Người cao tuổi có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao gấp nhiều lần so với người trẻ. Do vậy, việc chăm sóc tại nhà đóng vai trò quan trọng để người cao tuổi luôn giữ được tinh thần lạc quan, có một cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Một số biện pháp chăm sóc người cao tuổi tại nhà:
Trấn an tinh thần: Đây là việc làm đầu tiên trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà. Tinh thần là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Đã có những nghiên cứu cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa cảm xúc và hệ miễn dịch. Khi chúng ta lo âu, buồn chán hay trầm cảm thì hệ miễn dịch cũng yếu đi. Khi yêu đời vui vẻ thì cơ thể cũng cảm thấy khỏe mạnh hơn.
Trước hết cần phải giúp người cao tuổi hiểu rõ về đại dịch này để giảm các nỗi lo sợ, giúp họ thư giãn luôn giữ tinh thần lạc quan. Nhiều người lớn tuổi khi nghe đến COVID-19 như nhắc đến án tử hình. Tuy nhiên, không phải ai mắc bệnh này cũng chết. Quan trọng là giữ tinh thần lạc quan, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, ăn uống lành mạnh, tập thể dục để nâng cao sức khoẻ, sức đề kháng.
Chúng ta nên dành thời gian để trò chuyện với ông bà, cha mẹ về căn bệnh này, tìm hiểu thông tin ở những trang thông tin chính thống, không nên nghe những tin tức đồn đại trên mạng xã hội bởi có nhiều thông tin không chính xác càng làm tăng những lo lắng, sợ hãi. Người cao tuổi hệ miễn dịch đã yếu lại thêm có nhiều bệnh nền, khi đọc được những tin tức tiêu cực càng làm cho hệ miễn dịch yếu hơn, nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Thư giãn là một cách rất hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch, xem phim hài, đọc sách, đọc những mẫu chuyện vui… giúp tinh thần thư giãn, nhẹ nhàng hơn.
Đọc sách, xem tivi, chăm sóc cây cảnh… là những cách giúp người cao tuổi thư giãn, giữ tinh thần lạc quan trong đại dịch.
Chữa và kiểm soát các bệnh mạn tính: Các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, phổi mạn tính, cao huyết áp, ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất do COVID-19. Do đó, người lớn tuổi nên đo huyết áp thường xuyên. Uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc.
Bỏ hút thuốc lá: Bỏ hút thuốc lá vì chẳng những mang lại bất lợi cho bản thân mà còn cho những người xung quanh. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương phổi. Một khi sức đề kháng của phổi bị suy yếu, virus rất dễ tấn công, nhất là virus SARS-CoV-2.
Tập luyện thể dục, thể thao: Khi tập thể dục cố gắng tập nhanh để nhịp tim nhanh hơn, giúp ra mồ hôi tốt hơn. Không khí trong lành, thoáng mát là một trong những biện pháp tốt nhất lọc phổi. Tuy nhiên, nếu phải cách ly tại nhà có thể tập yoga, thể dục nhẹ, đạp xe tại chỗ…
Uống nước đầy đủ: Mất nước dẫn đến khô cổ họng là một trong những rủi ro nguy hiểm trong bệnh hô hấp, đặc biệt là ở người cao tuổi bởi cơ thể họ không tích trữ nước cộng thêm các bệnh mạn tính khác khiến cho người cao tuổi càng dễ mất nước hơn. Khi cơ thể mất nước làm cho phổi và vòm họng thiếu những chất nhờn bảo vệ, dễ bị tổn thương, khiến vi khuẩn, virus dễ xâm nhập vào bên trong khiến người cao tuổi dễ bị bệnh.
Ngủ sâu giấc: Ngủ đầy đủ giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái… Người cao tuổi giấc ngủ có ngắn hơn người trẻ nhưng miễn sao chất lượng giấc ngủ đảm bảo.
Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng các chất dinh dưỡng: Là biện pháp hiệu quả nhất giúp tăng cường sức đề kháng. Chế độ dinh dưỡng hợp lý trong mỗi bữa ăn là 1/3 trái cây và rau xanh, 1/3 chất đạm (thịt, cá, trứng…) và còn lại là ngũ cốc, tinh bột.
Tiêm phòng vắc-xin COVID-19: Đây là biện pháp hữu hiệu và rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc và đẩy lùi COVID-19.
Theo hanamtv.vn