Chuyên gia nói gì về đột biến mất xít amin ở biến thể có nguồn gốc Ấn Độ

(CDC Hà Nam)
Các chuyên gia nhấn mạnh, virus luôn biến đổi để thích nghi với cơ thể vật chủ con người, do đó vẫn cần nghiên cứu thêm về các khả năng của virus, hiện chưa thể có kết luận chính xác.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đã ghi nhận đột biến mất xít amin ở vị trí Y114del (sau đây được gọi là đột biến Y144del) trong S ptotein ở biến thể B.1.617.2 (có nguồn gốc từ Ấn Độ).

Kể từ khi phát hiện, Viện đang tiếp tục nuôi cấy các mẫu SARS-CoV-2 có đột biến này để giải trình tự gen lại. Trước thông tin này, một số ý kiến cho rằng liệu có phải sự xuất hiện đột biến Y144del ở biến chủng B.1.617.2 từ chính quần thể biến chủng này hay do cơ chế tái tổ hợp gen với biến chủng khác.

Trên thực tế, biến chủng B.1617.2 mang đột biến Y144del đã được phát hiện trong 20 trong số 13.000 mẫu được giải trình tự gen từ 9 quốc gia trên thế giới, lần gần đây nhất vào ngày 29/3/2021. Hơn nữa, đột biến Y144del cũng được phát hiện ở nhiều biến chủng SARS-CoV-2 khác, không chỉ ở B.1.1.7, ví dụ như B.1.620, B.1.616, B.1.525, B.1.526.1, B. 1.1.318…

Ảnh minh họa.

TS.BS Văn Đình Tráng – Phụ trách khoa Vi sinh – Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết đột biến Y144del có phải do cơ chế tái tổ hợp hay không và tái tổ hợp với dòng biến chủng nào, còn cần được theo dõi và nghiên cứu thêm.

Tuy nhiên, trong 62 mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2 dương tính được thu thập gần đây vào tháng 4 và tháng 5/2021 của đợt bùng phát dịch COVID-19 này, đã được giải trình tự gen tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chúng tôi không phát hiện có đột biến Y144del trong S ptotein của biến thể B.1.617.2. Hiện nay, bệnh viện vẫn đang tiếp tục giải trình tự gen và phân tích thêm nhiều mẫu.

 “Vì vậy, có thể nói đột biến Y144del trong biến thể B.1.617.2 (nguồn gốc từ Ấn Độ) không thể kết luận do tái tổ hợp với biến thể B.1.1.7 (nguồn gốc từ Anh) mà chỉ có thể ghi nhận là một biến thể mới có đột biến Y144del” – Tiến sĩ Tráng cho biết.

Có ý kiến cho rằng đột biến Y144del trên biến thể B.1.617.2 sẽ làm gia tăng khả năng lẩn trốn kháng thể trong cơ thể, làm giảm hiệu lực của vắc xin, tiềm năng lẩn trốn các xét nghiệm RT-PCR thông thường hiện nay, có thể gây bùng phát dịch lớn hơn.

Tiến sĩ Tráng cho biết virus luôn biến đổi để thích nghi với cơ thể vật chủ con người, do đó vẫn cần nghiên cứu thêm về các khả năng của virus, hiện chưa thể có kết luận chính xác.

CDC Hà Nam

Bài viết liên quan

Sáng 28/5: Thêm 40 ca mắc COVID-19 trong nước, riêng Bắc Giang 30 ca

CDC Hà Nam

Bộ Y tế: Cả nước đã có 977.032 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm theo Nghị quyết 21

Ngọc Nga

Công ty Honda Việt Nam trao tặng 1 máy xét nghiệm Covid -19 và 5 máy trợ thở xách tay cho tỉnh Hà Nam

Ngọc Nga

Để lại bình luận