinh mổ tại BV Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) khi 35 tuần tuổi. Bé mang khối bướu khổng lồ (ảnh), trọng lượng cả bé và khối bướu sau sinh là 5,2kg.

Ngay sau sinh, bệnh nhi được chuyển viện đến BV Nhi đồng 1 TPHCM trong tình trạng tỉnh, bướu cùng cụt kích thước 30x30x20cm. Ngay sau khi nhập viện bé được nhanh chóng thực hiện các phương pháp chụp chiếu, xét nghiệm, siêu âm phát hiện bé bị khối bướu cùng cụt khổng lồ type 1, gồm các mô đặc, nang và vôi.

Nhận định khối bướu đang có tình trạng xuất huyết bên trong, vì tăng sinh mạch máu, bé có nguy cơ mất máu, suy tim, tử vong cao, các bác sĩ đã hội chẩn và lên kế hoạch cho ca phẫu thuật cắt trọn khối u. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhi mất 15ml máu, bệnh nhi được truyền 30ml máu. Sau hơn 2 giờ, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công.

Sau ca mổ, cân nặng của bé là 2,1kg và nhanh chóng được chuyển sang phòng hồi sức. Đến nay sức khỏe của bé đã ổn định (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Nỗi lo trẻ suy dinh dưỡng thấp còi

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay nước ta đang đối mặt với thách thức về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi (cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng), chiều cao trung bình ở nam và nữ không chỉ thấp hơn nhiều nước phát triển mà còn thấp hơn một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Nhiều chuyên gia lo ngại suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân chính dẫn đến chiều cao thấp ở thanh niên nước ta. Nuôi dưỡng chưa đúng cách

Là cháu cưng của dòng họ và thuộc điều kiện kinh tế khá giả, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Trang (32 tuổi, quận Thủ Đức, TPHCM) hàng ngày phải đau đầu suy nghĩ hôm nay “bồi bổ” cho cậu con trai món gì.

“Tôi nhờ bạn bè khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí cả nước ngoài đi đâu có gì tốt cho trẻ là nhờ mua giùm, mỗi buổi sáng tôi phải “ép” cháu uống một ly sữa ngoại, ngũ cốc mua từ Mỹ, cứ khoảng 2 – 3 giờ lại uống thêm một ly, trưa tối với đầy đủ các món thịt, cá… Thế nhưng, không hiểu sao dù đã 5 tuổi nhưng cháu chỉ nặng chưa đầy 14kg, thấp bé hơn các bạn cùng lớp”, chị Thu Trang lo lắng.

Còn chị Trần Kim Dung (ở quận 9) quan niệm rằng, không ép ăn hay cho uống những thứ con không thích. “Chiều cao là do di truyền, vì vậy vợ chồng tôi không quá coi trọng chuyện chiều cao hay cân nặng mà để con phát triển tự nhiên”, chị Kim Dung cho hay.

Bác sĩ Phan Thị Hiền Thu, Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi là do khẩu phần ăn không đáp ứng đủ nhu cầu về các vitamin và khoáng chất cần thiết trong 5 năm đầu đời của trẻ.

Theo thống kê của ngành y tế, khẩu phần của trẻ em Việt Nam chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu canxi và 10,6% nhu cầu vitamin D theo khuyến nghị. Ngoài ra, trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi còn chịu ảnh hưởng từ hệ tiêu hóa và khả năng hấp thu kém, nhiễm ký sinh trùng, dị tật bẩm sinh và phổ biến nhất là do cha mẹ chưa được trang bị đủ kiến thức nuôi con nhỏ.

“Chế độ ăn uống nghèo nàn và thiếu chất là nguyên nhân chính gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Cụ thể, nếu khẩu phần ăn của trẻ bị thiếu hụt protein năng lượng và các vi chất dinh dưỡng, không những gây suy dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ, nhất là ở những trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ và ăn bổ sung không hợp lý”, bác sĩ Hiền Thu cho biết.

