Tăng cường phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong trường học

(CDC Hà Nam)

Năm học mới 2022-2023, cần tăng cường, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong trường học; xây dựng môi trường trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên (HSSV).

Xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của trẻ em, học sinh. Đối với công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao yêu cầu các trường tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình môn học GDTC, bố trí thời gian hợp lý, khoa học góp phần nâng cao chất lượng giờ học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và cách đánh giá tạo hứng thú, yêu thích môn học, không gây áp lực cho HSSV; tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, các chương trình, dự án nhằm phát triển công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học.

Phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong trường học

Cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch COVID-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của cơ quan có thẩm quyền và hướng dẫn của ngành Y tế về công tác phòng chống dịch COVID-19. Không chủ quan, lơi lỏng; chủ động nắm chắc tình hình, dự báo dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp để xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ em, HSSV, cán bộ, nhà giáo và sẵn sàng ứng phó với tác động tiêu cực của dịch đối với ngành Giáo dục.

Tăng cường công tác truyền thông, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch tiêm chủng phòng dịch COVID-19 cho trẻ em, HSSV.

Xây dựng kế hoạch và phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em, HSSV kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe của bản thân, phòng chống dịch COVID-19, các loại dịch bệnh khác như: sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Sởi, Rubella, Cúm A, Đậu mùa khỉ,… và các bệnh không lây nhiễm trong trường học.

Bên cạnh đó, cần kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế trường học. Các Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch, triển khai kiện toàn và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế trường học (chuyên trách và kiêm nhiệm) theo Chương trình bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế ban hành. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về công tác y tế trường học, phòng chống dịch bệnh, các bệnh không lây nhiễm cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học.

Phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện Bảo hiểm y tế (BHYT) HSSV, bảo đảm quyền lợi được chăm sóc sức khỏe ban đầu của HSSV trong trường học, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT.

Đảm bảo an toàn trường học, bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Bộ GD&ĐT yêu cầu nhà trường bảo đảm môi trường trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn. Tăng cường công tác nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học, chú trọng việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; xây dựng, hướng dẫn sử dụng và bảo quản các công trình cấp nước và công trình vệ sinh trong trường học; bảo đảm đủ nước uống cho học sinh, nước sinh hoạt và điều kiện nhà vệ sinh trong trường học.

Tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục, truyền thông về dân số, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản; phòng chống tác hại của thuốc lá và đồ uống có cồn. Triển khai tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông ban hành theo Quyết định số 1751/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2022 của Bộ GD&ĐT.

Về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước: Các trường cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, học sinh trong nhà trường. Chỉ đạo mở các đợt cao điểm tuyên truyền, phát động phong trào học bơi an toàn, phòng, chống đuối nước, đặc biệt trước khi học sinh nghỉ hè.

Tiếp tục tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, học sinh cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế trường học; bồi dưỡng cấp chứng chỉ dạy bơi an toàn cho đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất trong các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong việc triển khai, kiểm soát tình hình tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em, học sinh.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Trẻ đối mặt với nguy cơ u não cao gấp 5 lần do nghiện smartphone

Mậu Ngọ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Đến từng nhà người nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 8/3/2020 để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Ngọc Nga

Liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất nếu bạn đến 28 điểm dưới đây

CDC Hà Nam