Điểm báo ngày 30/11/2020

(CDC Hà Nam)
88 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 tại cộng đồng; Cô bé ghép gan đầu tiên ở Việt Nam đã qua đời

88 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 tại cộng đồng

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ngày 29/11, nước tag hi nhận 2 ca mắc mới nhập cảnh từ Nhật Bản được cách ly  ngay tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thanh Hóa. Như vậy, đã 88 ngày liên tiếp (từ 3/9 đến 29/11), nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng. (Hà nội mới, trang 1)

 

Cô bé ghép gan đầu tiên ở Việt Nam đã qua đời

Nguyễn Thị Diệp (Hải Hậu, Nam Định), cô bé được ghép gan thành công đầu tiên tại Việt Nam vào 17 năm trước đã không thể chờ đợi phép màu có cơ hội được ghép gan lần thứ 2. Cô gái 26 tuổi này đã trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng nay, 29-11 tại quê nhà.

Sau ca ghép gan thành công vào đầu năm 2004 khi chỉ mới chín tuổi, Diệp đã có một cuộc sống mới khỏe mạnh. Cô bé lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, các y, bác sĩ và đã có việc làm ổn định.

Gần một năm trở lại đây sức khoẻ của Diệp yếu đi, liên tục mệt mỏi, sút cân, có những đợt thải ghép mãn tính mạnh khiến chức năng gan bị ảnh hưởng, tăng men gan… Diệp đối mặt với nguy cơ tái ghép gan để tiếp tục cuộc sống.

Những ngày nằm viện, Diệp mong sức khỏe tốt để được trở lại với công việc. Diệp trông chờ vào ghép tạng lần 2, hy vọng được khỏe như trước. Tuy nhiên, mong ước chờ ghép tạng lần 2 của Diệp đã không thành hiện thực.

Tuần qua, Diệp trở về nhà để chuẩn bị cho đợt điều trị tiếp theo nhưng sức khoẻ của Diệp yếu dần. Rạng sáng nay, Diệp đã ra đi ở tuổi 26 tại quê nhà ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Ca ghép gan cho Nguyễn Thị Diệp là ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam thực hiện vào tháng 1-2004, khi đó Diệp mới 9 tuổi. Đây là một ca ghép lịch sử thực hiện tại Viện Bỏng quốc gia, ê-kíp y bác sĩ tham gia ca ghép đến từ Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai và các chuyên gia Nhật Bản…

Diệp bị teo đường mật bẩm sinh, đã qua phẫu thuật Kazai (nối đường mật với ruột) từ lúc ba tuổi, đến năm chín tuổi em bị xơ gan, chảy máu. Diệp được nhận gan từ một trong hai người cho là ông nội (Nguyễn Quốc Được, 56 tuổi) hoặc bố (Nguyễn Văn Phòng 31 tuổi). Nhưng cuối cùng, người cho gan phù hợp là bố em. (Nhân dân, trang 5; Lao động, trang 3)

 

Hội nghị thường niên câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện phía Nam lần thứ XIX: Vừa chống dịch vừa nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Ngày 27-29/11/2020 Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện phía Nam lần thứ XIX – năm 2020 với chủ đề “Công nghệ 4.0 trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chia sẻ kinh nghiệm phòng chống COVID-19” đã diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bộ Y tế cùng hơn 700 đại biểu là giám đốc, lãnh đạo các bệnh viện…

Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế đã gửi lời chúc mừng hội nghị thường niên lần thứ XIX Câu lạc bộ giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam và có những phát biểu chỉ đạo.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn đã đánh giá cao sự thành công của hội nghị khi có sự tham dự của hơn 700 đại biểu là Giám đốc, lãnh đạo các bệnh viện… điều này chứng tỏ các hội nghị thường niên của câu lạc bộ (CLB) đã nhận được sự quan tâm của các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh ở khu vực phía Nam cũng như các khu vực khác trên cả nước.

