Điểm báo ngày 28/9/2021

(CDC Hà Nam)

Thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19: Cho phép nhiều hoạt động kể cả khi có dịch; Mua bán thuốc điều trị COVID-19 trên mạng: Trục lợi trên tính mạng người khác; Hà Nội cho phép thể dục, thể thao ngoài trời từ 28/9; Đề xuất điều chỉnh tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19; Xem xét cấp mã bệnh nhân cho 150.000 ca nhiễm Covid-19 ở TP.HCM

Thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19: Cho phép nhiều hoạt động kể cả khi có dịch

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế ) cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, cho phép nhiều hoạt động được thực hiện kể cả khi có dịch. Theo PGS Nguyễn Thị Liên Hương, hướng dẫn nhằm mục tiêu, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, tử vong do COVID-19; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Hướng dẫn được xây dựng căn cứ trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm và lộ trình mở cửa của gần 40 nước; thực tiễn và quy định phòng, chống dịch tại Việt Nam và tiếp thu ý kiến góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, các bộ, ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp. “Dự thảo hướng dẫn sẽ cho phép nhiều hoạt động được thực hiện kể cả khi có dịch. Thích ứng an toàn có nghĩa là chúng ta không theo đuổi mục tiêu không có ca mắc COVID-19 mà chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng nhưng phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân”, PGS. Hương cho hay.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Quản lý Môi trường y tế, cần duy trì và tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và điều chỉnh linh hoạt với thực tiễn. Cùng với đó các trường hợp mắc trong cộng đồng vẫn cần phải phát hiện sớm, khoanh vùng ở phạm vi hẹp nhất có thể, cách ly, điều trị kịp thời. Những trường hợp F1 cần được cách ly phù hợp để ngăn chặn nguồn lây nhiễm.

Năm chỉ số đánh giá

Dự thảo hướng dẫn có 5 chỉ số, điều kiện khả thi để triển khai tại cấp xã phường cơ bản, gồm: 3 chỉ số nền, bắt buộc, nhằm giảm tỉ lệ tử vong cũng như đảm bảo cho hệ thống y tế có thể sẵn sàng đáp ứng ở mức độ dịch cao nhất và 2 chỉ số phân loại cấp độ dịch. Cụ thể, chỉ số 1 với 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19. Hiện nay tại Việt Nam tỉ lệ tử vong ở người trên 50 tuổi cao nhất, vì vậy cần tập trung tiêm vắc-xin cho đối tượng này để giảm số tử vong. Đây là tiêu chí thể hiện rõ mục đích bảo vệ người cao tuổi, có bệnh lý nền giảm nguy cơ nhiễm bệnh, trở nặng, nhập viện và tử vong.

Theo ước tính, người trên 50 tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất, chiếm hơn 81% tổng số ca tử vong vì COVID-19. Vì vậy, chỉ số này làm rõ định hướng “sống chung an toàn” với dịch COVID-19. Chỉ số 2 là 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có 2 bình ôxy và 100% huyện xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động. Theo Bộ Y tế, đa số ca mắc sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ cần được ngành Y tế hướng dẫn để chăm sóc tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế cấp xã…

Tuy nhiên, nếu công tác chăm sóc, điều trị tại tuyến này không tốt thì tỉ lệ nhập viện cao và cơ hội cứu chữa sẽ khó khăn. Vì vậy, các phương án về ôxy y tế, các trạm y tế lưu động ở tuyến cơ sở là rất quan trọng. Ngoài ra, các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất cần có phương án thiết lập trạm y tế lưu động để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát.

Chỉ số 3 là tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng; bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố. Chỉ số này nhằm đảm bảo hệ thống y tế luôn sẵn sàng đáp ứng ở cấp độ dịch cao nhất để giảm các trường hợp nặng và tử vong ở 3 tầng điều trị. Chỉ số 4 yêu cầu số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đây là chỉ số quan trọng, trực tiếp đánh giá mức độ lây nhiễm trong cộng đồng. Ca mắc tăng nhanh có thể phát sinh thêm các ca mắc khác và tỉ lệ người bệnh trở nặng, tử vong đều có thể tăng theo. Chỉ số 5 là tỉ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng COVID-19. Ở chỉ số cuối cùng này chia làm 2 mức: dưới 70% và từ 70% trở lên người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin. Bà Nguyễn Thị Liên Hương cho biết thêm, căn cứ vào các chỉ số này để phân loại các cấp độ dịch, gồm 4 cấp: cấp 1 (nguy cơ thấp- bình thường mới, tương ứng với màu xanh); cấp 2 (nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng); cấp 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam); cấp 4 (nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ). Theo đó, chỉ số bắt buộc áp dụng nếu không đạt được trên 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin, phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc). Hiện dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đang được lấy ý kiến. Trên tinh thần tiếp thu, Bộ Y tế sẽ sớm hoàn chỉnh trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Tiền phong, trang 3).

Mua bán thuốc điều trị COVID-19 trên mạng: Trục lợi trên tính mạng người khác

Liên quan đến tình trạng mua bán thuốc kháng virus điều trị COVID-19 diễn ra công khai trên mạng xã hội với giá từ 4-7 triệu đồng/hộp, phóng viên báo Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn PGS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của thành phố.

+ Vì sao thuốc kháng virus trở thành mặt hàng đang được quan tâm trên thị trường chợ đen, thưa bà?

– Loại thuốc này đang được doanh nghiệp tài trợ để nhà nước phát miễn phí, điều trị cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người dù chưa là F0 nhưng sẵn sàng chi tiền đề mua trữ sẵn trong nhà. Thuốc thì không biết thật giả thế nào nhưng giá đang bị đẩy lên rất cao, mỗi hộp thuốc đang có giá từ 4 đến 7 triệu đồng. Mua hay không đều là do người dân, tâm lý lo lắng của người bệnh khi chưa tiếp cận được thuốc điều trị hoặc muốn trữ sẵn thuốc của một số người đã gia tăng nhu cầu, vô tình tiếp tay cho những đối tượng mua bán trái phép trục lợi bất chính.

Hiện thuốc bán trên thị trường đều là hàng bị “chôm chỉa” hoặc người được cấp nhưng không dùng mang đi bán hoặc hàng xách tay từ nước ngoài vào. Tuy nhiên, hàng xách tay đã bị cấm vì không được kiểm soát, do đó tất cả các loại thuốc kháng virus bán trên thị trường chợ đen hiện nay đều là bất hợp pháp. Thuốc chưa được cấp phép, chưa được quản lý nên thuốc giả rất dễ trà trộn, người bệnh vừa mất tiền oan vì mua thuốc giá cao, lại nguy cơ rước thêm họa nếu uống phải thuốc giả.

+ Việc mua bán thuốc bất hợp pháp trên mạng xã hội có ảnh hưởng tới hoạt động phân phối thuốc đến người bệnh, thưa bà?

– Những thông tin, hình ảnh các đối tượng sử dụng để quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội cũng chính là thuốc trong chương trình nghiên cứu, chưa được phép mua bán trên thị trường. Thực tế thuốc đang bán trên thị trường chợ đen đang ảnh hưởng đến chính những người làm công tác chuyên môn, hỗ trợ, điều trị F0 tại nhà. Nếu quản lý không tốt, để thuốc bị tuồn ra bên ngoài, mai sau chính những người đang nỗ lực đi cứu bệnh nhân lại có nguy cơ phải lãnh trách nhiệm. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến các túi thuốc phát về địa phương cho F0 vẫn còn chậm.

+ Theo bà thuốc trong chương trình thí điểm đang bán trên thị trường từ đâu mà các đối tượng có được?

– Thủ tục từ phía doanh nghiệp tài trợ thuốc cho hoạt động phòng chống dịch tất cả mọi giấy tờ đều ký nhận rõ ràng, liệt kê đến từng viên. Sở Y tế đã giao thuốc xuống các Trung tâm Y tế quận huyện, từ đây thuốc chuyển tới các trạm y tế tuyến phường xã. Tôi e rằng, đã có một số bệnh nhân sau khi nhận thuốc nhưng không sử dụng mà tuồn ra ngoài bán. Trạm y tế có tuồn ra ngoài hay không thì Sở Y tế phải có trách nhiệm lập các đoàn kiểm tra, đối chiếu. Phải có thuốc được tuồn ra ngoài thì mới có thuốc bán trên thị trường (nếu là thuốc thật). Tuy nhiên, khi chưa có đủ chứng cứ thì không thể kết tội ai được, vấn đề thuốc kháng virus đang mua bán bất hợp pháp đành phải trông chờ vào hoạt động điều tra của cơ quan công an.

+ Việc mua bán thuốc bất hợp pháp có thể gây ra những hệ luỵ gì, thưa bà?

Việc mua bán trái phép thuốc kháng virus có thể gây ra khủng hoảng không cần thiết khi người cần thuốc thực sự thì không có, còn người không cần thuốc lại mua về trữ sẵn nhưng có thể chẳng bao giờ dùng tới. Người không nhiễm virus, không phải F0 thì chẳng có việc gì phải uống thuốc này.

Tuy nhiên, khi tự ý mua, tự ý sử dụng thuốc bừa bãi có thể dẫn tới hậu quả khôn lường, ngay cả những người F0 cũng phải có chỉ định của bác sĩ và thuốc phải có nguồn gốc rõ ràng mới được dùng.

+ Lời khuyên của bà cho cộng đồng và các F0 đang điều trị tại nhà có nhu cầu tiếp cận thuốc kháng virus?

– Người dân đừng tin vào những lời quảng cáo đường mật của các đối tượng bán hàng. Tôi chắc chắn đang có thuốc kháng virus giả trên thị trường chợ đen. Các nhóm đối tượng hoạt động phi pháp đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để buôn bán bất hợp pháp và đẩy giá lên cao một cách bất hợp lý, trục lợi trên chết chóc, sợ hãi của người bệnh.

Nhà nước đảm bảo những người F0 điều trị tại nhà đều được phát thuốc kháng virus điều trị miễn phí khi đáp ứng được các tiêu chí về tình trạng bệnh. Hiện TPHCM tiếp nhận hơn 100.000 liều, đã phân phối về cơ sở nhưng đến nay mới phát hơn 10.000 liều. Điều đó cho thấy, thuốc đang còn nhiều, không thiếu, vấn đề là bệnh nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo tiêu chí để được nhận thuốc (Tiền phong, trang 2).

Hà Nội cho phép thể dục, thể thao ngoài trời từ 28/9

Kể từ 28/9, thành phố Hà Nội cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không quá 10 người. Ngày 27/9, UBND thành phố Hà Nội có văn bản về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, từ ngày 28/9, thành phố cho phép thực hiện một số hoạt động, yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, bắt buộc quét mã QR và các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế và thành phố. Cụ thể, thành phố cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời, nhưng không được tập trung quá 10 người; trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về); cửa hàng may mặc, thời trang, hoá mỹ phẩm.

Sở Y tế phối hợp các đơn vị tiếp tục thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2 – 3 ngày/lần tại các điểm phong toả, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát lây lan dịch bệnh; tiếp tục rà soát các trường hợp chưa được tiêm vắc xin mũi 1 để hoàn thành việc tiêm vét mũi 1; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trường hợp đến thời hạn. UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm và chấp hành các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có việc thực hiện khai báo y tế thường xuyên, cài đặt và quét mã QR tại các cơ sở dịch vụ, kinh doanh, các đơn vị trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh (Tiền phong, trang 15).

Đề xuất điều chỉnh tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19

Ngày 27.9, UBND TP.HCM cho biết đã có văn bản góp ý, bổ sung cho dự thảo hướng dẫn “ Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid- 19” mà Bộ Y tế đang xây dựng, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn TP.HCM. Cụ thể, đối với tiêu chí 1, UBND TP.HCM đề nghị điều chỉnh thành “bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu có máy thở và 5% giường có ô xy điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở y tế, tính theo số ca mắc mới theo dự báo tình hình dịch tại địa phương được đánh giá ở cấp 4 – mức nguy cơ rất cao”. Về chỉ số 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin, TP.HCM kiến nghị điều chỉnh thành: ít nhất 80% người trên 65 tuổi hoặc 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin; đồng thời thống kê những người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh, có kháng thể và sinh miễn dịch trong vòng 6 tháng để tính vào số lượng người được tiêm đủ vắc xin.

Liên quan chỉ số về số ca mắc mới tại cộng đồng trên 100.000 dân/tuần, TP.HCM nhận định chỉ số này phù hợp với những địa phương chưa bị dịch bùng phát, nhưng rất khó đạt đối với địa phương đã có hiện tượng xâm nhập sâu trong cộng đồng. Vì vậy, TP.HCM đề xuất cân nhắc điều chỉnh thay thế chỉ tiêu này thành một chỉ tiêu khác như số trường hợp nặng và tử vong/100.000 dân/tuần.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 bổ sung phần đánh giá an toàn cho các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cao (trên 95%), tỷ lệ tiêm đủ liều đạt mức độ hợp lý thay vì chỉ có 2 mức là dưới 70% và từ 70% trở lên như dự thảo. TP.HCM cũng kiến nghị xem xét cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp nới lỏng hoạt động kinh tế xã hội ở 1 cấp thấp hơn, phù hợp với đặc thù cơ cấu kinh tế và diễn biến dịch tễ, năng lực điều trị của từng địa phương.

Liên quan biện pháp cách ly y tế, UBND TP.HCM đề xuất không cách ly tập trung F1 để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở cách ly tập trung, kiến nghị cho phép địa phương được chủ động và linh hoạt về phương án cách ly F1.

Về cách tính chỉ số ca nhiễm, UBND TP.HCM đề xuất chỉ số ca mắc mới cần định nghĩa rõ là ca PCR, được tính hằng tuần bằng số ca mắc mới phát hiện tại cộng đồng/100.000 dân (không tính trong các cơ sở cách ly tập trung), lấy tỷ lệ trung bình của 2 tuần liên tiếp để quyết định chuyển mức độ nguy cơ. Số lượng xét nghiệm tối thiểu là 1.500 xét nghiệm/100.000 dân trong 28 ngày để đánh giá đúng số ca mắc mới (Thanh niên, trang 3).

Xem xét cấp mã bệnh nhân cho 150.000 ca nhiễm Covid-19 ở TP.HCM

Ngày 27.9, thông tin từ BYT cho biết, bộ này đang xem xét để chính thức chấp thuận đề nghị của TP.HCM về việc công bố chính thức 150.000 ca test nhanh dương tính như là ca khẳng định. Lãnh đạo Bộ Y tế sẽ có văn bản trả lời chính thức về đề xuất của Sở Y tế TP.HCM về việc này. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang có phương án điều chuyển nhân lực điều trị tại TP.HCM và giảm dần lực lượng hỗ trợ.

Trước đó, theo công văn do Sở Y tế TP.HCM gửi Bộ Y tế, từ ngày 20.8 đến nay, TP.HCM có khoảng 150.000 ca có kết quả test nhanh dương tính Covid-19. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ca xét nghiệm Covid-19 khẳng định (xét nghiệm PT-PCR) thì mới được lấy mã số. Do đó, để có cơ sở chính thức báo cáo các ca test nhanh dương tính với Covid-19, đề nghị Bộ Y tế xem xét và chấp thuận cho TP.HCM công bố chính thức số ca test nhanh dương tính với Covid-19 như là ca khẳng định, để được quản lý bằng mã số quốc gia.

Trả lời báo chí chiều 27.9, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng test nhanh có độ nhạy không cao. Nhưng từ cuối tháng 8, số ca bệnh tăng nhanh, nên về mặt khoa học, một người có biểu hiện lâm sàng của nhiễm Covid-19 và có test nhanh dương tính thì cần nhanh chóng xác định là nhiễm Covid-19 để kịp thời điều trị thay vì chờ RT-PCR sẽ mất 24 giờ (nếu nhanh). Hiện trong danh sách thống kê, chưa có 150.000 ca này. Nếu được Bộ Y tế cấp mã số bệnh nhân cho 150.000 ca nói trên thì TP.HCM sẽ có hơn 526.000 ca bệnh Covid-19, từ đó kéo theo tỷ lệ tử vong/số ca mắc cũng giảm (Thanh niên, trang 3).

Công an TPHCM điều tra cán bộ bán thuốc điều trị COVID-19

Tại buổi họp báo chiều ngày 27/9, Thượng tá Huỳnh Quang Tiến – Phó phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, Công an TP đang điều tra hành vi tham ô tài sản, mua bán thuốc kháng virus Molnupiravir liên quan cán bộ quản lý dược tại Trung tâm Y tế quận Bình Tân và Tân Phú cùng các đối tượng liên quan.

Theo Thượng tá Huỳnh Quang Tiến, thời gian qua, Công an TPHCM đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình, đặc biệt đối tượng lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để cung cấp, phân phối, tiêm vắc-xin phòng COVID-19, mua bán các thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch trái quy định pháp luật… để trục lợi, lừa đảo.

Qua đó, Công an TPHCM đã phát hiện, tích cực điều tra, khám phá 6 vụ có liên quan, gồm: 2 vụ việc trục lợi liên quan tiêm ngừa vắc-xin phòng COVID-19; 1 vụ mua, bán thuốc kháng virus Molnupiravir trái phép; 2 vụ việc sử dụng tài khoản Facebook để lừa đảo cấp giấy đi đường, tiêm vắc-xin, bán thuốc kháng virus và 1 vụ “Sản xuất, buôn bán hàng giả” thuốc tân dược giả các nhãn hiệu có tác dụng phòng ngừa, chữa trị COVID-19.

Công an TP đã khởi tố một vụ án với 3 bị can về sản xuất hàng giả, buôn bán thuốc tân dược giả các nhãn hiệu. Công an TP đang điều tra hành vi tham ô tài sản, mua bán thuốc kháng virus Molnupiravir liên quan cán bộ quản lý dược tại Trung tâm Y tế quận Bình Tân và Tân Phú cùng các đối tượng liên quan.

“Hiện nay Công an TP đã và đang tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác quản lý địa bàn, trinh sát, xác minh bắt giữ một số trường hợp đăng tin quảng cáo, dịch vụ tiêm vắc- xin, rao bán các loại thuốc điều trị COVID-19” – Thượng tá Huỳnh Quang Tiến cho biết (Tiền phong, trang 2).

TP.HCM đề xuất các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Chiều 27.9, tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid- 19 đã làm việc với Thành ủy TP.HCM về dự thảo Chỉ thị điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch và phục hồi kinh tế, xã hội trên địa bàn TP sau ngày 30.9. Dự buổi làm việc có Uỷ viên BCT, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và các Ủy viên T.Ư Đảng: thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía nam; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Dự thảo Chỉ thị xác định bắt đầu từ 0 giờ ngày 1.10.2021, TP thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Chỉ thị nêu rõ: Tiếp tục tạm dừng các hoạt động kd, dịch vụ quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động (trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động); hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác (trừ các trường hợp được phép hoạt động).

Tại buổi làm việc, các đại biểu đều tán thành việc TP chủ động đề xuất dự thảo Chỉ thị điều chỉnh. Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn khiến dịch có thể diễn biến phức tạp, như: việc người dân từ TP trở về nhà dễ lây lan dịch bệnh tại các địa phương; việc ùn tắc tại các chốt cửa ngõ ra vào TP; người dân ở các tỉnh, thành trở về TP trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin ở các tỉnh ĐBSCL còn hạn chế…

Đánh giá cao việc TP.HCM đã chủ động nghiên cứu, xây dựng Chỉ thị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để tiếp tục giải quyết những khó khăn trên, TP phải tính đến việc tác động liên vùng, phải đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, chủ trì cuộc họp với các tỉnh ĐBSCL để thống nhất biện pháp giải quyết tình huống ùn ứ khi TP nới lỏng.

Phó thủ tướng lưu ý TP cũng phải tính đến việc lo đồng bộ việc làm, nơi ở, an sinh và vắc xin để “giữ chân” người ld từ các địa phương ở lại TP làm việc; tuyên truyền để bà con hiểu đây cũng là biện pháp tốt để mọi người không mang “cái khó khăn” về gia đình và địa phương (Thanh niên, trang 4).

‘Bệnh viện xanh’ đầu tiên ở TPHCM sạch COVID

Ngày 27/9, sau khi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM tiến hành khảo sát, đánh giá lần cuối các tiêu chí an toàn, Bệnh viện Quận 7 đã trở thành “bệnh viện xanh” đầu tiên sau nhiều tháng điều trị COVID-19. Bệnh viện đáp ứng tốt tất cả các tiêu chí theo quy định. Ngày 28/9, đơn vị này sẽ mở cửa tiếp nhận bệnh nhân không nhiễm COVID-19.

Bệnh viện Quận 7 là cơ sở đầu tiên tại khu vực phía Nam Sài Gòn hoạt động bình thường trở lại sau khi đã kiểm soát tốt dịch COVID-19. Đây là cơ sở quan trọng giúp người dân không chỉ trên địa bàn quận mà cả ở những quận huyện khác tiếp cận tốt hơn với dịch vụ khám chữa những bệnh lý thông thường khi có nhu cầu. “Hiện còn một số nhân sự được biệt phái sang bệnh viện dã chiến của quận tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Nhân sự còn lại của bệnh viện chưa đủ quân số so với trước dịch, tuy nhiên về cơ bản sẽ đáp ứng tốt các nhiệm vụ cấp cứu, khám chữa bệnh của các chuyên khoa, phẫu thuật cấp cứu ngoại tổng quát, chấn thương, sản… hoạt động điều trị nội trú cũng sẽ từng bước được thiết lập để chăm sóc tốt nhất cho người bệnh” – TS.BS Nguyễn Thế Vũ, Giám đốc Bệnh viện Quận 7, cho biết.

Nguyên tắc phục hồi công năng của các bệnh viện trên địa bàn thành phố sẽ dựa vào số ca mắc, số ca bệnh nặng, số ca cần nhập viện. Sở Y tế sẽ ưu tiên phục hồi các bệnh viện quận huyện để đảm bảo mỗi quận huyện đều có một bệnh viện đa khoa sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân không COVID-19. Thành phố sẽ tiếp nhận chuyển giao 3 Trung tâm Hồi sức COVID-19 do các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ trên địa bàn để chuyển đổi thành bệnh viện điều trị COVID-19 đa tầng – TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết (Tiền phong, trang 15).

Cảnh giác viêm cơ tim ở trẻ trong dịch COVID-19

Sốt, ho, mệt mỏi, buồn nôn… – những triệu chứng giống như cảm cúm – thường được phụ huynh chủ quan tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, đó cũng chính là những biểu hiện của căn bệnh về tim mạch nguy hiểm, có thể gây tử vong ở trẻ nếu không điều trị kịp thời.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân N.H.K. (15 tuổi), được chẩn đoán viêm cơ tim cấp, sốc tim, rối loạn nhịp chậm (45 lần/phút, block nhĩ thất độ 3). Bệnh nhân được đội ngũ cấp cứu cho thở oxy, dùng thuốc vận mạch tăng nhịp tim và đặt máy tạo nhịp tạm thời, sau khi dùng thuốc không cải thiện.

Tuy nhiên, tình trạng K. ngày càng xấu đi, trụy tim mạch rồi ngưng tim kéo dài hơn 1 giờ, phải tiến hành đặt ECMO. Sau 11 ngày đêm chiến đấu, bệnh nhi mới dần phục hồi, tuy phải cấp cứu ngưng tim hơn 1 giờ nhưng may mắn K. vẫn tỉnh táo và không để lại di chứng não.

Dấu hiệu mơ hồ, tử vong cao

Trong bối cảnh COVID-19 liên tục biến động, những triệu chứng “không đặc hiệu” của viêm cơ tim càng là mối nguy của những “nạn nhân” mang trong mình mầm bệnh, đồng thời cũng gây ra không ít khó khăn cho đội ngũ y tế trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh.

Theo PGS.BS Phạm Văn Quang – trưởng khoa hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, nguyên nhân gây viêm cơ tim cấp chủ yếu là do siêu vi, trong đó thường gặp nhất là Coxsackie nhóm B. Ngoài ra còn có các siêu vi khác như Adenovirus, Influenza (gây cảm cúm), Echovirus (gây nhiễm trùng tiêu hóa), Herpes virus (gây bệnh thủy đậu, zona thần kinh), Rubella (gây phát ban), sởi, quai bị… Bệnh viêm cơ tim cấp cũng có thể gây ra do vi khuẩn, bệnh lý viêm, tự miễn hoặc do thuốc.

“Bệnh nhân mắc viêm cơ tim thường có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, ho, sổ mũi, buồn nôn… Biểu hiện ban đầu gần giống như cảm cúm, nhiễm siêu vi thông thường nên phụ huynh rất dễ bỏ sót.

Nếu bệnh nhẹ sau vài ngày sẽ tự khỏi, nhưng nếu tình trạng trở nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng mệt, ngất, khó thở, đau ngực, tím tái, rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch. Khi đó, cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời”, BS Quang nhắc nhở.

Bệnh viêm cơ tim cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên BS Quang cho biết trong nghiên cứu về viêm cơ tim cấp ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng 1 giai đoạn từ 2011 – 2020, bệnh lý này thường gặp nhất ở trẻ trên 6 tuổi.

Viêm cơ tim ở trẻ em cũng tương tự ở người lớn về nguyên nhân, triệu chứng, điều trị. Tuy nhiên, việc chẩn đoán sớm viêm cơ tim cấp ở trẻ sẽ khó khăn hơn do các triệu chứng ban đầu thường kín đáo, trẻ không thể mô tả chính xác các dấu hiệu như người lớn nên thường nhập viện trễ, khi tình trạng bệnh đã trở nặng.

Cẩn thận viêm cơ tim tối cấp

Là bác sĩ chuyên điều trị các trường hợp viêm cơ tiêm, BS Phạm Văn Quang cho biết tùy nguyên nhân gây viêm cơ tim mà có hướng điều trị riêng nhưng phải điều trị sớm và điều trị đủ thời gian, không để bị loạn nhịp tim, suy tim thì người bệnh mới sống, cơ tim sẽ hồi phục dần và trở lại bình thường.

“Trước đây, khi kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) chưa phát triển thì tỉ lệ tử vong sẽ dao động 30 – 40% nếu do viêm cơ tim cấp nặng, còn viêm cơ tim tối cấp thì tỉ lệ tử vong gần như 100%. Ngày nay, với kỹ thuật ECMO, tỉ lệ cứu sống tăng lên 70 – 80% các trường hợp viêm cơ tim tối cấp mà trước đây hầu như là tử vong”, BS Quang cho biết thêm.

Để phòng ngừa viêm cơ tim ở trẻ em, BS Quang khuyến cáo phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng, giữ vệ sinh ăn uống, tiêm ngừa đầy đủ theo lịch, nhất là các mũi ngừa bệnh bạch hầu, cúm, sởi, quai bị, rubella (Tuổi trẻ, trang 18).

Nguyễn Thị Thanh Huyền tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 05/10/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/4/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/12/2020

CDC Hà Nam