Nhận biết HIV và  ngăn ngừa HIV qua đường tình dục?

(CDC Hà Nam)

HIV lây truyền qua quan hệ tình dục (đường âm đạo hoặc hậu môn) không được bảo vệ, và trong những trường hợp rất hiếm, quan hệ tình dục bằng miệng với người nhiễm HIV…

HIV lây truyền như thế nào?

HIV được tìm thấy trong một số chất dịch cơ thể của những người sống chung với HIV, bao gồm máu, tinh dịch, dịch âm đạo, dịch trực tràng và sữa mẹ. HIV có thể lây truyền qua:

– Quan hệ tình dục không được bảo vệ với người nhiễm HIV;

– Truyền máu bị nhiễm bệnh;

– Dùng chung kim tiêm, ống tiêm, các thiết bị tiêm chích khác, thiết bị phẫu thuật hoặc các dụng cụ sắc nhọn khác…

– Từ mẹ nhiễm HIV sang con trong thời kỳ mang thai, sinh nở hoặc cho con bú.

Xét nghiệm HIV bằng cách nào?

Xét nghiệm HIV là cách duy nhất để biết một người có bị HIV hay không. HIV có thể được chẩn đoán bằng các xét nghiệm chẩn đoán nhanh, cung cấp kết quả trong vòng vài phút. Tuy nhiên, những kết quả sơ bộ này cần được xét nghiệm khẳng định tại cơ sở y tế được cấp phép (về xét nghiệm khẳng định HIV).

Việc biết được tình trạng nhiễm HIV của mình có hai lợi ích quan trọng:

– Những người có kết quả xét nghiệm dương tính có thể thực hiện các bước để được điều trị, chăm sóc và hỗ trợ trước khi các triệu chứng xuất hiện. Điều này có thể kéo dài tuổi thọ và ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe trong nhiều năm.

– Những người biết về tình trạng bệnh của mình có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa lây truyền HIV cho người khác.

WHO khuyến cáo rằng xét nghiệm HIV nên được cung cấp tại tất cả các cơ sở y tế và thông qua nhiều cơ sở cộng đồng. Mọi người cũng có thể sử dụng bộ dụng cụ tự xét nghiệm HIV để tự xét nghiệm. Những người sử dụng bộ xét nghiệm tự xét nghiệm và có kết quả dương tính, cần được xác nhận khẳng định tại cơ sở y tế.

Hậu quả khi không điều trị HIV

Đối với những người sống chung với HIV không được chẩn đoán hoặc không dùng liệu pháp kháng virus (ART), các dấu hiệu của bệnh liên quan đến HIV có thể phát triển trong vòng 5 –10 năm, thậm chí sớm hơn.

Khoảng thời gian giữa quá trình lây truyền HIV và chẩn đoán AIDS thường là 10-15 năm, nhưng đôi khi có thể lâu hơn. Có một số rất ít người đã kiểm soát được tình trạng nhiễm HIV mà không cần ART, nhưng tình huống này rất hiếm và hầu hết mọi người sẽ cần ART để kiểm soát HIV.

Mối quan hệ giữa HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác

Nhiễm HIV có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu một người mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) khác và ngược lại. Xác suất nhiễm HIV hoặc các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục khác tăng lên đáng kể khi mọi người tham gia vào các hành vi tình dục nguy cơ (ví dụ: Không sử dụng bao cao su, quan hệ tình dục không an toàn với nhiều bạn tình; quan hệ tình dục khi bị ảnh hưởng của ma túy và rượu).

Ngoài ra, các vết loét và tình trạng viêm do một số STI tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhiễm HIV. Bằng chứng cho thấy herpes sinh dục (HSV-2) làm tăng gần gấp ba lần nguy cơ mắc HIV ở cả nam và nữ. Ngoài ra, phụ nữ sống chung với HIV có nguy cơ cao bị nhiễm virus papilloma ở người (HPV) và có khả năng mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 6 lần.

Cách nào ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường tình dục?

Trên toàn cầu, HIV chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục qua đường âm đạo và hậu môn không được bảo vệ.

Ở nước ta, quan hệ tình dục không an toàn đang trở thành đường lây nhiễm HIV chính, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Trong vài năm gần đây, nếu như tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ bán dâm (dưới 3%) và ở nhóm tiêm chích ma túy (9%) ổn định, nhưng tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) tăng lên một cách đáng lo ngại, khoảng 12%–13%. Ở một số địa phương, tỉ lệ nhóm MSM chiếm đến 50%-70% tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện mới trong năm.

Có một số phương pháp có thể được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm HIV qua đường tình dục, và nên kết hợp các biện pháp can thiệp phòng ngừa hiệu quả, bao gồm:

  • Sử dụng bao cao su nam và/hoặc nữ một cách thường xuyên và đúng cách;
  • Đối với những người âm tính với HIV có nguy cơ cao, dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) để ngăn ngừa lây truyền HIV;
  • Đối với những người nhiễm HIV, dùng ART để giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện được, nghĩa là họ không thể lây truyền HIV cho bạn tình của mình;
  • Chẩn đoán và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác;
  • Nhận thức được tình trạng của mình và những người nhiễm HIV phải tiếp tục dùng thuốc ART để ngăn ngừa lây truyền cho bạn tình của họ…

Thanh Huyền (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Những ‘kẻ gây hại’ tiềm ẩn trong nước máy gia đình

CDC Hà Nam

6 thói quen hàng ngày gây hại cho tim mạch

Ngọc Nga

Những điều cần biết về bệnh ho gà và cách phòng tránh

Ngọc Nga