Phòng chống các rối loạn tâm thần do COVID-19

(CDC Hà Nam)
Đại dịch COVID-19 đã lan ra khắp toàn cầu, để lại những ảnh hưởng tai hại vô cùng to lớn về kinh tế, sức khỏe và xã hội. Chính COVID-19 trực tiếp và gián tiếp gây ra rất nhiều loại rối loạn tâm thần cho người bệnh và những người chịu ảnh hưởng nặng nề của việc phong tỏa kinh tế, cách ly xã hội…

Sảng

Sảng xảy ra ở các bệnh nhân có bệnh cơ thể mạn tính (suy thận mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…) nay bị nhiễm COVID-19. Về mặt tâm thần, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng sau:

– Mất ngủ hoàn toàn: Trong 24 giờ vừa qua, bệnh nhân không ngủ được tí nào.

– Rối loạn định hướng không gian và thời gian: Bệnh nhân không thể xác định được mình đang ở đâu, lúc này là thời điểm nào trong ngày, buổi sáng hay buổi tối.

– Hoang tưởng và ảo giác rất nhiều: Bệnh nhân thường có ảo thị giác là nhìn thấy những hình ảnh không có thật như các động vật nhỏ (kiến, gián, chim, chuột) hoặc các hình ảnh ghê rợn (ma quỉ).

Đây là một dấu hiệu rất nặng, đe dọa tử vong. Khi có sảng, bác sĩ thường phải sử dụng benzodiazepine đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên thuốc này lại bị chống chỉ định với các bệnh nhân có suy hô hấp. Vì vậy, sự lựa chọn của các bác sĩ đã bị giảm đi rất nhiều.

Phản ứng stress cấp

Đây là một rối loạn tâm thần đột ngột xuất hiện ngay sau khi được thông báo bị cách ly, bị bắt buộc điều trị do bị nhiễm COVID-19, trong khi bệnh nhân đang làm hoặc chuẩn bị làm các công việc khác quan trọng. Tất cả cuộc sống của bệnh nhân bị gián đoạn và xáo trộn rất đột ngột khiến bệnh nhân không kịp thích ứng. Bệnh nhân có thể biểu hiện bằng chết lặng hoặc kích động (khóc lóc, la hét, bỏ chạy, van xin…). Bệnh nhân luôn tự trách móc mình thiếu cẩn trọng nên đã gây ra hậu quả này. Bệnh nhân rất khó ngủ và luôn có ác mộng liên quan đến COVID-19.

Để phòng phản ứng stress cấp, mọi người cần phải chuẩn bị sẵn tâm lý cho kịch bản bị cách ly, phong tỏa hoặc điều trị bắt buộc. Tốt hơn hết là thực hiện triệt để các qui định về phòng chống dịch và giãn cách xã hội như thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát trùng, tránh tụ tập đông người…

Khi có có bệnh nhân với phản ứng stress cấp, mọi người cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào giường nằm ở nơi yên tĩnh, an ủi bệnh nhân. Nếu bệnh nhân còn la hét, giãy giụa nhiều thì các bác sĩ có thể tiêm diazepam vào bắp cho bệnh nhân qua cơn kích động.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần của nhiều người.

Lo âu lan tỏa

Khi tình trạng phong tỏa xã hội kéo dài vài tháng thì số người bị rối loạn lo âu lan tỏa sẽ gia tăng rất nhanh. Lý do bị rối loạn lo âu lan tỏa là:

– Bị cách ly trong không gian hẹp quá dài ngày, khiến nếp sống bị đảo lộn hoàn toàn.

– Sợ bị lây bệnh do số bệnh nhân và người chết vì COVID-19 tăng quá nhanh.

– Mất khả năng chi trả các hóa đơn do cạn tiền vì đóng cửa nền kinh tế.

Khi tình trạng phong tỏa xã hội và đóng cửa nền kinh tế càng dài, càng rộng thì vai trò của nguyên nhân thứ ba sẽ càng tăng lên. Đến lúc nào đó, sự sợ hãi lây bệnh sẽ bị lấn át bởi sự sợ hãi chết đói, phá sản, vỡ nợ… Điều này đã được minh chứng ở nhiều nước, điển hình nhất là ở Mỹ và Brazil.

Để phòng chống lo âu lan tỏa, chúng ta phải tổ chức tốt mạng lưới cung ứng các sản phẩm tối thiết yếu. Nhà nước, địa phương và xã hội cần phải hỗ trợ những người nghèo, người khó khăn để họ tồn tại được qua đại dịch. Các biện pháp giải trí trong nhà cũng có thể có ích trong một thời gian ngắn, nhưng về lâu dài cần phải tổ chức lao động, sản xuất một cách hợp lý cả về phòng chống dịch và về kinh tế. Nếu tình trạng dịch COVID-19 trở nên khó kiểm soát, nên ưu tiên chống dịch so với mở cửa nền kinh tế.

Phan Hạnh tổng hợp theo suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Nguy cơ mắc COVID-19 trầm trọng ở trẻ hen phế quản không được kiểm soát

Ngọc Nga

Những công việc lặng thầm phía sau người chiến sĩ tuyến đầu chống dịch!

CDC Hà Nam

Thêm 2 ca tử vong do COVID-19 đều là bệnh nhân nữ ở Đồng Tháp

Ngọc Nga

Để lại bình luận