Điểm báo ngày 30/10/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 30/10/2018

 

Hà Nội: Phát hiện hơn 40 mẫu thủy sản chứa dư lượng kháng sinh, chất cấm độc hại; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: Sớm chấm dứt tình trạng cò mồi tại các bệnh viện; Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chi cho ngành Y tế; Sởi bùng phát do quản lý tiêm chủng gặp khó…

 

Hà Nội: Phát hiện hơn 40 mẫu thủy sản chứa dư lượng kháng sinh, chất cấm độc hại

Kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm lấy tại Hà Nội từ đầu năm đến nay đã phát hiện một số mẫu thịt lợn, thịt gà nhiễm khuẩn Salmonella, mẫu rau vượt giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt, có 41 mẫu thủy sản có dư lượng kháng sinh Chloramphenicol, thủy ngân…Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có tổng số 938 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo ATTP. Các đoàn đã thanh tra, kiểm tra 102.098 lượt cơ sở, phát hiện và xử phạt 6.810 cơ sở vi phạm với tổng tiền phạt hơn 25 tỷ đồng, hủy sản phẩm của 120 cơ sở.

Cùng đó, các quan chuyên môn tuyến thành phố đã lấy 1.389 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại Labo xét nghiệm. Kết quả: 1.260/1.389 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh, hóa lý; hơn 120 mẫu không đạt.

Các mẫu không đạt gồm: 4 mẫu thịt lợn, 6 mẫu thịt gà phát hiện Salmonella; 6 mẫu rau vượt giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; 41 mẫu thủy sản dư lượng kháng sinh Chloramphenicol, Ciprofloxacin, thủy ngân, Enrofloxaxin; 2 mẫu quả vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…

Ngoài ra, qua làm xét nghiệm nhanh (test nhanh tại chỗ) với 38.594 mẫu thực phẩm (hàn the, phẩm màu, dấm…), kết quả có 38.107 mẫu đạt, gần 500 mẫu không đạt. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: Sớm chấm dứt tình trạng cò mồi tại các bệnh viện

Sáng 29.10, ngay sau khi nhận được phản ánh của báo Lao Động lật tẩy đường dây bán phiếu khám nhanh “móc túi” người bệnh đang tồn tại ở một số bệnh viện tuyến trung ương, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã lên tiếng về tình trạng này.

Trao đổi với PV Lao Động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, cho biết: “Bộ Y tế hoàn toàn phản đối và rất bức xúc với tình trạng cò môi giới diễn ra tại các bệnh viện. Chúng tôi đề nghị giám đốc các bệnh viện cần tích cực vào cuộc, chỉ đạo sát sao để sớm chấm dứt tình trạng cò mồi tại các bệnh viện, “móc túi” người bệnh”.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, các bệnh viện cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giải quyết tình trạng này. Đồng thời phải phối hợp với cơ quan công an để điều tra, làm rõ sự móc nối, cấu kết giữa cán bộ nhân viên y tế với các đối tượng bên ngoài. Chính điều này đã tạo ra đường dây khám nhanh mà không kiểm soát được về chất lượng khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến uy tín của chính bệnh viện.

“Nếu cán bộ, nhân viên của bệnh viện tham gia vào đường dây “khám nhanh” này thì bệnh viện cần tích cực phối hợp với cơ quan truyền thông trao đổi thông tin, xác minh làm rõ để có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu có sai phạm phải có hình thức kỷ luật, xử phạt mạnh đủ sức răn đe”- Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Sáng 29.10, báo Lao Động đăng tải loạt bài điều tra liên quan đến vấn đề cò mồi lộng hành tại các bệnh viện. Lợi dụng tâm lý người bệnh và sự quá tải ở những phòng khám tại một số bệnh viện lớn tại Hà Nội, nhiều đối tượng đã câu kết với chính nhân viên bệnh viện để “bán” những phiếu khám nhanh tạo thành một đường dây “móc túi” người bệnh.

Tại BV Mắt Trung ương, đối với những vị khách khó tính, không chịu khám trong phòng khám tư, các đối tượng này sẽ móc nối với các bác sĩ để bệnh nhân được khám trong bệnh viện. Các bệnh nhân sẽ được gặp gỡ trực tiếp bác sĩ để khám riêng hoặc “chen chân” vào hàng dài bệnh nhân đang xếp hàng chờ lượt khám.

Còn tại BV Bạch Mai, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân và bệnh cần khám sẽ có người dẫn đi khám, giá cả 1 buổi đưa đi khám nhanh là 5.000 nghìn đồng. Còn nếu nhờ người lấy số khám sớm, muốn gói gọn trong buổi sáng, tổng là 700.000 đồng.

Không chỉ hoạt động lừa lọc bên ngoài bệnh viện và dẫn khách đi đến phòng khám tư, đường dây này còn có những mối quan hệ mật thiết với bác sĩ và trực tiếp ra mặt dẫn mối đến bệnh viện. Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại phòng khám, sử dụng thiết bị của bệnh viện trong giờ hành chính nhưng tiền khám chữa bệnh lại rơi trực tiếp vào túi của những người trong đường dây này. (Lao động, trang 3).

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chi cho ngành Y tế

Trong phiên họp sáng 29/10, đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ cần phải tăng chi cho ngành Y tế. Việc để tỷ lệ chi tiền túi của người dân đang ở mức rất cao đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Nhiều gia đình thành đói nghèo sau khi trị bệnh

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (đoàn TP Đà Nẵng) cho biết, tỷ lệ ngân sách nhà nước cho toàn ngành Y tế đã có xu hướng giảm, trong đó năm 2016 là 97.600 tỷ đồng, chiếm 7,67% so với tổng chi ngân sách nhà nước và ước thực hiện năm 2018 là 92.715 tỷ đồng chiếm 5,85% tổng chi ngân sách. Với tỷ lệ chi như vậy, chưa đảm bảo theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới là: “Xác định ưu tiên, bố trí ngân sách, đảm bảo tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước. Tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần và dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng”.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến cho biết, hiện nay, chúng ta có tỷ lệ chi từ tiền túi của người bệnh rất cao là 43% so với tổng chi y tế quốc gia, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở của người bệnh. Điều này chứng tỏ chúng ta còn một tỷ lệ người dân rất lớn chưa tham gia bảo hiểm là 13%. Việc kiểm soát bội chi, BHYT chưa bao phủ nhiều dịch vụ y tế đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Tỷ lệ chi từ tiền túi của người bệnh cao sẽ gây những khó khăn, tổn thất về tài chính, khiến nhiều gia đình đang ở mức sống trên trung bình trở thành đói nghèo sau khi trị bệnh.

“Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho y tế phải dưới 30% mới đảm bảo được sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu của nước ta theo Nghị quyết số 20 đến năm 2025, tỷ lệ này là 35% và đến năm 2030 giảm còn 30%. Trong khi đó còn có rất nhiều nhu cầu cần phải được ngân sách nhà nước đầu tư. Đó là, đầu tư để từng bước giải quyết vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh còn chênh lệch lớn giữa các tuyến và vùng miền, mạng lưới y tế cơ sở cần phải được quan tâm và đầu tư hơn nữa, kinh phí hoạt động cho y tế dự phòng, chương trình mục tiêu y tế dân số. Đặc biệt, chi cho công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm vẫn còn hạn chế khi 17% dân số của chúng ta đang mắc các bệnh không lây nhiễm rất cần phải được phát hiện sớm, điều trị và quản lý lâu dài. Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng chi ngân sách nhà nước cho y tế”, đại biểu Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến cho rằng, hiện nay, với cơ chế tài chính, các bệnh viện công lập, đặc biệt là các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên đang rất khó khăn trong cân đối thu chi do giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ, mới tính chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản. Tiền lương vẫn tính ở mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng, chưa tính mức lương cơ sở hiện nay là 1.390.000 đồng. Vì vậy, đại biểu đề nghị ngân sách nhà nước bổ sung các chênh lệch này, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Cần cân nhắc chỉ tiêu giường bệnh

Cũng theo đại biểu Ngô Thị Kim Yến, mặc dù lương đã được cơ cấu vào trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng đối với các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến quận, huyện, các bệnh viện chuyên khoa như tâm thần, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, lao phổi với các số lượng dịch vụ y tế rất hạn chế, chưa thể tự chủ tài chính nhưng có nhiều địa phương đã cắt chỉ tiêu biên chế và giao tự chủ cho các bệnh viện này đã khiến các bệnh viện rất khó khăn trong vấn đề cân đối. Hiện nay, thực hiện Nghị định 16 mới là nghị định khung, Chính phủ phải có nghị định hướng dẫn về cơ chế tự chủ cụ thể cho từng ngành, hiện nay chưa có hướng dẫn cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành Y tế, gây khó khăn cho các đơn vị trong triển khai hoạt động.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến đề nghị Chính phủ cân nhắc lại việc giao chỉ tiêu giường bệnh/1 vạn dân trong kế hoạch phát triển KT-XH. Đại biểu cho rằng, với kế hoạch 5 năm, năm 2020, chúng ta sẽ đạt được 26 giường bệnh/1 vạn dân. Tuy nhiên, đến năm 2018, chúng ta đã đạt 26,5 giường bệnh. Với kế hoạch năm 2019 đạt chỉ tiêu là 27 giường bệnh/1 vạn dân.

“Chúng tôi đề nghị cân nhắc việc giao chỉ tiêu với những lý do như sau, chỉ tiêu giường bệnh/1 vạn dân của chúng ta xác định đến bao nhiêu là đạt tiêu chuẩn, trong khi hiện nay tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân của Việt Nam đã cao hơn nhiều so với một số nước ASEAN. Theo cập nhật năm 2017 của WHO thì tỷ lệ này của Singapore là 24, Thái Lan là 21, Malaysia là 19, Myanmar là 9. Tỷ lệ giường bệnh của chúng ta là 26,5 đã đạt trên mức trung bình của nước ASEAN và đặc biệt ở các nước phát triển, họ lại đặt mục tiêu giảm giường bệnh khi họ phát triển hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, mô hình bác sĩ gia đình. Ví dụ, Đan Mạch từ 30,7 giường bệnh/1 vạn dân của năm 2013 đã giảm xuống còn 21 giường bệnh của năm 2017. Nước Anh từ 27,6 năm 2013 đã giảm còn 25,8 năm 2017. Vì vậy chúng ta cần phải tăng cường chất lượng của mỗi giường bệnh để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từng bước giảm khoảng cách các chênh lệch chất lượng dịch vụ giữa các tuyến và các vùng, miền. Như vậy, chúng ta mới tạo được công bằng trong khám, chữa bệnh”, đại biểu Ngô Thị Kim Yến nói.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến nói: “Hiện nay thực hiện Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, các điạ phương rất khó khăn khi các bộ, ngành chưa có hướng dẫn định mức, ví dụ định mức xe ô tô hoặc định mức trang thiết bị y tế thì cũng gây khó khăn cho các bệnh viện khi triển khai đầu tư và đặc biệt là xe cấp cứu không được trang bị để phục vụ kịp thời công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe”. (Gia đình & Xã hội, trang 2).

 

Sởi bùng phát do quản lý tiêm chủng gặp khó

Hiện tất cả các quận huyện tại TPHCM đều có trẻ mắc sởi. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bùng phát dịch sởi tại thành phố là do việc quản lý tiêm chủng gặp khó. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, số ca sởi được báo cáo trong tuần vừa qua là 53 ca, tăng 60% so với 4 tuần trước đó. Số ca sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 256 ca; 24/24 quận, huyện đều có ca bệnh sởi. Các quận huyện có số ca sởi nhiều nhất là Thủ Đức, Q. 7; Q.9; Q. 12; Q. Bình Thạnh và Q. Tân Bình.

Dân nhập cư đông, không khai báo nhân khẩu, một số trường hợp có đăng ký tạm trú nhưng không cư ngụ hoặc cư ngụ nhưng địa chỉ hộ khẩu, tạm trú ở địa phương khác, dẫn đến việc quản lý trẻ tiêm chủng sởi tại TPHCM gặp rất nhiều khó khăn.
Mới đây, trong buổi khảo sát của Sở Y tế TPHCM  về công tác phòng chống dịch tại  trường Mầm non Hoa Bình Minh (phường Bình Chiểu, Quận Thủ Đức ) – nơi vừa xuất hiện chùm ca bệnh sởi với 3 trẻ mắc đoàn kiểm tra ghi nhận trong tổng số 154 học sinh đang học tại trường có tới 60 trẻ chưa tiêm chủng, lịch sử tiêm chủng không rõ hoặc mới chỉ được tiêm mũi 1 chiếm đến 39%.

Theo BS Lê Bá Kông, Trưởng Trạm y tế  phường Bình Chiểu, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn phường đã xảy ra 15 ca bệnh sởi, trong đó trẻ 5 tuổi có số mắc lớn nhất. “Ngoài ra có bé 9 tháng chưa tới ngày tiêm chủng nhưng đã mắc sởi. Trong số này có 1 bé được tiêm mũi 1, còn lại có đến 14 bé không được tiêm vắc xin sởi, tập trung nhiều ở khu phố 5, nơi hầu hết là các khu nhà trọ cạnh khu công nghiệp. Số liệu cho thấy năm 2017, có  680 trẻ không được tiêm chủng vắc xin ngừa sởi. Trạm  y tế đã thực hiện tiêm lại cho 565 trẻ. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ là con em công nhân không được khai báo địa chỉ cư ngụ tại địa phương, do đó Trạm y tế không quản lý được lịch sử tiêm chủng, dẫn đến khả năng mắc bệnh sởi rất cao”, BS Kông cho biết.

Số liệu của Trung tâm y tế dự phòng Quận Thủ Đức cho thấy  tính tới thời điểm hiện tại, trên toàn quận đã có 73% trẻ tiêm sởi mũi 1, 68% trẻ được tiêm sởi mũi 2. “ Vì địa phương có tỷ lệ dân nhập cư đông, không khai báo nhân khẩu. Bên cạnh đó, việc nhiều người đăng kí tạm trú nhưng không cư ngụ hoặc cư ngụ nhưng địa chỉ hộ khẩu, tạm trú ở nơi khác dẫn đến việc quản lý trẻ tiêm chủng sởi gặp rất nhiều khó khăn”, đại diện trung tâm nhận định.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng công tác phòng chống dịch trên địa bàn quận vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. “Kiến thức hiểu biết của giáo viên về dịch bệnh cũng như lịch tiêm chủng của học sinh vẫn chưa đầy đủ. Tôi đề nghị UBND Quận cần nhanh chóng rà soát kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch. Riêng với chiến dịch tiêm bù, tiêm vét, cán bộ y tế cần xác định tiêm đầy đủ cho tất cả trẻ trên địa bàn, không phân biệt có hộ khẩu hay tạm trú…”, ông Hưng nhấn mạnh.

Cách đây không lâu, tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng và sởi khu vực phía Nam năm 2018, PGS -TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM đã lý giải : Nguyên nhân khiến khu vực Đông Nam Bộ có nguy cơ bùng phát dịch cao chính là do địa bàn này tập trung nhiều khu công nghiệp, tỉ lệ biến động dân cư cao nhưng tỉ lệ đối tượng được quản lý lại thấp. Tại khu vực này, thống kê cho thấy tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi và trên 5 tuổi mắc sởi tăng. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, số ca sởi được báo cáo trong tuần vừa qua là 53 ca, tăng 60% so với 4 tuần trước đó. Số ca sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 256 ca; 24/24 quận, huyện đều có ca bệnh sởi. Các quận huyện có số ca sởi nhiều nhất là Thủ Đức, Q. 7; Q.9; Q. 12; Q. Bình Thạnh và Q. Tân Bình. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Bộ Y tế cam kết đủ vắc xin tiêm chủng cho trẻ nhỏ

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đã rà soát lại các nguồn cung phục vụ cho tiêm chủng.

Trước tình trạng một số địa phương đang thiếu hụt vắc xin phối hợp “5 trong 1” (phòng 5 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và bệnh do vi khuẩn Hib) tiêm chủng miễn phí cho trẻ nhỏ, ngày 29.10, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đã rà soát lại các nguồn cung phục vụ cho tiêm chủng.

Hiện cả nước có 8 loại vắc xin phối hợp, trong đó có 2 vắc xin phối hợp phòng 3 bệnh (bạch hầu – ho gà – uốn ván); 1 vắc xin phối hợp phòng 4 bệnh (bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt); 3 vắc xin “5 trong 1” và 2 vắc xin phối hợp phòng “6 trong 1” (bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt – viêm gan B và bệnh do vi khuẩn Hib).

Theo Bộ Y tế, các đơn vị đã có kế hoạch cung ứng vắc xin phối hợp “5 trong 1” đủ cho nhu cầu trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. (Thanh niên, trang 19).

 

Ở một bệnh viện đặc biệt

Ở nhiều bệnh viện (BV), đặc trưng là tiếng khóc, tiếng rên, tiếng la vì rách da xẻ thịt, vì máu chảy, vì đau đớn. Tiếng lách cách của dao kéo, của những khay y cụ bằng thép. Sau khóc, sau đau, người ta xuất viện, có thể tươi cười về nhà. Nhưng nơi đây người ta không khóc nổi, cũng không cười nổi.

Nếu vì áp lực, có mà tâm thần hết

Có muôn vàn lý do dẫn đến BV tâm thần. Một bà mẹ đưa con đến khám. Cậu thiếu niên học cấp III, ngồi khòm lưng, cằm tựa trên mặt bàn. Cậu ngắm thứ gì đó trên bàn, những ngón tay liên tục gõ nhịp trên mặt gỗ.

Bà mẹ kể với bác sĩ: “Nó học giỏi lắm bác sĩ. Anh văn, tin học là giỏi nhất lớp luôn. Nó thích máy tính lắm. Cứ mở mắt dậy là bảo “Con đi học vi tính””. Nhưng đó là khi uống thuốc đều đặn chứ buông toa thuốc ra thì cậu không học được. Cậu suốt ngày kêu la “Con lỡ nuốt cái con gì rồi, nó chui xuống bụng rồi, nó bò ở đây nè, nó cắn chỗ này nè, trời ơi khó chịu quá, lấy dao mổ nó ra”. Bà mẹ bỏ công ăn việc làm, ở nhà canh chừng, không rời mắt khỏi cậu con trai. Bà than với bác sĩ học tập bây giờ áp lực quá.

Liệu có phải học tập, công việc, hôn nhân, gia đình, tiền bạc là áp lực gây trầm cảm, gây tâm thần?

Bác sĩ khuyên: Ai cũng phải đi học, đi làm, rồi có gia đình, rồi phải lo tiền bạc. Nếu nói do học, do làm, do tiền bạc thì ai cũng tâm thần hết sao?! Như vậy không thể đổ lỗi do hoàn cảnh. Đây là bệnh lý, có bệnh thì phải chữa bệnh.

Một nam bệnh nhân khác, ở nội trú trong BV tâm thần. Chúng tôi hỏi thăm, cậu vui vẻ kể rành rọt chuyện của mình. Cậu từng có nhiều năm đi dạy kèm học sinh thi đại học. “Ai mà được em dạy kèm là đều thi đậu đại học hết trơn!”. Cậu kể vanh vách tên em A, em B… đã được cậu kèm, thi đậu trường đại học này, đại học kia. “Ông trời ổng ganh ghét mình. Mình mà dạy cho người ta thi đậu là người ta lấy đi cái số may mắn của mình. Người ta thi đậu là mình phải thi rớt” – cậu khẳng định.

Một nữ bệnh nhân trong khoa nội trú một sáng bỗng phát cơn. Cô giãy giụa, la hét. Năm, sáu nhân viên y tế mới có thể giữ cô lại, đưa lên giường bệnh. “Đau quá, trời ơi đau quá, ông trời ơi, nó nhét giấy trong bụng con. Làm ơn lấy nó ra cho con đi”.

