Tập thể dục sau 60 tuổi có thể ngăn ngừa bệnh tim, đột quỵ

(CDC Hà Nam)
T25

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Hàn Quốc cho thấy rằng, những người trên 60 tuổi hoạt động thể chất có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tuổi tác có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động thể chất và khi càng nhiều tuổi sẽ có xu hướng ít hoạt động hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Quốc gia Seoul cho thấy, việc duy trì mức độ hoạt động hoặc hoạt động trở nên tích cực hơn trong giai đoạn này của cuộc sống là rất quan trọng để giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Theo các nhà khoa học, hoạt động thể chất vừa phải là 30 phút trở lên mỗi ngày như làm vườn, đi bộ, khiêu vũ; 20 phút trở lên chạy bộ, đạp xe nhanh hoặc tập aerobic… được tính là tập thể dục mạnh mẽ.

TS Kyuwoong Kim và cộng sự đã đã phân tích dữ liệu từ 1.119.925 đàn ông và phụ nữ từ 60 tuổi trở lên. Dữ liệu được thu thập bởi Dịch vụ bảo hiểm y tế quốc gia (NIHS), nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho khoảng 97% dân số Hàn Quốc. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 67, và 47% là nam giới.

NIHS đã tiến hành hai cuộc kiểm tra sức khỏe của các cá nhân, một vào năm 2009 -2010 và một vào năm 2011 -2012. Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về những người tham gia cho đến năm 2016. Trong mỗi lần kiểm tra, những người tham gia đã được hỏi về mức độ hoạt động thể chất và lối sống của họ…

Duy trì hoặc tăng tập thể dục sau tuổi 60 sẽ ngăn  ngừa nguy cơ đau tim, đột quỵ

Đến cuối thời gian nghiên cứu, có 114.856 trường hợp mắc bệnh tim hoặc đột quỵ đã được báo cáo. Sau khi điều chỉnh các yếu tố như tình trạng kinh tế xã hội, tuổi tác, giới tính, các điều kiện y tế khác và chi tiết về lối sống như hút thuốc và sử dụng rượu, các nhà nghiên cứu thấy rằng, những người đã tăng mức độ hoạt động, từ không hoạt động liên tục sang hoạt động vừa phải hoặc hoạt động mạnh mẽ 3-4 lần/tuần đã giảm 11% nguy cơ đau tim và đột quỵ. Những người đã hoạt động 1-2 lần/tuần ở lần kiểm tra đầu tiên sau đó tăng lên 5 lần trở lên mỗi tuần bởi lần kiểm tra thứ hai đã giảm rủi ro xuống 10%. Người khuyết tật cũng được hưởng lợi từ việc tăng mức độ hoạt động, giảm 16% nguy cơ mắc các biến cố tim mạch. Những người tham gia mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp hoặc tiểu đường đã giảm 4% -7% khả năng gặp phải vấn đề về tim hoặc đột quỵ. Trong khi đó, nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch đã tăng 27% trong số những người tham gia đã giảm mức độ tập thể dục giữa hai lần kiểm tra sức khỏe.

TS Kim cho biết, mặc dù người lớn tuổi cảm thấy khó khăn khi tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên khi có tuổi, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cần phải hoạt động thể chất nhiều hơn cho sức khỏe tim mạch, và điều này cũng đúng với người khuyết tật và tình trạng sức khỏe mãn tính.

Trong năm 2015, có 900 triệu người dân trên toàn cầu ở tuổi ngoài 60 và đến năm 2050, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con số đó sẽ đạt khoản 2 tỷ người. Vì vậy, các chương trình dựa vào cộng đồng để khuyến khích hoạt động thể chất ở người cao tuổi nên được khuyến khích. Ngoài ra, từ góc độ lâm sàng, các bác sĩ nên ‘kê đơn’ hoạt động thể chất cùng với các phương pháp điều trị y tế được đề nghị khác cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.

Bích Ngọc

 

 

Bài viết liên quan

Trên 31 nghìn người đã thực hiện xong cách ly y tế  

Mậu Ngọ

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 21/10/2021

Ngọc Nga

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Covid-19: Sẵn sàng cho tình huống 30 nghìn ca bệnh

Ngọc Nga

Để lại bình luận