Bộ Y tế cho biết, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4/2021 đến nay đã ghi nhận 7.668 trường hợp, 1.837 trường hợp khỏi bệnh; 26 trường hợp tử vong.
Có 23 tỉnh Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh) đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 4 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, 14 tỉnh chưa qua 14 ngày. So với tuần trước đó (02-07/6/2021), số mắc mới trong nước giảm
Về ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh
Ca bệnh đầu tiên ghi nhận ngày 11/6 là nhân viên phòng Công nghệ thông tin tại Bệnh viện cư trú tại huyện Hóc Môn có triệu chứng sốt nhẹ, nhức mỏi, được sàng lọc theo quy định của Bệnh viện và có kết quả dương tính.
Qua sàng lọc ghi nhận 06 nhân viên cùng phòng và vợ của bệnh nhân trên cũng dương tính (người vợ làm việc tại phòng hành chính quản trị cùng bệnh viện).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh Ảnh:Khôi Nguyên
Sau truy vết đã phát hiện thêm 56 trường hợp là nhân viên Bệnh viện, tập trung chủ yếu tại 06 khoa, phòng khối hành chính, hậu cần: Chỉ đạo tuyến, Hành chính quản trị, Tài chính quản trị, Kế hoạch tổng hợp, Tổ chức cán bộ và Dược.
Tích lũy từ 11/14/6/2021: đến nay có 58 ca mắc liên quan đến Bệnh viện. 57/58 nhân viên y tế tại bệnh viện đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19.
Nhận định bước đầu xác định nguồn lây nhiễm là từ cộng đồng xâm nhập vào trong bệnh viện, trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới tại ổ dịch này. Ngoài ra TP. Hồ Chí Minh còn có nhiều ổ dịch rải rác trong thành phố chưa được kiểm soát triệt để.
Các ổ dịch tại công ty Grove, ổ dịch bánh canh O Thanh, Nhóm truyền giáo Phục Hưng đã cơ bản được kiểm soát.
Ổ dịch tại tỉnh Hà Tĩnh
Tính từ 04/06/2021 đến 6h00 15/06/2021, tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận 62 trường hợp mắc. Đáng chú ý, trong 24 giờ vừa qua (ngày 13-14/6) ghi nhận đỉnh điểm số ca mắc (19 ca), trong đó có 10 ca đang được điều tra dịch tễ.
Chùm ca bệnh tại Hà Tĩnh hiện nay đều rõ nguồn lây, tuy nhiên đã xuất hiện mốc dịch tễ có khả năng lây nhiễm cao là bãi biển Thạch Bằng (điểm tắm nước ngọt công cộng), tính đến nay đã ghi nhận 10 trường hợp liên quan trực tiếp đến địa điểm này.
Tỉnh Hà Tĩnh đã từng bước kiểm soát được tình hình dịch, tuy nhiên nguồn lây nhiễm có lịch trình di chuyển rộng, tiếp xúc nhiều người trước khi được phát hiện, nên có khả năng tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới tại cộng đồng.
Các ổ dịch khác
Nhận định về tình hình dịch, Bộ Y tế cho biết, tại 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát tốt, các trường hợp mắc mới chủ yếu đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa, dự kiến trong 1-2 tuần tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.
Dịch bệnh cơ bản đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Riêng ổ dịch tại TP. Hồ Chí Minh có diễn biến phức tạp hơn do có nhiều trường hợp không rõ nguồn lây, mật độ dân cư, giao thương lớn.
Các địa phương tiếp tục tập trung toàn bộ lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất
Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt tại các ổ dịch mới phát sinh trên các địa bàn thuộc các tỉnh thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh…và tiếp tục hỗ trợ công tác chống dịch tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.
Đoàn công tác của Bộ Y tế do Lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo, hỗ trợ, giám sát tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh.
Chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, hỗ trợ người dân khai báo y tế qua tổng đài gọi điện tự động, đẩy mạnh triển khai bản đồ chung sống an toàn dịch COVID-19, ứng dụng công nghệ trong giám sát cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung, giám sát đối với người nhập cảnh; hoàn thiện nền tảng quản lý tiêm chủng, tích hợp quy trình khai báo điện tử và tiêm chủng vắc xin vào nền tảng hồ sơ sức khỏe cá nhân sẵn có, đảm bảo tính tiện lợi, tinh gọn cho công tác kiểm soát tiêm chủng.
Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các hướng dẫn cách ly trong tình hình mới. Xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm Hướng dẫn cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh qua Cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh, theo hướng rút ngắn thời gian cách ly tập trung đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19.
Bộ Y tế phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cập nhật, ban hành các hướng dẫn, khuyến cáo về quản lý môi trường; tổ chức hoạt động giao thông vận tải tại các địa phương có dịch theo Công điện số 789/CĐ-TTg ngày 05/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu và qua các địa phương.
Tiếp tục truyền thông tập trung về thực hiện 5K, thực hiện “Mục tiêu kép”, tiến độ mua, sản xuất và tiêm vắc xin, cập nhật ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19.
Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân khu công nghiệp tại Bắc Giang Ảnh:BYT
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin về tiếp cận cung ứng vắc xin, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 với các nước: Ấn Độ, Thụy Sĩ, Pháp, Australia, Nhật Bản, Mỹ.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung toàn bộ lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất có thể tại TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh và một số địa phương đang có dịch.
Áp dụng việc phong tỏa, giãn cách nghiêm tại các khu vực ổ dịch
Áp dụng việc phong tỏa, giãn cách nghiêm tại các khu vực ổ dịch theo điều tra dịch tễ và xem xét mở rộng trên cơ sở đánh giá nguy cơ theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp trên cả nước ngay cả những địa phương chưa có dịch, Đối với các tỉnh có dịch phải rà soát an toàn COVID tại các nhà máy, xí nghiệp, bảo đảm không để đứt gãy sản xuất, cung ứng tại các nhà máy, xí nghiệp lớn.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch như: cập nhật thông tin antoancovid.vn, khai báo y tế điện tử, hệ thống camera giám sát…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục bám sát và đôn đốc các đơn vị cung cấp thực hiện bàn giao vắc xin phòng COVID-19 theo tiến độ đã cam kết; thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước; hoàn thiện kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ.
Thanh Huyền tổng hợp