Điểm báo ngày 26/8/2020

(CDC Hà Nam)
Thêm bảy ca Covid-19; Hà Nội chỉ đạo khẩn phòng chống sốt xuất huyết; Hà Nội: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Thêm bảy ca Covid-19

Chiều 25-8, Việt Nam ghi nhận thêm bảy ca mắc Covid-19, trong đó có năm ca là người nhà của bệnh nhân 1017.

Bảy ca Covid-19 mới đều được phát hiện tại Đà Nẵng, bao gồm hai ca: 1023, 1024 là người ở Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng.

Hai bệnh nhân 1023 – 1024 được lấy mẫu ngày 24-8 tại khu vực đang được phong tỏa thuộc phường Hòa Tiến, quận Hòa Vang, Đà Nẵng.

Năm ca bệnh còn lại gồm BN 1025-1029 là những người cùng gia đình và tiếp xúc với BN 1017, địa chỉ tại Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Hiện tất cả các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang.

Tính đến 18 giờ ngày 25-8, Việt Nam có tổng cộng 687 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 547 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 71.821 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, chiều nay có bốn bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: Hai bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang: BN468, BN919; BN566 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình; BN787 tại Trung tâm Y tế Huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Trong số các ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính đang tăng lên 156 ca với 52 ca âm tính lần 1,67 ca âm tính lần 2 và 37 ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2. (Nhân dân, trang 8)

 

Hà Nội chỉ đạo khẩn phòng chống sốt xuất huyết

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 1.422 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã có trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết. Sở Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời điều trị tích cực cho những trường hợp mắc bệnh.

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 1.422 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã có trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.

Sở Y tế cũng nhận định, dịch bệnh sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, vì vậy yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC), Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết.

Sở Y tế yêu cầu CDC giám sát chặt chẽ chỉ số bọ gậy, muỗi và tình hình bệnh nhân để cảnh báo các đơn vị về nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết. Tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, ngành Y tế yêu cầu tổ chức họp tổ dân phố, cụm dân cư để tuyên truyền trực tiếp cho người dân để người dân chủ động phòng chống dịch.

Củng cố, tăng cường đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch.Rà soát và có kế hoạch bổ sung đầy đủ nhân lực cũng như trang thiết bị, hóa chất để đáp ứng hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Tại các cơ sở khám chữa bệnh cần rà soát, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh, đánh giá đúng tình trạng người bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp.

Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn người bệnh và người nhà biết cách chăm sóc, theo dõi diễn biến người bệnh để có thể xử trí kịp thời. Tích cực theo dõi người bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ, chuyển tuyến kịp thời những ca bệnh nặng, vượt quá khả năng. (Công an nhân dân, trang 1)

 

Hà Nội: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Sốt xuất huyết (SXH) bùng phát trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên nhiều sai lầm mắc phải dẫn tới nguy kịch, tử vong.

Tử vong vì SXH do sợ lây nhiễm Covid-19 

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 1.422 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng 3 tuần gần đây số ca SXH tăng cao và có các ổ dịch diễn biến phức tạp, bao gồm xã Tam Hiệp huyện Phúc Thọ (182 ca), xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (48 ca) và xã Thanh Thùy huyện Thanh Oai (44 ca)… Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, nếu không triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, dịch SXH sẽ có nguy cơ bùng phát trên toàn thành phố.

Riêng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) từ đầu năm tới nay tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp SXH phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Điều đáng lo ngại gần đây là nhiều người nguy kịch, thậm chí tử vong vì SXH do liên quan đến Covid-19.

Điển hình có 1 ca SXH (27 tuổi, ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Ngày 16/8, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, 39 – 40 độ C, đau mỏi người, không ho, không khó thở. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ là đi công tác Đà Nẵng nên ban đầu cả bệnh nhân và bác sĩ đều nghĩ ngay đến Covid-19. Tuy nhiên, khi làm xét nghiệm RT-PCR đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Xét nghiệm công thức máu và test SXH dương tính. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ SXH và sau 4 ngày đã ổn định.

Không may mắn như bệnh nhân trên, nam thanh niên 17 tuổi được chẩn đoán mắc SXH nhưng gia đình không đưa vào viện điều trị vì sợ lây Covid-19, mà ở nhà truyền dịch. Khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút, sau khi được cấp cứu, ép tim, tim đã đập trở lại. Ngay sau đó, bệnh nhân tiếp tục ngừng tim lần 2, tiếp tục được cấp cứu và đặt ECMO. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong sau 2 ngày vào viện do suy đa tạng.

Biểu hiện giống nhau dễ chẩn đoán nhầm

PGS.TS Đỗ Huy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như sốt, đau đầu, đau mỏi người. SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19, ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

SXH nếu phát hiện sớm rất dễ điều trị, chỉ cần hạ sốt, truyền dịch và bổ sung vitamin là khỏi. Nhưng nếu có các biến chứng, điều trị sẽ rất khó khăn phức tạp. Vì vậy, để tránh gặp các biến chứng nguy hiểm, những người bị sốt cao 39 độ C (đặc biệt là những người trong vùng có dịch) cần đi khám ngay để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Thông thường, trong 10 trường hợp bị SXH, chỉ một đến 3 trường hợp trở nặng (có biến chứng) mới phải nhập viện, còn lại được theo dõi điều trị tại nhà.

Các chuyên gia cảnh báo, dù có sốt cao cũng tuyệt đối không được tự ý tăng liều, tăng số lần thuốc giảm sốt vì quá liều dễ gây tổn hại gan, ngộ độc. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh nặng kéo dài, phù nề, suy tim. Cần đặc biệt chú ý ngay cả khi hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6), bệnh có thể trở nặng và sốc (người lừ đừ, đau bụng, nôn ói, tay chân lạnh, tiểu ít, xuất huyết chân răng, nôn ra máu và đi tiêu phân đen) dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. (Khoa học & đời sống, trang 3)

 

Trẻ liên tiếp nhập viện vì sốc sốt xuất huyết

Trong khoảng 2 tuần gần đây, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã nhận liên tiếp 5 trường hợp sốc sốt xuất huyết dengue nặng gồm 3 trẻ lớn và 2 trẻ nhũ nhi, trong đó có 3 bệnh nhi sốc nặng kèm suy hô hấp.

PGS. TS. BS Phạm Văn Quang – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc cho biết, trong 5 bệnh nhi này đặc biệt có trường hợp bé 12 tuổi dư cân, béo phì nhập viện trong tình trạng nặng với nhiều nguy cơ.

Tiền sử bệnh cho thấy bé sốt cao liên tục 3 ngày, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Ngày thứ ba, bé than mệt kèm đau bụng nhiều nên nhập Bệnh viện Nhi đồng 1. Tiền căn bé đã từng bị sốt xuất huyết 1 lần cách đây 3 năm.

Bé nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch nặng, mạch, huyết áp không đo được, gan to kèm cô đặc máu nhiều (dung tích huyết cầu 56%). Bé được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ ba và được điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Tuy nhiên do bé có nhiều yếu tố tiên lượng nặng như sốc nặng ngày sớm (ngày thứ ba của sốt xuất huyết), dư cân béo phì, tái nhiễm sốt xuất huyết, tràn dịch đa màng nhiều nên dù được điều trị tích cực, bệnh nhi vẫn diễn tiến nặng gây suy hô hấp, tăng áp lực ổ bụng nặng, tổn thương nhiều cơ quan. Bệnh nhi đã được các bác sĩ tích cực hồi sức sốc bằng dịch truyền, thuốc vận mạch, hỗ trợ thở máy, dẫn lưu ổ bụng để giảm áp lực ổ bụng nhằm tránh tổn thương nhiều cơ quan gia tăng, truyền máu và các chế phẩm của máu để ổn định tình trạng xuất huyết nặng. Sau gần 4 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhi đã ổn định tình trạng huyết động học. Sau đó bệnh nhi được cai máy thở, chỉ còn thở oxy, bé tỉnh táo, chức năng các cơ quan được phục hồi.

BS Phạm Văn Quang lưu ý các bậc phụ huynh là bệnh sốt xuất huyết đã vào mùa. Đây là bệnh lý thường gặp vào mùa mưa, có thể dẫn đến tình trạng trụy tim mạch, suy hô hấp, xuất huyết nặng gây tử vong. Vì vậy, cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Đối với các bệnh nhi bị sốt từ 3 ngày trở lên, nhất là khi có kèm các dấu hiệu xuất huyết ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể (chảy máu mũi, máu răng, chấm xuất huyết ở da…) hoặc đau bụng, nôn ói nhiều thì phải nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết, cần đưa bệnh nhi đến khám tại các cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp. (Nông thôn ngày nay, trang 5)

 

Hơn 126 triệu USD xây dựng, phát triển hệ thống y tế cơ sở ở 13 tỉnh

Dự án sẽ hỗ trợ cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu. Ưu tiên các đối tượng là bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Ngày 25/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến khởi động và ký kết thỏa thuận triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở.

Dự án có tổng vốn là 126,25 triệu USD. Trong đó, vốn vay Ngân hàng thế giới là 80 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại là 25 triệu USD; vốn đối ứng là 21,25 triệu USD.

Dự án được triển khai trong 5 năm (2010-2015) tại 13 tỉnh gồm: Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hào Bình, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Ninh Thuận.

Mục tiêu chung của Dự án là nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh dự án. Hỗ trợ cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu.

Ưu tiên các đối tượng là bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Cụ thể, dự án xây mới 138 trạm y tế xã và cải tạo nâng cấp 325 trạm y tế, cải tạo nâng cấp 12 trung tâm y tế huyện thuộc 13 tỉnh dự án. Cung cấp trang thiết bị cần thiết cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở.

Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về các nội dung: Truyền thông giáo dục sức khỏe; bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống bệnh, dịch; kiểm tra, phát hiện sớm, quản lý một số bệnh không lây nhiễm; khám chữa bệnh…

Đổi mới hoạt động tại trạm y tế xã bao gồm: Bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống bệnh, dịch; kiểm tra phát hiện sớm một số bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường; khám chữa bệnh… theo nguyên lý y học gia đình.

Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng, áp dụng một số chính sách và các sáng kiến đổi mới nhằm tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tại trạm y tế xã và kết nối với trung tâm y tế huyện và các cơ sở tuyến trên.

Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn, thông qua việc triển khai có hiệu quả của Dự án này sẽ giúp đổi mới hệ thống cơ sở y tế, thực hiện đồng bộ các giải pháp và hoàn thành các cấu phần phát triển hoạt động mạng lưới y tế cơ sở trong giai đoạn 2020- 2024, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tại Hội nghị, đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận thực hiện dự án giữa Bộ Y tế và đại diện một số tỉnh dự án là Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Kạn. Công an nhân dân, trang 1

Dỡ phong tỏa Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng

Chiều 25/8, UBND TP.Đà Nẵng đã có quyết định dỡ bỏ phong tỏa Bệnh viện Đà Nẵng, sau gần 1 tháng bệnh viện này bị phong tỏa sau khi xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 tại đây.

Đúng 16h ngày 25/8, cổng chính bệnh viện chính thức được mở cửa, nhiều y – bác vỡ òa trong hạnh phúc. Có mặt tại bệnh viện, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến gửi lời chúc mừng và trao quyết định dỡ phong toả cho lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng.

Bác sĩ Lê Đức Nhân – Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, đến nay, Bệnh viện Đà Nẵng đã có đầy đủ các tiêu chuẩn để dỡ bỏ phong tỏa… (Nông thôn ngày nay, trang 5.)

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 02/10/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 20/8/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận