Điểm báo ngày 27/12/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 27/12/2018

Bộ Y tế công bố 9 sự kiện tiêu biểu ngành y tế 2018; Nhiều tiện ích khi ứng dụng phần mềm quản lý y tế tuyến cơ sở

 

Bộ Y tế công bố 9 sự kiện tiêu biểu ngành y tế 2018

  1. Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong sản xuất vắcxin cúm mùa “3 trong 1”; vắcxin sởi do Việt Nam sản xuất được Chủ tịch JICA trao giải thưởng quốc tế.

Ngày 25.9, Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế (IVAC – Bộ Y tế) phối hợp với các bên liên quan công bố thử nghiệm thành công vắcxin cúm mùa “3 trong 1” gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc xin cúm tiền đại dịch A/H5N1.

Đây là loại vắcxin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí. Cùng với đó, quy trình sản xuất vắcxin sởi, vắcxin phối hợp Sởi – Rubella được hoàn thiện, sản xuất vắcxin chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được nhận giải thưởng của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

  1. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận Việt Nam là quốc gia đã loại trừ được bệnh giun chỉ bạch huyết.

Từ năm 2002, Chương trình Loại trừ giun chỉ bạch huyết tại Việt Nam đã được triển khai và thực hiện trên toàn quốc theo hướng dẫn của WHO. Năm 2018, Bộ Y tế đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện và thấy rằng Việt Nam đã loại trừ giun chỉ bạch huyết đạt tiêu chuẩn của WHO.

  1. Việt Nam được nhận giải thưởng toàn cầu của Quỹ Bloomberg vì những nỗ lực và thành tích trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá, tại Hội nghị toàn Thế giới về “Thuốc lá hay sức khoẻ” lần thứ 17 và nhận giải thưởng toàn cầu của Quỹ Bloomberg về kiểm soát thuốc lá (Global Award on Tobacco Control). Hội nghị có sự tham gia của trên 100 quốc gia với hơn 2.000 đại biểu.
  2. Lần đầu tiên, các chuyên gia Việt Nam thực hiện ghép phổi thành công và tiến hành lấy đồng thời 6 tạng từ cùng một người cho chết não để ghép cho 5 bệnh nhân.

Kíp mổ với thành phần 100% các thầy thuốc của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não. Sau hơn 10 ngày, tất cả 6 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.

  1. Tỉ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,5%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao.

Tính đến nay, trên 82 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 87,5% dân số, vượt 2,3% so với chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

  1. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc.

Tất cả 63 tỉnh/thành phố trong cả nước đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Thủ tướng về ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 15.178 cơ sở bán lẻ thuốc; đã có 2.787 cơ sở kết nối liên thông với cơ quan quản lý; chuẩn hóa được 55.000/ 60.000 danh mục thuốc y tế.

  1. Năm đầu tiên, xây dựng mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, theo hướng hội nhập quốc tế để tiến tới nhân rộng toàn quốc.
  2. Cắt giảm trên 70% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và 98% các lô hàng nhập khẩu thuộc Bộ Y tế quản lý không thông qua kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu.

Tổng ước tính sau khi cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân hơn 8,5 triệu ngày công/năm, khoảng 3.332,5 tỉ đồng/ năm (chưa tính các lợi ích khác từ cơ hội kinh doanh).

  1. Năm đầu tiên Việt Nam chuyển đổi vắcxin Quinvaxem sang sử dụng vắcxin ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Do nhà sản xuất tại Hàn Quốc ngừng sản xuất vắcxin Quinvaxem nên Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng vắcxin ComBE Five có thành phần và hiệu quả phòng bệnh tương đương vắcxin Quinvaxem. (Lao động, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Nhiều tiện ích khi ứng dụng phần mềm quản lý y tế tuyến cơ sở

Nhằm giúp công tác quản lý ở tuyến y tế cơ sở một cách hiệu quả, Sở Y tế Ðác Lắc triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc”. Ðến nay, sản phẩm của đề tài là phần mềm với tên gọi MMS.NET được ứng dụng tại tất cả 184 trạm y tế trên địa bàn đã cho thấy có nhiều tiện ích, từ việc tra cứu thông tin, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh đến liên thông trong thanh toán bảo hiểm y tế…

