Ngành giáo dục tích cực phòng, chống dịch Covid-19

(CDC Hà Nam)

Ngay từ khi dịch Covid-19 mới bắt đầu bùng phát, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhanh chóng thành lập và kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch của ngành để chỉ đạo sâu sát công tác phòng chống dịch trong toàn ngành. Ở mỗi thời điểm dịch bệnh cụ thể, ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch giáo dục và triển khai dạy học trực tuyến đáp ứng với từng cấp độ dịch.

Theo đó, phương án lâu dài của ngành trong công tác phòng, chống dịch tập trung thực hiện thường xuyên, linh hoạt các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức phòng, chống dịch cho cán bộ, giáo viên, học sinh; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 đi đôi với việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong trạng thái bình thường mới, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến các hoạt động của ngành giáo dục. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong trường học, xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong phạm vi trường học. BCĐ phòng, chống dịch của ngành cũng chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nghiêm việc đánh giá và cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống “An toàn Covid-19”, đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học theo bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Đồng thời, duy trì việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trường lớp, nhất là khi học sinh chuẩn bị đi học trở lại sau mỗi đợt nghỉ học để phòng, chống dịch.

Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Hiệp (TP Phủ Lý) cho biết: Thực hiện công tác phòng dịch, nhà trường đã triển khai đồng thời nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt quan tâm tới công tác vệ sinh trường lớp, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ. Suốt thời gian trẻ tạm dừng tới trường trong các đợt dịch, nhà trường đã chỉ đạo, phân công giáo viên các nhóm lớp thường xuyên bảo đảm vệ sinh các lớp học. Bên cạnh đó, phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ nhà trường; huy động cán bộ, giáo viên tập trung tổng vệ sinh trường lớp trước khi trẻ được đi học trở lại và chuẩn bị, bố trí đầy đủ nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn; thực hiện tốt thông điệp “5K”, cài đặt ứng dụng Bluezone và ứng dụng “An toàn Covid-19” trong trường học.

Toàn ngành cũng đẩy mạnh hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, làm việc, học tập, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Đa dạng hóa các hình thức dạy học khi dịch bùng phát, không để việc giảng dạy, học tập bị gián đoạn theo phương châm “Dừng đến trường, không dừng học”. Tại các nhà trường, việc thực hiện kế hoạch dạy học qua internet là nhiệm vụ quan trọng, giúp học sinh các cấp được tiếp tục học tập theo đúng chương trình giáo dục các môn học trong thời gian tạm dừng đến trường để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, các nhà trường, các cấp học đã tập trung làm tốt công tác truyền thông, tổ chức các nhóm liên lạc qua zalo, viber… giữa giáo viên và cha mẹ học sinh để chia sẻ, tư vấn, quản lý và hướng dẫn học sinh học tập hiệu quả.

Trong điều kiện dịch bệnh vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục đối với công tác phòng, chống dịch và triển khai thực hiện dạy và học trực tuyến. Tại các huyện, thành phố, thị xã, ngành giáo dục các địa phương đã chỉ đạo, khuyến khích giáo viên và học sinh tìm hiểu, sử dụng các phần mềm trong hệ thống Office 365 for Education, Google Classroom… để giao bài tập, nhiệm vụ học tập, thực hiện kiểm tra, đánh giá trực tuyến, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Không chỉ chủ động phòng, chống dịch Covid-19 trong phạm vi các trường học, thời gian qua, ngành giáo dục còn đồng hành cùng các cấp, ngành, các địa phương trong việc tham gia công tác phòng, chống dịch; phối hợp lựa chọn một số đơn vị trường học để xây dựng các địa điểm cách ly tập trung và tích cực tham gia ủng hộ, hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch. Thực hiện chỉ đạo của BCĐ các cấp, ngành giáo dục các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động rà soát điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục trên địa bàn để lựa chọn và xây dựng phương án sử dụng các trường, điểm trường làm điểm cách ly khi cần thiết. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường phân công cán bộ, giáo viên tham gia nấu ăn phục vụ khi các điểm cách ly chính thức hoạt động. Cùng với đó, toàn ngành đã triển khai, phát động nhiều cuộc vận động quyên góp, ủng hộ người dân các vùng dịch, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh.

Phan Hạnh

Bài viết liên quan

Sáng 14/4: Thêm 3 ca mắc COVID-19 tại Khánh Hoà, hơn 60.000 người Việt Nam đã tiêm vắc xin

Ngọc Nga

Sống cùng F0, làm sao để giảm nguy cơ lây nhiễm?

Ngọc Nga

Gần 59.300 người Việt đã chủng ngừa vắc xin COVID-19; tỉnh Bắc Ninh triển khai tiêm đợt 2

Ngọc Nga

Để lại bình luận