Mục tiêu hàng đầu là phát triển toàn diện trẻ em

(CDC Hà Nam)

Hiện nay Việt Nam đang triển khai quá trình đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT. Việc đổi mới này được thực hiện ở tất cả các bậc học, từ các khâu, các yếu tố, các quá trình. Có thể nói sự đổi mới nhằm đến tính tập thể rất cao, trong đó có những quan điểm xâu chuỗi từ bậc mầm non cho đến bậc đại học, với mục tiêu quan trọng hàng đầu là phát triển toàn diện trẻ em, phát triển con người.

Bộ GDĐT đặc biệt lưu ý đến cấp học mầm non, bởi đây là cấp học có tính chất quyết định tương lai của trẻ em, cả về phương diện thể chất, phương diện tinh thần và phương diện trí tuệ. Việt Nam từng có một chương trình dành cho GDMN thống nhất trong cả nước cùng nhiều ưu tiên phát triển khoa học giáo dục. Bậc học này đã đạt khá nhiều kết quả khả quan.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, với mục tiêu xa và lớn hơn, Bộ GDĐT đang xúc tiến biên soạn, chuẩn bị một chương trình cho GDMN, để trong đa dạng lấy chương trình làm thống nhất cho các khâu để kiểm soát được chất lượng cũng như có những sự đầu tư.

Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về chính sách bảo đảm chất lượng GDMN và một số mô hình triển khai tại Việt Nam nằm trong chuỗi hoạt động để Bộ GDĐT ghi nhận, lắng nghe những ý kiến trao đổi, thảo luận hữu ích của các nhóm chuyên gia để phục vụ cho việc phát triển GDMN nói chung cũng như chuẩn bị biên soạn, triển khai chương trình GDMN nói riêng.

Điều cốt yếu là trẻ được học thông qua chơi

Hội thảo có hai phiên làm việc, với hai nội dung chính: Tổng quan về chính sách và xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non, bảo đảm chất lượng GDMN; Khung chính sách toàn diện, hỗ trợ thực hiện chương trình GDMN mới và phát triển GDMN đảm bảo chất lượng.

Trong phiên tổng quan, hội thảo lắng nghe nhiều ý kiến từ chuyên gia quốc tế. Ông Phill Lambert, Giáo sư thỉnh giảng Đại học Sydney, nguyên Giám đốc Cơ quan Quốc gia Australia về Chương trình giảng dạy, Đánh giá và Giám sát, đề cập đến ba nội dung chính, bao gồm các nguyên tắc chính, cơ bản trong việc đổi mới thực hành và chính sách giáo dục mầm non có chất lượng; phân tích sâu bối cảnh Australia; đề xuất đối với các quốc gia hoặc khu vực pháp lý đang mong muốn hiện thực hóa tầm nhìn giáo dục mầm non.

Ông Phill nhấn mạnh, trong thực tế, để đạt hiệu quả nhất định và hướng đến sự toàn diện thì cần phải hiểu trẻ và phát triển tư duy năng lực của từng trẻ theo cách linh hoạt, tăng cường sự tương tác giữa trẻ với trẻ, trẻ với giáo viên và trẻ với xã hội. Bốn khuyến nghị mà ông Phill đưa ra tại hội thảo bao gồm: Cần các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng; Giám sát để đảm bảo tuân thủ, cải tiến liên tục; Sự tham gia của toàn xã hội; Đầu tư thông minh để nâng cao vị thế của nghề giáo, nâng cao trình độ chuyên môn của các nhà giáo…

Lắng nghe các ý kiến tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của ngành Giáo dục đối với GDMN. Sự đổi mới của toàn hệ thống giáo dục cần bắt đầu từ đổi mới, gia tăng chất lượng GDMN. Chăm lo cho giai đoạn này vừa là một vấn đề khoa học, vừa là vấn đề thuộc về nhận thức, tình cảm, lương tri, dành điều tốt nhất cho trẻ em. Đó là tầm nhìn mang tính chất quốc gia, với thế hệ trẻ Việt Nam và công dân thế giới, mặc dù Việt Nam còn khoảng cách rất lớn với các nước phát triển về điều kiện chung của quốc gia, thu nhập của người dân và ngân sách của Nhà nước.

Khẳng định GDMN còn nhiều điều phải làm, hướng đến những gì tốt nhất có thể, Bộ trưởng cho biết, quá trình lắng nghe càng nhiều ý kiến chuyên gia sẽ giúp cho công việc vốn khó khăn sẽ hạn chế được càng nhiều sai sót. Các ý kiến đã gợi mở đích phấn đấu, thực tiễn triển khai để xem xét, thể hiện sự tâm huyết đối với GDMN. Thông qua hội thảo, Bộ GDĐT đã thu nhận được rất nhiều thông tin hữu ích, không chỉ cho xây dựng chương trình GDMN sắp tới mà còn với công tác điều hành quản lý GDMN, giáo dục phổ thông, đại học, nhất là hệ thống trường sư phạm.

Với việc xây dựng chương trình GDMN trong thời gian tới, Bộ trưởng lưu ý,  việc thiết kế chương trình phải lưu ý rất lớn đến tính phức hợp, liên ngành, tích hợp, không thuần tuý chương trình phục vụ hoạt động giáo dục, mà bao hàm cả chính sách về dinh dưỡng, phát triển thể chất, tinh thần, đi cùng các giải pháp cho các vấn đề xã hội và cuộc sống khác có liên quan. Bên cạnh đó, cần chú ý tính khả thi của chương trình đặt trong điều kiện thực tiễn, đặc thù khu vực khó khăn trên cơ sở tính phổ biến, tính chung của đối tượng và 63 tỉnh, thành phố.

Trong các yếu tố quan trọng để đảm bảo chương trình thành công, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của lực lượng giáo viên, theo đó, việc chuẩn bị lực lượng, tập huấn, đào tạo đảm bảo số lượng và chất lượng, cùng việc chuẩn bị tài liệu, yêu cầu phải bắt đầu ngay trong quá trình xây dựng chương trình. Trong quá trình chuẩn bị này, cần tính đến phương diện chính sách cần có để mở đường, tính đến những cơ hội tiếp cận tập huấn hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng giáo viên ngoài công lập. Song song với đó, các trường sư phạm cần chú trọng đổi mới giáo viên, điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo giáo viên.

Cùng với tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng là vấn đề đáng chú ý. Theo thống kê của Bộ GDĐT, ở Việt Nam còn gần 20% trường học đang trong tình trạng tạm bợ, bán kiên cố. Trong đó, tỷ lệ các trường mầm non, tiểu học chưa được kiên cố hoá chiếm nhiều nhất. Theo đó, trong 5 năm tới, khi hoàn thiện mục tiêu kiên cố hoá trường học, phải giải quyết nhiều nhất câu chuyện kiên cố hoá đối với hệ thống các trường mầm non.

“Đây là câu chuyện trực tiếp, cụ thể. Có hay không có chương trình GDMN mới thì việc kiên cố hoá này cũng là một việc cấp bách đối với Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn đề nghị lãnh đạo các địa phương, các sở rất chú ý công việc này. Ngoài việc xây trường lớp, những chuẩn bị trang thiết bị, học liệu, đồ chơi bên trong đó cũng rất quan trọng. Tôi rất tán thành ý kiến của một chuyên gia rằng, không chỉ sẵn sàng cho trẻ em đến trường mà điều kiện rất quan trọng là trường học cũng phải sẵn sàng để đón trẻ em”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Tiếp nhận các ý kiến tại hội thảo, Bộ trưởng cho hay, sẽ có những chỉ đạo đơn vị chuyên môn để xử lý các kiến nghị cấp bách, không đợi chương trình mới ban hành mới bắt đầu. Bộ trường bày tỏ lời cảm ơn tới sự hỗ trợ của các tổ chức và mong muốn tiếp tục lắng nghe nhiều ý kiến của chuyên gia trong nước và nước ngoài để quá trình xây dựng chương trình GDMN nói riêng, phát triển GDMN nói chung đạt kết quả tốt nhất.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế.

admin

Ăn thừa muối và nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh tật khác

Ngọc Nga

Khắc phục chứng ra mồ hôi tay chân mùa hè

Ngọc Nga