Điểm báo ngày 28/7/2022

(CDC Hà Nam)
Không tự ý mua thuốc Tamiflu điều trị cúm; Cảnh giác bệnh viêm não Nhật Bản vào mùa cao điểm; Người mắc đậu mùa khỉ thể nhẹ có thể tự khỏi sau 2-4 tuần; Số ca mắc mới Covid-19 trên cả nước tiếp tục tăng; Không khuyến cáo tiêm đại trà vaccine đậu mùa khỉ cho người dân

Không tự ý mua thuốc Tamiflu điều trị cúm

Cúm A đang gia tăng với số ca bất thường so với mọi năm. Tình trạng này dẫn đến việc kit xét nghiệm cúm A và thuốc Tamiflu điều trị cúm trở thành mặt hàng được nhiều người tìm mua. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, nên ứng xử bình tĩnh với cúm A như nhiều căn bệnh viêm đường hô hấp trên khác.

Tháng 6 trở về trước thuốc Tamiflu trên thị trường có giá bán phổ biến khoảng 450.000 đồng/hộp, đến nửa đầu tháng 7 đã tăng lên 520.000 đồng/hộp. Tại một số cửa hàng thuốc ở khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), các nhà thuốc đều “cháy” mặt hàng Tamiflu và chưa hẹn ngày có thuốc để bán. Một số cửa hàng trả lời thẳng, giá thuốc tăng cao không phải do hãng cung cấp tăng giá mà do tình trạng các mối buôn ôm hàng, tác động tới thị trường.

Ngoài ra kit xét nghiệm cúm A cũng được rao bán đầy rẫy trên các chợ thuốc online với giá từ 70.000-80.000 đồng/hộp. Chủ một hàng thuốc tại phố Khâm Thiên (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày, cửa hàng này bán 40-60 kit test, thậm chí nhiều thời điểm hết hàng.

Theo dõi sát diễn biến của trẻ

TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý mua thuốc Tamiflu cho trẻ sử dụng. “Đây là thuốc dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào dịch cúm A/H1N1 năm 2009 cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ kể từ lúc có triệu chứng sốt thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng. Cách đây vài năm, tại một hội nghị cúm ở Singapore, một báo cáo cho biết, sau năm ngày dùng Tamiflu, vẫn có tới gần 60% số em bé có virus cúm ở trong họng, sau mười ngày vẫn còn 30-40%”, bác sĩ Hải thông tin.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai): “Cúm là bệnh thông thường, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Một số trường hợp nặng có thể gây biến chứng như co giật, tổn thương gan, thận, phổi, gây tử vong nhanh do suy hô hấp và viêm cơ tim. Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi; người trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai là những đối tượng dễ bị virus cúm tấn công nhất. Ngoài ra, cần lưu ý những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, thiếu máu, suy giảm miễn dịch…”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM) cho rằng không thể xem đây là loại cúm mới hay cúm lạ. Việc số lượng lớn bệnh nhân cúm A được xác định xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng thấp do trẻ trong hơn hai năm qua ít mắc bệnh, nhiều gia đình cũng không tiêm ngừa vắc xin cúm. Thứ hai, trước đây kit test không được dùng đại trà như bây giờ nên có thể không “vạch mặt, chỉ tên” các ca mắc cúm A.

“Không nên quá lo lắng về cúm A mà hãy ứng xử với căn bệnh này như khi trẻ sốt, viêm đường hô hấp trên thông thường. Cha mẹ cần theo dõi, nếu trẻ tỉnh táo, bệnh có thể tự hết. Nếu ho nhiều, sốt cao thì phải đưa đi bác sĩ để thăm khám. Cúm A hay không cúm A không quan trọng, cuối cùng vẫn phải theo dõi sát diễn biến bệnh ở trẻ và tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ”, bác sĩ Khanh phân tích.

Bác sĩ Hải nhấn mạnh, thực tế, không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống thuốc này mà bệnh sẽ tự khỏi. Hơn thế, việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ vì thuốc này thường chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng. Sau 48 giờ, bệnh nhân cúm chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng. Thuốc Tamiflu không dùng đại trà vì đa số người mắc cúm tự khỏi. Bác sĩ cũng lưu ý người dân cần hết sức cẩn thận vì thuốc có tác dụng phụ. Các chuyên gia dịch tễ chung quan điểm không nên lạm dụng mua kit test để kiểm tra tại nhà vì không cần thiết. “Vấn đề quan trọng khi trẻ mắc cúm A là phải chú ý hạ sốt cho trẻ, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế người lớn tiếp xúc với em bé làm bé có bội nhiễm cao hơn. Cùng với đó, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng đề kháng ở trẻ”, bác sĩ Hải khuyến cáo (Tiền phong, trang 4).

Cảnh giác bệnh viêm não Nhật Bản vào mùa cao điểm

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội ngày 27-7 thông tin, vừa ghi nhận 1 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản là bé gái 5 tháng tuổi ở phường Dương Nội, quận Hà Đông. Sau khi được điều trị tích cực, hiện tại sức khỏe của bé đã ổn định.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 3 ca mắc viêm não Nhật Bản. Vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi Culex Tritaeniorhynchus. Ở Việt Nam, loài muỗi này sinh sản mạnh nhất từ tháng 3 đến tháng 7, 8, 9 trong năm, vì vậy, bệnh viêm não Nhật Bản cũng gia tăng trong các tháng này là nhiều nhất.

Do đó, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng viêm não Nhật Bản. Cụ thể, mũi 1 tiêm khi trẻ được 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 tiêm sau 1 năm tiêm mũi 2. Sau đó, trẻ nên tiêm nhắc lại sau 3-4 năm/lần cho đến khi được 15 tuổi (Hà Nội mới, trang 1).

Người mắc đậu mùa khỉ thể nhẹ có thể tự khỏi sau 2-4 tuần

Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế nghiệm thu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người” vừa có cuộc họp thảo luận các nội dung và thống nhất sớm trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành hướng dẫn này. Theo đó, hội đồng thống nhất chia các thể lâm sàng của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thành 3 thể: không triệu chứng, nhẹ và nặng. Trong đó, ở thể nhẹ, các triệu chứng thường hết sau 2-4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.

Ở thể nặng, bệnh thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch) có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh. Bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn da, với biểu hiện có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục; có thể bị viêm phổi với các triệu chứng như: ho, tức ngực, khó thở. Trong khi đó, bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết, WHO không khuyến cáo sử dụng vaccine đậu mùa khỉ tiêm đại trà cho người dân (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

Số ca mắc mới Covid-19 trên cả nước tiếp tục tăng

Ngày 27/7, bản tin phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế cho biết số ca Covid-19 mới trên cả nước tăng lên 1.761, cao hơn ngày trước đó 301 ca. Số bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày là 7.516 người. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.772.980 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.678 ca nhiễm). Ngày 27/7/2022, Sở Y tế Quảng Trị đăng ký bổ sung 911 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung thông tin (Nhân dân, trang 8).

Không khuyến cáo tiêm đại trà vaccine đậu mùa khỉ cho người dân

Bác sĩ Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, mức độ nguy cơ xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam từ thấp đến trung bình. Bác sĩ Socorro Escalante nhắc lại, mới đây, Tổng giám đốc WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 14.500 ca được báo cáo với WHO từ 72 quốc gia ở tất cả 6 khu vực.

Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Thế nhưng theo vị đại diện của WHO tại Việt Nam, nguy cơ những làn sóng mới và sự gia tăng mới của ca bệnh đậu mùa khỉ là hoàn toàn có thể.

Về vấn đề vaccine phòng bệnh, bà Socorro cho biết WHO không khuyến cáo sử dụng vaccine tiêm đại trà cho người dân.

Bác sĩ Đỗ Thị Hồng Hiên, Trưởng nhóm đáp ứng khẩn của WHO tại Việt Nam cho biết thêm, Việt Nam nằm trong khu vực Tây Thái Bình Dương có mức nguy cơ xâm nhập của bệnh từ thấp đến trung bình.

Đánh giá này dựa vào các tiêu chí: mức độ trầm trọng của bệnh, nguy cơ ca xâm nhập và nguy cơ lây lan ở khu vực. Đến ngày 21-7, khu vực Tây Thái Bình Dương có 53 ca bệnh được báo cáo từ 6 quốc gia.

Tuy nhiện vị chuyên gia của WHO cũng lưu ý, trên thế giới đang có sự gia tăng ca bệnh rất nhanh, từ hơn 3.000 ca bệnh tại 47 quốc gia vào đầu tháng 5 lên đến hơn 15.000 tính đến thời điểm này tại 72 quốc gia.

Các số liệu báo cáo kể trên có thể còn chưa đầy đủ, quy mô thực tế có thể lớn hơn những gì chúng ta thấy trên báo cáo. Đáng lưu ý, có rất nhiều ca bệnh hoàn toàn không có tiền sử đi lại đến vùng có ca bệnh. Đường lây truyền virus còn nhiều điều cần tiếp tục nghiên cứu.

Bác sĩ Hiên cũng cho biết, phần lớn bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ có triệu chứng lâm sàng nhẹ, có thể hồi phục sau vài tuần. Tuy nhiên có trường hợp có biến chứng do chăm sóc các vết thương trên da, nốt phát ban không tốt.

Một số trường hợp diễn biến nặng ở nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch…

Đáng lưu ý là trong vụ dịch này, rất nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng không điển hình, không phát ban, thậm chí không triệu chứng khiến cho việc nhận biết triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán khó khăn hơn (An ninh thủ đô, trang 6).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 24/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/9/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/8/2022

CDC Hà Nam