Quy định mới đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch

(CDC Hà Nam)
Quy định này giao quyền cho các cấp chính quyền địa phương căn cứ mức độ đánh giá nguy cơ để chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tương ứng theo thẩm quyền.

Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 vừa ban hành Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG về Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế và một số bộ, ban, ngành và các địa phương xây dựng các hướng dẫn, đánh giá nguy cơ và các biện pháp để phòng, chống dịch tùy theo mức độ, nguy cơ.

Quy định này nhằm cụ thể hóa và chi tiết hơn Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, Quy định chỉ ra các yếu tố dịch tễ cơ bản để xác định mức độ nguy cơ ban đầu, được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng các màu sắc gồm: Nguy cơ rất cao (màu đỏ), nguy cơ cao (màu cam), nguy cơ (màu vàng) và mức độ bình thường mới (màu xanh). Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, phù hợp với từng mức độ cụ thể nêu trên.

“Kế thừa những kinh nghiệm và bài học được đúc kết qua thực tiễn chống dịch trong 3 đợt dịch vừa qua, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 đang diễn ra, Quy định này đặt ra một số điểm mới so với trước đây, như: Vấn đề cách ly vùng y tế (phong toả); áp dụng tiết chế cách ly tập trung cho một số khu vực đông người không có khả năng kiểm soát dịch bệnh hay khả năng cách ly tập trung…”,  Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Bắc Ninh.

Điểm đáng chú ý, Quy định này giao quyền cho các cấp chính quyền địa phương căn cứ mức độ đánh giá nguy cơ để chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tương ứng theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có quyền bổ sung, áp dụng những biện pháp cần thiết ở mức độ cao hơn phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương và đặc điểm tình hình dịch trên địa bàn.

UBND các cấp chịu trách nhiệm thực hiện đánh giá nguy cơ cũng như triển khai các biện pháp giãn cách xã hội theo từng mức độ đánh giá.

Trong trường hợp giãn cách trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh, thành phố cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận để đảm bảo lưu thông hàng hoá.

Cũng với Quy định mới ban hành này của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu triệt để về phòng, chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế xã hội. Quy định này cũng đưa ra những biện pháp hành chính để giảm thiểu tác động tới kinh tế xã hội nhưng phải phòng chống dịch một cách hiệu quả, trên tinh thần đặt sức khoẻ, tính mạng người dân lên trên hết và thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội.

Quy định này sẽ tiếp tục được bổ sung, cập nhật, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của các đơn vị, địa phương nhằm tạo ra một mô hình phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Anh Đức tổng hợp

Bài viết liên quan

Diễn biến dịch ngày 10/7: 1.853 ca mắc mới trong ngày, riêng TP.HCM có 1.320 ca

Ngọc Nga

Hà Nam: Chạy đua với thời gian, quyết tâm xét nghiệm xong mẫu bệnh phẩm đã lấy trong ngày 30/4

Ngọc Nga

Trưa 27/5: Thêm 53 ca mắc COVID-19 trong nước, Bắc Giang và Bắc Ninh đã chiếm 51 ca

Ngọc Nga

Để lại bình luận