Hiểu đúng về “tính sinh miễn dịch” và “hiệu quả bảo vệ” của vaccine COVID-19

(CDC Hà Nam)
Vaccine được coi là một loại “thuốc”. Đây là một loại thuốc “đặc biệt”, bởi vaccine được dùng cho người khỏe mạnh với liều dùng, lượng dùng cụ thể.
Sản xuất vaccine – một quy trình nghiêm ngặt

Sự ra đời của vaccine cách đây hơn 2 thế kỷ (1796) là một thành tựu y học vĩ đại của nhân loại. Kể từ đây, loài người đã thực sự có được một loại vũ khí siêu hạng, sắc bén nhất, hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Vaccine được coi là một loại “thuốc” theo dược điển và cả theo quy định của Luật Dược năm 2016. Không những thế nó còn là một loại thuốc “đặc biệt“. Vì bình thường, người bệnh mới dùng thuốc nhưng vaccine lại là loại “thuốc” dùng cho người khỏe mạnh với liều dùng, lượng dùng cụ thể.

Bản chất việc tiêm chủng là kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm. Vaccine phòng COVID-19 cũng không ngoại lệ.

Nhưng, bất cứ thứ gì, trong đó có thuốc, được phát minh ra để đưa vào cơ thể người cũng đều có nguy cơ xảy ra biến cố. Chính vì thế mà các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu sẽ hạn chế thấp nhất những rủi ro.

Để hạn chế rủi ro, buộc phải có một khâu quan trọng đảm bảo tính an toàn và hiệu quả cho một chế phẩm vaccine trước khi được dùng rộng rãi đó là “thử nghiệm lâm sàng” đủ 3 phase.

Sau 2 giai đoạn đầu, giai đoạn 3 là lúc vaccine được thử nghiệm trên số lượng người lớn hơn để tiếp tục tích lũy bằng chứng về sự an toàn của vaccine.

Vaccine được cấp phép cần có đủ 3 yếu tố

Để đánh giá vaccine này có “hiệu quả bảo vệ“, có làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 hay không hoặc giảm nhẹ tình trạng bệnh hay không? Theo đúng thông lệ quốc tế, tất cả vaccine COVID-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn, đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, Tính sinh miễn dịch và Hiệu quả bảo vệ.

Có 2 khái niệm mà chúng ta cần hiểu rõ, đó là “tính sinh miễn dịch” và “hiệu quả bảo vệ” của vaccine COVID-19. Vaccine gây miễn dịch bằng virus đã bị giảm độc lực (bị làm yếu đi bằng nhiều cách); hoặc với một loại protein đặc hiệu có tính kháng nguyên (khả năng kích thích cơ thể tạo thành kháng thể) để gây ra một đáp ứng miễn dịch tạo ra hiệu quả đề kháng nếu tác nhân gây bệnh đầy đủ độc tính xâm nhập vào cơ thể trong tương lai.

Tính sinh miễn dịch cuả vaccine

Một vaccine bắt buộc phải có “tính sinh miễn dịch”. Khi nghe tin một loại vaccine nào đó đang được nghiên cứu có “tính sinh miễn dịch” cao, chúng ta tưởng rằng nghiên cứu sẽ thành công là chắc chắn. Thật ra không hẳn như vậy. Trong một số trường hợp một vaccine có “tính sinh miễn dịch” chưa chắc đã có “hiệu quả bảo vệ”.

Hiệu quả bảo vệ của vaccine

Đây là việc đo lường khả năng bảo vệ của vaccine chống lại bệnh trong quá trình thử nghiệm.

Nhiều loại vaccine COVID-19 không được cấp phép khẩn cấp

Với vaccine COVID-19, tại thời điểm hiện tại Tổ chức Y tế thế giới yêu cầu phải đánh giá cả “tính sinh miễn dịch” và “hiệu quả bảo vệ” của vaccine.

Tình hình dịch COVID-19 bùng phát rộng trên toàn thế giới, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vaccine phòng COVID-19 là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là được bỏ qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng bắt buộc. Vì mục đích cuối cùng của y học, của cơ quan quản lý vẫn là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người.

Và thực tế trên thế giới, không phải loại chế phẩm vaccine nào cũng thành công qua các giai đoạn thử nghiệm. Ngay cả các hãng dược lớn, nổi tiếng, cũng đã không thành công trong việc nghiên cứu ra vaccine COVID-19.

Ngày 11/12/2020, Công ty dược phẩm Pháp Sanofi và Công ty dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) cho biết: Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine COVID-19 của hai công ty cùng hợp tác phát triển không đủ phản ứng miễn dịch ở người lớn tuổi.

Ngày 16/6/2021, Công ty công nghệ sinh học Đức CureVac NV cho biết: Dù rất được kỳ vọng nhưng vaccine COVID-19 của họ chỉ có hiệu quả 47% trong một thử nghiệm giai đoạn cuối.

Trước tính mạng con người thì sự thận trọng của khoa học là điều không bao giờ thừa. Mọi nỗ lực nghiên cứu để mang lại vũ khí chống dịch đều rất đáng trân trọng.

Nhưng khoa học là khoa học, việc thành công hay chưa thành công trong nghiên cứu khoa học là một sự kiện rất bình thường. Nhất là chúng ta còn ít kinh nghiệm để nghiên cứu loại vaccine phòng một loại dịch bệnh quá mới, quá khó và nguy hiểm đang thách thức lương tri và trí tuệ nhân loại toàn cầu như COVID-19.

Cần nói thêm rằng, hiện tại có đến 5 loại vaccine phòng COVID-19 đang được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam. Trong đó, 2 loại vaccine do chính Việt Nam nghiên cứu, phát triển (Nanocovax và Covivac); 2 vaccine được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và 1 loại được gia công đóng ống tại Việt Nam.

Các nhà khoa học của Việt Nam đã rất cố gắng trong việc chạy đua với dịch bệnh bằng tinh thần tiến công chủ động và sự khát khao mau chóng tìm ra vũ khí chống COVID-19. Hiện qua thử nghiệm lâm sàng cho thấy Nanocovax cần thêm thời gian để hoàn thiện hơn do chưa đủ dữ liệu.

Chúng ta hãy tin tưởng và ủng hộ, chứ đừng gây áp lực thêm với các nhà khoa học bằng sự kỳ vọng thái quá của mình. Chúng ta – với tư cách một người công dân có trách nhiệm với xã hội, hãy tiếp tục nghiêm túc thực hiện việc tiêm chủng theo khuyến cáo của chính quyền tại các trung tâm y tế bằng bất cứ loại vaccine nào đã được cấp phép và nhập khẩu theo quy định. Tuyệt đối không có tư tưởng chờ đợi, lựa chọn vaccine, vì như thế sẽ chậm trễ trong việc tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Đinh Hạnh tổng hợp

Bài viết liên quan

Bộ Y tế kêu gọi thay ảnh đại diện, ảnh bìa trên MXH để cổ vũ phòng, chống dịch COVID-19

Ngọc Nga

Chiều 17/4: Thêm 8 ca mắc COVID-19 tại Kiên Giang, Khánh Hoà và Đà Nẵng

Ngọc Nga

Lấy mẫu xét nghiệm cho 100% đại biểu ứng cử và cử tri dự hội nghị tiếp xúc cử tri cấp tỉnh và cấp huyện

Ngọc Nga

Để lại bình luận