Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cung cấp vắc xin phòng COVID-19 cho 20% dân số cuối năm 2021

(CDC Hà Nam)
Theo Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam: lô vắc xin phòng COVID-19 gồm 811.200 liều về đến Việt Nam ngày 1/4 là lô vắc xin đầu tiên trong tổng số 4,1 triệu liều vắc xin của COVAX tài trợ dự kiến sẽ có mặt tại Việt Nam đến cuối tháng 5/2021. Cùng với những lô vắc xin tiếp theo sẽ được tiếp nhận sau tháng 5, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cung cấp vắc xin cho 20% dân số đến cuối năm 2021

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho hay lô vắc xin đầu tiên của COVAX gồm 811.200 liều đã về tới Việt Nam được xem là thời khắc lịch sử, một tin mừng với người dân Việt Nam và là một yếu tố giúp thay đổi cục diện chống dịch COVID-19.

Đây cũng là thời điểm bước ngoặt, đánh dấu tầm nhìn, sự chung tay của cộng đồng quốc tế, các tập đoàn tư nhân và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, UNICEFF, WHO… để cùng thế giới kiểm soát đại dịch.

“Thành công của Chính phủ Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh thời gian qua được thế giới đánh giá rất cao. Trong khi nhiều quốc gia không hành động hoặc chậm thì Việt Nam rất quyết đoán. Thành quả đó giúp Việt Nam không phải phong toả toàn quốc, hệ thống y tế vẫn hoạt động hiệu quả, người dân không trải qua hoảng loạn, lo lắng”- ông Kamal nhấn mạnh.

Cũng theo ông Kamal, chúng ta công nhận rằng vắc xin là một loại hàng hóa công cộng cần được tiếp cận bình đẳng bởi mọi quốc gia dù giàu hay nghèo và mọi người dân, đặc biệt các nhóm dân số nghèo và dễ bị tổn thương nhất.

DSCF0681

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam   Ảnh:Trần Minh

Không quốc gia nào là an toàn cho đến ngày thế giới sạch bóng COVID-19. Không quốc gia nào có thể đơn độc đánh bại COVID-19 tái mở cửa hoàn toàn hay chứng kiến kinh tế phát triển rực rỡ. Một quốc gia chỉ có thể hồi phục khi toàn bộ các quốc gia khác đạt miễn dịch cộng đồng do 75-80% dân số đã được tiêm chủng.

“Đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục quấy phá, các biến chủng đang phát triển mạnh và tạo ra nhiều virrus với sức chống chọi tốt hơn. Chúng ta phải thực hiện tiêm chủng cho người dân toàn cầu để tạo miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới, từ đó ngăn chặn sự xuất hiện của những thể đột biến nguy hiểm”- Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Kamal cho hay, lô vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên gồm 811.200 liều về đến Việt Nam ngày 1/4 là lô vắc xin đầu tiên trong tổng số 4,1 triệu liều vắc xin dự kiến sẽ có mặt tại Việt Nam đến cuối tháng 5/2021.

Cùng với những lô vắc xin tiếp theo sẽ được tiếp nhận sau tháng 5, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cung cấp vắc xin cho 20% dân số đến cuối năm 2021.

Mặc dù những thách thức trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang gây khó khăn cho việc ấn định trước ngày và lượng vắc xin tiếp nhận, song COVAX vẫn lạc quan trong việc có thể cung cấp lượng vắc xin đủ cho tối đa 20% dân số tại các quốc gia đủ điều kiện trước thời điểm cuối năm nay.

“Một lần nữa xin khẳng định, WHO và UNICEF sẽ sát cánh cùng các quốc gia để đảm bảo đưa vắc xin đến những đối tượng ưu tiên một cách hiệu quả nhất có thể, với ưu tiên hàng đầu là tính an toàn”- ông Kamal nói và thông tin thêm: UNICEF cũng sẽ mua khoảng 400 tủ đông bảo quản vắc xin và hơn 2000 tủ đông loại nhỏ, hộp lạnh, xe tải đông lạnh và ống tiêm cho Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên chở ống tiêm sẽ tới Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

“Mặc dù vắc xin an toàn và hiệu quả là yếu tố có thể thay đổi cục diện tình hình, nhưng trước mắt, chúng ta vẫn phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo sức khỏe cộng đồng như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn và tránh nơi đông người.

Việc được tiêm vắc xin không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan và đặt bản thân cũng như người khác vào tình thế rủi ro..”- ông Kamal lưu ý.

Sự xuất hiện của các biến thể đang là một mối lo ngại và càng chứng minh tầm quan trọng của hành động tập thể: Ngăn chặn virus thông qua các biện pháp đảm bảo sức khỏe cộng đồng hiện có, cũng như mở rộng sản xuất và triển khai tiêm vắc xin nhanh nhất có thể sẽ đóng vai trò tối quan trọng.

Các hành động phối hợp để theo dõi chủng virus, hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc xin, cùng với việc tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với vắc xin là những yếu tố cần thiết để đón đầu ngăn chặn virus.

vac xin COVID cua COVAX

Sáng ngày 1/4, lô vắc xin phòng COVID-19 gồm 811.200 liều đầu tiên do COVAX tài trợ đã về đến Việt Nam

Bộ Y tế, thông qua Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, đã có kinh nghiệm lâu năm và đáng tin cậy trong việc cung cấp vắc xin an toàn.

“Chúng tôi thừa nhận sẽ có rất nhiều việc phải làm để đạt được điều này, và chúng tôi sẽ sát cánh cùng Bộ trưởng Bộ Y tế để giải quyết sự bùng phát COVID-19, và đảm bảo trong suốt năm nay sẽ có nhiều người dân Việt Nam được tiêm vắc xin nhất có thể”- ông Kamal nói.

 Mục tiêu toàn cầu trong năm nay là cung cấp 2 tỷ liều vắc xin và 1 tỷ ống tiêm nhằm trợ giúp trước hết cho 92 quốc gia đủ điều kiện và tiếp đó hỗ trợ 190 quốc gia trên toàn thế giới. Tính đến ngày hôm nay, chỉ 5 tuần sau đợt cung cấp đầu tiên, COVAX đã vận chuyển 33 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 đến 73 quốc gia đủ điều kiện. Việc vắc xin được chia sẻ một cách công bằng là một thành quả rất đáng ghi nhận.

Tất nhiên, việc vận chuyển vắc-xin tới sân bay mới chỉ là bước đầu tiên trong công tác của những quốc gia được tiếp nhận vắc xin. Từ bước đầu tiên này, các nước cần phân phối vắc xin miễn phí theo nhóm ưu tiên COVAX trong kế hoạch quốc gia. Nhóm ưu tiên hàng đầu là các cán bộ y tế và nhân viên chống dịch tuyến đầu làm việc tại các cơ sở cách ly… Nhóm ưu tiên thứ hai là người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên và người có bệnh lý nền, có khả năng nhiễm virus cao hơn.

Liên Hợp Quốc nhiệt liệt khuyến khích mỗi quốc gia cung cấp miễn phí tất cả các loại vắc xin cho người dân, bên cạnh vắc xin COVAX. Người dân trên mọi miền đất nước cần được tiếp cận vắc xin bất kể khả năng chi trả. Đặc biệt, cần chủ động cung cấp vắc xin đến nhóm dân số nghèo và có hoàn cảnh khó khăn nhất, bất kể nơi họ sinh sống. Với tôn chỉ không để ai bị bỏ lại phía sau, các quốc gia cần đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin từ 75-80% theo mức khuyến nghị.

Theo suckhoedoisong.vn

 

Bài viết liên quan

Trưa 5/6: Thêm 91 ca mắc COVID-19 trong nước, Tiền Giang ghi nhận ca bệnh đầu tiên đợt dịch này

Ngọc Nga

Hà Nam: Trên 14.200 người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19

Ngọc Nga

Chiều 16/4: Thêm 14 ca mắc COVID-19 và 30 bệnh nhân khỏi

Ngọc Nga

Để lại bình luận