Uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt (OPV) trẻ vẫn cần tiêm thêm 1 mũi vắc xin bại liệt tiêm (IPV)

(CDC Hà Nam)

Bệnh bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút polio gây lên, vi rút polio gồm 3 týp 1, 2 và 3. Vi rút polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít vi rút Polio xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não. Người mắc bệnh có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và gây tàn tật suốt đời. Khi cho trẻ uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt (OPV) trẻ vẫn cần tiêm thêm 1 mũi vắc xin bại liệt tiêm (IPV).

 Cách lây truyền của bệnh bại liêt.

Bệnh bại liệt lây truyền qua đường tiêu hóa. Con người là nguồn chứa duy nhất của vi rút bại liệt. Vi rút lây truyền sang người chủ yếu qua đường “phân – miệng”. Vi rút bại liệt từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào cơ thể người phát triển trong đường tiêu hóa của người, đào thải qua phân ra ngoài môi trường sống và tiếp tục gây bệnh.

Bệnh rất dễ lây, hầu hết trẻ em sống cùng nhà với người mang mầm bệnh bị nhiễm vi rút. Người bệnh có khả năng đào thải vi rút từ 10 ngày trước và 14 ngày sau khi khởi phát. Những người lành mang vi rút cũng có thể trở thành nguồn truyền bệnh.

Cách phòng lây nhiễm bệnh bại liêt

Vì người là nguồn chứa vi rút bại liệt duy nhất nên việc tạo miễn dịch chủ động thông qua tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Phòng bệnh bại liệt polio bằng uống vắc xin bại liệt (OPV), tiêm vắc xin bại liệt bất hoạt (IPV). Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia đang chỉ sử dụng vắc xin bại liệt uống (OPV) thì cần sử dụng thêm 1 liều IPV trong lịch tiêm chủng thường xuyên.

Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng Việt Nam đang sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi và sẽ sử dụng thêm 1 liều vắc xin bại liệt tiêm (IPV) trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 5 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay vi rút bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành tại một số quốc gia như Afghanistan, Pakistan và trong bối cảnh mở rộng giao lưu giữa các quốc gia trên thế giới như hiện nay thì nguy cơ lây truyền bệnh bại liệt từ các quốc gia còn lưu hành sang các nước đã thanh toán bệnh là rất cao. Vì vậy, để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt của nước ta từ năm 2000 đến nay, thì cần sử dụng thêm một liều vắc xin bại liệt tiêm IPV có chứa cả 3 týp kháng nguyên bại liệt týp 1, 2 và 3 giúp tăng cường miễn dịch bảo vệ đối với vi rút bại liệt týp 1 và týp 3 đồng thời gây miễn dịch phòng bệnh đối với týp 2 cho những trẻ đã sử dụng 3 liều bOPV.

Tính an toàn của vắc xin bại liệt tiêm IPV?

Vắc xin IPV sử dụng trong chương trình chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin do tổ chức Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ, vắc xin của hãng Sanofi, Pháp sản xuất, vắc xin đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Cũng giống như các vắc xin khác, sau khi tiêm vắc xin có thể gặp phản ứng  các phản ứng thông thường tại chỗ tiêm như đau, quầng đỏ, phản ứng sốt vừa thoáng qua, phản ứng khác rất hiếm gặp.

Vì vậy phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh cho trẻ.

Bs CKI. Ngô Xuân Thiêm

Trưởng Phòng khám đa khoa, chuyên khoa

Bài viết liên quan

COVID-19: Cập nhật mới nhất đến 08h00 ngày 14/2/2020

Ngọc Nga

Phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em

CDC Hà Nam

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Tổ chức Kỷ niệm 64 năm, ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2019)

CDC Hà Nam

Để lại bình luận