Người dân chủ động ứng phó lâu dài với dịch bệnh Covid-19

(CDC Hà Nam)

Hơn một năm qua, mặc dù có sự quan tâm chỉ đạo, kiểm soát quyết liệt của các cấp, ngành, song tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều ca bệnh lây lan trong cộng đồng ở một số tỉnh, thành phố. Xác định dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp, kéo dài, có thể xảy đến với bản thân và cộng đồng bất cứ lúc nào nên nhiều người dân đã chủ động chuẩn bị sẵn tâm lý, điều kiện cùng những “phương án” ứng phó tích cực.

Có người thân ở Hải Dương đã thực hiện cách ly khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên chị Trần Thu Hà (phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý) hiểu rất rõ những vất vả, hạn chế nếu dịch bệnh xảy ra với bản thân, gia đình và cộng đồng. Bởi vậy, chị luôn ý thức giữ gìn sức khỏe cho mình và gia đình bằng việc chấp hành nghiêm quy định của địa phương cũng như những khuyến cáo của ngành y tế.

Chị Hà cho biết: “Từ ngày có dịch bệnh bùng phát, mình luôn chủ động đeo khẩu trang khi đi chợ, khi đến giao dịch tại bộ phận một cửa của phường, thành phố hay khi đi trên xe khách… Đặc biệt, mình thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 trên phương tiện thông tin đại chúng để chủ động sắp xếp, điều chỉnh công việc của bản thân cho phù hợp, an toàn. Do công việc liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, thường xuyên di chuyển đến các tỉnh, thành phố nên mặc dù đã chủ động phòng tránh, song mình vẫn phải lên trước “kịch bản” cho gia đình nếu không may dịch bệnh xảy ra, như: chuẩn bị phương án gửi con, cho con học tập như thế nào, kinh phí dự phòng nếu không may bùng phát dịch…”.

Các y, bác sỹ quân y (Bộ CHQS tỉnh) làm thủ tục đón công dân từ nước ngoài về cách ly phòng dịch tại Trung đoàn 151.

Từ ngày dịch bệnh Covid- 19 bùng phát, theo khuyến cáo của ngành y tế, chị Trương Thúy Vi (phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên) rất chú ý hướng dẫn, động viên con trai tự chăm sóc bản thân và rèn luyện thể lực. Theo chị, dịch bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và có thể xảy đến với bất kỳ ai. Do vậy, chị chủ động sắp xếp công việc, đặc biệt là hướng dẫn con tự phòng bệnh, tự chăm sóc bản thân khi không có cha mẹ, người thân bên cạnh.

Chị Vi cho biết: “Trừ những gì ngoài khả năng, còn lại đều phải chủ động dự liệu “kịch bản” cụ thể cho mình và gia đình nếu không may dịch bệnh xảy đến. Cùng với chủ động về lương thực, thực phẩm, việc chủ động về kỹ năng, tâm lý rất quan trọng. Chính vì vậy, mình luôn nhắc nhở cháu lớn khi đi học đại học phải chủ động phòng bệnh, hạn chế đến chỗ tập trung đông người nếu không thật sự cần thiết. Khi di chuyển, tiếp xúc chỗ đông người phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên. Với cháu nhỏ (là học sinh trung học cơ sở), mình hướng dẫn một số kỹ năng tự chăm sóc bản thân như: Vệ sinh cá nhân, giữ sức khỏe, tự nấu các món ăn cơ bản, tự giác học tập và chấp hành nghiêm quy định của các cấp, ngành về phòng, chống dịch…”.

“Không chia sẻ thông tin gây hoang mang cho cộng đồng, chủ động, tự giác khai báo thông tin trung thực khi trở về từ vùng dịch…” là suy nghĩ cụ thể về góp phần phòng ngừa dịch bệnh của bạn Lại Thu Trang (xã Đồn Xá, huyện Bình Lục). Trang cho biết: Hiện nay, từ trẻ em đến người cao tuổi đều tiếp cận với mạng xã hội, trong khi trên mạng liên tục có những thông tin trái chiều được cập nhật, lan truyền, nên mọi người, đặc biệt là giới trẻ phải tự trau dồi kiến thức, biết chọn lọc và có tư duy phản biện trước khi tiếp thu, chia sẻ thông tin, tránh gây tâm lý hoang mang cho mình và người khác. Trang tâm sự: Những ngày dịch bệnh bùng phát ở Hải Dương, trên mạng xã hội nhiều người liên tục đưa thông tin về tình hình dịch bệnh, trong đó đáng lo ngại là nhiều bạn trẻ sẵn sàng chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, vô tình khiến nhiều người thêm lo lắng.

Để góp phần phòng, chống dịch bệnh, khi tham gia mạng xã hội, mọi người chỉ chia sẻ thông tin từ cơ quan báo chí truyền thông chính thống, không nên theo “tâm lý đám đông”, dẫn tới lo lắng, đổ xô mua thực phẩm, hàng tiêu dùng dự trữ, chen chúc mua khẩu trang y tế… trong khi điều quan trọng nhất phải làm chính là hạn chế đến những nơi đông người, tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, giữ thế chủ động và không hoang mang nếu không may dịch bệnh xảy đến”.

Bác Trần Văn Truyền (Phường Minh Khai, TP Phủ Lý) cho rằng: Hiện cũng đã xuất hiện một bộ phận người dân thờ ơ, coi nhẹ dịch bệnh nên không chủ động phòng bệnh. Theo bác, mặc dù đã có vắc-xin phòng bệnh, song dịch bệnh vẫn có thể xảy ra và lây lan trong cộng đồng. Do vậy, mỗi người trước tiên, phải chủ động phòng tránh dịch bệnh bằng việc tăng cường tập thể dục, thể thao mỗi ngày để nâng cao sức khỏe. Cùng với đó, có thái độ hợp tác, trung thực với cơ quan chức năng khi khai báo thông tin di chuyển… giúp cộng đồng kiểm soát chặt chẽ những mối nguy cơ. Mặt khác, thay đổi thói quen, niềm đam mê vui chơi, du lịch… để phòng dịch bệnh. Cụ thể, với gia đình bác, hầu như năm nào cũng đi du lịch, giao lưu, thăm hỏi người thân ở các tỉnh, thành phố trong nước, song hiện nay trước khi đi đâu, làm gì, bác đều phải tính toán kỹ lưỡng để chủ động đối phó nếu không may dịch bệnh xảy đến. Gia đình cũng hạn chế họp mặt, liên hoan để vừa tiết kiệm chi phí, vừa tránh tiếp xúc đông người. Mặc dù có con, cháu dự định đi làm việc, du học nước ngoài, song hiện gia đình cũng xem xét, tính toán phương án cho con cháu học tập bảo đảm phù hợp với tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, kéo dài.

Qua những câu chuyện trên đây, có thể thấy, đa số người dân đều đã “thích nghi” và có sự chuẩn bị tích cực để “sống chung” với dịch bệnh. Sự chủ động, tích cực phòng ngừa của mỗi người, mỗi gia đình là giải pháp quan trọng góp phần hạn chế thiệt hại nếu dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn.

Ngọc Nga-Phan Hạnh

Bài viết liên quan

Bộ Y tế: Thực hiện ngay 8 biện pháp phòng chống COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch sáng ngày 15/11/2021

Ngọc Nga

Việt Nam sẽ nhận thêm khoảng 6 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca và Pfizer

Ngọc Nga

Để lại bình luận