Loãng xương ở tuổi 30

(CDC Hà Nam)

Loãng xương cũng có thể xảy ra ở người trẻ và nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như tàn phế, tử vong. Ngồi nhiều, ít vận động làm tăng nguy cơ loãng xương ở người trẻ. Tập thể dục dưới ánh nắng mặt trời giúp tăng cường hấp thụ vitamin D rất tốt trong việc phòng ngừa loãng xương.

Loãng xương là một rối loạn chuyển hóa, xảy ra khi mất cân bằng trong quá trình tiêu hủy và tái tạo các tế bào xương mới. Bệnh làm xương liên tục mỏng dần, khi mật độ xương giảm theo thời gian sẽ làm xương trở nên giòn, xốp và dễ gãy hơn dù chỉ chấn thương nhẹ. Ở những người bệnh mắc bệnh này, đôi khi chỉ gập hoặc cúi người cũng có thể gây gãy xương.

Loãng xương chủ yếu xuất hiện ở người cao tuổi nhưng hiện nay, bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Không ít trường hợp xuất hiện dấu hiệu loãng xương khi chỉ vừa ngoài 30 tuổi như đau lưng, nhức mỏi người, đặc biệt là về đêm; bủn rủn chân tay, ra mồ hôi nhiều; chán ăn mệt mỏi; suy giảm chất lượng giấc ngủ, trầm cảm…

Bệnh loãng xương ở người trẻ thường là loãng xương thứ phát, xảy ra do một số nguyên nhân như:

Thiếu hụt estrogen: Estrogen chịu trách nhiệm hấp thu các chất dinh dưỡng tốt cho xương, khi thiếu hụt nội tiết tố này, sẽ làm xương suy yếu dần do không đủ chất dinh dưỡng, từ đó gây ra tình trạng loãng xương.

Lối sống không lành mạnh như chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời… dẫn đến thiếu hụt vitamin D, ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi của xương, hậu quả là phát triển bệnh lý loãng xương.

Đặc thù nghề nghiệp như nhân viên văn phòng, phải ngồi làm việc từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày; công nhân ngồi làm việc quá lâu và sai tư thế… cũng làm xương mất đi sức mạnh.

Di truyền: Nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh loãng xương thì nguy cơ loãng xương của bạn cũng sẽ cao hơn những người khác.

Các bệnh lý khác và tác dụng của thuốc điều trị như trầm cảm, gan mật, tiểu đường, lupus, viêm khớp dạng thấp… cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi, làm tăng nguy cơ loãng xương.

Như với người cao tuổi, tình trạng loãng xương ở người trẻ cũng có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề như làm tăng nguy cơ gãy xương, lún xẹp đốt sống, biến dạng gù vẹo cột sống,… ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh và thậm chí là có thể dẫn đến tàn phế, tử vong.

Loãng xương là một bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn, các phương pháp điều trị chỉ nhằm phục hồi cấu trúc xương đã bị loãng và phục hồi độ khoáng hóa xương, tăng cường khối lượng xương, ngăn bệnh tiến triển nặng và phòng ngừa biến chứng. Vì vậy, phòng ngừa loãng xương là lựa chọn tốt nhất.

Cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho xương, đặc biệt là vitamin D và canxi, là một trong những phương pháp phòng ngừa loãng xương hiệu quả nhất. Cụ thể, người dưới 15 tuổi cần đảm bảo cung cấp cho cơ thể 600 – 700mg vitamin D mỗi ngày, và ở người trên 15 tuổi là 800 – 1000mg vitamin D. Đồng thời, người trưởng thành còn cần khoảng 1.000mg canxi mỗi ngày để có hệ xương khỏe mạnh.

Trong sinh hoạt hàng ngày, người trẻ tuổi cần lưu ý vận động thường xuyên để xương chắc khỏe hơn; dậy sớm và tiếp xúc, hoạt động dưới ánh nắng mặt trời để tăng cơ hội hấp thu vitamin D, hỗ trợ cho việc hấp thu canxi; không hút thuốc lá; hạn chế bia rượu và các chất kích thích; dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ… Thói quen này giúp duy trì sự cân bằng giữa quá trình tạo xương, hủy xương, từ đó phòng ngừa loãng xương hiệu quả. Ngoài ra, đừng quên thăm khám sức khỏe định kỳ và thông báo ngay cho bác sĩ nếu phát hiện các dấu hiệu loãng xương hoặc các bất thường khác.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

Các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích

hanh phan

Cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ ở người nhiễm HIV

Ngọc Nga

Vai trò và lợi ích sử dụng muối I ốt

hanh phan