Chủ động phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng

(CDC Hà Nam)

  Những ngày qua, tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, lượng người nhập viện tăng mạnh, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thời tiết nắng, nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới hơn 40 độ C. Người già và trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, khi gặp không khí nắng nóng bất thường rất dễ mắc một số bệnh như tim mạch, huyết áp và hô hấp, tiêu chảy…

1. Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến không ít trẻ em phải nhập viện

Ghi nhận tại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi (Bệnh viện Sản – Nhi) cho thấy, có rất nhiều bệnh nhân nhi phải vào cấp cứu, điều trị vì mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa và hô hấp, trong đó có cả nhiều trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng. Các bác sỹ cho biết: Hiện khoa đang điều trị cho gần 20 bệnh nhân nhi, đa số các bệnh nhân nhi nhập viện điều trong tình trạng rất nặng như viêm phổi, sốt cao, co giật và tiêu chảy nhiều ngày…

Qua tìm hiểu, chị Đoàn Hương Giang, ở thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục có con 2 tháng tuổi đang điều trị tại bệnh viện cho biết: Cách đây ít ngày, bé nhà chị có dấu hiệu sốt cao đột ngột (từ 39 độ đến 40 độ C), kèm triệu chứng co giật, hôn mê… gia đình chị đã đưa cháu tới Bệnh viện Sản – Nhi để điều trị. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe bé đã tiến triển tốt, bé có thể xuất viện trong mấy ngày tới. Còn chị Nguyễn Thị Tình ở phường Quang Trung (TP. Phủ Lý) vừa bế con trên tay, vừa gọi điện về công ty xin nghỉ phép để cho con đi nhập viện. Chị Tình cho biết: đã gần một tuần nay cậu con trai 3 tuổi của chị bị sốt, ho, chảy nước mũi khéo dài. Nhưng do bận việc nên chị chỉ biết ra hiệu thuốc gần nhà mua cho con uống, nhưng cháu vẫn không khỏi, giờ phải vào viện.

2. Khám, điều trị bệnh cho trẻ em tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh)

Theo điều dưỡng Trưởng Nguyễn Thị Hương: Đa số những bệnh nhân nhi phải nhập viện tại đây nguyên nhân chủ yếu là do cha mẹ, người thân của trẻ chăm sóc chưa đúng cách khi thời tiết nắng, nóng như: cho trẻ nằm điều hòa để nhiệt độ quá thấp dẫn tới trẻ bị viêm phổi, sốt cao, co giật; Hay, cho trẻ ăn thức ăn đã bị nhiễm khuẩn do thời tiết nắng, nóng nên dẫn tới tiêu chảy… Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh nhiều bậc cha mẹ chủ quan đã tự ý ra hiệu thuốc kể bệnh rồi mua thuốc điều trị cho bé dẫn tới trẻ kháng thuốc, loại khuẩn nên vừa mắc viêm phổi, vừa bị tiêu chảy.

3. Bệnh nhân khám bệnh tại khoa Khám bệnh (Bệnh viên Đa khoa tỉnh)

Nắng nóng và nhiệt độ các buổi trong ngày chênh lệch cao cũng khiến nhiều người già mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp… tăng cao. Tại Khoa khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bình thường mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 60 đến 70 bệnh nhân nhưng trong 2 tuần nắng nóng qua, mỗi ngày có tới 80 đến 100 người đến khám, tăng khoảng 20%, trong đó nhiều bệnh nhân huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch bị tai biến phải điều trị nội trú.

Qua trò chuyện, bệnh nhân Cao Đình Nam, 71 tuổi ở xã Nhân Khang (huyện Lý nhân) cho biết: “Tôi bị tai biến, tim mạch, tháng nào cũng phải đi khám và lấy thuốc điều trị. Thời tiết nắng nóng thấy mệt lắm”. Còn bệnh nhân Tạ Thị Toán, 67 tuổi ở Liêm Phong (Thanh Liêm) thì: “Tôi bị thay van tim và huyết áp cao, nắng nóng thế này trong người mệt mỏi khó chịu vô cùng”.

Theo bác sỹ Phạm Văn khiết, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh): Để khám, điều trị kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân, Bệnh viện đã bố trí các bốc khám hợp lý, liên hoàn. Phân công cán bộ y tế hướng dẫn để bệnh nhân được nhanh chóng khám, điều trị bệnh. Đặc biệt, những ngày nắng nóng bệnh viện còn chủ động khám bệnh sớm hơn giờ làm việc theo quy định để tránh nắng, nóng cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, Bệnh viện đã kê thêm giường để tránh tình trạng nằm ghép, đồng thời chuẩn bị đầy đủ thuốc dịch truyền, tăng cường các phương tiện như máy thở để cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Công tác chống nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường bệnh viện, cung cấp đầy đủ điện, nước để người bệnh điều trị, nghỉ ngơi… cũng là những  việc Bệnh viện đã đặc biệt trú trọng trong những ngày nắng nóng.

4. Thời tiết nắng nóng khiến người cao tuổi nhập viện gia tăng.

Đây mới chỉ là đợt nắng nóng đầu tiên, trong khi mùa hè oi bức vẫn còn kéo dài. Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của Ngành Y tế, trước tiên mỗi người dân cần có kiến thức để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình bằng cách giữ gìn vệ sinh môi trường sống trong lành, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn uống bảo đảm dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Đặc biệt, các bác sỹ cảnh báo, trong những ngày nắng nóng thì say nắng là căn bệnh nghiêm trọng nhất, có thể dẫn đến chết người hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị, cấp cứu kịp thời. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát. Thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng từ 10 đến 15 phút. Để phòng ngừa say nắng, những người làm việc ngoài nắng nóng lâu phải trang bị phương tiện bảo hộ tốt. Khi nhiệt độ lên cao, nắng nóng gay gắt ở giờ cao điểm (từ 11 giờ đến 15 giờ) nên hạn chế hoạt động ngoài trời. Bởi tất cả các hoạt động tập thể dục, lao động vất vả… dưới trời nắng nóng như hiện nay rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não. Riêng với trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu liên quan nắng nóng là mất nước do trẻ vẫn chạy nhảy, chơi đùa tăng sinh nhiệt, lại kèm tình trạng mải chơi chạy ra chạy vào trời nắng, không uống nước nên dễ vã mồ hôi. Hiện tượng người nhợt nhạt, chuột rút, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, ngất; da lạnh và ẩm ướt; mạch nhanh và yếu; thở nhanh và nông cho thấy trẻ có tình trạng kiệt sức do nóng. Cần giúp trẻ hạ thân nhiệt bằng các biện pháp: cho uống nước mát, tắm nước mát, lau người bằng khăn mát, đưa trẻ tới nơi có quạt mát, điều hòa, mặc quần áo nhẹ nhàng, thoáng mát.

Để hạn chế tác hại do nắng nóng gây ra, người dân không nên đi ra ngoài trời trong những lúc nắng nóng gay gắt để tránh mạch máu bị co giãn đột ngột làm tăng huyết áp. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, người dân nên đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài chống nắng tốt, đeo kính chống nắng, khẩu trang… chống nóng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Không nên đột ngột đi từ trong phòng điều hòa ra ngoài trời nắng. Uống đủ nước, nhưng không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh để tránh bị viêm họng…

                          Mậu Ngọ

Bài viết liên quan

03 mẫu xét nghiệm thực hiện ngày 03/02/2021 đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Ngọc Nga

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam: Đông nghẹt người dân đến khám bệnh trong ngày đầu mở cửa

CDC Hà Nam

Chọn thực phẩm có lợi cho người nhiễm HIV/AIDS

Ngọc Nga

Để lại bình luận