Phân biệt đau đầu do căng thẳng và bệnh lý thần kinh

(CDC Hà Nam)
Đau đầu là chứng bệnh khá phổ biến. Ai cũng đã từng đau đầu. Đây là bệnh lý hay gặp và để lại nhiều phiền toái cho người bệnh. Chứng đau đầu có thể phòng ngừa khi hiểu rõ về nó.

Đau đầu là chứng bệnh phổ biến trong xã hội. Theo Hiệp hội đau đầu thế giới, đau đầu được chia thành 13 nhóm khác nhau, tương đương với 13 nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, chung quy lại 2 nguyên nhân điển hình nhất là đau đầu do căng thẳng và đau đầu do bệnh lý thần kinh.

Cách phân biệt

Đau đầu do căng thẳng: Nguyên nhân: Áp lực, stress trong công việc, học tập, mâu thuẫn gia đình. Thường xuyên làm việc trên máy tính hoặc sau khi lái xe trong thời gian dài. Thời gian đau đầu mang tính chu kỳ, chia làm nhiều đợt, thường kéo dài tới 2 tuần trong 1 tháng hoặc 6 tháng trong 1 năm.

Biểu hiện: Cảm giác căng hoặc siết chặt ở các cơ vùng đầu và cổ. Người bệnh cảm thấy bị nén ép hoặc ê ẩm ở đầu, tăng nhạy cảm đau xung quanh đầu. Đau lan tỏa khắp đầu, nhưng khó chịu nhất ở phần sau đầu và vùng cổ. Không gây ra các triệu chứng như buồn nôn và nôn. Một số ít trường hợp có thể gây ra sự nhạy cảm đối với tiếng ồn.

Đặc điểm của đau đầu do căng thẳng là cơn đau tiến triển tăng dần, nhanh và bất ngờ. Tính chất cơn đau ổn định và cường độ không dữ dội.

Đau đầu do căng thẳng gây nhiều khó chịu.

Đau đầu do căng thẳng gây nhiều khó chịu.

Đau đầu do bệnh lý thần kinh: Nguyên nhân gây đau đầu do quá trình viêm nhiễm, sự xâm lấn của khối u, thiếu máu não. Các quá trình bệnh lý gây xoắn vặn, giãn căng hoặc phù nề quanh các mạch máu. Thời gian: Các cơn đau đến đột ngột, diễn tiến nhanh. Có thể đau suốt ngày hoặc 1 vài giờ.

Đặc điểm: Xảy đến bất ngờ, đau dữ dội, thường kèm theo nhiều dấu hiệu khác như: nôn, ói, tê, liệt… Biểu hiện của chứng đau đầu do bệnh lý thần kinh tùy thuộc nguyên nhân gây đau.

Do tăng huyết áp: đột ngột, dữ dội, đau khu trú nhiều ở vùng chẩm, trán.

Do u não: kèm theo buồn nôn, mờ mắt hoặc liệt dây thần kinh sọ não, mắt mờ.

Do viêm màng não: đau đầu dữ dội, kèm biểu hiện cổ cứng, ói, sợ ánh sáng, sốt cao.

Do dị dạng mạch máu não: cơn đau âm ỉ, đôi khi đau dữ dội có thể kèm theo liệt run.

Đau đầu do xuất huyết não: đột ngột, dồn dập và có thể liệt nửa người, hôn mê nhanh.

Lưu ý

Trong cùng một lúc, người bệnh có thể mắc nhiều loại đau đầu khác nhau (như đau đầu do viêm xoang, do tăng huyết áp, do các dây thần kinh ngoại vi…). Cần phải xác định chứng đau đầu nào đang chiếm ưu thế và cần được ưu tiên điều trị trước. Người bệnh nên đi khám đau đầu để xác định nguyên nhân và tìm hướng điều trị phù hợp nhất.

Có thể nói đau đầu do căng thẳng ít nguy hiểm hơn đau đầu do bệnh lý thần kinh, tình trạng sẽ mất sau khi người bệnh ổn định và giải tỏa được tâm lý. Ngược lại, những cơn đau đầu là triệu chứng của các bệnh lý cơ thể khác, có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

Các vùng ảnh hưởng từ đau đầu do tăng huyết áp, stress, đau nửa đầu.

Các vùng ảnh hưởng từ đau đầu do tăng huyết áp, stress, đau nửa đầu.

Người bệnh nên làm gì khi bị đau đầu?

Đau đầu là chứng bệnh hay gặp đồng thời cũng dễ bị người bệnh bỏ qua và coi đó là bệnh lặt vặt. Tuy nhiên các chứng đau đầu có các biểu hiện khác nhau và người bệnh cần phân biệt được các dấu hiệu đau do bệnh lý. Khi bị đau đầu mà cơn đau đầu ngày càng dữ dội với mức độ tăng dần thì người bệnh cần cảnh giác và nên nghĩ đến chứng đau đầu đi kèm bệnh lý và nên đi khám bác sĩ ngay, làm các thăm dò chức năng cần thiết để xác định bệnh và có liệu pháp điều trị phù hợp. Để việc điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Bệnh nhân không tự ý dùng thuốc điều trị đau đầu dạng này, vì với các bệnh lý thần kinh của não bộ, việc dùng thuốc bừa bãi sẽ để lại hậu quả lâu dài, không thể lường hết được. Dùng thuốc bừa bãi khiến bệnh không thuyên giảm mà còn diễn tiến nặng hơn, rất nguy hiểm.

Nếu trong cuộc sống không thể tránh khỏi stress, bạn hãy học cách khắc phục và hóa giải stress tốt hơn. Nên giảm áp lực công việc, tránh những căng thẳng, cố gắng giữ cho mình có một tinh thần lạc quan yêu đời. Chuyên cần tập luyện thể dục thể thao, đi bộ, yoga, dưỡng sinh, khí công… Hãy học cách thư giãn thể dục nhẹ trước khi đi ngủ để có giấc ngủ tốt hơn, cố gắng ngủ đúng giờ, tránh ngủ ngày quá nhiều để có được giấc ngủ ngon và phòng ngừa đau đầu hiệu quả.

Theo Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

5 mẹo làm đẹp cho phụ nữ trên 40 tuổi

Ngọc Nga

Hạch vùng cổ có phải ung thư không?

Ngọc Nga

Một số điều cần lưu ý giúp trẻ phòng bệnh khi giao mùa

Ngọc Nga

Để lại bình luận