Hội nghị năm nay được tổ chức trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt khi Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt với mối nguy chưa từng có từ đại dịch COVID-19; Sau hơn 87 ngày không phát hiện ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, đây là thành quả từ việc vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt không chỉ từ những chủ trương của Đảng, chỉ đạo của chính phủ, ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 quốc gia mà còn có sự tham gia đồng bộ của các hệ thống chính trị, ban ngành trong đó có ngành y tế…

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã biểu dương tinh thần, nỗ lực và cả hy sinh của các đội ngũ Y Bác sĩ, nhân viên cán bộ ngành y tế trong cuộc chiến ngăn chặn, phòng, chống COVID-19; Ngành y tế đóng vai tiền tiêu, các nhân viên Y tế là các chiến sĩ tiền phương trên mặt trận phòng chống COVID-19.

Trong thời gian vừa qua, sự phát triển nhanh chóng, rộng rãi và quyết liệt của công nghệ số với sự giúp đỡ của các công ty, tập đoàn viễn thông lớn, sự hỗ trợ của các đơn vị cung ứng công nghệ thông tin và đặc biệt là sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, Cục công nghệ thông tin Bộ Y tế với nhiều nội dung, văn bản, chính sách trong việc triển khai công nghệ số.

Bộ Y tế cũng đã đưa vào hoạt động cổng công khai Y tế với nguồn dữ liệu lớn trên 5 lĩnh vực là Dược, Mỹ phẩm, Trang thiết bị y tế, An toàn thực phẩm, Khám chữa bệnh, Hành chính công đã giúp kết nối dữ liệu ngành Y tế phục vụ cho công tác quản lý và là nơi để người dân lựa chọn các dịch vụ khám, chữa bệnh thích hợp; việc chuyển đổi số cũng được thực hiện trong các dịch vụ y tế từ các phòng khám, các bệnh viện, các hoạt động khám chữa bệnh từ xa, thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử, khai báo y tế cũng được đẩy mạnh phát triển và ứng dụng;

Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo các bệnh viện tiếp tục thực hiện công tác sàng lọc, phân luồng và phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các ca nghi nhiễm và nhiễm COVID-19; đảm bảo an toàn phòng chống dịch, an toàn cho các nhân viên y tế. Các bệnh viện tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về công tác y tế để phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội nghị thường niên CLB Giám đốc các bệnh viện phía Nam lần thứ XIX- năm 2020 được tổ chức với sự tham gia báo cáo của các đại biểu là lãnh đạo các Cục, Vụ bộ Y tế; các chuyên gia trong ngành Y tế từ các các viện, trường, bệnh viện với các chủ đề như ứng dụng Công nghệ thông tin của thời đại 4.0 trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Tại bài trình bày của mình về “diện mạo bình thường mới của các bệnh viện”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Tổng Thư ký CLB Giám đốc BV Việt Nam cho biết: Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động của các bệnh viện đến các nguồn thu, đời sống của các cán bộ y tế khó khăn hơn đồng thời còn ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động bệnh viện.

Trong tình hình mới, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các bệnh viện  phải thực hiện 2 nhiệm vụ kép là: vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, hài lòng người bệnh, theo đó các bệnh viện phải thưc hiện nghiêm Chỉ thị 24/CT-BYT ngày 24/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Phát biểu tại hội nghị, BSCKII Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đại diện CLB Giám đốc bệnh viện phía Nam gửi lời cảm ơn đến các Bộ, ban ngành trung ương và địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho buổi hội nghị; đồng thời mong muốn thông qua các chủ đề tham luận, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia trong buổi hội nghị, phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm” sẽ được các lãnh đạo, nhà quản lý các bệnh viện tiếp tục áp dụng và cải tiến tại đơn vị của mình nhằm mang đến điều kiện khám, chữa bệnh tốt nhất cho người bệnh.

BSCKII Nguyễn Tri Thức cũng thay mặt ban chủ nhiệm CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam trao tặng số tiền 100 triệu đồng trích từ quỹ hội phí câu lạc bộ để ủng hộ cho Quỹ Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định. (Sức khỏe & đời sống, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 06/12/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/5/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/6/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận