Gần 80% bệnh nhân ít có triệu chứng, tuy nhiên nhiều bệnh nhân nhẹ nhưng diễn biến rất nhanh
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, trên thế giới đã có những cảnh báo ban đầu về biến chủng Ấn Độ.
Các bệnh nhân nhiễm biến chủng mới có diễn biến bệnh rất khó lường, khó phát hiện, có người xét nghiệm 2 lần đầu âm tính, lần thứ 3 mới dương tính, tức là thời gian ủ bệnh, lây truyền sang người khác có lúc nhanh, lúc rất khó đoán nên việc cách ly, theo dõi và quản lý tại khu cách ly hết sức quan trọng.
Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, trong đợt dịch này, thống kê từ Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho thấy khoảng 80% người mắc COVID-19 tại Việt Nam ít có triệu chứng cơ thể ít biến đổi như sốt không cao, ít mệt mỏi, viêm phổi chưa biểu hiện.
“Tuy nhiên, chúng ta luôn phải cảnh giác ngay cả với những người ít triệu chứng. Những người này phải được đưa vào điều trị ở những nơi đảm bảo cách ly an toàn, theo dõi sát sao”- Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
“Bệnh nhân nhẹ nhưng diễn biến nhanh là điều rất khó khăn với các thầy thuốc khi điều trị”- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh. Ảnh: Trần Minh
Khoảng 20% bệnh nhân COVID-19 có thể diễn biến nặng. Trong đó, 10% dễ chuyển từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu. Còn lại, họ có nguy cơ cao chuyển sang nặng (5%) hoặc rất nặng (5%).
Đây đều là những trường hợp dễ tử vong mà ngành y tế phải chú ý, phản ứng nhanh. Đặc biệt, nhóm bệnh nhân này phải có tiêu chí cụ thể để thầy thuốc tại tất cả bệnh viện căn cứ vào đó xử lý, kết nối hội chẩn với các chuyên gia tuyến trung ương khi cần.
“Bệnh nhân nhẹ nhưng diễn biến nhanh là điều rất khó khăn với các thầy thuốc khi điều trị”- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trên thế giới cũng đã có nhiều cảnh báo về diễn biến nhanh của chủng virus đợt này.
Tại Việt Nam, qua hội chẩn cũng cho thấy có những ca bệnh biến chuyển rất nhanh. Dẫn chứng từ thực tiễn các chuyên gia vừa hội chẩn một ca bệnh có nồng độ oxy trong máu vẫn ở mức 99% nhưng nhịp thở tăng lên, khó thở cũng tăng nên phải chỉ định đặt oxy để trợ giúp.
“Nếu các thầy thuốc chỉ nhìn trên máy báo oxy 99% và không để ý kỹ, bệnh nhân có thể diễn tiến nặng lên nhanh vì trên thực tế lâm sàng, bệnh nhân đã khó thở đến 22 lần. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh phác đồ, cảnh báo sớm cho thầy thuốc. Các trường hợp khoẻ mạnh, không bệnh nền vẫn phải cảnh giác, đưa vào khu điều trị đảm bảo an toàn, tăng cường thể trạng và theo dõi sát”- Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị Lương Ngọc Khuê thông tin.
Đa phần các ca tử vong đều có bệnh lý nền, cao tuổi
Hiện tại, tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 nặng tại nước ta ít thay đổi so với trước, tuy nhiên số bệnh nhân đông nên số ca nặng nhiều lên gấp 3-4 lần. Trong 2.912 bệnh nhân mắc mới của đợt dịch này ở trong nước, đến nay ghi nhận 9 trường hợp tử vong, nhưng trong số này hầu hết đều mắc bệnh nền (ung thư, tai nạn giao thông…) và cao tuổi như ca 94 tuổi, 81 tuổi.
“Duy nhất có 1 trường hợp nữ công nhân trẻ tuổi là ca bệnh 4807, 38 tuổi, không rõ bệnh nền nhưng diễn biến viêm phổi nhanh và tử vong”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay vẫn tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Trong số này 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.
Xây dựng phần mềm phát hiện sớm bệnh nhân có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng
Từ thực tiễn điều trị bệnh nhân COVID-19 đợt dịch này, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho hay ngành y tế đang xây dựng phần mềm có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng.
Phương án này được đưa ra sau khi Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp trẻ tuổi, không mắc các bệnh nền nhưng có diễn biến nặng trong thời gian ngắn.
“Chúng tôi đã họp với GS.TS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia về Hồi sức tích cực để thảo luận, và sẽ sớm thống nhất, đưa ra các tiêu chí về nhịp thở, mạch, huyết áp… để có thể tiên lượng những ca có nguy cơ diễn biến nặng sớm nhất, kịp thời can thiệp điều trị, điều trị tập trung nhất để tránh nguy cơ tử vong”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Các y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19
Lấy ví nếu nhịp thở của bệnh nhân tăng lên 22 lần thì “bác sĩ phải cảnh giác”, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê phân tích. Có thể bệnh nhân vẫn thấy khoẻ nhưng nếu các chỉ sổ thay đổi, có cảnh báo thì bác sĩ phải chuyển trạng thái ngay, chuẩn bị sẵn oxy, máy thở, phương tiện cấp cứu hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Đặc biệt các trường hợp diễn biến nặng sẽ xuất hiện cảnh báo đỏ, điều này giúp các bác sĩ điều trị trrực tiếp và các chuyên gia đầu ngành dễ dàng theo dõi, đánh giá, sớm đưa ra các chỉ định can thiệp.
Ngoài ra, phần mềm này có thể hỗ trợ sàng lọc các F1 nguy cơ cao có khả năng tiến triển thành F0.
Với nguyên tắc 4 tại chỗ, hệ thống này khi được kết nối với tất cả cơ sở điều trị sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các y, bác sĩ. “Hiện mới có Bắc Giang, Bắc Ninh, Bộ Y tế có thể điều BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ, nhưng nếu nhiều nơi như Bắc Giang thì các chuyên gia không thể đi hết, hỗ trợ hết được”- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nói.
Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh nhận định, Việt Nam vẫn đang làm chủ được tình hình. Dù vậy, do số lượng bệnh nhân tại các khu công nghiệp đông nên lực lượng điều trị cần cảnh giác, tập trung trí tuệ và các biện pháp, cố gắng giảm tỉ lệ tử vong xuống mức thấp nhất.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin thêm, Lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo giao Bệnh viện Đại học Y, BV Phổi Trung ương, BV Chợ Rẫy… là những nơi rất mạnh về hồi sức tích cực hỗ trợ Bắc Giang điều trị bệnh nhân nặng.
Theo Tiểu ban Điều trị, hiện các bệnh nhân COVID- 19 đang được điều trị tại 85 cơ sở y tế các tuyến trên cả nước; trong đó BV Bệnh Nhiệt đới TW đang điều trị nhiều nhất với 422 trường hợp; tiếp đến, BV dã chiến số 1 (tỉnh Bắc Ninh) điều trị 269 trường hợp; BV Y học cổ truyền Bắc Giang điều trị 230 trường hợp; BV Tâm thần Bắc Giang điều trị 176 trường hợp; BV dã chiến số 1 Bắc Giang điều trị 165 trường hợp…
Trong số các bệnh nhân COVID-19 hiện đang được điều trị COVID-19 đến sáng 26/5, Việt Nam đang có 25 trường hợp nguy kịch, trong đó 21 bệnh nhân phải thở oxy xâm nhập/ICU, 4 ca còn lại can thiệp ECMO.
Có 96 bệnh nhân tiên lượng nặng;102 bệnh nhân năng, ngửi oxy; 14 bệnh nhân nặng thở máy không xâm nhập
Khoảng 1.450 bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng; 1.187 bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nhẹ
Anh Đức tổng hợp