Đoàn cán bộ y tế Hà Nam tại TP Hồ Chí Minh nỗ lực chăm sóc, điều trị cho các F0 nơi tâm dịch

(CDC Hà Nam)

Hà Nam hiện có 80 cán bộ y tế đang thực hiện hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Đợt 1 có 40 y, bác sỹ, đã vào được hơn một tháng, làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 9 thuộc Hóc Môn, điều trị cho các F0 ít triệu chứng. 40 y, bác sỹ vào đợt 2 nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 6 thuộc thành phố Thủ Đức, với công việc chăm sóc, điều trị các F0 nặng.

Điều trị cho các F0, trong đó có nhiều F0 nặng, công việc vất vả và cực kỳ căng thẳng, áp lực, nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng các y, bác sỹ Hà Nam đã và đang từng giờ từng phút nỗ lực giành giật mạng sống cho những bệnh nhân nhiễm vi rút SARS-CoV-2, thứ vi rút quái ác; góp phần cùng đội ngũ cán bộ y tế, lực lượng chức năng, nhân dân TP Hồ Chí Minh và các đoàn hỗ trợ chống dịch đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước nhanh chóng khống chế dịch bệnh Covid-19.

Nỗ lực tiếp sức cho các bệnh nhân Covid-19 

Qua điện thoại, bác sỹ Trần Văn Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền, Trưởng đoàn công tác số 2 của ngành y tế Hà Nam tại TP Hồ Chí Minh cho biết, tối 6/8 đoàn vào đến nơi, nhận chỗ ở, và chỉ có một đêm nghỉ ngơi rồi sáng hôm sau có mặt sớm nhận nhiệm vụ. Cán bộ địa phương, các y, bác sỹ của thành phố rất vui mừng và cảm động khi trong tình hình nước sôi lửa bỏng được các y, bác sỹ của Hà Nam vượt hàng nghìn km đến tiếp sức chống dịch.

Bệnh viện dã chiến số 6 đặt tại một chung cư, điều trị các F0 nặng, phân ra nhiều khoa, đoàn Hà Nam làm việc tại Khoa Cấp cứu số 3. Gần sát ngay đó có 3 bệnh viện dã chiến nữa. Cùng với đoàn Hà Nam, ở đây có một số đoàn cán bộ y tế của các bệnh viện, địa phương khác đến hỗ trợ như Lạng Sơn, Thái Bình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi đoàn phụ trách một khoa điều trị. Ở Khoa Cấp cứu số 3 với khoảng 70 bệnh nhân Covid-19 nặng, hỗ trợ đoàn Hà Nam có các y, bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Phục hồi chức năng và chỉnh hình TP Hồ Chí Minh điều hành chính.

Qua bác sỹ Trần Văn Anh, được biết, tại Bệnh viện dã chiến số 6 tất cả bệnh nhân đều phải thở ô xy, trong đó có 15-20% phải dùng máy thở HFLC (máy thở ô xy dòng cao). Không có người nhà vào chăm sóc, các bệnh nhân hầu hết đều phải nằm một chỗ trên giường, vì thế cùng với việc điều trị, các cán bộ y tế phải chăm sóc bệnh nhân toàn diện, kể cả vệ sinh cá nhân,… nên rất vất vả. Ngoài việc tại bệnh viện phải đeo khẩu trang y tế chuyên dụng 24/24 giờ, gây nên những vệt hằn sâu trên mặt, vất vả nhất là khi vào khu điều trị, các y, bác sỹ phải mặc bộ đồ bảo hộ cấp 3 như những tấm bạt bao kín, lại làm việc từ 3 – 6 giờ liên tục trong môi trường không điều hòa, không uống nước, không đi vệ sinh để hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm. Khi từ trong khu điều trị ra, quần áo bên trong ai cũng ướt sũng mồ hôi, nhiều người gần như kiệt sức. Tuy nhiên, sau khi nghỉ ngơi lấy sức, anh em lại động viên nhau tiếp tục làm việc, bởi họ biết họ phải vững vàng, cố gắng. Sức khỏe, tính mạng của các bệnh nhân trong kia đang trông chờ, gửi gắm vào họ…

