Trẻ em cần bao nhiêu kẽm?

(CDC Hà Nam)

Kẽm tham gia rất nhiều trong thành phần các enzyme, giúp tăng tổng hợp protein, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cảm giác ngon miệng nên rất quan trọng đối với trẻ em. 

 Kẽm tham gia hoạt động của trên 300 enzym trong phản ứng sinh học quan trọng, trong đó có enzym tiêu hóa và các enzym cần thiết cho sự tổng hợp protein, acid nucleic. Bên cạnh đó, kẽm còn hỗ trợ quá trình tổng hợp, bài tiết của nhiều hormon tăng trưởng như GH, IGF-1, testosteron, insulin, thymulin.

Do đó, kẽm cần thiết cho việc phiên giải mã gene, sinh sản, tái tạo và nhân đôi tế bào, cần cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của các chức năng về miễn dịch, tiêu hóa, não, nội tiết, xương, cơ, sự trưởng thành giới tính cũng như chống oxit hóa. Thiếu kẽm gây ra tình trạng suy giảm tiêu thụ năng lượng nên thường kết hợp với thiếu năng lượng tế bào và nhiều dưỡng chất khác.

Nhu cầu kẽm ở trẻ 

Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5mg/ngày, ở trẻ 1-10 tuổi khoảng 10mg/ngày, thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ, phụ nữ mang thai cần 15mg/ngày, cho con bú 6 tháng đầu cần 19mg và cho con bú lúc 6-12 tháng cần 16mg kẽm mỗi ngày.

Lượng kẽm được hấp thu khoảng 5mg/ngày, chủ yếu tại tá và hỗng tràng, một ít tại hồi tràng. Trong điều kiện chuẩn, tỷ lệ hấp thu khoảng 33%. Giảm bài tiết dịch vị ở dạ dày, nhiều sắt vô cơ, phytate (có nhiều trong ngũ cốc thô, đậu nành và các thực phẩm giàu chất xơ) có thể làm giảm hấp thu kẽm. Canxi làm tăng bài tiết kẽm, không nên uống cùng lúc với kẽm. Để tăng hấp thu kẽm, nên bổ sung cùng với thức ăn giàu vitamin C.

Nhận biết trẻ thiếu kẽm 

Biểu hiện thường thấy ở trẻ bị thiếu kẽm là ăn không ngon, vị giác bất thường, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, thương tổn ở da và mắt, chậm lớn, cơ quan sinh dục chậm trưởng thành và bất lực. Thiếu kẽm cũng gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ như biếng ăn, rối loạn vị giác, chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng, nôn không rõ nguyên nhân; rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, mất ngủ, ngủ không yên giấc, thức giấc nhiều lần trong đêm, khóc đêm), tư duy chậm, trí nhớ kém; trẻ bị tiêu chảy, bị viêm nhiễm đường hô hấp; thị lực kém, bị các bệnh viêm da, chàm, đặc biệt là tình trạng vết thương chậm liền sẹo.

Thiếu kẽm không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn tác động xấu đến tinh thần, làm trẻ dễ nổi cáu, bởi kẽm giúp vận chuyển canxi vào não. Canxi là một trong những chất quan trọng giúp ổn định thần kinh.

Thực phẩm nào giàu kẽm?

Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm nguồn gốc động vật. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa ít kẽm và có giá trị sinh học thấp do khó được hấp thu. Nguồn thức ăn nhiều kẽm là từ động vật như sò, hàu, thịt bò, cừu, gà và lợn nạc, sữa, trứng, cá, tôm, cua, mầm lúa mì, hạt bí ngô, ca cao và sôcôla, các loại hạt (nhất là hạt điều), nấm, đậu, hoa anh đào, hạnh nhân, táo, lá chè xanh…

 

Theo Suckhoedoisong.vn

 

Bài viết liên quan

Cảnh báo dấu hiệu viêm tuyến giáp ai cũng cần biết

hanh phan

Phụ nữ và trẻ em gái với vấn đề HIV/AIDS

Ngọc Nga

Hà Nam: Thông báo 25 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin

Để lại bình luận