Còn theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chiều cao không hoàn toàn do gen mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động. Nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cho thấy, di truyền chỉ chiếm 23%, còn 25% là do tâm lý và môi trường sống, 20% liên quan tới chế độ rèn luyện thể lực và quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng quyết định 32% sự phát triển chiều cao, thể chất của trẻ. Dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong những năm đầu đời, là nền tảng giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Nỗ lực cải thiện tầm vóc

Theo GS-TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các gia đình cần quan tâm chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ ngay từ tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, việc cân bằng dinh dưỡng hợp lý trong 1.000 ngày vàng (đầu đời), tức từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi, đóng vai trò hết sức quan trọng. Đảm bảo dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời gian mang thai để giúp thai nhi phát triển tốt và bà mẹ dự trữ đủ các chất dinh dưỡng để nuôi con sau này. Mặt khác, bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh cũng rất cần thiết để phòng chống thiếu máu cho cả mẹ và con (Sài Gòn giải phóng, trang 3). 

 

Về vụ hoạt động truyền bá “vong báo oán” tại chùa Ba Vàng: Không ai đi chùa mà chữa được bệnh cả

Chiều 25.3, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức buổi thông tin báo chí liên quan đến việc BS Nguyễn Hồng Phong thuộc khoa Nhi của bệnh viện đã có những phát ngôn trong buổi pháp thoại vào tối 21.3 tại chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh).

GS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, cơ bản, bệnh nhân khi bị bệnh phải đến bệnh viện, cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Tại Bệnh viện Bạch Mai có các nhóm để chẩn đoán, điều trị triệt để cho các bệnh nhân. Ngoài ra, còn có tầm soát bệnh sớm cho các bệnh nhân.

“Bệnh viện Bạch Mai có nhiều đội nhóm, gồm nhiều chuyên ngành từ lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, ung bướu… Mỗi khi gặp trường hợp bệnh, các y bác sĩ sẽ cùng nhau chẩn đoán, đưa ra phương án chữa trị tối ưu nhất.

Với công nghệ hiện đại như bây giờ, việc chẩn đoán, điều trị bệnh đã rất tiến bộ so với thế giới. Việc đi đến chùa cầu xin, không có nghĩa để điều trị bệnh mà chỉ giúp an tâm trong tâm lý để điều trị”, GS. TS Phạm Minh Thông nói.

Nói về hình thức xử lý bác sĩ Nguyễn Hồng Phong sau phát ngôn tại chùa Ba Vàng, ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong xã hội hiện đại, thượng tôn pháp luật, chúng ta sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, mọi hành vi sai trái phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp của bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, sai phạm đến đâu, phải dựa trên những bằng chứng và căn cứ khoa học thì hội đồng kỷ luật mới có hình thức xử lý.

Trước câu hỏi, có ý kiến cho rằng bệnh viện “sẽ cho bác sĩ Nguyễn Hồng Phong nghỉ việc”, ông Nguyễn Ngọc Hiền nói, theo quy định, các hình thức kỷ luật phải thông qua hội đồng, các chuyên gia xem xét, đánh giá mức độ của sự việc, mới có thể đưa ra được phương án xử lý. Hiện tại, bệnh viện chưa có phương án kỷ luật bác sĩ Nguyễn Hồng Phong.

Tại buổi họp báo, bác sĩ Phong xin lỗi về phát ngôn của mình. Bác sĩ Phong cho rằng, đó là phát ngôn thiếu suy nghĩ và khẳng định, khi người dân có bệnh, phải đến bệnh viện, điều trị theo phác đồ. Còn việc người dân tìm đến chùa hay chốn tâm linh sẽ giúp tinh thần bệnh nhân lạc quan hơn. Điều này cũng góp phần vào việc tiến triển của bệnh.

“Em xin lỗi Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, toàn thể cán bộ, y bác sĩ bệnh viện vì phát ngôn của em mà bệnh viện bị ảnh hưởng. Em xin lỗi đến toàn thể ngành y tế và chịu mọi trách nhiệm về phát ngôn của mình”.

Trước đó, ngày 21.3 tại buổi pháp thoại tại chùa Ba Vàng, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong đã có những chia sẻ về việc điều trị bệnh và khỏi bệnh khi tới chùa “thỉnh oan gia trái chủ”.

Bác sĩ Phong cho rằng, bản thân không phải là người đi “thỉnh oan gia trái chủ”, nhưng là người chứng kiến. Cụ thể, trong quá trình công tác, người này chứng kiến bệnh nhân của mình được chẩn đoán và điều trị theo đúng theo phác đồ nhưng không ra bệnh và diễn biến bệnh bất thường (Lao động, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 21/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/8/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/7/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận