Điểm báo ngày 31/10/2018

(CDC Hà Nam)
Tỷ lệ giường bệnh nằm ghép giảm từ 58% xuống 16,7%; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vinmec hướng đến mục tiêu an toàn nhất về gây mê phẫu thuật tại Đông Nam Á…

Chung kết “Cuộc thi y tế cơ sở giỏi năm 2018”

Ngày 30-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức chung kết Cuộc thi y tế cơ sở giỏi năm 2018. Trải qua vòng thi chung khảo khu vực Trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Ban tổ chức đã lựa chọn được các đội thi y tế cơ sở xuất sắc thuộc 6 tỉnh, thành phố (Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Bạc Liêu) tham dự chung kết với 3 phần thi: Chào hỏi, kiến thức và tài năng.

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho đội thi y tế cơ sở giỏi tỉnh Hà Tĩnh, giải Nhì thuộc về đội Nghệ An, hai giải Ba thuộc về đội Cần Thơ và Phú Thọ. (Hà Nội mới, trang 5)     

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Chung kết cuộc thi y tế cơ sở giỏi”

Vinmec hướng đến mục tiêu an toàn nhất về gây mê phẫu thuật tại Đông Nam Á

Ngày 29.10, Hệ thống y tế Vinmec ký kết với Hiệp hội Gây mê thế giới (WFSA) cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trong Tuyên bố Helsinki, nhằm đảm bảo an toàn tối đa trong gây mê phẫu thuật.

Là bệnh viện đầu tiên tại VN ký kết WFSA, Vinmec hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê phẫu thuật tại Đông Nam Á.

Tuyên bố Helsinki ra đời năm 2010 – là tiêu chuẩn, nguyên tắc nhằm đảm bảo an toàn trong gây mê phẫu thuật – hiện đang áp dụng toàn châu Âu.

Theo thỏa thuận, tất cả các đơn vị tổ chức của Hệ thống chăm sóc sức khỏe Vinmec cung cấp kỹ thuật gây mê tiền phẫu thuật cho bệnh nhân sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu được khuyến nghị bởi Hiệp hội Gây mê châu Âu tại cả phòng mổ và khu vực hồi sức cấp cứu… Hệ thống y tế Vinmec cam kết có các phác đồ và cơ sở vật chất để xử trí các trường hợp sau: kiểm soát nhiễm khuẩn, sốc phản vệ, chảy máu nhiều, chăm sóc điều trị đau sau phẫu thuật…

Từ năm 1990, đau đã được Tổ chức Y tế thế giới coi là dấu hiệu sinh tồn thứ 5, sau nhiệt độ, nhịp thở, mạch đập, nhịp tim. Do đó, ngay từ khi đi vào hoạt động, Vinmec đã xây dựng mô hình bệnh viện không đau đầu tiên tại VN.

Đặc biệt, kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) do Vinmec tiên phong áp dụng đã đem lại hiệu quả giảm đau trọn vẹn, không biến chứng, rút ngắn thời gian hồi sức tích cực, loại trừ nguy cơ đau sau mổ và đau mãn tính trên 96% bệnh nhân mổ tim.

Kết quả này đã đưa chuyên khoa gây mê giảm đau Vinmec trở thành một trong những nhóm đi đầu thế giới về kiểm soát đau trong mổ tim mở không sử dụng morphin. Từ thành công này, Vinmec đã trở thành bệnh viện đầu tiên trên thế giới công bố các ca phẫu thuật tim hở áp dụng ESP tại Hội nghị gây mê giảm đau thế giới lần 43 vào tháng 4.2018 (Mỹ).

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, GS Jannicke Mellin Olsen – Chủ tịch WFSA, đồng thời là tác giả của Tuyên bố Helsinki đánh giá: “Lựa chọn Vinmec là bệnh viện đầu tiên ở VN ký cam kết Tuyên bố Helsinki – một chương trình lớn của châu Âu, WFSA đánh giá cao khả năng tuân thủ các yêu cầu an toàn khắt khe của Vinmec”. (Thanh niên, trang 21)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê phẫu thuật tại Đông Nam Á”

Sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm: Lơ mơ rước họa vào thân

Cơ quan Khoa học y tế Singapore thông báo thu giữ sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm sibuntramine “Go lean Detox” sản xuất tại tỉnh Đồng Nai được bán trực tuyến tại Singapore.

Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế vừa có thông báo về việc Cơ quan Khoa học Y tế Singapore thông báo thu giữ sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm sibuntramine “Go lean Detox” sản xuất tại Đồng Nai được bán trực tuyến tại Singapore. Trước đó, liên quan đến nhóm sản phẩm giảm cân, qua giám sát trong nước, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một số sản phẩm giảm cân chứa sibutramine và đã tiến hành thu hồi, xử lý.

Sản phẩm “Go lean Detox” sản xuất tại Đồng Nai bị thu hồi ở Singapore

Thông tin của Cục An toàn thực phẩm cho biết, ngày 23/10/2018, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (The Health Sciences Authority – Has) thông báo thu giữ một số sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm sibutramine được bán trực tuyến tại Singapore. Theo thông báo này, trong các sản phẩm bị tịch thu có sản phẩm “Go lean Detox” được sản xuất tại Công ty Matxi S.g Co.Ltd có trụ sở tại 129 đường Võ Thị Sáu, quận Thống Nhất, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nhà máy sản xuất: 148/9 Đường Tân Tiến, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.  Hiện Cục An toàn thực phẩm đang tiến hành kiểm tra, rà soát và sẽ cung cấp các thông tin có liên quan trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giảm cân có chứa chất sibutramine, Cục An toàn thực phẩm mới đây đã quyết định thu hồi 3 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm bổ sung do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng ZN (địa chỉ: 89/994E Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM) sản xuất, kinh doanh do vi phạm về chất lượng, trong số này có lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà thảo mộc Hoa Sâm Đất, NSX: 25/1/2018, HSD: 25/1/2019, kết quả kiểm nghiệm phát hiện có chứa sibutramin và không đạt chỉ tiêu về linh chi, tổng số bào tử nấm men nấm mốc.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, hoạt chất sibutramine là chất cấm, đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (AMEA), Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan quản lý dược một số nước trên thế giới khuyến cáo về khả năng làm tăng nguy cơ tim mạch đối với các thuốc chứa hoạt chất này. Vì vậy, Cục Quản lý Dược đã ban hành công văn thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất sibutramine do có tác dụng không mong muốn và quyết định về việc rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất sibutramine ra khỏi Danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Cục An toàn thực phẩm, gần đây, qua giám sát chủ động, cơ quan chức năng đã phát hiện một số sản phẩm giảm cân chứa sibutramine và đã tiến hành thu hồi, xử lý.  Do đó, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra các sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó sẽ đặc biệt ưu tiên kiểm tra hoạt chất sibutramin, đồng thời sẽ tiếp tục công khai các sản phẩm không đạt chất lượng để người dân biết và lựa chọn. Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai lấy mẫu trên diện rộng, tập trung vào nhóm sản phẩm giảm cân là thực phẩm chức năng để đánh giá chất lượng và an toàn của sản phẩm, đồng thời cũng ưu tiên giám sát chỉ tiêu sibutramin.

Cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Slim Kangtado như “thảo dược giảm cân gia truyền của Bà Dung”

Cũng liên quan đến nhóm thực phẩm giảm cân, Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện nay, trên một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội đăng hình ảnh Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm số 5834/2018/ĐKSP của Cục An toàn thực phẩm cấp ngày 05/9/2018 và hình ảnh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slim Kangtado, sản phẩm do Công ty TNHH thương mại IAC có địa chỉ tại tầng 6 tòa nhà Sannam, số 78 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội công bố. Sản phẩm sản xuất tại Nhà máy Công ty Cổ phần dược phẩm quốc tế Thăng Long, Khu công nghiệp vừa và nhỏ Nguyên Khê, tổ 61 – thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slim Kangtado trên các trang mạng không chính xác, hồ sơ công ty công bố sản phẩm không có nội dung, tài liệu về “Thảo dược chữa THỪA CÂN – BÉO PHÌ; Thừa kế công thức của Bà Dung”; quảng cáo không đúng sự thật về các thông tin: “Tôi cũng đã xin Bộ Y tế lên kiểm nghiệm và xin giấy phép từ họ”, “Bà Dung đã cải tiến công thức mới hiệu quả cao hơn nữa và cũng đã có tên tiếng Anh riêng là “Slim Kangtado””.

Cục An toàn thực phẩm khẳng định, nội dung quảng cáo trên các trang mạng nêu trên chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh… vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slim Kangtado đang được quảng cáo là “thảo dược giảm cân gia truyền của Bà Dung”; không mua, không sử dụng sản phẩm được quảng cáo và rao bán trên các trang mạng vi phạm về nội dung quảng cáo trên. (Sức khỏe & Đời sống, trang 13)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

Ngày 30.10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ, điều động, bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và trao Quyết định. Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chúc mừng đồng chí Nguyễn Thanh Long được Ban Bí thư điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; tin tưởng trên cương vị công tác mới, đồng chí Nguyễn Thanh Long sẽ cùng tập thể lãnh đạo Ban tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Nguyễn Thanh Long khẳng định sẽ luôn nỗ lực, cố gắng cùng tập thể lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí hy vọng, trên cương vị mới sẽ luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức trong Ban Tuyên giáo Trung ương và ngành tuyên giáo. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 2: “Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương”

Tỷ lệ giường bệnh nằm ghép giảm từ 58% xuống 16,7%

Ngày 30-10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Thông tư phân tuyến chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám chữa bệnh. Bộ Y tế cho biết, đã có 37 trong số 39 bệnh viện tuyến TƯ giảm tỷ lệ nằm ghép (so với năm 2012) từ 58% xuống 16,7%. Kết quả khảo sát hài lòng người bệnh cho thấy: tỷ lệ hài lòng của người bệnh điều trị nội trú đạt 75,6%, ngoại trú đạt 66,3%. Tại đây, nhiều tỉnh, thành phố đề xuất phương án khám, chữa bệnh: Tuyến một-Khám chữa bệnh ban đầu, điều trị ngoại trú; Tuyến hai-Tuyến điều trị đa khoa được chia làm hai mức: đa khoa cơ bản và đa khoa. (Nhân dân, trang 5)

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/6/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/10/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/6/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận