Người cao tuổi dễ bị bệnh tật tấn công

(CDC Hà Nam)
Người già và người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao hơn. Chức năng miễn dịch của chúng ta suy giảm theo tuổi tác cũng như sẽ bị các bệnh mạn tính gây tổn thương. Điều đó khiến người lớn tuổi trở thành nhóm nguy cơ cao dễ bị bệnh nặng hơn và dễ bị biến chứng nặng khi mắc bệnh, như COVID-19.

BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) ghi nhận nhiều bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp nhiễm COVID-19 nặng cần được theo dõi hồi sức tích cực như trường hợp nữ bệnh nhân người Việt 64 tuổi, kèm bệnh lý nền là rối loạn tiền đình và nam bệnh nhân người Anh 69 tuổi, kèm bệnh lý nền là tăng huyết áp, đái tháo đường type 2.1

Miễn dịch bị “mài mòn” theo tuổi tác và bệnh lý

Ngay cả trước khi virus corona chủng mới gây ra đại dịch COVID-19 lây lan ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, dữ liệu ban đầu từ Trung Quốc – nơi dịch bệnh bắt đầu – cho thấy rằng người lớn tuổi dễ bị tổn thương nhất trước những tác động xấu của căn bệnh này. Giờ đây, dữ liệu đó, cùng với nghiên cứu mới nổi từ Ý – quốc gia chịu ảnh hưởng lớn thứ hai trên thế giới – đang cho thấy COVID – 19 nguy hiểm như thế nào đối với người cao tuổi và những người mắc phải các bệnh mạn tính trước đó như bệnh tim mạch, bệnh phổi, đái tháo đường hay các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch.

Phân tích của Viện Y tế Quốc gia Ý, đến ngày 4/3/2020, cho thấy trong số 105 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, tuổi trung bình là 81. Điều này đã đưa đến khoảng cách 20 năm giữa độ tuổi trung bình người dễ dương tính với virus SARS – CoV – 2 gây ra và độ tuổi tử vong. Trong khi đó, một bác sĩ làm trong Khoa Chăm sóc đặc biệt ICU thuộc vùng Lombardy – tâm chấn của sự bùng phát dịch COVID-19 của Ý – chia sẻ nhanh với tạp chí y khoa chuyên ngành nội khoa JAMA Internal Medicine, mới chỉ có 2 ca tử vong ở người dưới 50 tuổi.

Theo thời gian, các hệ thống cơ thể chúng ta sử dụng để chống lại bệnh tật bắt đầu bị “mài mòn”. Tuy nhiên, tuổi tác không nói lên toàn bộ câu chuyện về người có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo, bên cạnh đó còn có nhiều bệnh nhân nhiễm COVID – 19 trên nền các bệnh mạn tính kèm theo. Cơ thể không chỉ gặp khó khăn hơn trong việc chống lại tác nhân bệnh tật hoàn toàn mới chưa từng được các tế bào miễn dịch nhận diện như căn bệnh nhiễm trùng mới COVID-19, mà còn do ảnh hưởng tiêu cực bởi các bệnh mạn tính khác càng làm hệ thống miễn dịch yếu hơn.

Những nguy cơ tiềm ẩn chờ chực

Trên thực tế, người ta còn nhận thấy các lỗ hổng tiềm ẩn trong dân số rộng lớn hơn đối với một căn bệnh mới nổi như COVID-19. Nhiều trong số các yếu tố này tập trung không chỉ ở nhóm người lớn tuổi, những người trẻ tuổi hơn với một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cũng là một mối nguy cơ chờ chực.

Người cao tuổi dễ bị bệnh tật tấn công

Trong một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về sự bùng phát dịch COVID – 19 tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong trong trường hợp ở những người không ghi nhận có bệnh mạn tính là 1,4%, nhưng nó đã tăng lên trong các nhóm kèm với bệnh mạn tính là 13,2% ở những người mắc bệnh tim mạch, 9,2% cho bệnh đái tháo đường, 8,4% cho bệnh tăng huyết áp, 8,0% cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 7,6% cho bệnh ung thư.

Trong số 105 bệnh nhân đã chết ở Ý tính đến ngày 4/3/2020 nói trên, 2/3 có kèm theo 3 hoặc nhiều hơn các vấn đề sức khỏe từ trước đó. Phổ biến nhất là tăng huyết áp, tiếp theo là bệnh tim thiếu máu cục bộ và đái tháo đường. Những bệnh mạn tính này có thể khiến các cơ quan trong cơ thể xuống cấp và dễ bị nhiễm trùng hơn.

Trong khi đó, người cao tuổi Việt Nam thường mắc kèm theo 2 – 3 bệnh khác, như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thoái hóa xương khớp, loãng xương…

Ở người lớn tuổi, số lượng tế bào bạch cầu tìm và loại bỏ các tác nhân gây nhiễm trùng có thể bị suy giảm. Các tế bào cũng trở nên già nua, chậm chạp hơn trong việc xác định mầm bệnh mới để chiến đấu chống lại. Trong trường hợp COVID-19, virus cũng có thể làm hỏng các tế bào miễn dịch nhiều hơn là tế bào miễn dịch “tìm và diệt” virus. Lực lượng ít đi, tế bào miễn dịch sẽ cũng trở nên yếu thế hơn trong cuộc chiến chống lại virus, COVID-19 có thể bắt đầu tấn công phổi, một mảnh đất rất quen thuộc với chủng loại virus corona và gây ra viêm phổi nghiêm trọng trên người bệnh cao tuổi hay có kèm theo các bệnh mạn tính.

Nhưng nói chung, các bệnh về đường hô hấp có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh lý tim mạch. Khi phổi không hoạt động bình thường, hệ thống tim mạch phải làm việc nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu cũng đã biết rằng bệnh đái tháo đường có thể làm hỏng hệ thống thần kinh và làm suy yếu các nỗ lực của cơ thể để diệt trừ nhiễm trùng từ phổi. Các tình trạng khác như lượng đường trong máu cao liên quan đến bệnh đái tháo đường cũng có thể ức chế các tế bào miễn dịch.

Nếu người cao tuổi có một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ để bắt đầu, rất có thể họ có vũ khí đủ mạnh để chiến đấu chống lại virus

Chăm sóc người cao tuổi, chặn đứng cơ hội của virus

Có những vấn đề khác liên quan đến lão hóa cũng đóng một vai trò ở đây. Người cao tuổi có thể mệt nhọc hơn khi ho và hắt hơi, khiến họ khó khăn hơn trong việc loại bỏ virus gây ra COVID-19, dễ dàng bị lây nhiễm qua đường thở. Tổn thương phổi tích lũy ở người cao tuổi từ những thói quen như hút thuốc hoặc hít thở không khí ô nhiễm có thể làm tăng thêm tổn thương.

Do đó, khi bị nhiễm virus, người tăng huyết áp và đái tháo đường không đủ sức chống lại, đồng thời kích hoạt nhiều rối loạn và dễ dẫn đến các biến chứng viêm nhiễm, như nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn tiết niệu… hay suy tim, suy gan, suy thận, suy đa tạng… Điều trị càng trở nên phức tạp, bệnh càng diễn tiến nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến suy hô hấp, suy đa phủ tạng phải thở máy, lọc máu…

Nếu người cao tuổi có một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ để bắt đầu, rất có thể họ có vũ khí đủ mạnh để chiến đấu chống lại virus. Thực tế, chức năng miễn dịch của người cao tuổi không còn mạnh mẽ như khi còn trẻ tuổi. Nhưng các nghiên cứu như tại ĐH Y khoa Johns Hopkins (Mỹ) đã chỉ ra rằng các chức năng miễn dịch sẽ lao xuống dốc khá nhanh sau 75 hoặc 80 tuổi. Còn ở hầu hết mọi người, chức năng miễn dịch của họ vẫn còn khá ổn ở độ tuổi 60, hoặc thậm chí ở độ tuổi 70 và lâu hơn nữa nếu giữ nếp sống lành mạnh và điều độ.

Theo chiến lược mới trong phòng chống dịch COVID-19, các chuyên gia y tế đã khuyến cáo “mỗi gia đình có trách nhiệm bảo vệ nhóm người có yếu tố nguy cơ, trên 60 tuổi và có bệnh nền”. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khuyến cáo, người trên 60 tuổi hãy ở nhà. Theo đó, người cao tuổi cần phải giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, giữ ấm và làm sạch đường mũi họng, đeo khẩu trang nếu phải ra đường khi cần thiết, ăn uống đủ dinh dưỡng, tập luyện đều đặn để nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng.

Để tăng cường sức khỏe của hệ miễn dịch, một điều quan trọng nữa là người cao tuổi phải uống nước thường xuyên trong ngày bằng trà ấm, nước lọc, nước hoa quả ép hay sữa. Người cao tuổi thường ít có cảm giác khát và ngại uống nước nhiều vì sẽ đi vệ sinh nhiều. Vì vậy, người trong gia đình phải thường xuyên nhắc nhở người lớn tuổi uống đủ nước, đặt các bình nước ấm ở nơi thuận tiện.

Ngay cả khi người cao tuổi ở trong nhà, bạn có thể để ông bà hay cha mẹ đi dọc theo hành lang, đi vòng quanh phòng, và nhớ lót thảm để tránh trượt chân, té ngã. Vận động, đi lại khiến máu huyết lưu thông, tốt cho sức khỏe người cao tuổi hơn là nằm hay ngồi mãi một chỗ.

Người cao tuổi còn thường dễ lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng, mất cơ vì hệ thống tiêu hóa làm việc kém, không còn ngon miệng. Cơ thể theo đó cũng suy giảm miễn dịch, đáp ứng đề kháng kém. Vì vậy, bữa ăn của người cao tuổi cần được chú trọng nhiều hơn, chia thành các bữa ăn nhỏ trong suốt cả ngày. Người cao tuổi ăn thường xuyên có thể nạp vào cơ thể đủ năng lượng vào cuối ngày.

Chúng ta cũng có thể chế biến các bữa ăn ngon miệng hơn, với những thức ăn mềm. Ví dụ, thêm một quả trứng, 2 muỗng canh thịt băm và 1 muỗng cà phê dầu mè vào một bát cháo trắng, làm tăng hàm lượng protein từ 3g – 16g, cũng như giá trị năng lượng của bữa ăn từ 210 kcal – 372kcal. Bạn cũng có thể thêm bột sữa vào đồ uống có mạch nha, hoặc trà để tăng hàm lượng protein. Để sẵn đồ ăn nhẹ và đồ uống giàu năng lượng, nhiều đạm như bột ngũ cốc, bánh quy kem và sữa đậu nành. Uống thêm sữa giữa các bữa ăn chính, thay vì trong bữa ăn, để tránh cảm giác quá no.

Những bài học chúng ta học được từ chăm sóc nâng đỡ thể trạng, giữ tinh thần thoải mái cho đến kiểm soát tốt các bệnh lý nền cho những bệnh nhân lớn tuổi và người mắc các bệnh nền có thể giúp chúng ta điều trị và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnhcho ông bà, cha mẹ. Điều đó vô cùng quan trọng để có thể phát triển một chiến lược bảo vệ sức khỏe cộng đồng giữa mùa dịch bệnh COVID-19 còn tiếp diễn phức tạp và kéo dài.

PGS.TS.BS. NGUYỄN HOÀI NAM

Bài viết liên quan

Ung thư gan trị thế nào?

admin

Không cán bộ y tế nào bị lây nhiễm COVID-19; thêm nhiều bệnh nhân khỏi bệnh

Ngọc Nga

Bữa cơm gia đình – nền tảng của hạnh phúc và sức khỏe

CDC Hà Nam

Để lại bình luận