Làm thế nào để phòng tránh ung thư dạ dày?

(CDC Hà Nam)
Ung thư dạ dày là 1 trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày là tình trạng phát triển khối u ác tính trong dạ dày. Đây hiện là một trong những loại ung thư phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Năm 2018 Việt Nam ghi nhận 17.527 người mắc ung thư dạ dày, 15.065 ca tử vong.

Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể di căn đến các bộ phận khác và dẫn đến tử vong.

Làm thế nào để phòng tránh ung thư dạ dày? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Đối tượng có nguy cơ mắc ung thư dạ dày bao gồm:

– Những người bị viêm loét dạ dày – tá tràng mãn tính

– Người bị nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori)

– Người trong gia đình có người từng bị ung thư dạ dày

– Người thường xuyên hút thuốc lá hay sử dụng bia, rượu

– Những người trên 50 tuổi.

Triệu chứng của ung thư dạ dày

Theo TS.BS Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, ở giai đoạn đầu, ung thư dạ dày thường không có triệu chứng rõ ràng.

Ung thư dạ dày không bao giờ xuất phát từ một niêm mạc dạ dày lành mạnh. Các yếu tố nguy cơ ngoại sinh gây nên các tổn thương, viêm niêm mạc dạ dày từ nông đến sâu và nặng nhất là viêm teo, dị sản týp ruột.

Ung thư dạ dày giai đoạn sớm

Các triệu chứng ban đầu là triệu chứng viêm niêm mạc dạ dày thường rất mơ hồ. Theo đó, người bệnh có thể cảm thấy:

– Đau âm ỉ ở vùng thượng vị,

– Ậm ạch khó tiêu,

– Hay đầy bụng, đau bụng, có thể không phụ thuộc vào thời tiết hoặc no hay đói.

Lúc đầu các triệu chứng chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện. Lâu dần, tình trạng này sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.

Ung thư dạ dày giai đoạn muộn

Càng để muộn, các triệu chứng càng nặng và kèm theo tình trạng:

– Gầy sút cân rõ (mất 5-6 kg trong vòng 6 tháng)

– Hẹp môn vị (nôn thức ăn sau ăn 2-3 giờ hoặc nôn thức ăn bữa trước)

– Sờ thấy u vùng thượng vị

– Nôn ra máu

– Đại tiện phân đen

– Sờ thấy hạch thượng đòn trái

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư dạ dày thường có triệu chứng thiếu máu ngày càng rõ như da xanh, niêm mạc nhợt do chảy máu từ khối u. Ở một số trường hợp bệnh ung thư phát triển mạnh, dấu hiệu sẽ trở nên rõ ràng hơn như có khối u lớn, gây hẹp một phần dạ dày.

Phương pháp điều trị

Làm thế nào để phòng tránh ung thư dạ dày? - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư dạ dày như phẫu thuật (mổ mở, nội soi), truyền hóa chất, xạ trị, điều trị đích. Việc áp dụng một hay phối hợp nhiều phương pháp tùy thuộc vào giai đoạn bệnh.

Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh phải mổ (mở hoặc nội soi), dựa trên kết quả sau mổ bác sĩ cân nhắc phương án điều trị nội khoa tiếp theo. Nội soi cắt dạ dày thường được chỉ định cho những trường hợp mắc ung thư dạ dày giai đoạn 1-3.

Phương pháp hữu hiệu nhất để sàng lọc sớm ung thư dạ dày là phương pháp nội soi bằng ống mềm. Phương pháp này cho phép bác sĩ đánh giá toàn bộ niêm mạc trong dạ dày để chẩn đoán sớm ung thư. Để hiệu quả nhất, người dân nên đi khám định kỳ 6 tháng/lần.

Phòng ngừa ung thư dạ dày

Để phòng ung thư dạ dày, bạn nên duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý:

– Ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E.

– Hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất độc nguy cơ gây ung thư.

– Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên, các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư.

– Bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích. Sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.

– Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.

Thế Anh

Theo dantri.com.vn

Bài viết liên quan

Các biện pháp phòng và chống dịch COVID-19

Ngọc Nga

KHUYẾN CÁO CỦA BỘ Y TẾ VỀ VIỆC PHÒNG CHỐNG BỆNH CÚM MÙA

CDC Hà Nam

Khuyến cáo phòng chống bệnh viêm não, viêm màng não do não mô cầu

Ngọc Nga

Để lại bình luận