Những bác sĩ ở đây phát thuốc, bệnh nhân đứng uống tại chỗ và há miệng ra cho bác sĩ kiểm tra. Nhiều người không nghĩ là mình có bệnh. “Tôi là tướng, dưới tôi có ngàn binh. Tôi mà bệnh gì. Hề hề…”. “Ông tướng” không muốn uống thuốc mà lại là thuốc bệnh tâm thần.

Phát hiện muộn màng, nỗi đau còn đó

BS chuyên khoa tâm thần Trần Minh Khuyên phân tích: Có dạng trầm cảm đi kèm với ảo thanh. Có tiếng nói trong đầu thường xuyên thúc giục “mày chết đi, mày là gánh nặng của gia đình, mày vô dụng lắm, mày đi chết đi”…

Bệnh về thần kinh không phải là điều đáng sợ, thế nhưng không phải ai cũng tự nhận ra. “Có một cô gái đi Singapore học, giữa chừng thì bỏ về Việt Nam. Mỗi ngày cô tự giam mình trong phòng. Cha mẹ khuyên ép mãi mới ra ăn chung bữa sáng. Một ngày nọ, gọi hoài cô không ra ăn. Sinh nghi, cha mẹ cô đến phòng, phá ổ khóa, phát hiện cô tự tử bằng cách đốt than tổ ong” – BS Khuyên chia sẻ.

Theo BS Khuyên, điều đáng sợ nhất là bản thân người bệnh không nhận ra mình bệnh. Người nhà, người thân của bệnh nhân cũng không phát hiện người thân của mình mắc bệnh. Sự phát hiện thường bất ngờ vào lúc muộn màng, không hiểu vì sao. Cô gái trên may mắn được cứu sống. Tuy nhiên, suốt thời gian sau đó cô phải chữa bệnh trầm cảm.

Nhiều người xung quanh cảm thấy buồn cười với lời nói, hành động, cử chỉ của người mang bệnh lý thần kinh, bệnh trầm cảm. Nhiều người nhà thì cảm thấy xấu hổ, không muốn ai biết nhà mình có người bệnh tâm thần, có đứa con, có ông anh, có bà mẹ suốt ngày đòi tự tử.

Trong BV tâm thần, trước mỗi cửa phòng đều treo một tấm bảng nhỏ. Trên đó ghi “Lắng nghe – Thấu cảm – Thuyên giảm nỗi đau”. Phía sau mỗi bệnh nhân là cả một gia đình cùng chống chọi với căn bệnh. Một thiếu nữ da trắng, khá xinh, tóc đen nhánh dài quá lưng, ngồi thẫn thờ chờ vào khám. Mẹ cô ngồi cạnh, kể sơ câu chuyện: “Nó yêu một thằng lăng nhăng, bị thằng đó đánh chết lên chết xuống. Vậy mà vẫn đòi theo. Thằng kia bỏ đi cái là nó khùng luôn!”.

Bà mẹ dắt con gái đi khám thường kỳ, đã uống thuốc chữa trầm cảm gần một năm qua. Chính bà phải bỏ hết mọi việc, ở nhà chỉ trông chừng con gái. Bà thẫn thờ: “Ung thư còn có giai đoạn đầu, giai đoạn cuối. Còn con gái tui, tui rời mắt ra ngày nào thì ngày đó là ngày cuối cùng của nó!”.

Điều đáng lo khác là tình trạng chữa nhầm bệnh. Bệnh lý trầm cảm có thể gây mất ngủ, lo lắng, mệt mỏi, đau chỗ này chỗ kia trong cơ thể. Nhiều người đi khám các chuyên khoa về não, về dạ dày, về gan… rồi uống thuốc. Uống mãi mà không thuyên giảm lại nghĩ quẩn rằng mình chắc là bệnh nan y gì đó rồi.

Có trường hợp gần đây một đôi vợ chồng đều bệnh. Đi khám dạ dày gần một năm mà không hết. Một hôm, nhân vắng người khám, bác sĩ ngồi trò chuyện với đôi vợ chồng này mới biết những biến cố kinh khủng đã xảy ra cho con cái, cha mẹ của họ. Bác sĩ mới nghĩ tới vấn đề tâm lý, trầm cảm và giới thiệu sang chuyên khoa tâm thần. Uống đúng thuốc, chỉ sau khoảng hai tháng, thần sắc và sức khỏe của đôi vợ chồng đã khá hơn nhiều. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 12).

 

Vỡ phình động mạch lách, bục đại tràng, xơ gan… vì nghiện rượu

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội vừa cứu sống nam bệnh nhân bị vỡ phình động mạch lách, bục đại tràng, viêm phúc mạc, suy gan, xơ gan do nghiện rượu.

Cuối tháng 9.2018, nam bệnh nhân Phan Văn B (46 tuổi, Hải Phòng) cấp cứu vào Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng đau bụng dữ dội. Qua khai thác được biết bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu và xơ gan do rượu. Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân bị vỡ phình động mạch lách, máu đang phun dữ dội. Ngay lập tức, các bác sĩ chỉ định can thiệp nút mạch, sau đó bệnh nhân được chuyển về Trung tâm chống độc để điều trị.

Tuy nhiên sau nút phình động mạch lách, tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng như đau khắp bụng, thiếu máu, giảm tiểu cầu… Bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên khoa Ngoại cấp cứu.

Sức khỏe bệnh nhân hết sức nguy kịch, đại tràng bị vỡ, máu và phân tràn đầy ổ bụng. Bác sĩ phải cắt toàn bộ đại tràng, đưa ruột non ra làm hậu môn nhân tạo, rửa sạch ổ bụng đồng thời đặt 4 dẫn lưu gồm 1 dưới gan, 1 dưới lách, 1 ở manh tràng và 1 ở túi cùng Douglas.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển về Trung tâm Chống độc điều trị.

TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân được truyền hơn 9 lít máu bao gồm hồng cầu, tiểu cầu và các chế phẩm máu khác. Sau hơn 1 tháng điều trị sức khoẻ của bệnh nhân hồi phục tốt. Trường hợp của bệnh nhân B nếu cấp cứu không kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng. (Tiền phong, trang 6).

 

Phối hợp sản – nhi cứu sống trẻ sơ sinh

Đầu năm 2018, một bé trai chào đời tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ với khối thoát vị rốn có kích thước hơn 10cm. Sau khi tiến hành hồi sức, ổn định trẻ, các bác sĩ lập tức chuyển bệnh nhi sang BV Nhi đồng Thành phố để mổ cấp cứu. Những ca chuyển viện tính từng phút từng giây như thế đã góp phần cứu sống hàng trăm trẻ sơ sinh ở TPHCM trong năm qua.

Những ca chuyển viện “ngoạn mục”

TS-BS Hồ Tấn Thanh Bình, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi đồng Thành phố, cho biết sau khi tiếp nhận trường hợp bé trai nói trên, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và quyết định mổ cấp cứu phục hồi thành bụng chỉ sau 1 giờ nhập viện.

“Đây là thành công của phối hợp sản-nhi trong can thiệp những dị tật bẩm sinh cần được can thiệp sớm. Đặc điểm của sự phối hợp này là kịp thời phẫu thuật can thiệp trong thời gian sớm nhất, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh”, BS Bình lý giải.

Vẫn theo BS Hồ Tấn Thanh Bình, trong năm 2018, BV Nhi đồng Thành phố đã phối hợp với BV Từ Dũ và BV Hùng Vương can thiệp, phẫu thuật cho 55 trường hợp trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh và đã đạt kết quả ngoạn mục khi cứu sống 49 trẻ.

Cũng từ đầu năm đến nay, Khoa Tim mạch của BV Nhi đồng Thành phố cũng đã thực hiện phẫu thuật tim hở cho 35 trường hợp trẻ sơ sinh, thông tim 28 trường hợp và thực hiện chạy ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) cho 3 trường hợp trẻ sơ sinh từ các BV sản khoa chuyển đến.

Còn tại BV Nhi đồng 1, từ khi thành lập Khu chuyên sâu sơ sinh, mỗi ngày BV tiếp nhận hàng chục ca bệnh sơ sinh từ các BV sản khoa trên địa bàn TPHCM và các tỉnh khu vực phía Nam chuyển đến. Phần lớn trẻ sơ sinh được chuyển đến do mắc các bệnh lý dị tật bẩm sinh như không có hậu môn, thủng ruột, xoắn ruột hoặc các dị tật tim bẩm sinh, thoát vị hoành…

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết nhờ Khu chuyên sâu sơ sinh phẫu thuật, can thiệp kịp thời các dị tật bẩm sinh mà tỷ lệ tử vong ở bệnh nhi sơ sinh tại BV này giảm từ 12% còn dưới 6%. Đơn cử, các bác sĩ BV Nhi đồng 1 đã thực hiện phẫu thuật tim cho một bệnh nhi sinh non ở tuần thai thứ 31 (nặng 900gr) vào tháng 3-2018.

Bệnh nhi trước đó được các bác sĩ BV Hùng Vương mổ lấy thai với bệnh lý hẹp eo động mạch chủ. Dị tật này khiến máu từ tim không thể nuôi được cơ thể và em bé có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được can thiệp kịp thời.

Ngay lập tức, bệnh nhi được BV Hùng Vương chuyển sang BV Nhi đồng 1 để thực hiện phẫu thuật tim. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã chỉnh sửa thành công phần động mạch bị teo hẹp của bệnh nhi, đưa bệnh nhi thoát “cửa tử”.

Cần những cái bắt tay hợp tác

Mặc dù góp phần cứu sống nhiều trẻ sơ sinh, tuy nhiên tại Hội nghị phẫu thuật nhi Việt Nam lần thứ 13 vừa qua, BS Trần Công Bảo Phụng, Khoa Tim mạch BV Nhi đồng Thành phố, cho rằng sự phối hợp giữa các BV sản và nhi vẫn còn một số bất cập, hạn chế.

Do chưa có sự liên thông dữ liệu giữa các BV, nên bác sĩ nhi khoa vẫn chưa được thông tin về những chẩn đoán dị tật từ thai kỳ. Công tác vận chuyển trẻ sơ sinh từ BV sản đến BV nhi chưa an toàn, nhiều trường hợp khi chuyển đến BV nhi đã trong tình trạng tím tái, phù nề, không thể cứu được. Do đó, giữa các BV sản và nhi cần có sự phối hợp toàn diện hơn, từ chẩn đoán, tư vấn trước sinh đến xử trí cấp cứu sau sinh.

TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, cho rằng việc phối hợp tốt giữa các BV sản và nhi sẽ giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tăng chất lượng cuộc sống cho nhiều trẻ nhờ điều trị sớm.

Đây là xu hướng mà các nước phát triển trên thế giới đã và đang thực hiện. Thậm chí, ở nước ngoài, trong một số trường hợp các bác sĩ của BV nhi đã đến tận phòng mổ của BV sản hay một sản phụ được đưa đến BV nhi để các bác sĩ nhi khoa can thiệp sớm ngay khi trẻ mới ra đời. Điều này giúp cho tỷ lệ trẻ sơ sinh ở các nước phát triển được cứu sống luôn ở mức cao.

Tại Việt Nam, điều này vẫn chưa thể thực hiện bởi những rào cản về cơ sở vật chất như phòng mổ BV sản luôn quá tải hay phòng mổ sản khoa không đáp ứng được yêu cầu của một ca phẫu thuật tim. Bên cạnh đó là những rào cản về chính sách như bảo hiểm y tế không thanh toán một ca phẫu thuật nhi diễn ra tại BV sản và ngược lại.

Trước những rào cản, khó khăn trong cơ chế phối hợp giữa lĩnh vực sản và nhi, TS-BS Trương Quang Định, Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có các cơ sở pháp lý để có thể tiến tới thành lập khoa sản nguy cơ cao trong các BV nhi.

Những thai phụ được chẩn đoán dị tật thai nhi nguy hiểm sẽ được bố trí mổ lấy thai tại BV nhi và ngay lập tức trẻ sơ sinh được can thiệp ngay. Để làm được, rất cần những cái bắt tay hợp tác giữa các BV cũng như sự linh động về cơ chế, chính sách. (Hà Nội mới, trang 3).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 12/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 31/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/6/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận