Gián đoạn cung cấp vaccine tiêm chủng dịch vụ, nguy cơ đối mặt với dịch bệnh của trẻ ra sao?

(CDC Hà Nam)
Theo Bộ Y tế, thủ tục cung ứng vaccine tại một số cơ sở tiêm chủng dịch vụ do các đơn vị y tế công sử dụng ngân sách nhà nước quản lý gặp vướng mắc. Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung một số văn bản tháo gỡ, cho phép các đơn vị này chủ động hơn trong mua sắm vaccine.

Tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức sáng 24/3, trả lời quan tâm của báo chí về việc “Hơn 1 năm nay, vấn đề thiếu vaccine dịch vụ chưa thể tháo gỡ, nhiều phòng tiêm chủng phải đóng cửa, việc cung cấp vaccine tiêm chủng cho người dân bị gián đoạn. Vậy nguy cơ đối mặt với dịch bệnh của người dân ra sao? Bộ Y tế đánh giá như thế nào về vấn đề này?”, GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Vaccine là một trong những biện pháp quan trọng phòng chống bệnh truyền nhiễm. Để bảo vệ hiệu quả sức khoẻ cộng đồng cần duy trì tỷ lệ miễn dịch cao và rộng khắp.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng các vaccine ở mức cao trong nhiều năm qua là yếu tố quan trọng để thanh toán loại trừ và khống chế nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Gián đoạn cung cấp vaccine tiêm chủng dịch vụ, nguy cơ đối mặt với dịch bệnh của trẻ ra sao? - Ảnh 1.

Theo Bộ Y tế, phần lớn trẻ em hiện nay tiếp cận với vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Mọi trẻ em đều có quyền được tiêm chủng miễn phí các vaccine trong chương trình. Vì vậy, cha mẹ có thể đưa con đến các điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã, phường để trẻ được tiêm chủng kịp thời.

Trong thời gian dịch COVID-19 tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, thủ tục cung ứng vaccine tại một số cơ sở tiêm chủng dịch vụ do các đơn vị y tế công sử dụng ngân sách nhà nước quản lý gặp một số vướng mắc.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung một số văn bản tháo gỡ các vướng mắc, cho phép các đơn vị này chủ động hơn trong việc mua vaccine phục vụ nhu cầu người dân.

Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ cho con đi tiêm chủng theo lịch. Trong trường hợp tiêm chậm muộn thì cần được tiêm bù mũi càng sớm càng tốt mà không phải tiêm lại từ đầu. Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm bù mũi, tiêm vét các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ngoài các vaccine dịch vụ, phần lớn trẻ em hiện nay tiếp cận với vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Mọi trẻ em đều có quyền được tiêm chủng miễn phí các vaccine trong chương trình. Vì vậy, cha mẹ có thể đưa con đến các điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã, phường để trẻ được tiêm chủng kịp thời.

Các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là những bệnh phổ biến, nguy hiểm. Theo báo cáo của các địa phương, nhiều trẻ mắc sởi, ho gà, viêm não Nhật bản… trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi. Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ Bộ Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh đưa con đi tiêm chủng tại các trạm y tế xã, phường.

Nếu trẻ không được tiêm chủng kịp thời, trẻ sẽ không có miễn dịch phòng  bệnh, làm gia tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm đã lưu hành ở nước ta như Sởi, Bạch hầu….

Cũng về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết đã đẩy mạnh tăng cường truyền thông về lợi ích tiêm chủng phòng bệnh trên các phương tiện thông tin và sự cần thiết của tiêm chủng để phòng các bệnh truyền nhiễm, khuyến cáo người dân đưa con em tham gia tiêm chủng thường xuyên đúng lịch và tiêm vét phù hợp ngay khi đủ điều kiện tiêm chủng; chỉ đạo các địa phương lập kế hoạch và triển khai tiêm ngay khi có vắc xin;…

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Thư mời chào giá

Ngọc Nga

“Tiện” nhưng không “lợi”

hanh phan

Kiểm tra thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 ở đâu?

Ngọc Nga