Bác sĩ Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Ðác Lắc, chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Phần lớn các công ty phần mềm tại Việt Nam chỉ tập trung xây dựng các giải pháp quản lý áp dụng ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, còn tại các trạm y tế tuyến xã, phường chưa được quan tâm. Ðiều đó dẫn đến số liệu báo cáo không đồng nhất, sai số nhiều… làm cho công tác quản lý gặp khó khăn. Tại các trạm y tế, việc tính toán và xử lý số liệu báo cáo thủ công, mất quá nhiều thời gian của cán bộ y tế làm cho công tác khám, chữa bệnh bị ảnh hưởng và hao tốn nguồn lực, làm trái chuyên môn được đào tạo. Ðứng trước bối cảnh đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần xây dựng một công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý tại tuyến y tế cơ sở. Nếu triển khai thành công thì khi tích hợp vào hệ thống quản lý tuyến trên hoặc tiếp tục nâng cấp xây dựng các mô-đun bổ sung cho tuyến trên như bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương… sẽ giúp có được giải pháp quản lý hoàn thiện cho cả một hệ thống.

Ðề tài phần mềm quản lý hoạt động y tế với tên gọi sản phẩm MMS.NET được Hội đồng Khoa học tỉnh Ðác Lắc phê duyệt vào tháng 10-2014 và được nghiệm thu từ tháng 6-2015. Ðến nay, phần mềm MMS.NET phiên bản dành cho trạm y tế đã chính thức được chuyển giao và triển khai nhân rộng đến tất cả 184 trạm y tế và 15 trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc. Thực tế khi áp dụng phần mềm này không chỉ hữu ích trong quản lý khám, chữa bệnh, rút ngắn thời gian tổng hợp, thống kê số liệu cho nhân viên y tế mà còn đạt độ chính xác cao về số liệu thanh, quyết toán bảo hiểm y tế (BHYT); khớp số liệu tồn kho, tránh thất thoát chứng từ, góp phần giảm bồi thường thiệt hại. Việc triển khai phần mềm này giúp tiết kiệm chi phí đầu tư mua bản quyền sử dụng hoặc thuê mướn sản phẩm công nghệ; bảo đảm tính kế thừa lâu dài, đáp ứng kịp thời nhu cầu quản lý của ngành, bảo đảm tính chuyên ngành và bảo mật thông tin theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Ðáng chú ý, MMS.NET đã phát triển tích hợp hoàn thiện với ba phiên bản. Ngoài phiên bản dành cho trạm y tế, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện phiên bản thứ hai dùng cho bệnh viện tuyến huyện và phiên bản thứ ba tích hợp theo hướng kết nối thành một hệ sinh thái y tế. Ứng dụng có khả năng đáp ứng đa tuyến, đa nền tảng, đa người dùng với kỳ vọng hướng đến một phần mềm thông minh mang nhiều yếu tố trí tuệ nhân tạo nhưng không làm mất đi tính kế thừa từ phần mềm lõi. Phiên bản thứ ba giúp cho cán bộ điều dưỡng, y tá có thể cập nhật thông tin chăm sóc và điều trị người bệnh tại giường bệnh; bác sĩ có thể duyệt lại y lệnh và phiếu lĩnh thuốc thông qua giao diện điện thoại thông minh, máy tính bảng.

Bác sĩ Quang Quốc Hải, Trưởng trạm y tế xã Cuôr Knia (huyện Buôn Ðôn) cho biết, sau khi ứng dụng hệ thống CNTT với phần mềm quản lý MMS.NET đã giúp cán bộ y tế chỉ trong thời gian ngắn cập nhật được thông tin người bệnh, về những lần khám trước đó; các mã siêu âm, xét nghiệm đều đã có sẵn cho nên rất thuận lợi. Khi chưa có phần mềm này, các thông tin người bệnh đều viết bằng tay, vừa chậm, dễ sai sót và mất thời gian lục tìm hồ sơ khi cần. Với việc ứng dụng CNTT, thì chỉ cần nhập mã số của người bệnh thì tất cả thông tin liên quan đều có đầy đủ, kể cả tiền sử bệnh, những lần khám trước đó, các thuốc đã sử dụng… vừa giảm thời gian lục tìm hồ sơ, viết tay rất lâu như trước kia. Ðáng chú ý, danh mục thuốc cũng cập nhật đầy đủ, thông tin thẻ BHYT được lưu trữ… tránh những sai số có thể dẫn đến xuất toán.

Sau năm tháng triển khai phần mềm quản lý mới, bác sĩ Phan Thị Tuyết, Trưởng trạm Y tế xã Tân Hòa (huyện Buôn Ðôn) cho biết, ưu việt của phần mềm không chỉ tiết kiệm thời gian mà quan trọng hơn, giúp bác sĩ quản lý được bệnh sử của người bệnh. Chưa kể, hiện nay khám thông tuyến đã được áp dụng, giúp các bác sĩ cập nhật được số lần người bệnh khám, qua đó quản lý được bệnh, thuốc. Phần mềm mới cũng tăng sự thuận lợi cho thống kê, báo cáo do hiển thị rõ ràng các danh mục, gồm cả thuốc hết, thuốc tồn kho… để kịp thời bổ sung; chỉ định cận lâm sàng nhanh chóng.

Việc ứng dụng CNTT tại hệ thống trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc đã đem lại nhiều lợi ích, giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế nhanh, giảm thời gian chờ đợi và mọi thông tin đều công khai, minh bạch, tạo lòng tin, giúp người bệnh gắn bó với trạm y tế xã, không bỏ lên tuyến trên điều trị. Mọi thông tin đều được cập nhật trên hệ thống và được liên thông giữa các trạm y tế giúp mọi người đều có thể giám sát việc khám, ra chỉ định thuốc của bác sĩ, qua đó sẽ hạn chế được tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm, góp phần nâng cao trách nhiệm, trình độ của bác sĩ trong quá trình điều trị. Ước tính triển khai phần mềm này đã tiết kiệm cho nguồn ngân sách địa phương khoảng gần 10 tỷ đồng để mua bản quyền sử dụng hoặc thuê bao dịch vụ CNTT cho mô-đun liên thông thanh toán BHYT.

Ứng dụng phần mềm MMS.NET đã góp phần không nhỏ đưa chỉ số ứng dụng CNTT của ngành y tế Ðác Lắc vào tốp năm toàn quốc về việc trích xuất dữ liệu liên thông thanh toán BHYT. Ðề tài ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý trạm y tế và chuyển giao ứng dụng ở 184 trạm y tế của tỉnh Ðác Lắc đã đoạt giải Sáng tạo Khoa học công nghệ và giải Sao Khuê và được đại diện Việt Nam dự thi quốc tế tại Hàn Quốc. Với những tiện ích mang lại, ngành y tế Ðác Lắc đã xây dựng lộ trình tiếp tục mở rộng, nhân rộng phần mềm này đến năm 2030. (Nhân dân, trang 5).

 

Chủ nhật Đỏ 2019 sẽ diễn ra ở 39 tỉnh/ thành phố dự kiến tiếp nhận 50.000 đơn vị máu

Theo Viện trưởng Viện huyết học – Truyền máu Trung ương Bạch Quốc Khánh, nhu cầu máu cho cấp cứu điều trị vào dịp cuối năm, nhất là thời điểm trước và sau Tết nguyên đán luôn tăng mạnh, dẫn đến nguy cơ thiếu máu điều trị cục bộ…

Sáng nay, 26-12, tại trường Đại học Bách khoa (Hà Nội) đã khai mạc Ngày hội hiến máu tình nguyện mang tên “Bách khoa nghìn giọt hi vọng lần thứ XXIII năm 2018”. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày hội Chủ nhật Đỏ lần thứ 11 do Báo Tiền Phong khởi xướng và tổ chức thường niên từ năm 2009 đến nay.

Cũng trong sáng nay, tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Báo Tiền phong đã phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức họp báo thông tin về ngày hội “Chủ nhật đỏ” lần thứ 11 năm 2019.

Theo đó, vào 6-1-2019 tới đây, Ngày hội chính của “Chủ nhật đỏ” năm 2019 sẽ được tiến hành tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu điều trị trầm trọng tại các cơ sở y tế trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Với sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, đơn vị, Chủ nhật Đỏ 2019 sẽ có gần 70 điểm hội hiến máu được tổ chức tại 39 tỉnh/ thành phố trên cả nước, tăng mạnh về số lượng so với năm 2018, dự kiến tiếp nhận khoảng 45.000 – 50.000 đơn vị máu.

Trong đó nhiều tỉnh/thành phố sẽ phấn đấu tiếp nhận được hàng nghìn đơn vị máu như: Hà Nội: 6.000 đơn vị; TP Hồ Chí Minh: 3.000đơn vị, Đắk Lắk 3.800 đơn vị, Tổ hợp Samsung Việt Nam: 3.000 đơn vị, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Nguyên đều đăng ký trên 1.000đơn vị…

Phát biểu tại buổi họp báo, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, theo thống kê lượng máu tiếp nhận được trên cả nước năm 2018 tiếp tục tăng, ước đạt 1,4 triệu đơn vị máu, tỷ lệ dân số tham gia hiến máu đạt xấp xỉ 1,6%. Lượng máu này đáp ứng được trên 60% nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị và dự phòng tại các địa phương.

Tuy nhiên, thời điểm cuối năm như hiện nay, nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị luôn tăng mạnh trong khi lượng người hiến máu thường giảm (thời điểm này học sinh sinh viên bước vào mùa thi nên ít đi hiến máu hơn), cũng vì thế có thể xảy ra tình trạng thiếu máu cục bộ tại một số địa phương, nhất là các thành phố lớn tập trung nhiều cơ sở điều trị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

“Cũng vì thế, chúng tôi mong muốn không cứ là trong tháng 1, không cứ là chủ nhật thì mới tổ chức Chủ nhật đỏ mà tổ chức hiến máu một cách kịp thời khi diễn ra tình trạng thiếu máu” – TS Bạch Quốc Khánh nói.

Được biết, trong gần 1 tháng diễn ra Chủ nhật đỏ năm 2019 tới đây, rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, hoa hậu, người đẹp sẽ đến tham dự và ủng hộ chương trình tại nhiều điểm hiến máu khác nhau. (An ninh thủ đô, trang 6; Hà Nội mới, trang 5).

 

Cấy ghép năm tạng cùng một thời điểm cho bốn bệnh nhân

Vào ngày 12/12 vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công một loạt các ca phẫu thuật lấy – ghép nhiều tạng đặc biệt từ một người cho đa tạng chết não.

Theo đại diện bệnh viện Việt Đức, đây là ca ghép tạng đầu tiên bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công kỹ thuật ghép 2 phổi từ người cho chết não, với kíp mổ là các thầy thuốc của bệnh viện.

Đại diện bệnh viện Việt Đức cũng cho hay, đây cũng là đầu tiên tại Việt Nam và bệnh viện Việt Đức đã tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở TP.HCM. Đến thời điểm này, sau hơn 10 ngày được ghép tạng, tất cả 6 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch – lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân được ghép phổi là bệnh nhân N.V.Đ (nam, 17 tuổi) được chuyển đến bệnh viện Việt Đức từ Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất nặng phải nằm trên giường thở ôxy liên tục.

Bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh mô bào phổi giai đoạn cuối với tiên lượng tử vong rất cao và giải pháp điều trị duy nhất trên thế giới là phẫu thuật ghép 2 phổi. Ngay sau khi đánh giá yếu tố phù hợp, các bác sĩ của bệnh viện Việt Đức đã tiến hành ca ghép phổi cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật ghép phổi bắt đầu được thực hiện từ 9h và kết thúc lúc 23h cùng ngày đúng theo các Quy trình chuyên môn chi tiết đã được các thầy thuốc bệnh viện soạn thảo và Hội đồng khoa học bệnh viện phê duyệt.

Ngoài ca ghép phổi, bệnh nhân ghép tim là một nam bệnh nhân 60 tuổi, mắc bệnh cơ tim giãn nở giai đoạn cuối, đang điều trị hồi sức tích cực và nguy cơ tử vong rất cao trong vòng 1 tháng nếu không có tim hiến để ghép. Đến thời điểm này, bệnh nhân đã ngồi dậy ăn uống và sinh hoạt tại phòng cách ly sau ghép tim. Cùng đó, một bệnh nhân ghép gan và 1 ghép thận cũng đã ổn định sau ghép tạng.

Điểm khá đặc biệt của ca ghép đa tạng này là một bệnh nhi nam, 15 tuổi, mắc suy thận giai đoạn cuối ở bệnh viện Nhi đồng II, TP.HCM được Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia hỗ trợ điều phối “xuyên Việt” chuyển 1 quả thận lấy từ người cho đa tạng chết não tại BV Việt Đức và ghép thành công (vận chuyển thận bằng đường hàng không). Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tự thở tốt, ăn uống được.

Tính đến 24/12/2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi. Riêng bệnh viện Việt Đức đã thực hiện 756 ca ghép tạng, trong đó có 1 ca ghép phổi, 19 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan. (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Gần 50% người trên 25 tuổi ở Việt Nam bị tăng huyết áp

Sáng 26-12, tại chương trình giao lưu tọa đàm về sức khoẻ tim mạch, GS-TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, cho biết trong các bệnh tim mạch thì tăng huyết áp (THA) là loại bệnh lý phổ biến nhất và tỉ lệ mắc bệnh này cũng gia tăng.

Theo GS-TS Nguyễn Lân Việt, nếu như những năm 1970 chỉ có khoảng 2 % người lớn bị THA thì những năm 1990 là 11% và năm 2008 nghiên cứu dịch tễ học cho thấy có tới 25,1% người trưởng thành mắc bệnh THA. Gần đây nhất, một nghiên cứu tại cộng đồng do Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành điều tra dịch tễ học THA tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng miền trên toàn quốc cho thấy tỉ lệ THA đã lên tới 47,3% ở những người trên 25 tuổi, tương đương gần 20,8 triệu bệnh nhân. Tức là cứ 2 người trưởng thành có 1 người bị THA.

GS-TS Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh đây là con số báo động đỏ trong thời điểm hiện tại. Trong số những người mắc bệnh THA thì tỉ lệ ở nam giới cao hơn (47%), trong khi nữ giới là 42%. Căn bệnh này hiện nay không chỉ là bệnh của người cao tuổi mà rất nhiều người trẻ 20 – 30 tuổi đã bị THA.

Theo ông Nguyễn Lân Việt, nguy hiểm hơn, trong số gần 21 triệu bệnh nhân THA, chỉ có 17,7% kiểm soát được huyết áp của mình, tức là duy trì huyết áp ở mức dưới 140/90mmHg. Còn lại hơn 82% chưa được kiểm soát đầy đủ, trong đó có khoảng 8,1 triệu người không biết mình có bệnh, 0,9 triệu người biết mình có bệnh nhưng không điều trị và 8,1 triệu người điều trị nhưng huyết áp không kiểm soát đầy đủ.

Theo GS-TS Nguyễn Lân Việt, THA được đánh giá là một trong 4 loại bệnh không lây nhiễm nhưng lại có số ca tử vong, người mắc bệnh ngày càng cao, các bệnh lý về tim mạch đang là mối đe dọa của người Việt Nam.

Nguyên nhân của bệnh có thể do tuổi tác, di truyền, thế nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chính lối sống vội vàng, căng thẳng, môi trường làm việc văn phòng lười vận động cùng chế độ ăn uống thiếu khoa học đã khiến độ tuổi mắc bệnh lý về tim ngày càng trẻ hóa. “THA là một vấn đề thường gặp trong cộng đồng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm bởi đây được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Trong khi đó, người bệnh THA lại hay có nhiều bệnh lý khác đi kèm như: béo phì, tiểu đường, rối loạn lipid máu… làm cho việc khống chế số đo huyết áp càng khó khăn hơn. Khi mắc bệnh nó hiếm khi gây ra các triệu chứng khiến nhiều người không hề nhận thấy họ đang mắc phải, chính vì thế người bệnh thường tử vong do các biến chứng như suy tim và đột quỵ não” – GS Việt cảnh báo.

Để phòng bệnh, chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam khuyến cáo người dân cần giảm ăn mặn bằng việc hạn chế ăn cà muối, dưa muối, cá khô, các thực phẩm đông lạnh… vì ăn quá mặn sẽ THA; giảm ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol và mỡ động vật bởi các thực phẩm này sẽ dẫn đến nguy cơ bị xơ vữa động mạch; cùng đó uống nhiều rượu, bia, đặc biệt là hút thuốc lá, thuốc lào làm tổn thương nội mạc, gây xơ vữa và gây ra rất nhiều bệnh lý tim mạch.

Ngoài ra, GS-TS Nguyễn Lân Việt cũng lưu ý người dân ngay từ khi còn trẻ cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Thông qua khám sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm cơ bản mọi người có thể phát hiện rất nhiều bệnh và được điều trị sớm. Bên cạnh đó, mỗi người cần tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp (tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày); tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý… (Gia đình & Xã hội, trang 6).

 

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 18/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/4/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/4/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận