Không kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành văn bản chỉ đạo về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19.
Theo đó, để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm kịp thời phục vụ cho các địa phương, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân trong vùng có dịch COVID-19, trên cơ sở thống nhất của các Bộ: Giao thông vận tải; Công Thương, Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến như sau:
Không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.
Đã có hơn 5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 Moderna về Việt Nam
Chiều tối ngày 25/7, chiếc máy bay chở hơn 1,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 Moderna đáp xuống Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Số vắc xin này nằm trong hơn 3 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã dự buổi tiếp nhận số vắc xin này.
Đi “bắt” virus COVID-19
Các tỉnh phía Nam đang ở mùa mưa. Mưa nhiều nhưng không cản chân của những “chiến sĩ” đi bắt virus COVID-19. Làm việc không kể ngày hay đêm, với mục tiêu “bóc” người nhiễm COVID-19 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất. PV báo Sức khỏe và Đời sống đã theo chân những người bắt virus này.
Mỗi cá nhân ĐBQH luôn sẵn sàng đồng hành trong công tác chống dịch COVID-19
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, qua các ý kiến của ĐBQH cho thấy Quốc hội và cá nhân mỗi đại biểu luôn sẵn sàng cùng cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại hội trường tại Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa XV ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long cho biết, trong thời gian qua khi đại dịch COVID xuất hiện thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hiến định và luật định đã thực hiện các giải pháp cấp bách, cần thiết để phòng, chống dịch, đã đạt kết quả tốt được thế giới và trong nước đánh giá cao.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, thành công của công cuộc chống dịch COVID-19 gồm 3 yếu tố gồm: Yếu tố thứ nhất là dịch còn ít, ở quy mô nhỏ và virus giai đoạn đầu lây chậm hơn; Yếu tố thứ hai hết sức quan trọng là chúng ta có một hệ thống chính trị vững mạnh, tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng; Yếu tố thứ ba là nhân dân đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ và tuyệt đối tuân thủ các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công cuộc này.
ĐBQH hiến kế chống dịch COVID-19 theo “3 tầng”
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề xuất, chúng ta phải chia hệ thống chống dịch thành “3 tầng” theo như Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa XV, chiều 25/7 Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới).
Nêu ý kiến tại hội trường, ĐBQH Đỗ Thị Lan (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh ở một số tỉnh. Trong bối cảnh này, đại biểu thống nhất cao với việc Quốc hội kịp thời đưa vào nội dung nghị quyết của kỳ họp về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. Đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các Chỉ thị 15, 16 trong thời gian vừa qua để có sự nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, để có thể ban hành Chỉ thị mới nhằm phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng với yêu cầu có những biến chủng mới và phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.
Tối 25/7, Hà Nội có thêm 7 bệnh nhân COVID-19
18h ngày 25/7, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận thêm 7 ca bệnh COVID-19 mới, đưa tổng số ca bệnh COVID-19 tại Hà Nội trong ngày lên 41 trường hợp.
Theo Sở Y tế Hà Nội, chiều nay, ghi nhận thêm 07 trường hợp mắc mới, trong đó có các bệnh nhân được xác định từ chùm ca bệnh tại Trại Găng- Hai Bà Trưng; chùm Tân Mai, Hoàng Mai và chùm ca bệnh liên quan đến Bùi Thị Xuân. Ngoài ra vẫn ghi nhận những trường hợp mới từ xét nghiệm sàng lọc ho sốt tại cộng đồng và ho sốt thứ phát.
Tối 25/7: Thêm 3.552 ca mắc COVID-19, nâng tổng số mắc trong ngày lên 7.531 ca
Bản tin dịch COVID-19 chiều 25/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 3.552 ca mắc COVID-19, trong đó TP Hồ Chí Minh có 2.227 ca. Tổng số ca mắc trong ngày hôm nay là 7.531 ca. Trong ngày có 1.755 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Thông tin các ca mắc mới:
– Tính từ 6h đến 19h ngày 25/7 có 3.552 ca mắc mới ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (2.227), Bình Dương (368), Tây Ninh (186), Bà Rịa – Vũng Tàu (126), Đồng Nai (119), Phú Yên (95), Khánh Hòa (90), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78), Cần Thơ (38), Bình Phước (20), Đắk Lắk (14), Bến Tre (12);
Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Trà Vinh (10), Kiên Giang (8 ), Ninh Thuận (7), Hậu Giang (7), Bình Định (6), Gia Lai (6), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), Nghệ An (3), Thừa Thiên Huế (2), Đắk Nông (2), Bắc Ninh (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Thanh Hoá (1) trong đó có 594 ca trong cộng đồng.
Ba nền tảng công nghệ phòng chống COVID-19 bắt buộc dùng chung toàn quốc
Bộ TT&TT cho biết, ba nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 đã được đưa vào sử dụng thống nhất trên cả nước, trong đó có nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.
Thành lập Tổ công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương
Triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trong phòng, chống dịch trên toàn quốc và giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để liên tục hoàn thiện là một trong những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo, theo Nghị quyết số 78/NQ-CP về phiên họp chuyên đề phòng chống dịch COVID-19.
Chỉ số SpO2 không phải là dấu hiệu nhận biết người mắc COVID-19
SpO2 là viết tắt của cụm từ Saturation of peripheral oxygen – độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi là một trong những chỉ số giúp cảnh báo sớm bệnh nhân mắc COVID-19 có dấu hiệu chuyển nặng.
Vừa qua trên trang Facebook của một “Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số” đã quảng cáo cho tính năng đo SpO2 của một số thiết bị vòng đeo tay (Smartband), đồng hồ thông minh (Smartwatch) với nội dung “Chỉ với 990.000Đ bạn đã có một chiếc vòng đeo tay thông minh hỗ trợ đo SPO2 giúp nhận biết sớm bản thân có mắc COVID-19 hay không”, để làm rõ điều này, chúng tôi đã tham khảo thông tin từ bác sĩ chuyên môn.
Trao đổi cùng phóng viên, BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số SpO2 là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, thiết bị này là cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng chứ không phải là dấu hiệu để nhận biết người mắc COVID-19.
Theo khuyến cáo, số SpO2 là một chỉ số quan trọng, nếu chỉ số SpO2 thấp hơn 92% bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp, nhập viện và theo dõi sát diễn tiến tình trạng suy hô hấp; trong trường hợp bệnh nhân có chỉ số SpO2 lớn hơn 92% nhưng có các biểu hiện suy hô hấp như khó thở nhiều, thở nhanh > 30 lần/phút, thở co kéo các cơ hô hấp phụ nhiều, vẫn cần được nhập viện để theo dõi và điều trị.
Đường dây nóng tố cáo thủ đoạn lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để lừa đảo
Sau khi báo chí có những cảnh báo về các chiêu trò kẻ xấu lợi dụng dịch COVID-19 giả mạo các tổ chức y tế, ngày 25/7, Công an TP. Hà Nội vừa công bố Đường dây nóng tố cáo thủ đoạn lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo.
Công an TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ đối tượng giả mạo các tổ chức y tế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Sự quan tâm là nguồn động viên to lớn đối với ngành y tế trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thay mặt ngành Y tế, cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, cử tri và nhân dân cả nước đã quan tâm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng ngành y tế trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19. Đó là nguồn động viên to lớn đối với toàn thể ngành y tế, để tiếp tục cuộc chiến đầy cam go và thử thách này.
Những tín hiệu tích cực, khả quan
Ngày 25/7, Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021;
Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có bài phát biểu xúc động về các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thay mặt ngành Y tế, cảm ơn Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đã quan tâm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng ngành y tế trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19. Đó là nguồn động viên to lớn đối với toàn thể ngành y tế, để tiếp tục cuộc chiến đầy cam go và thử thách này.
Hà Nội ghi nhận thêm 24 trường hợp mắc COVID-19 mới ở 7 quận, huyện
Sở Y tế Hà Nội thông tin, tính đến trưa ngày 25/7, Hà Nội ghi nhận thêm 24 trường hợp mắc mới, ở 7 quận huyện.
24 ca bệnh này bao gồm các trường hợp thuộc các chùm ca bệnh cũ như Tân Mai-Hoàng Mai, Nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ; liên quan đến các trường hợp về từ TP HCM; Công ty và những trường trường hợp phát hiện qua sàng lọc ho sốt tại cộng đồng hoặc ho sốt thứ phát. Cụ thể là:
Bệnh nhân N.T.N, nữ, sinh năm 1984, ở Sơn Lộc, Sơn Tây. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân V.V.Q (tiếp xúc gần ngày 20/7 khi đi xem đất). Ngày 22/7, bệnh nhân tự thực hiện cách ly tại nhà. Ngày 23/7, bệnh nhân được xác định là F1 của bệnh nhân Q., được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Bệnh nhân L.T.H.L, nữ, sinh năm 1971, ở Phú Thịnh, Sơn Tây. Bệnh nhân là F1, là người bán hàng cùng chợ với F0 K.T.T. Ngày 20/7, 2 mẹ con chị T. có đến mua hàng của bệnh nhân. Từ ngày 21/7, bệnh nhân thực hiện tự cách ly tại nhà. Ngày 23/7, xác định là F1 của bệnh nhân T., được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).
Hà Tĩnh cử thầy thuốc chi viện cho Bình Dương chống dịch COVID-19
31 thầy thuốc của tỉnh Hà Tĩnh chi viện, chia lửa cho Bình Dương chống dịch COVID-19 được lựa chọn kỹ càng, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong điều trị, lấy mẫu, chống dịch.
TP.HCM: Tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch sẽ được hỗ trợ tiêm vắc xin
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố sẽ được hỗ trợ tiêm vắc xin
Trong văn bản khẩn về việc huy động bổ sung lực lượng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM nhận định, trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại TP.HCM đang rất phức tạp và khả năng lây lan tăng nhanh trong thời gian vừa qua, ngành Y tế thành phố đã huy động nhiều nguồn lực và lực lượng do Bộ Y tế tăng cường cho công tác phòng chống dịch.
Cụ thể các nguồn lực tham gia tăng cường truy vết, xét nghiệm nhanh, tìm nguồn F0, cách ly F1 sớm; quản lý chặt chẽ các trường hợp cách ly tập trung, thành lập Bệnh viện dã chiến, thu dung, điều trị COVID-19 với bệnh không có triệu chứng và chuyển công năng Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành Bệnh viện điều trị COVID-19 để đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc, điều trị ca nghi nhiễm và ca nhiễm; tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Sẽ huy động khối xét nghiệm ngoài công lập tại TP.HCM
Để tăng cường năng lực, công suất thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR, TP.HCM sẽ đặt hàng dịch vụ xét nghiệm đối với các đơn vị có phòng xét nghiệm đã được cấp phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.
TP.HCM: Sử dụng xe Hợp tác xã Vận tải 19/5 để vận chuyển người bệnh
Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết đã chấp nhận chủ trương cho phép sử dụng xe phục vụ phòng, chống dịch của Hợp tác xã Vận tải 19/5 để vận chuyển người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhu cầu vận chuyển người bệnh COVID-19 tới các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 và vận chuyển người bệnh sau khi hội đủ tiêu chuẩn xuất viện về địa phương để tiếp tục cách ly theo dõi sức khoẻ tại nhà đặt ra yêu cầu cấp bách phải tăng cường thêm các phương tiện vận chuyển người bệnh.
Sở Y tế chấp thuận chủ trương cho phép sử dụng xe phục vụ phòng chống dịch của hợp tác xã Vận tải 19/5 để vận chuyển người bệnh COVID-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ từ khu cách ly về bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 hoặc về Trung tâm Y tế đề tiếp tục quản lý.
Sáng 25/7, Hà Nội ghi nhận 10 trường hợp mắc COVID-19 mới tại 6 ổ dịch
Sáng nay (25/7), thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết thành phố ghi nhận thêm 10 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 tại 06 ổ dịch.
04 bệnh nhân thuộc chùm liên quan đến Bắc Giang tại công ty SEI. Trong đó, 03 bệnh nhân đều là công nhân của Công ty SEI, được cách ly tập trung tại công ty từ ngày 5/7, sau đó chuyển cách ly tập trung tại Thạch Thất và Sóc Sơn, xét nghiệm nhiều lần đều âm tính. Đó là các bệnh nhân D.T.T, nữ, sinh năm 1986, ở Hải Bối, Đông Anh; bệnh nhân T.T.H, nữ, sinh năm 1990, ở Võng La, Đông Anh; bệnh nhân N.T.T, nữ, sinh năm 1980, ở Vĩnh Ngọc, Đông Anh. Đến ngày 24/7, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Và 1 bệnh nhân N.V.Đ, nam, sinh năm 1999, ở Hiền Ninh, Sóc Sơn, là công nhân làm việc tại nhà máy F2, Công ty SEI. Bệnh nhân được công ty cho nghỉ làm cách ly tại nhà từ ngày 5/7. Ngày 14/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 (âm tính). Ngày 19/7, bệnh nhân có triệu chứng sốt được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn khám và điều trị, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Chuyên gia hướng dẫn cách gộp mẫu trong test nhanh sàng lọc ca COVID-19 ngoài cộng đồng
TS Nguyễn Cơ Thạch- Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn thực hiện gộp mẫu test nhanh phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 trong sàng lọc các ca dương tính COVID-19 ngoài cộng đồng.
Theo TS Nguyễn Cơ Thạch, thành phần của bộ test này phải nằm trong danh sách các sinh phẩm, trang thiết bị chẩn đoán SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp phép gồm có: Que ngoáy dịch tỵ hầu; Tube nhựa đựng dung dịch đệm; Màng lọc; Dung dịch đệm và Khay test.
“Để lấy mẫu, người lấy mẫu phải mặc trang phục bảo hộ theo đúng quy định của Bộ Y tế và lưu ý sát khuẩn bề mặt găng tay trước khi thực hiện các thao tác lấy mẫu xét nghiệm”- chuyên gia Nguyễn Cơ Thạch nhấn mạnh.
Sáng 25/7: Có 3.979 ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và 20 địa phương khác
Bản tin dịch COVID-19 sáng 25/7 của Bộ Y tế cho biết có 3.979 ca mắc, trong đó riêng TP Hồ Chí Minh 2.328 ca. Đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 94.913 ca mắc. Đã có hơn 4,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm chủng ở nước ta.
– Tính đến sáng ngày 25/7, Việt Nam có tổng 94.913 ca mắc, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 92.735 ca mắc trong nước.
– Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 91.165 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
– Có 08/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
– Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình.
7 bệnh viện dã chiến và 350 giường hồi sức – Đồng Nai chủ động kịch bản ứng phó với tình huống xấu
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 với biến thể Delta lây lan mạnh, Đồng Nai đã, đang gấp rút hoàn thiện bệnh viện dã chiến thứ 7 để điều trị bệnh nhân. Báo Sức khỏe & Đời sống đã phỏng vấn BS CKII Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai về điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh này.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, tính đến chiều 25/7/2021, tỉnh này đang điều trị 2.374 ca nhiễm COVID-19 trên sổng số 2.444 ca mắc COVID-19. Thời gian qua, Đồng Nai đã công bố khỏi bệnh cho 96 người.
Phan Thị Hạnh tổng hợp