Khi nói về những bệnh nhân không may mắc phải thứ dịch bệnh quái ác, qua kết nối điện thoại lúc nghỉ ngơi, giọng một điều dưỡng trong đoàn chùng xuống: Nhìn họ nằm đó với máy thở, túi thở, không người thân thích bên cạnh, anh em trong đoàn ai cũng thương. Có người nặng quá phải dùng ống xông duy trì đường ăn, có người nhẹ hơn được các điều dưỡng bón cháo. Với trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc, anh em trong đoàn cố gắng hết sức, điều trị theo phác đồ, theo dõi sát diễn tiến bệnh của bệnh nhân; tích cực chăm sóc, hỗ trợ, đồng hành, tiếp sức cho các bệnh nhân chống lại thứ vi rút chết người. Giọng nghẹn ngào, điều dưỡng này cũng cho biết, dù đã rất cố gắng, vẫn có những bệnh nhân bị thứ vi rút tử thần cướp đi tính mạng. Nhìn họ ra đi một mình, không người thân thích bên cạnh, không y, bác sỹ nào cầm được nước mắt… Anh em cúi đầu vĩnh biệt họ, làm các thủ tục cần thiết, rồi lặng lẽ quay lại công việc với một quyết tâm lớn hơn, nỗ lực hơn để giúp người bệnh chống chọi với dịch bệnh Covid-19 quái ác. Từ ngày 18/8, đoàn chuyển lên khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng hơn (có cả bệnh nhân lọc máu), số lượng bệnh nhân nhiều hơn (100 bệnh nhân).

Những tín hiệu vui…

Bác sỹ Trần Đức Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, Trưởng đoàn công tác số 1 của ngành y tế Hà Nam hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh cho biết, đoàn nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 9 ở Hóc Môn được 5 tuần, đã tiếp nhận chăm sóc và điều trị tổng số gần 2.000 bệnh nhân Covid-19. Hiện tại đã điều trị khỏi và cho xuất viện khoảng 1.200 bệnh nhân, còn đang điều trị cho hơn 400 bệnh nhân; một số bệnh nhân trở nặng được chuyển lên tầng điều trị cao hơn.

Bác sỹ Trần Đức Lý cho biết thêm, số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện hiện tại ít hơn 20-25% so với trước, trước hết do một loạt bệnh viện dã chiến của thành phố đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, thu dung bệnh nhân Covid-19 điều trị. Cùng với đó, số lượng bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, cho ra viện của toàn thành phố ngày càng nhiều. Trong khi đó, số mắc mới hoặc bằng, hoặc ít hơn so với số được ra viện; TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh việc thực hiện cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà nên giảm được rất nhiều số bệnh nhân đến viện. Tiến độ tiêm vắc-xin tại đây cũng đang được đẩy mạnh. Mặc dù số bệnh nhân ít hơn, nhưng các y, bác sỹ đều phải tập trung chăm sóc, điều trị tích cực cho các bệnh nhân nặng hơn nên khối lượng công việc của các y, bác sỹ vẫn không hề giảm.

Qua câu chuyện trên điện thoại với bác sỹ Trần Đức Lý được biết, sau hơn một tháng làm việc tại đây, các cán bộ y tế trong đoàn đã thạo thuộc công việc hơn rất nhiều nên nhiệm vụ được thực hiện nhanh, trôi chảy. Thời gian đầu cũng có bệnh nhân chưa hợp tác tốt, nhưng càng ngày người dân càng hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh nên đã có sự hợp tác tốt hơn để các y, bác sỹ nhanh chữa khỏi bệnh cho mình. Đặc biệt, các y, bác sỹ nhận được rất nhiều sự quan tâm, tình cảm từ người bệnh, các cấp lãnh đạo cũng như người dân thành phố và từ quê hương Hà Nam. Đó là những phần quà về vật chất nhu yếu phẩm gửi kèm những lời động viên, tri ân. Đã “chiến đấu” ròng rã hơn 1 tháng trong một môi trường làm việc vất vả, căng thẳng, áp lực, nhưng khi nhận được sự quan tâm, động viên như thế, các y, bác sỹ thấy thật ấm lòng và như được tiếp thêm sức mạnh để cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, các lực lượng chức năng thành phố và hơn 13.000 cán bộ y tế cả nước đang hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nhanh chóng khống chế được dịch Covid-19.

Đinh Hạnh

Bài viết liên quan

Sáng 6/9: Gần 292.000 ca COVID-19 đã khỏi bệnh; 6 giải pháp quyết liệt để giảm ca tử vong

Ngọc Nga

Chủ động phòng chống dịch bệnh Biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe

admin

Nguy cơ mắc COVID-19 trầm trọng ở trẻ hen phế quản không được kiểm soát

Ngọc Nga

Để lại bình luận