Thảo luận ý kiến góp ý của Bộ Y tế đối với dự thảo Quy chuẩn KTĐP về chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh.

(CDC Hà Nam)

Sở Y tế vừa tổ chức hội nghị thảo luận ý kiến đóng góp của Bộ Y tế đối với dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Dự họp có các thành viên Ban soạn thảo QCĐP về chất lượng nước sạch, lãnh đạo và chuyên viên Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Ông Trương Thanh Phòng – Phó giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Ban soạn thảo báo cáo văn bản góp ý của Bộ Y tế đối với dự thảo QCĐP về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Ông Trương Mạnh Sức – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, thành viên Ban soạn thảo báo cáo văn bản góp ý của Bộ Y tế đối với dự thảo QCĐP về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Theo đó, sau khi Bộ Y tế nhận được Công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc xin ý kiến đối với dự thảo QCĐP về chất lượng nước sạch, qua nghiên cứu Bộ Y tế đã thống nhất và cho ý kiến phản hồi: Việc ban hành QCĐP về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam là cần thiết. Về hồ sơ dự thảo QCĐP cơ bản đầy đủ, không chồng chéo về quy định kỹ thuật, yêu cầu quản lý hay vi phạm các quy định của QCVN tương ứng; không tạo ra các rào cản kỹ thuật. Việc biên soạn dự thảo QCĐP bao gồm: tổng hợp, nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, đánh giá thực trạng, lấy mẫu phân tích để xác định các thông số cần đưa vào QCĐP phù hợp với quy định. Báo cáo thuyết minh rõ ràng, cụ thể, phù hợp với dự thảo QCĐP đề xuất. Báo cáo đánh giá mức độ các nguy cơ, rủi ro đối với hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã xác định được mức độ các nguy cơ, rủi ro đối với hệ thống cấp nước theo mức độ ưu tiên. Vì vậy, các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa  và khắc phục cũng cần phải được trình bày tương ứng. Về trình tự, thủ tục xây dựng QCĐP cơ bản đầy đủ theo quy định. Về nội dung dự thảo QCĐP, Bộ Y tế cũng đề nghị sửa, bổ sung nội dung trong một số điều của dự thảo (có chỉ dẫn cụ thể trong Công văn)…

Thông qua văn bản góp ý của Bộ Y tế, các đại biểu đã tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng hoàn chỉnh dự thảo, trong đó có một số ý kiến nổi bật như: Trên địa bàn tỉnh Hà Nam có Công ty TNHH SRE Việt Nam tại khu Công nghiệp Đồng Văn II, hoạt động sản xuất oxit kim loại đất hiếm có nguy cơ phát tán ra môi trường. Vì vậy đề nghị xem xét bổ sung 2 thông số hoạt độ phóng xạ α và β vào dự thảo QCĐP. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu có trong hoạt động sản xuất nhựa, sơn không phát sinh trong nước thải, đề nghị không bổ sung các thông số hợp chất hữu cơ trong dự thảo QCĐP. Xem xét các quy định của việc quy định kiểm tra, giám sát tại Điều 9, bổ sung nhiệm vụ của Sở Tài chính trong việc phối hợp bố trí ngân sách cho hoạt động giám sát nước…

Sau khi các thành viên trong Ban soạn thảo và đại diện Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp đóng góp ý kiến, Ban soạn thảo thống nhất bổ sung 2 thông số hoạt độ phóng xạ α và β vào dự thảo QCĐP. Theo đó, dự thảo QCĐP về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam gồm 04 chương với 11 điều, giới thiệu về: Quy định chung, Quy định về kỹ thuật, Quy định về quản lý và Tổ chức thực hiện. Như vậy, dự thảo Quy chuẩn ban hành sẽ quy định gồm 49 thông số chất lượng nước sạch và ngưỡng giới hạn cho phép, trong đó có 8 thông số nhóm A và 41 thông số thuộc nhóm B (Tăng 2 thông số so với trước đó).

Ông Trương Thanh Phòng – Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo phát biểu kết luận hội thảo tiếp thu các ý kiến góp ý cho dự thảo QCĐP về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Nam

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trương Thanh Phòng – Phó Giám đốc Sở Y tế đã gửi lời cảm ơn và tiếp thu các ý kiến góp ý cho bản dự thảo QCĐP về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đồng thời nhấn mạnh: Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, Ban soạn thảo QCĐP về chất lượng nước sạch nhất trí tiếp thu và chỉnh sửa một số nội dung góp ý khác của Bộ Y tế, sau đó khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và quy trình ban hành theo đúng quy định.

Ngọc Nga – Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Ngọc Nga

Hà Nam: Thêm 16 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin

Bộ Y tế hướng dẫn cách xác thực thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của người dân

Ngọc Nga