Trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc xin đã mắc sởi, phòng bệnh thế nào?

(CDC Hà Nam)

Bệnh nhi T.M.C, mới 7 tháng (tại Đoan Hùng, Phú Thọ) được chẩn đoán xác định mắc sởi và phải nhập viện điều trị. Đáng chú ý, bé chưa đến độ tuổi thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, do đó cha mẹ cần hết sức lưu ý.

Những tháng đầu năm 2019, tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, số ca mắc sởi đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt có bệnh nhi dưới 9 tháng tuổi phải nhập viện điều trị sởi, độ tuổi chưa được thực hiện tiêm chủng vắc xin sởi.

Bệnh nhi T.M.C, 7 tháng tuổi (tại Đoan Hùng, Phú Thọ) phải vào viện điều trị sởi với biểu hiện sốt cao (38,5 độ C), kèm theo chảy nước mũi, ho, xuất hiện ban đỏ toàn thân, nhiều nhất vùng  mặt, ngực, bụng, lưng.

Bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết, tình hình bệnh sởi trong cả nước đang diễn biến rất phức tạp. Điều bất thường trong đợt dịch sởi này là nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc, trong khi độ tuổi này chưa đến thời gian tiêm chủng và thường chỉ có miễn dịch từ mẹ (truyền từ sữa mẹ).

Vì thế, trẻ mắc sởi có thể do mẹ chưa có miễn dịch (chưa được tiêm chủng, chưa từng mắc sởi). Ở độ tuổi này, trẻ bị sởi rất dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm và khó khăn trong chăm sóc và điều trị.

Hiện tại bệnh nhi đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Nội – Nhi – Đông y của bệnh viện

Các bác sĩ khuyến cáo, với các trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm chủng vắc xin sởi cần có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý, bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho  trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những ai nghi ngờ mắc sởi, những nơi đông người, không đến vùng diễn ra dịch.

Các mẹ trước khi mang thai nên tiêm phòng đầy đủ và hoàn thành lịch tiêm trước 3 tháng các loại vắc xin Sởi – quai bị – rubella; Thủy đậu; Cúm để tạo miễn dịch cho cả mẹ và bé trong quá trình mang thai.

Trẻ em đến độ tuổi tiêm chủng cha mẹ phải đưa trẻ đến trạm xá hoặc cơ sở y tế có dịch vụ tiêm chủng để tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho trẻ.

Nếu trẻ có biểu hiện sốt; phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay; kèm theo viếm kết mạc mắt; viêm đường hô hấp (ho, chảy nước mũi, khò khè, khó thở,…) thì cha mẹ nên nghĩ đến bệnh sởi. Khi đó cần cách ly ở nhà; chăm sóc, dinh dưỡng thật tốt; hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa.

Nếu bé sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp… nên đưa ngay trẻ đến bệnh viện để tránh biến chứng.

Theo TS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng, vệ sinh cá nhân và chế độ ăn.

“Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%.

Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”- TS. Lâm khuyến cáo.

Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị trẻ tại nhà. Cần chú ý không cho bệnh nhi tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Mọi người cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh sởi.

Trẻ mắc sởi nhẹ chăm sóc tại gia đình cần được theo dõi thật cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, không nên chủ quan.

Để tránh bệnh lây lan, không nên cho trẻ khỏe và trẻ bệnh dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

Một số lưu ý khi trẻ mắc sởi: Không kiêng khem trong chế độ ăn, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng. Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống. Trẻ lớn cần đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A.

                                                                               Theo Sức khỏe và Đời sống

 

Bài viết liên quan

BSCKI Trương Thanh Phòng – Phó Giám đốc Sở Y tế giải thích nguyên nhân ca mắc COVID-19 cộng đồng tăng

Ngọc Nga

Hướng dẫn sơ cứu khi trẻ bị bỏng nhiệt và chăm sóc vết bỏng đúng cách

Ngọc Nga

Đau tức ngực, khó thở, nuốt nghẹn – 3 dấu hiệu cảnh báo thực quản đang bị “bào mòn” mỗi ngày vì trào ngược dạ dày

Ngọc Nga

Để lại bình luận