Tác hại thuốc lá – vấn đề sức khỏe cần được quan tâm

(CDC Hà Nam)
 Những năm gần đây, hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam đã được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hưởng ứng tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. Ý thức của người dân về tác hại của thuốc lá có chuyển biến, nhưng vẫn còn nhiều người xem nhẹ, chưa có ý thức thực hiện dẫn đến tình trạng hút thuốc trong nhà, nơi công cộng, bệnh viện, trường học và nhất là tại các nhà hàng, khách sạn vẫn còn nhiều.

Theo các chuyên gia y tế, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, với các bệnh như: đột quỵ, mạch vành, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hút thuốc lá không những gây tổn hại đối với sức khỏe bản thân người sử dụng mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh vì hít phải khói thuốc; tác động xấu đến môi trường sống, làm tăng gánh nặng kinh tế đối với các quốc gia do chi phí chăm sóc y tế lớn để điều trị các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Thực tế những năm qua, tỷ lệ người hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động đang có xu hướng giảm cả ở môi trường trong nhà, nơi làm việc, trường học lẫn trên phương tiện công cộng. Đánh giá trên được đưa ra sau hàng loạt cuộc điều tra, khảo sát về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành được thực hiện trong thời gian gần đây. Kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thực hiện lần thứ hai tại Việt Nam cho thấy, trong 5 năm qua, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống 60%; tại nơi làm việc giảm từ 56% xuống 42%; tại trường học giảm từ 22,3% xuống 16,15%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%… Điều này cho thấy nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá cũng như ý thức tuân thủ các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có những chuyển biến tích cực.

Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua, Bộ Y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, các tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá; nhiều cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động hưởng ứng Luật như đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động… Nhiều tỉnh, thành phố đã có những sự kiện nổi bật thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, như sự kiện thể thao không khói thuốc…


Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống THTL
Hiện nay hoạt động mua bán thuốc lá diễn ra khá dễ dàng và phổ biến nên việc vận động người dân từ bỏ thuốc lá hoặc thực hiện nghiêm các quy định về hút thuốc lá sẽ rất khó khăn. Trên thực tế, công tác tuyên truyền các văn bản, chính sách và các quy định về PCTHTL luôn được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, giá thuốc lá bán trên thị trường không cao, chưa có sự quản lý việc mua bán thuốc lá nên nhiều đối tượng có thể tiếp cận dễ dàng, kể cả trẻ vị thành niên, học sinh ở các trường học.

Mặc dù công tác PCTHTL đã được hiện thực hóa thành luật, nhưng để triển khai được luật trong đời sống vẫn còn nhiều bất cập, vẫn còn hiện tượng hút thuốc lá tại nơi làm việc và những nơi công cộng. Tại cơ sở y tế là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và cả khuôn viên, nhưng thực tế, tại các trung tâm y tế, bệnh viện vẫn có rất nhiều người “vô tư” hút thuốc… Trong khi đó, việc xử lý vi phạm thực hiện chưa nghiêm khiến người dân thờ ơ với quy định.

Mỗi chúng ta ai cũng có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Việc nâng cao nhận thức về PCTHTL để có thể bảo vệ được quyền lợi của những người xung quanh là điều mà chúng ta cần phải làm. Vì thế, công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin về tác hại của thuốc lá, về các ảnh hưởng của thuốc lá đối với những người trực tiếp sử dụng thuốc lá là rất cần thiết. Việc thông tin cần đa dạng, thường xuyên để cộng đồng dễ nhận biết, dễ liên hệ với tình trạng sức khỏe bản thân trước những tác hại cụ thể của hút thuốc lá thụ động. Cùng với đó, cũng cần phải phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong từng lĩnh vực của công tác PCTHTL để người dân có thể nhận biết, giám sát hoặc kiến nghị khi cần thiết.
Công cuộc PCTHTL không phải đơn giản, đòi hỏi phải diễn ra thường xuyên, liên tục và lâu dài. Việc thực thi quy định xử phạt hành chính hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cần thực chất, đủ để răn đe. Đặc biệt, vấn đề cốt lõi là người dân phải tự nâng cao ý thức tự giác không hút thuốc lá. Luật PCTHTL ra đời là hành lang pháp lý quan trọng góp phần hạn chế bệnh tật, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Do đó, mỗi người hãy cùng chung tay đưa nội dung Luật này vào đời sống để xây dựng một môi trường sống an toàn, không khói thuốc lá, bảo đảm an toàn sức khỏe cho tất cả chúng ta.
Bên cạnh đó, việc xử phạt hành chính vi phạm khi hút thuốc lá tại những khu vực cấm thì hầu như chưa được áp dụng; lực lượng giám sát, xử phạt vi phạm ít, trong khi số người hút thuốc lá lại quá nhiều… nên chưa tạo được sức răn đe đối với những người có hành vi vi phạm. Không những thế, tại nhiều cơ quan, đơn vị, lãnh đạo chưa quan tâm nhiều đến công tác PCTHTL, thậm chí nhiều lãnh đạo vẫn còn hút thuốc lá tại cơ quan, nơi công cộng, dẫn đến công tác tuyên truyền, phổ biến cho cấp dưới cũng chỉ mang tính hình thức, đối phó. Vì vậy, nâng cao nhận thức và hành động trong phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn là nhiệm vụ trọng tâm cần được đẩy mạnh trong thời gian tới./.

Ngọc Nga

 

Bài viết liên quan

Tại sao bỏ thuốc lá lại khó khăn đến như vậy?

Mậu Ngọ

Khói thuốc lá, tác nhân đầu độc bầu không khí trong lành

Mậu Ngọ

Đoàn viên thanh niên Sở Y tế chủ động tuyên truyền phổ biến tác hại của thuốc lá

CDC Hà Nam