Điểm báo ngày 31/3/2021

(CDC Hà Nam)
Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật thành công khối bướu sợi 19kg; Cảnh báo về làn sóng mới của dịch Covid-19; Tăng cường an toàn tiêm vaccine Covid-19…

 

Hỗ trợ Hải Dương 270 tỷ đồng phòng, chống dịch Covid-19

Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm cấp 270 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2021 hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Hải Dương để phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính xử lý cụ thể và hướng dẫn UBND tỉnh Hải Dương triển khai thực hiện. Bộ Tài chính, UBND tỉnh Hải Dương chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được tạm cấp bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch. UBND tỉnh Hải Dương sử dụng nguồn ngân sách T.Ư hỗ trợ, các nguồn lực địa phương, nguồn huy động hợp pháp khác để kịp thời thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; kết thúc đợt chi trả, tổng hợp số liệu, báo cáo kết quả thực hiện chi phòng, chống dịch (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) gửi Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách T.Ư cho tỉnh theo quy định.

★ Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách T.Ư cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, ngân sách T.Ư hỗ trợ kinh phí thực hiện các chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Ðiều 1 Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29-3-2020; kinh phí thực hiện cách ly y tế, khám, chữa bệnh và chế độ phụ cấp chống dịch; kinh phí hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng chống dịch Covid-19 trong năm ngày Tết Nguyên đán năm 2021. Quyết định cũng quy định cụ thể với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, ngân sách T.Ư hỗ trợ 70% mức ngân sách nhà nước thực chi theo quy định.

Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 30-3, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 mới; 51 người được công bố khỏi bệnh; 70 người bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế có kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 từ một đến ba lần.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT về việc tăng cường công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Theo đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố rà soát, cập nhật các đối tượng để triển khai tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc-xin Covid-19; huy động các cơ sở y tế trên địa bàn, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức tiêm vắc-xin. Tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia tiêm chủng để bảo đảm thực hiện đúng quy trình tiêm an toàn, theo dõi sau tiêm chủng, xử lý, cấp cứu kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, bao gồm cả phản ứng phản vệ; yêu cầu các điểm tiêm chủng niêm yết số điện thoại của đơn vị để người dân liên hệ khi cần thiết… Các cơ sở khám, chữa bệnh, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế bố trí thường trực cấp cứu xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng tại đơn vị và tổ chức các đội hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn; phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, phân tích tình hình dịch Covid-19, giám sát chặt chẽ, tổng hợp kết quả tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại các địa phương và đề xuất các biện pháp nâng cao tỷ lệ tiêm chủng.

Lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, vừa có hình thức phê bình Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân vì chậm truy vết F1 và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó, ngày 25-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa nhận được thông tin từ CDC thành phố Hà Nội về trường hợp F1 trên chuyến bay VJ458 có người bệnh nghi mắc Covid-19 là người xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân. CDC tỉnh Thanh Hóa thông báo cho Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân lúc 21 giờ 45 phút cùng ngày để truy vết ngay, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Thế nhưng, đến 7 giờ sáng ngày 26-3, Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân mới cử người xuống tiếp cận F1, lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Hỗ trợ cho Hải Dương 270 tỷ đồng phòng, chống dịch Covid-19”

 

Cảnh báo về làn sóng mới của dịch Covid-19

Theo tin nước ngoài và TTXVN, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo, biến thể mới của vi-rút gây Covid-19 phát hiện ban đầu tại Bra-xin đang lan rộng ra nhiều nước ở khu vực Nam Mỹ và có thể khiến hệ thống bệnh viện tại các nước sụp đổ. Tại Pa-ra-goay, trong tuần qua, tất cả số giường chăm sóc tích cực tại các bệnh viện trên cả nước đã phải sử dụng để phục vụ người bệnh Covid-19. Còn tại Chi-lê, số ca nhiễm mới theo ngày trung bình trong tuần qua tăng lên mức hơn 6.000 ca…

★ Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn cảnh báo, cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Mỹ sẽ còn lâu nữa mới đi đến chiến thắng, trong bối cảnh nước Mỹ đang ở bờ vực của nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ tư. Nhà trắng cũng thông báo một loạt biện pháp mới nhằm bảo đảm rằng 90% người trưởng thành sẽ có đủ điều kiện tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trước ngày 19-4 tới.

★ Tại châu Á, số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Ðộ đã vượt mốc 12 triệu ca. Ma-ha-ra-stra vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh khi ghi nhận thêm 40.414 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Ðến nay, Ấn Ðộ đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho hơn 60 triệu người.

★ Sau hai ngày tạm lắng với số ca mới chỉ tăng thêm vài chục, Bộ Y tế Cam-pu-chia sáng 30-3 thông báo số ca mắc mới Covid-19 tăng trở lại ba chữ số trong một ngày, trong đó số ca lây nhiễm cộng đồng nhiều nhất là ở thủ đô Phnôm Pênh. Chính phủ đặt mục tiêu tiêm phòng cho một triệu dân mỗi tháng.

★ Tại châu Âu, Thụy Ðiển cho biết, số người bệnh Covid-19 điều trị tại bệnh viện đã tăng mạnh cuối tuần qua ở nhiều vùng. Một bệnh viện tại thủ đô Xtốc-khôm bị quá tải, buộc nhiều xe cứu thương phải chuyển hướng sang những bệnh viện khác.

★ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan công bố một loạt biện pháp siết chặt hơn nữa công tác phòng dịch khi số ca nhiễm mới gia tăng tại các thành phố. Cụ thể, trong tháng lễ Ra-ma-đan của người Hồi giáo, lệnh phong tỏa được áp đặt trong những ngày cuối tuần, các nhà hàng chỉ được phép phục vụ theo hình thức bán mang về và giao đồ ăn tại nhà.

★ Công ty dược phẩm Johnson & Johnson của Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Phi (AU) để cung cấp 400 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho 55 quốc gia của châu lục này. Công ty Johnson & Johnson cũng cam kết bảo đảm tiếp cận công bằng, toàn cầu đối với vắc-xin ngừa Covid-19.

★ Tổng thống Ê-cu-a-đo đã công bố một số biện pháp mới hạn chế đi lại và hoạt động kinh doanh rượu, bia để hạn chế lây nhiễm Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào đầu tháng 4 và Ngày Quốc tế Lao động 1-5 tới. Hiện nhiều bệnh viện tại Ê-cu-a-đo đang trong tình trạng quá tải, người nhiễm Covid-19 đang phải xếp hàng chờ để được điều trị tại các phòng chăm sóc đặc biệt.

★ Chính phủ Ma-rốc tuyên bố tạm thời đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, các chuyến bay chở hành khách đặc biệt giữa hai nước sẽ được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với các quy định của cơ quan chức năng trong phòng ngừa Covid-19.

★ Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét kêu gọi thế giới triển khai các biện pháp khẩn cấp và quyết liệt nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ do dịch Covid-19 gây ra. Theo ông A.Gu-tê-rét, thế giới cần hành động khẩn cấp để hỗ trợ chính phủ các nước có thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận nguồn tiền mặt và giảm bớt gánh nặng nợ cho các nước này. (Nhân dân, trang 8)

 

Từ loạt bài Loạn “thần y” của Báo SGGP: Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì kiểm tra, xử lý các vi phạm

Liên quan đến loạt bài Loạn “thần y”, đăng trên Báo SGGP từ ngày 22 đến 25-3, ngày 30-3, Văn phòng Chính phủ có văn bản cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan có liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp.

Loạt bài Loạn “thần y” phản ánh về hiện tượng tự xưng “lương y”, “thần y”chữa bách bệnh tràn lan trên mạng xã hội; quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng; giới thiệu thực hiện hoạt động khám chữa bệnh không phép.

Trên nhiều mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều nhóm tự xưng “thần y” chữa được nhiều bệnh như yếu sinh lý, hiếm muộn, vô sinh… và chưa có cơ quan chức năng nào xử lý. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Tăng cường an toàn tiêm vaccine Covid-19

Ngày 30-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ban hành Chỉ thị số 05 về tăng cường công tác tiêm chủng vaccine Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh thành rà soát, cập nhật danh sách các đối tượng để triển khai tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine Covid-19; huy động tối đa các cơ sở y tế trên địa bàn, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức tiêm vaccine Covid-19… Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur, các sở y tế… thực hiện nhiệm vụ được giao tại kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 giai đoạn 2021-2022; đảm bảo chất lượng vaccine; thực hiện tiêm chủng an toàn; xử lý kịp thời và hiệu quả các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

Cùng ngày, GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, lô vaccine Covid-19 đầu tiên của Covax Facility cung cấp về tới Việt Nam vào đầu tháng 4, với 811.000 liều vaccine AstraZeneca. Khi về Việt Nam, vaccine được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bảo quản trước khi Bộ Y tế phân phối cho các địa phương để tiêm chủng.

Theo kế hoạch, sẽ có hơn 4,8 triệu liều vaccine Covid-19 được Covax Facility cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021.

Tối cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước không có thêm ca mắc Covid-19. Số người mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 2.594 người.

Cùng ngày, đã có thêm 51 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số người được chữa khỏi bệnh lên 2.359 người. Ngày 29-3, thêm 1.276 người được tiêm chủng. Như vậy, số người được tiêm vaccine hiện là 46.416 người. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 15: “Sẽ mở rộng đối tượng tiêm Vắc-xin Covid-19”

 

Nam tiếp viên hàng không lãnh 2 năm tù treo vì làm lây lan Covid-19

Xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Dương Tấn Hậu, tiếp viên hàng không 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm và không bị phạt tiền.

Sáng 30-3, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tấn Hậu (SN 1992, tiếp viên hàng không hãng Vietnam Airlines) về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác. An ninh và công tác phòng dịch tại phiên tòa được thực hiện nghiêm ngặt.

Trước phiên xử và tại phần thủ tục, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hậu đề nghị HĐXX triệu tập thêm đại diện UBND phường 2, quận Tân Bình, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, Ban Quản lý khu cách ly Vietnam Airlines… Tuy nhiên, HĐXX cho biết đã triệu tập hợp lệ mà những người này vẫn vắng mặt tại phiên tòa. HĐXX cho rằng những người này đã có lời khai trong hồ sơ vụ án nên sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc xét xử.

Theo cáo trạng, ngày 14-11-2020, sau khi phục vụ trên chuyến bay từ Nhật Bản về nước, Dương Tấn Hậu được đưa đi cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của Vietnam Airlines khu vực phía Nam. Tại đây, tiếp viên này đã tiếp xúc với Nguyễn Tăng Hậu và Nguyễn Tuyết Nhi – sau này được xác định nhiễm virus corona.

Khi được chuyển về tự cách ly tại nơi lưu trú ở số 50 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, Hậu đã nhiều lần tiếp xúc với Liễu Minh Sang và rời khỏi nơi cư trú đi lại nhiều nơi ở TPHCM. Sau đó, ông Sang về nhà tại quận 6, nhiều lần tiếp xúc với cháu H. (2 tuổi) và đi dạy ngoại ngữ tại Trung tâm Anh ngữ Key English (quận 10) tiếp xúc với học viên Nguyễn Thị T., khiến cho 2 người này nhiễm Covid-19.

Tại tòa, bị cáo Dương Tấn Hậu thừa nhận mình đã sai, nhưng nếu “bị tội hình sự thì hơi nặng”. Bị cáo giải thích, quá trình cách ly tại khu cách ly của Vietnam Airlines, bị cáo chỉ gặp Nguyễn Tăng Hậu và Nguyễn Tuyết Nhi một lần ở sảnh chung. Lúc này, do bị cáo bị đau bụng nên hai người này đưa bị cáo về phòng. Cả ba người vẫn đeo khẩu trang theo quy định.

Bị cáo Hậu khai thêm, do kết quả xét nghiệm hai lần âm tính và bản thân cũng không có biểu hiện gì, lại không được cảnh báo nên có sự chủ quan. Sau khi được cho về tự cách ly tại địa phương, bị cáo đã thông báo cho Liễu Minh Sang là bạn cùng phòng để đến lấy đồ.

Nói thêm về điều kiện cách ly tập trung và tại nhà, bị cáo là tiếp viên hàng không cho biết, tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines, mỗi ngày một người chỉ được cấp khoảng 1 lít nước, nên hầu hết phải đến khu sinh hoạt chung để lấy nước, vì vậy khu này lúc nào cũng đông. Cách ly tại nhà thì phải nhờ Sang và mẹ bị cáo đến đưa thức ăn.

Hậu bị VKSND TPHCM đề nghị mức án 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm, phạt 50 triệu đồng. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy bị cáo là lao động chính trong gia đình nên tòa không áp dụng hình phạt tiền. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 22: “Nam tiếp viên VNA làm lây lan dịch bệnh bị tuyên 2 năm tù treo”; Báo Công an Nhân dân, trang 8: “Tiếp viên hàng không làm lây lan Covid-19 bị phạt 2 năm tù treo”

 

Thêm 51 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh

Tối 30.3, Bộ Y tế cho biết trong ngày, cả nước không ghi nhận bệnh nhân (BN) Covid-19 mới; thêm 51 BN được công bố khỏi bệnh.

Trong số 2.594 BN Covid-19 ghi nhận từ đầu dịch đến nay tại VN, có 2.359 ca đã được điều trị khỏi; 1.603 ca mắc do lây nhiễm trong nước. 46.454 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly y tế, theo dõi sức khỏe, phòng dịch.

Theo Bộ Y tế, 46.416 người tại 19 tỉnh, TP đã được tiêm vắc xin Covid-19, trong đó Hải Dương nhiều nhất, với gần 18.500 người.

Ngày 30.3, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Chỉ thị về việc tăng cường công tác tiêm vắc xin Covid-19. Theo Bộ Y tế, thời gian tới, vắc xin Covid-19 sẽ được triển khai tiêm trên quy mô rộng hơn, cho nhiều đối tượng hơn. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế cập nhật danh sách các đối tượng, triển khai tập huấn tiêm chủng theo đúng quy định, tổ chức theo dõi sau tiêm, xử trí các trường hợp tai biến. Các điểm tiêm chủng phải niêm yết số điện thoại của đơn vị để người dân liên hệ khi cần thiết. Sở y tế các địa phương sử dụng hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân để đăng ký, quản lý, theo dõi sau tiêm chủng, báo cáo kết quả và cấp giấy chứng nhận tiêm chủng… (Thanh niên, trang 3)

 

Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới, thêm 51 bệnh nhân khỏi bệnh

Theo tin từ Bộ Y tế, tính từ 6h đến 18h ngày 30-3, nước ta không ghi nhận ca mắc mới. Như vậy, 24 giờ qua (tính từ 18h ngày 29-3 đến 18h ngày 30-3), nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19.

Tính đến 18h ngày 30-3, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước ta vẫn là 2.594 ca, trong đó có 1.603 ca lây nhiễm trong nước.

Tính từ ngày 27-1 đến nay, nước ta ghi nhận 910 ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng, tại 13 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang và Bình Dương.

Hiện, đã có 10 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh đã qua 46 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Riêng tại Hà Nội, đã 43 ngày và Hải Phòng 36 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 46.454 người, trong đó có 506 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 19.376 người cách ly tại các cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nước ta có thêm 51 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, nước ta đã có 2.359 ca bệnh Covid-19 được điều trị khỏi, 35 ca tử vong.

Ngoài ra, trong các ca bệnh còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, 70 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 đến 3 lần. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Ngộ độc từ thực phẩm hút chân không

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các ca ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là vụ ngộ độc botulinum sau bữa ăn tại khu vực miếu Chiêu Liêu ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương làm 6 người nhập viện, trong đó có 1 người tử vong.

Việc chế biến thức ăn, bảo quản thực phẩm “hút chân không”, đóng hộp thực phẩm không đúng cách đang là mối nguy rất lớn, gây nhiễm độc tố chết người botulinum..

Vô tư đóng gói hút chân không

Túi hút chân không được người dùng đánh giá là sản phẩm giúp bảo quản thực phẩm hiệu quả trong một thời gian nhất định. Thế nhưng nếu sử dụng không đúng cách, không đủ điều kiện tiệt trùng theo quy định thì có thể sinh ra vi khuẩn nguy hiểm trong môi trường yếm khí, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện nay, túi hút chân không thực phẩm được bày bán khá phổ biến. Chỉ từ 70.000 – 120.000 đồng đã có thể mua được sản phẩm với vô số hình thức như cân ký, bán theo cuộn, theo bịch đủ mọi kích cỡ. Và chỉ cần 500.000 đồng là các bà nội trợ đã mua được một chiếc máy hút chân không mini.

Chị N.T.K. (nhân viên một cửa hàng bao bì ở quận 6) cho biết mỗi ngày cơ sở bán ra cả trăm ký bao bì hút chân không. “Mặt hàng này rất đắt khách vì tiện dụng, có khách đến mua cả chục ký về để dành xài cho gia đình. Cửa hàng còn bán cả máy hút chân không để phục vụ nhu cầu của khách hàng”, chị K. cho biết.

Thị trường online (bán hàng trên mạng) sôi nổi không kém khi chỉ cần tìm kiếm từ khóa “túi hút chân không” là hàng loạt các đường liên kết hiện ra, từ các trang thương mại điện tử đến các fanpage, các group trên mạng xã hội.

Là nhân viên văn phòng không có nhiều thời gian cho việc đi chợ, chị Lê Ngọc Trúc (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết chị thường tự đặt mua các loại túi chân không trên mạng để bảo quản thức ăn nhiều ngày. “Vì mình chỉ đi chợ mỗi tuần hai lần, nên các thực phẩm như cá, thịt heo, thịt bò mình thường cho vào túi hút chân không để bảo quản, giữ được độ tươi lâu hơn, khi cần dùng cũng không tốn thời gian rã đông như khi đông lạnh thực phẩm”, chị Trúc nói.

Việc dùng túi “hút chân không” mà các hộ gia đình tự làm không đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo trước đó.

Cẩn trọng cách bảo quản trong môi trường yếm khí

Bà Trần Việt Nga – phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế – cho biết độc tố botulinum sinh ra trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm trong môi trường yếm khí (đóng hộp, hút chân không) không bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có chế biến tại nhà.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-3, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết vừa nhận báo cáo từ Kon Tum cho biết có thêm ca ngộ độc nghi do botulinum. Đây là trường hợp độc lập với nhóm ca bệnh xuất hiện giữa tháng 3 và người bị ngộ độc cũng ăn cá suối muối trong âu đậy kín.

Đây là vụ ngộ độc thứ 3 nghi do botulinum trong tháng 3 này, gồm 2 vụ ở Kon Tum, 1 vụ ở Bình Dương.

Chuyên gia Cục An toàn thực phẩm lưu ý các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản thực phẩm trong thời gian dài. Bởi khi không đủ điều kiện công nghệ để tiệt trùng thực phẩm được đóng gói kín sẽ có nguy cơ sinh ra độc tố botulinum gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.

Hút chân không coi chừng sinh độc tố botulinum

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết các cơ quan chức năng của Bình Dương đã lấy 16 mẫu chả (loại đóng gói túi hút chân không) và patê chay để gửi kiểm nghiệm.

Ông Phong đã yêu cầu các cơ quan kiểm nghiệm kiểm tra và làm rõ nhanh nhất nguyên nhân dẫn tới vụ ngộ độc này.

Ngộ độc do độc tố botulinum là loại ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao, nếu cứu chữa được cũng ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, trướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp, người liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.

Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum. (Tuổi trẻ, trang 14)

 

Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật thành công khối bướu sợi 19kg

Chiều 30-3, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân có khối bướu sợi thần kinh ở chân… nặng 19kg.

Đó là bệnh nhân L.T.M.T. (37 tuổi, quê Kiên Giang, sống tại Bình Dương) nhập viện ngày 3-3. Bệnh nhân có khối bướu “khổng lồ” ở vùng mông phải chạy dọc xuống phía dưới sau đầu gối, dài khoảng 70cm, vị trí khối u to nhất rộng khoảng 40cm. Ngoài khối bướu, còn xuất hiện mụn thịt mọc rất nhiều trên da, rải rác toàn thân.

Kết quả giải phẫu bệnh xác định, chị T. bị u sợi thần kinh lành tính. Chị T. thất nghiệp sau 2 lần sinh nở; chồng đi phụ hồ không đủ nuôi 4 miệng ăn, hoàn cảnh khó khăn nên chị không tới bệnh viện điều trị.

TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng – Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, ngoài việc vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí phẫu thuật, để sẵn sàng cho ca mổ, các chuyên khoa gồm Phỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức… cùng hợp sức, lên các kế hoạch mổ tách bỏ khối u và bảo tồn chi, bảo tồn dây thần kinh ngồi nhằm giữ các chức năng vận động cho người bệnh.

Ca phẫu thuật được thực hiện vào ngày 17-3. Sau 3 giờ, các bác sĩ đã tách bỏ khối u nặng 19kg thành công. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục, có thể tập đi lại.

Theo TS-BS Ngô Đức Hiệp, khó khăn lớn nhất trong ca mổ là kiểm soát mất máu cho bệnh nhân, do khối bướu được cấp máu bởi các mạch máu rất lớn, trong quá trình mổ nguy cơ mất máu cao. Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã thực hiện kỹ thuật tắc mạch ở 2 nhánh động mạch chính (động mạch chậu trong bên phải và động mạch đùi sau bên phải), lượng máu cấp vào khối u được kiểm soát đến 50% giúp cho ca phẫu thuật đã được thực hiện thuận lợi. Dự kiến hôm nay 31-3, chị T. xuất viện. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 04/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/9/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận