Những “chiến binh nhí” trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19

(CDC Hà Nam)

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, đến ngày 12/6/2021 Hà Nam ghi nhận 48 bệnh nhân trong đó có một số cháu bé. Tuổi còn nhỏ, lại mắc SARS-CoV-2, phải điều trị một thời gian khá dài trong môi trường yêu cầu cách ly nghiêm ngặt quả là khó khăn đối với các bé. Nhưng cùng với sự hỗ trợ của người thân, của các bác sỹ, điều dưỡng, những “chiến binh nhí” đã và đang vượt qua những ngày tháng đầy khó khăn một cách kiên cường…

 “Con ăn thêm miếng nữa, chắc mai khỏi bệnh được ra viện hả mẹ?”

Khu cách ly Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Nam hiện đang điều trị cho 12 bệnh nhân Covid-19 của tỉnh trong đó có 4 cháu bé: Cháu nhỏ nhất 2 tuổi, một cháu 4 tuổi, một cháu 7 tuổi và một cháu 12 tuổi. Các cháu đều ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân.

Qua điện thoại, chị T.T.L, mẹ của bé T.T.K.C (2 tuổi) cho biết gia đình chị có 7 người thì 6 người dương tính với SARS-CoV-2, gồm bố mẹ chồng, em chồng và hai vợ chồng chị cùng con gái út. Chỉ duy nhất cậu con trai 3 tuổi rưỡi vẫn đang cách ly bên BV Bạch Mai cơ sở 2 là chưa nhiễm bệnh. Nhà chị khóa cửa từ ngày 17/5, khi mẹ chồng chị dương tính với SARS-CoV-2 được đưa đi điều trị, các thành viên còn lại vào các khu cách ly tập trung. Rồi mọi người lần lượt được xác nhận mắc bệnh. Con gái chị, cháu T.T.K.C được xác nhận dương tính ngày 24/5, khi đó chị vẫn chưa bị nhiễm bệnh nhưng vẫn làm cam kết để vào khu điều trị của BVĐK tỉnh chăm sóc cho con. 4 ngày sau chị cũng có kết quả dương tính. Giờ mẹ chồng chị điều trị bên BV Lao và Bệnh phổi tỉnh, bố chồng, em chồng và vợ chồng chị cùng cháu bé điều trị tại BVĐK tỉnh.

Nói về cô con gái nhỏ, chị chia sẻ: Cháu đã đi học lớp mầm non, là một cô bé hiếu động. Vì thế khi mới vào viện, người khó chịu bởi bị bệnh, lại bó buộc khi hầu như chỉ được ở trên giường (lúc đó phòng còn có các bệnh nhân Covid-19 khác, phải giữ khoảng cách), suốt ngày đeo khẩu trang, mũ chắn giọt bắn, cháu nhiều lúc không hợp tác. Rồi đồ ăn không hợp, không được như ở nhà nên cháu cũng ăn ít. Nhưng khi tôi khuyên nhủ con chịu khó giữ gìn, chịu khó ăn để có sức chống lại con vi-rút, để nhanh khỏi bệnh, nhanh ra viện để về nhà, được chơi với bạn bè, mọi người thì cháu phấn khởi và chấp hành. Giờ sức khỏe của cháu ổn định, cháu vui chơi bình thường, nhưng vẫn dương tính. Thật sự là thương con, còn nhỏ như thế mà đã bị nhiễm thứ vi-rút quái ác, nhưng chẳng biết làm thế nào. Nhiều hôm ăn cơm cháu có vẻ không muốn ăn nữa nhưng vẫn há miệng bảo mẹ đút thêm rồi nói: Con ăn thêm thìa nữa cho khỏe, chắc mai khỏi bệnh ra viện hả mẹ? Tôi nhìn con gật đầu mà rơm rớm nước mắt…

Nói về cậu con trai nhỏ vẫn còn bên khu cách ly BV Bạch Mai cơ sở 2, chị T.T.L nghẹn ngào: Khi con gái dương tính tôi vào khu điều trị BVĐK tỉnh chăm con, chồng tôi và con trai vẫn ở bên BV Bạch Mai cơ sở 2. Rồi anh ấy dương tính phải đi điều trị, chỉ còn mình cháu bên đó. Gia đình tính toán, đề nghị, các bác ở bệnh viện sắp xếp chuyển bác ruột cháu đang cách ly ở Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam sang BV Bạch Mai cơ sở 2 ở cùng cháu để tiện chăm sóc, cũng yên tâm phần nào, chỉ mong con không bị dương tính.

Bà nội tình nguyện vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19 chăm cháu 

Trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của BVĐK tỉnh có cháu bé T.K.L 7 tuổi được bà nội làm giấy cam kết xin vào chăm sóc. Qua điện thoại, thím của cháu (cũng là bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại đây) cho biết dù cũng ở cùng khu điều trị với cháu nhưng do thím đang mang bầu, sức khỏe lại yếu nên không thể phụ giúp chăm sóc cháu. Mẹ của cháu còn 2 con nhỏ ở nhà, lại chăm bố chồng là thương binh, bị tai biến. Bố cháu vẫn đang cách ly tập trung. Khi T.K.L dương tính gia đình không biết làm thế nào. Cháu mới học tiểu học, chưa bao giờ sống xa gia đình, mọi sinh hoạt, ăn uống đều có bố mẹ, ông bà chăm sóc. Và bà nội cháu đã tình nguyện vào chăm cháu, bất chấp nguy cơ lây nhiễm rất cao. Hằng ngày bà nội chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, động viên cháu ăn uống đầy đủ, uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ,…
Sức khỏe của T.K.L ổn định dần. Bà nội cháu năm nay 51 tuổi, hay bị mất ngủ, huyết áp thấp nên cũng luôn được các bác sỹ trong khu điều trị kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn, dặn dò cẩn thận để phòng tránh lây nhiễm.

“Chắc chắn con sẽ là một chiến binh kiên cường”

Với người khỏe mạnh bình thường bị mắc Covid-19 đã rất khó khăn, nhưng với những phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ còn khó khăn gấp bội. Trong khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 ở BVĐK tỉnh có một phụ nữ đang mang thai ở tuần thứ 36. Đó là chị N.T.H.

Chị H. nhà ở Công Lý, làm công nhân ở KCN Đồng Văn. Chị H. cho biết anh chị mới cưới nhau và đây là con đầu lòng. Sức khỏe của chị cũng không tốt lắm nên khi biết mắc Covid-19 chị đã rất lo lắng. Ngay khi đi điều trị bác sỹ đã dặn chị phải mang đồ sơ sinh đi theo để phòng trường hợp trở dạ. Vào viện, được các bác sỹ điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe chị cũng ổn định dần, không còn quá lo lắng như lúc đầu. Chị chỉ phải dùng thuốc điều trị trong tuần đầu tiên vào viện, khi bệnh đã ổn định chị được bác sỹ hướng dẫn ăn uống tăng cường, đủ chất kết hợp vận động hợp lý để tăng sức đề kháng.

Vào viện đã 1 tháng, sức khỏe đã ổn định, nhưng chưa âm tính (thời điểm sáng 12/6 khi nói chuyện điện thoại với phóng viên) nên chị khá lo lắng. Chị lo vì không biết đến lúc sinh liệu đã âm tính chưa, và nếu chưa âm tính thì chị có được ở cùng với con sau khi sinh xong không? Chỉ nghĩ đến việc nếu vẫn chưa khỏi bệnh khi sinh con, rất có thể chị phải tiếp tục ở phòng cách ly điều trị không được ở gần con để tránh lây bệnh cho bé, chị lại thương con thắt ruột. Tuy nhiên, chị  N.T.H. cũng chia sẻ, chị tin con chắc chắn sẽ là một chiến binh kiên cường mạnh mẽ, bởi dù còn trong bụng mẹ nhưng con đã có những tháng ngày đầy thử thách khi cùng mẹ vượt qua thứ dịch bệnh nguy hiểm. Chị mong mình sẽ âm tính trước khi sinh, nhưng nếu kể cả chị chưa khỏi bệnh khi sinh con, những ngày đầu đời con không được ở cùng với mẹ thì chị tin con cũng sẽ mạnh mẽ vượt qua với sự hỗ trợ của mọi người…

Cần lắm những tấm lòng

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này, do các ổ dịch ở trong khu dân cư nên có khá nhiều trẻ em là F1 phải đi cách ly tập trung, một số cháu bị nhiễm bệnh. Cháu nhỏ tuổi nhất bị mắc Covid-19 đợt này mới chỉ 1 tuổi (con của bệnh nhân BN2899, bệnh nhân đầu tiên ở ổ dịch thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý). Ở BV Lao và Bệnh phổi tỉnh cũng có một cháu lớp 11, một cháu lớp 12 bị mắc Covid-19 đang điều trị.

Qua tìm hiểu được biết gia đình các cháu bố mẹ đều làm nông, hoặc nghề tự do, công nhân trong khu công nghiệp, điều kiện kinh tế khó khăn. Trong suốt câu chuyện qua điện thoại với chị T.T.L, mẹ của bé T.T.K.C (2 tuổi), chị chia sẻ nhiều lo lắng về tình trạng bệnh, về các khoản chi tiêu eo hẹp khi cả gia đình phải ở viện suốt một thời gian dài. Bố mẹ chồng chị  tuổi đã cao. Vợ chồng chị làm tự do, con nhỏ nên hằng ngày đôn đáo khắp nơi mới tạm đủ chi tiêu. Nay đi viện cả tháng trời, không làm ra tiền lại biết bao thứ phải chi tiêu. Chị cũng cố gắng nhờ người mua hoa quả, thêm ít sữa cho con để cháu tăng sức đề kháng, vài món đồ chơi cho cháu phấn chấn, nhưng cũng chỉ mức độ. Mọi khoản ăn uống hằng ngày, chi tiêu đều vẫn “ghi sổ” ở nhà bếp bệnh viện và một số người quen mua hộ vì chưa ai dám cầm tiền của chị. Tuy nhiên chị khá lo lắng, nói rằng nếu tổng thanh toán cả 3 người khoảng 10 triệu đồng thì còn có thể chi trả được, nếu hơn chưa biết phải xoay xở ra sao, chắc phải vay mượn.

Còn chị N.T.H cho biết tiết kiệm được mấy triệu để sinh cháu giờ mắc Covid-19 đi viện là hết. Bình thường chị làm được khoảng 7 triệu đồng/tháng, nay thời gian  nghỉ điều trị Covid-19, không làm công ty ưu ái trả 70% mức lương cơ bản (được khoảng 2,4 triệu), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thu nhập hằng tháng, chắc chắn khi sinh, nuôi con sẽ gặp khó khăn…

Cháu bé 4 tuổi trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ở BVĐK tỉnh đang ở cùng với mẹ (cũng bị nhiễm bệnh) gia đình cũng khó khăn. Bố mẹ bé có tới 5 con, đều còn nhỏ.

Không may bị nhiễm bệnh, dù khó chịu bởi bị bệnh, bí bách vì gần như chỉ được ở trong phòng, trên giường bệnh, luôn đeo khẩu trang, mũ chắn giọt bắn trong thời tiết nóng bức, ăn uống không được như ở nhà, nhưng các cháu bé hợp tác khá tốt với bác sỹ trong điều trị. Các bé đã và đang vượt qua những ngày khó khăn để chống chọi với thứ dịch bệnh khủng khiếp. Các cháu thực sự là những “chiến binh nhí” trong các khu điều trị bệnh nhân Covid-19, là động lực để người lớn vượt qua bệnh tật. Trong điều kiện gia đình các cháu kinh tế đều khó khăn, các “chiến binh nhí” rất cần có những lời động viên, những tấm lòng hảo tâm tiếp sức để các cháu có thêm nguồn lực, động lực, nhanh chóng khỏi bệnh và được về nhà.

Phan Hạnh tổng hợp

Bài viết liên quan

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Tích cực, chủ động trong phòng chống dịch bệnh

CDC Hà Nam

Xử trí và phòng ngừa chứng say nắng ở trẻ

CDC Hà Nam

Nhận biết huyết áp thấp

CDC Hà Nam

Để lại bình luận